Bà Yingluck Shinawatra kiện ngược tổng chưởng lý
Obama chỉ trích Putin ngay trước cuộc gặp song phương
Liên Hiệp Quốc sắp tăng cường 40.000 lính mũ nồi xanh
Singapore trẻ hóa nội các, có ngoại trưởng mới
Vụ giẫm đạp ở Saudi Arabia có 1.100 người chết
Tin thế giới đọc nhanh 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
Đảng đối lập Venezuela thắng cử, giành kiểm soát quốc hội
Theo CNN, đây là bước xoay chuyển quyền lực đầu tiên trong cơ quan lập pháp Venezuela kể từ khi cố tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999. Theo đó, đảng đối lập Bàn tròn Thống nhất Dân chủ (MUD) đã giành quyền kiểm soát quốc hội.
"Venezuela, chúng tôi thắng rồi!" Henrique Capriles, lãnh đạo chủ chốt của phe đối lập, thống đốc bang Miranda tuyên bố.
Kết quả này được xem như một trở ngại lớn đối với đảng cầm quyền PSUV. Đây là lần đầu tiên trong vòng 16 năm đảng này thất bại trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc ở Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro thừa nhận thất bại của đảng mình, nhưng cam kết không từ bỏ những lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội mà cố tổng thống Chavez đã đề ra.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh Venezuela - người khổng lồ trong ngành dầu khí phải đối mặt với lạm phát kinh tế lớn. Suy thoái kinh tế khiến bạo lực và bất ổn gia tăng.
Hiện vẫn còn 22 ghế trong quốc hội chưa xác định, tuy nhiên, với chiến thắng áp đảo 99 phiếu, phe đối lập có thể tự tin nói rằng đã giành quyền kiểm soát quốc hội. Quốc hội mới sẽ bắt đầu làm việc vào đầu năm sau, với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Nga vì ảnh lính Nga giương tên lửa vác vai
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua công bố hình ảnh cho thấy một binh sĩ trên tàu Nga giương tên lửa đất đối không khi con tàu đi qua eo biển Bosphorus hôm 5/12. Eo biển này chia đôi thành phố Istanbul và con tàu được cho là đang trên đường tới Syria.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ gọi vụ việc là khiêu khích. Bộ trưởng Giao thông vận tải Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi đây đe dọa trực tiếp đến Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay triệu đại sứ Nga về vụ việc này, Reuters đưa tin.
Theo công ước Montreux năm 1936, trong thời bình, đối với tàu chiến hải quân, Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép tàu cỡ nhỏ và trung bình thuộc tất cả quốc gia đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Các cường quốc Biển Đen có thể điều tàu quân sự thuộc bất kỳ lớp nào đi qua eo biển, với điều kiện là các tàu lần lượt đi qua, được hộ tống bởi không quá hai tàu khu trục. Trong thời chiến, việc lưu thông qua eo biển phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất 9 tỷ USD nếu cắt đứt quan hệ với Nga
Moscow đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một cường kích Nga tại biên giới Syria hôm 24/11, gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất giữa hai nước kể từ Chiến tranh Lạnh.
"Trong trường hợp xấu nhất là cắt đứt quan hệ với Nga, chúng ta có thể mất 9 tỷ USD", AFP dẫn lời Mehmet Simsek, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách kinh tế, nói.
Căng thẳng hiện nay có khả năng làm tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3-0,4%, ông Simsek nói thêm.
Nga áp đặt một số lệnh trừng phạt, bao gồm cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ và dừng việc bán gói tour du lịch đến nước này, một cú sốc lớn đối với du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Simsek cho biết số lượng khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và các hợp đồng xây dựng với công ty Nga đã giảm đáng kể. "Số du khách Nga giảm 603.000 người", ông nói.
"Chúng tôi luôn coi Nga là một đối tác quan trọng và không có ý định leo thang căng thẳng thêm nữa", phó thủ tướng nói thêm.
"Nhưng nếu Nga tiếp tục duy trì thái độ này, thì chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các loại biện pháp răn đe", ông cảnh báo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước thông báo Ankara đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho năng lượng từ Nga, tuyên bố rằng nước ông sẽ "không sụp đổ" vì lệnh trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc năng lượng vào Nga, 55% lượng khí đốt tự nhiên và 30% lượng dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ là từ Nga.
"Chúng ta có thể tìm nhà cung cấp khác", ông Erdogan nói, đề cập đến Qatar và Azerbaijan.
Ba Lan cân nhắc mượn NATO vũ khí hạt nhân
Theo RT, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Szatkowski đưa ra tuyên bố trên hôm 5/12, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Polsat. Ông cho biết, Bộ Quốc phòng đang cân nhắc có nên đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai chương trình "chia sẻ hạt nhân" hay không, để tăng cường năng lực phòng vệ quốc gia.
Đây là lần đầu tiên một quan chức Ba Lan đánh tiếng nước này muốn tham gia chương trình trên của NATO. Trong số 28 thành viên của NATO, chỉ có ba cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Pháp và Anh. Chỉ có Mỹ là cung cấp vũ khí cho đồng minh trong chương trình chia sẻ. Các nước Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai vũ khí hạt nhân mượn từ Mỹ trong chương trình này, theo Guardian.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ba Lan sau đó tuyên bố Warsaw không đưa ra đề xuất chính thức và cũng không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ, theo RIA.
Nếu Ba Lan thực sự có ý định này, rất có thể sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Moscow. Tổng thống Nga Putin hồi tháng 6 từng nói nếu NATO đe dọa Nga, Moscow sẽ có phản ứng tương thích.
Ba Lan là một trong những đồng minh tin cậy nhất của NATO kể từ khi gia nhập năm 1999. Hồi tháng 9, quốc hội Ba Lan đã bật đèn xanh để Tổng thống Duda phê chuẩn thỏa thuận cho phép Mỹ lập căn cứ phòng thủ tên lửa ở Redzikowwo. Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ bắt đầu hoạt động năm 2018.
100 kẻ bịt mặt tấn công cơ quan chính quyền Nội Mông
Theo BBC, vụ việc xảy ra khoảng 3h sáng hôm qua, tại kỳ Ejin, minh Alxa - một trong 12 đơn vị hành chính cấp địa khu ở Nội Mông Cổ (thường gọi tắt là Nội Mông). Kỳ Ejin có diện tích khoảng 114.000 km2.
Những kẻ tấn công trang bị gậy gộc, bình xịt hơi cay. Chúng sử dụng máy móc thi công, phá hủy nhiều khu nhà trong trạm kiểm soát, 11 xe công vụ của lực lượng chấp pháp, khiến 13 người bị thương, trong đó 6 người bị thương nặng. Vụ tấn công diễn ra trong khoảng hai giờ thì những tên này rút lui.
Khu vực thường xảy ra mâu thuẫn giữa người dân tộc thiểu số Nội Mông Cổ và người Hán. Cảnh sát đang truy tìm những kẻ tấn công, hiện chưa rõ động cơ của chúng.