tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 26-05-2016

  • Cập nhật : 26/05/2016

Nhật - Canada quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông

Nhật Bản và Canada cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo, quân sự hoá Biển Đông, trong tuyên bố rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. 
thu tuong canada (trai) bat tay voi nguoi dong cap nhat tai tokyo truoc them hoi nghi g7. anh: reuters

Thủ tướng Canada (trái) bắt tay với người đồng cấp Nhật tại Tokyo trước thềm hội nghị G7. Ảnh: Reuters

Về vấn đề Biển Đông, "chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, như việc cải tạo đất quy mô lớn, xây dựng cơ sở và quân sự hoá", Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Canada Justin Trudeau. 

"Thành tựu đáng kể đạt được là chúng tôi đã nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo vùng biển an toàn, tự do, dựa trên luật định", ông Abe cho hay, đề cập đến cuộc thảo luận với ông Trudeau. 

Thủ tướng Trudeau đến trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), dự kiến diễn ra tuần này. Tại hội nghị, an ninh hàng hải cùng kinh tế toàn cầu và khủng bố sẽ là các vấn đề chính được thảo luận. 

Ông Trudeau tránh đề cập đến tranh chấp hàng hải trong các phát biểu, thay vào đó tập trung vào quan hệ kinh tế với Nhật. 


Syria đổ lỗi Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia

Số người chết trong bảy vụ đánh bom của IS tại hai TP ven biển Tartus và Jableh ở Syria hôm 23-5 đã tăng lên 154 người chết và khoảng 300 người bị thương.

IS phát thông báo khẳng định mục đích đánh bom nhằm trả đũa cho các vụ ném bom của quân đội chính phủ Syria, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hành động.

Kênh truyền hình i24news TV ghi nhận IS đánh bom nhằm gia tăng sức ép với Syria và Iraq trong lúc quân đội Iraq đang phản công tái chiếm Fallujah. IS không hiện diện ở các tỉnh ven biển Syria mà thay vào đó là Mặt trận Al Nusra. Hãng tin Sana (Syria) đưa tin bảy vụ đánh bom nhắm vào trạm xe buýt (ảnh), bệnh viện, nhà máy điện và các cơ sở dân sự.

 

Bộ Ngoại giao Syria đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon quả quyết các lực lượng thù địch và cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia đứng sau các vụ đánh bom nhằm làm thất bại đàm phán hòa bình tại Geneva và lệnh ngừng bắn ở Syria. Ba nước này ủng hộ nhiều nhóm nổi dậy ở Syria nhưng lại tham gia liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án các vụ đánh bom ở Syria. Pháp gọi đó là tội ác ghê tởm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và đề nghị ông hối thúc Syria chấm dứt tấn công tại Aleppo và Daraya. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng không kích và tấn công dân thường nhằm đạt lợi ích chiến thuật, đồng thời cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc kiểm soát quân đội chính phủ Syria. Nga khẳng định các vụ đánh bom cho thấy tình hình bấp bênh ở Syria và cần phải có các biện pháp năng động để nối lại đàm phán hòa bình.


Liên minh người Kurd - Arab tấn công Raqqa

Liên minh các lực lượng người Kurd và Arab hôm qua tuyên bố mở đợt tấn công lớn nhằm vào tỉnh Raqqa, nơi có thủ phủ tự xưng của Nhà nước Hồi giáo.
cac tay sung tham gia chien dich tan cong raqqa. anh: anha.

Các tay súng tham gia chiến dịch tấn công Raqqa. Ảnh: ANHA.

"Với sự tham gia của tất cả đơn vị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chúng tôi bắt đầu chiến dịch giải phóng tỉnh miền bắc Raqqa", SDF viết trên Twitter, dẫn lời chỉ huy người Kurd Rojda Felat. Liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không kích hỗ trợ chiến dịch.

SDF ra đời vào tháng 10/2015. Đây là liên minh giữa Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd và các nhóm nổi dậy gồm dân quân người Arab và Assyria, theo AFP. SDF có khoảng 25.000 tay súng người Kurd và 5.000 tay súng Arab.

SDF tuyên bố sẽ "xóa sạch" phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi phần lãnh thổ phía bắc Raqqa và giữ vững những thành phố đã giành lại được. Lực lượng này không đề cập đến thành phố Raqqa, nơi IS coi là thủ phủ tự xưng ở Syria.

Đợt tấn công diễn ra chỉ ba ngày sau khi Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ Joseph Votel bí mật thăm miền bắc Syria, bàn việc tấn công sào huyệt IS. Mỹ có khoảng 250 cố vấn đang hoạt động tại Syria nhưng không có đơn vị chiến đấu nào.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các chiến đấu cơ liên minh quốc tế hôm qua không kích hàng chục lượt ở phía bắc thành phố Raqqa. Một nhà hoạt động cho biết IS đang sử dụng dân thường Raqqa để làm lá chắn đối phó với đợt tấn công của SDF.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày nói Moscow sẵn sàng hợp tác với Mỹ cũng như SDF trong chiến dịch tấn công Raqqa.


Nóng bỏng vấn đề chủ quyền biển tại hội nghị thượng đỉnh G7

Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 vào cuối tuần này sẽ phản đối mạnh mẽ hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông của Trung Quốc.

Sau hội nghị kéo dài hai ngày (26 và 27-5) tại Ise-Shima (tỉnh Mie của Nhật), nhà lãnh đạo các nước G7 sẽ ra tuyên bố phản đối mọi hành động đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng tại biển Đông.

Kyodo ghi nhận với ngôn phong nhắm đến Trung Quốc, tuyên bố sẽ bày tỏ thái độ phản đối các hành vi dọa nạt, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải theo cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trong khi Nhật và Mỹ lo ngại Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông, các nước châu Âu tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Do đó họ gặp khó khăn khi chỉ trích công khai Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mong muốn các nhà lãnh đạo G7 sẽ thống nhất bày tỏ thái độ đáp trả với hành động thay đổi nguyên trạng ở biển Đông của Trung Quốc. Theo báo Inquirer (Philippines), phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Masato Otaka cho biết việc đưa vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông vào chương trình nghị sự hội nghị G7 không phải là sáng kiến của nước chủ nhà. Ông nhấn mạnh: “Không phải Nhật chọn chủ đề này. Các quốc gia khác muốn nói về vấn đề này, vì thế mà chúng tôi cần bàn luận”.

thu tuong nhat shinzo abe.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Ông tiếp tục khẳng định Nhật ủng hộ quyết định của Philippines kiện“đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực. Ông khẳng định hội nghị G7 không đối đầu với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không kết án ai cả. Mọi chuyện ở đây là luật pháp, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển”.

Ngoài biển Đông, các nước G7 cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên biển Hoa Đông với hành động xâm nhập lặp đi lặp lại của các tàu Trung Quốc vào lãnh hải Nhật quanh quần đảo Senkaku.

Ngoài vấn đề chủ quyền trên biển, chương trình nghị sự sẽ bàn thảo nhiều chủ đề quan trọng về kinh tế toàn cầu, bao gồm khả năng Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu, thương mại, chính sách đối ngoại và biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ kêu gọi không công nhận Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014 và khẳng định sẽ tiếp tục trừng phạt Moscow. Hội nghị cũng sẽ kêu gọi thực hiện hoàn toàn lệnh trừng phạt của LHQ đối với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, hội nghị sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Nga tuyên bố không từ bỏ lợi ích quốc gia trước sức ép trừng phạt

Ngày 25/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố những mưu toan gây sức ép với Moskva bằng con đường trừng phạt đơn phương sẽ không thể buộc nước này từ bỏ những nguyên tắc của mình cũng như từ bỏ lợi ích quốc gia.

ngoai truong nga sergei lavrov. anh: afp/ttxvn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo "Magyar Nemzet" của Hungary trước thềm chuyến thăm nước này cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh biện pháp đáp trả của Nga đối với những hành động mang tính không thân thiện (trừng phạt) là bước đi lấy lại sự cân bằng và có tính đến quyền hạn cũng như trách nhiệm của Nga theo các thỏa thuận quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định Moskva đã không thảo luận và không có ý định thảo luận bất kỳ điều kiện hay các tiêu chí nào để hủy bỏ những biện pháp hạn chế. Theo ông Lavrov, vấn đề này cần phải đặt ra cho những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga và Liên minh châu Âu (EU) đủ sức vượt qua xu hướng tiêu cực hiện nay và trở lại "quỹ đạo" tăng cường hợp tác bền vững do các bên có "quá nhiều ràng buộc về địa lý, kinh tế, lịch sử và đơn thuần là trên bình diện con người".

Ngoại trưởng Lavrov còn cho biết hiện nay Nga đang đổi mới quan điểm trong chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt là trong các vấn đề quốc tế sau 3 năm qua, bao gồm cả mối quan hệ với phương Tây, sự phát triển của tiến trình hội nhập trong không gian Á-Âu, sự suy thoái tình hình tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, làn sóng khủng bố và cực đoan. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga khẳng định sự độc lập, đa phương và cởi mở với các mối quan hệ bình đẳng là những nguyên tắc then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục