Tổng thống Assad bác tin Nga soạn thảo hiến pháp cho Syria
Điện Kremlin đáp trả lời Tổng thống Ukraine về “hoàn trả Crimea”
Ai sẽ vào Bộ Chính trị Trung Quốc tại Đại hội Đảng 19?
Triều Tiên dọa đáp trả vụ Hàn Quốc bắn cảnh cáo 2 tàu
Trung Quốc nhăm nhe xây "Maldives trên Biển Đông"
Tin thế giới đọc nhanh sáng 27-05-2016
- Cập nhật : 27/05/2016
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sẽ can dự lâu dài ở khu vực và biển Đông
Chiến lược cân bằng của Mỹ ở châu Á không phải là một ngày một bữa, mà là chiến lược dài hạn, tạp chí Defense One (Mỹ) dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trước các thủy thủ tại ĐĐH Chiến tranh hàng hải (Mỹ) ngày 25-5.
Ông cho rằng các hành động và phản ứng qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông là một phần trong bức tranh tổng thể căng thẳng hai bên ở khu vực và sẽ chỉ chấm dứt khi Trung Quốc thay đổi. Mà theo ông Carter, sự thay đổi của Trung Quốc là chắc chắn sẽ xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trước các thủy thủ tại ĐH Chiến tranh hàng hải (Mỹ) ngày 25-5. Ảnh: DEFENSE ONE
Phát biểu trước các thủy thủ tại căn cứ tàu ngầm New London ở bang Connecticut (Mỹ) trước đó, Bộ trưởng Carter cho biết các cuộc tuần tra của tàu chiến và máy bay Mỹ trên biển Đông gần đây chỉ là phần dễ nhìn thấy nhất trong kế hoạch lớn của Mỹ.
“Chiến lược cân bằng tại châu Á gồm rất nhiều thứ chứ không chỉ là các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải. Đó là một chương trình tổng thể thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, kinh tế cũng như quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương".
“Mỹ sẽ di chuyển sức mạnh đến châu Á, sẽ hiện đại hóa sức mạnh Mỹ ở châu Á. Các hoạt động tập trận song phương và đa phương, cũng như phát triển quan hệ đối tác quân sự với các nước trong khu vực là một phần trong chiến lược này của Mỹ. Tất cả hạng mục trong chiến lược này đều nhằm duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Á-Thái Bình Dương".
Giải thích về các cuộc tuần tra hàng hải, Bộ trưởng Carter cho biết: “Mỹ thực hiện tuần tra khắp thế giới chứ không riêng ở đâu, không nhắm riêng vào nước nào. Trên biển Đông không chỉ có Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nếu gọi các cuộc tuần tra của Mỹ là thách thức tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, thì Mỹ không chỉ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà thách thức cả tuyên bố chủ quyền của các nước khác".
Bộ trưởng Carter cũng cho rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nên được giải quyết theo hướng hòa bình chứ không phải bằng quân sự, bằng cưỡng ép.
Trung Quốc tính điều tàu ngầm hạt nhân đối phó Mỹ ở Thái Bình Dương
Guardian hôm nay dẫn lời các quan chức quân sự Trung Quốc cho biết việc điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra Thái Bình Dương là hành động không thể tránh khỏi. Hiện chưa rõ thời gian đợt tuần tra đầu tiên được triển khai.
Họ cho rằng Mỹ hồi tháng 3 thông báo kế hoạch bố trí một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc và phát triển tên lửa siêu thanh có thể tấn công Trung Quốc trong vòng chưa đầy một giờ là các mối đe dọa lớn đối với lực lượng răn đe trên đất liền của nước này.
Lầu Năm Góc, trong một báo cáo gần đây trình lên quốc hội Mỹ, lưu ý "Trung Quốc có thể tuần tra răn đe hạt nhân lần đầu tiên vào thời gian nào đó trong năm 2016". Nhiều sĩ quan Mỹ cấp cao trước đó cũng có dự đoán tương tự.
Trung Quốc đã nghiên cứu công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo suốt hơn ba thập kỷ nhưng chưa triển khai thực tiễn do lỗi kỹ thuật và chính sách liên quan. Bắc Kinh vẫn đang theo đuổi chính sách răn đe thận trọng, tuyên bố sẽ không bao giờ là bên sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong trường hợp xảy ra xung đột và tách riêng cơ sở lưu trữ tên lửa với đầu đạn. Hai cơ sở đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo cấp cao.
Việc Trung Quốc điều động tàu ngầm hạt nhân được dự đoán sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng.
Thông tin trên xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Barack Obama thông báo Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, đã kéo dài hàng chục năm, đối với Việt Nam. Các quan chức Trung Quốc công khai hoan nghênh quyết định trên. Tuy nhiên, một bài xã luận trên China Daily, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, lại cảnh báo nỗ lực nhằm "kìm hãm Trung Quốc này gây bất lợi cho hòa binh và ổn định khu vực, có nguy cơ làm phức tạp tình hình" Biển Đông và "châm lửa xung đột".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau đó cho rằng chính hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông cũng có thể châm lửa ở khu vực. "Tôi muốn cảnh báo Trung Quốc không nên có hành động đơn phương nhằm cải tạo và quân sự hóa các đảo", ông nói.
IS nhận trách nhiệm vụ đâm chết thương gia Bangladesh
IS ngày 25-5 lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đâm chết một doanh nhân lớn tuổi người Hindu tại Bangladesh.
Reuters cho biết đây là vụ tấn công thứ hai của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan này tại Bangladesh trong vòng chưa đầy một tuần.
Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á có dân số chủ yếu theo đạo Hồi này đã chứng kiến làn sóng bạo lực Hồi giáo gia tăng, trong đó những người thuộc tôn giáo thiểu số, các nhà hoạt động vì tự do, trường học và nhân viên cứu trợ nước ngoài là mục tiêu tiêu diệt của IS.
Cảnh sát cho biết họ đã phát hiện thương nhân kinh doanh giày Debesh Chandra Pramanik (68 tuổi) bị đâm đến chết trong cửa hàng của ông tại quận Gaibandha phía tây bắc đất nước.
Quan chức cảnh sát Mozammel Haque cho biết khi tìm thấy, thi thể của ông Pramanik đang nằm trên vũng máu của chính mình.
"Những kẻ tấn công đã cắt cổ ông ấy bằng vũ khí sắc nhọn và để mặc ông ta đến chết" - cảnh sát Haque cho biết.
Cảnh sát cũng đã bắt giữ một người tình nghi để thẩm tra.
Cuối tuần trước IS tuyên bố chịu trách nhiệm vụ giết một bác sĩ địa phương.
Trước đây Chính phủ Bangladesh từng phủ nhận sự hiện diện của các tổ chức khủng bố như IS hay Al-Qaeda tại đất nước này và cho rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan trong nước mới là người chịu trách nhiệm cho làn sóng tấn công bạo lực Hồi giáo này.
Cùng ngày 25-5, Bộ trưởng về các vấn đề đối ngoại Shahriar Alam nói với Reuters rằng IS đang cố gắng tạo ra một làn sóng bạo lực tôn giáo bằng những tuyên bố giết chóc mạo nhận.
Ông Alam cũng nói thêm rằng Chính phủ Bangladesh có đủ chứng cứ chứng minh các vụ tấn công là do phiến quân trong nước.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe nói cứng về biển Đông
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ngày 25-5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng thể hiện quan điểm dứt khoát và cứng rắn về biển Đông và căng thẳng hàng hải châu Á, theo báo Nikkei(Nhật).
Theo Thủ tướng Abe, các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông bắt buộc phải phù hợp với luật pháp quốc tế, không thể thông qua hăm dọa hay bằng cách đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật sẽ hoan nghênh một Trung Quốc chủ trương phát triển hòa bình.
Về phần mình, Tổng thống Obama cho biết: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, vì thế không ảnh hưởng đến khả năng giải quyết tranh chấp của Trung Quốc". Ông khẳng định: “Chúng tôi rất muốn nhìn thấy một nghị quyết hòa bình giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục can dự ở biển Đông để nghị quyết này được thành hình".
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama cứng rắn về biển Đông trong cuộc họp báo chung ngày 25-5. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuộc gặp của lãnh đạo hai nước Nhật, Mỹ một phần nhằm thể hiện sức mạnh đồng minh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết liệt trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Nhật trong ngày hôm nay (26-5). Nikkeidẫn một số nguồn tin ngoại giao Mỹ và Trung Quốc cho biết Trung Quốc lo ngại tuyên bố chung hội nghị sẽ có các lời lẽ cứng rắn về các động thái của Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc đã dùng đầu tư để kín đáo vận động Ý và một số thành viên G7 khác không để Nhật và Mỹ đưa vấn đề biển Đông ra bàn tại hội nghị. Theo Nikkei, bằng việc nêu vấn đề biển Đông trước hội nghị thượng đỉnh G7, hai lãnh đạo Nhật và Mỹ rõ ràng muốn đấu lại áp lực này.
Nikkei nhận định có thể tuyên bố chung hội nghị G7 không đề cập cụ thể tên Trung Quốc, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với các “âm mưu đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông”.
Tuyên bố chung đồng thời cũng có thể bày tỏ ủng hộ ba nguyên tắc mà Thủ tướng Abe đã nêu ra trong bài phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Singapore năm 2014: tôn trọng luật pháp, phản đối dùng vũ lực và hăm họa, giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Quân đội Iran dọa san phẳng Israel trong 8 phút
Hình ảnh một tên lửa được thử nghiệm tại địa điểm bí mật ở Iran đăng tải trên trang web của Vệ binh Cách mạng hôm qua. Ảnh: Reuters
"Nếu được lãnh tụ tối cao ra lệnh, với khả năng và các phương tiện vũ khí hiện có, chúng tôi sẽ san phẳng đất nước Do Thái trong chưa đầy đầy 8 phút", Times of Israel mới đây dẫn lời ông Ahmad Karimpour, cố vấn cấp cao của lực lượng đặc nhiệm al-Quds thuộc Vệ binh Cộng hòa Iran cho biết.
Đại giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran từng nhiều lần đe dọa sẽ tiêu diệt nhà nước Do Thái. Tháng 11/2014, ông Khamenei nói trên Twitter rằng Israel đã "hết thuốc chữa" và công bố kế hoạch 9 bước để loại bỏ Israel khỏi bản đồ thế giới. Tháng 9/2015, giáo chủ 76 tuổi này tuyên bố rằng Israel sẽ không tồn tại trong 25 năm nữa.
Hãng thông tấn nhà nước Tasnim của Iran ngày 9/5 đưa tin quân đội nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo dẫn đường tầm trung có tầm bắn 2.000 km, hoàn toàn có khả năng vươn tới Israel.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, theo thỏa nhận hạt nhân Iran được ký kết giữa các bên, vụ thử tên lửa này không bị cấm hoàn toàn nhưng không phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng 7/2015 kêu gọi Iran không thử các loại tên lửa đạn đạo được chế tạo để có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.