Lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ và Canada đang tìm những giải pháp ít sát thương hơn sau hàng loạt vụ cảnh sát nổ súng vào người da màu
Tin thế giới đọc nhanh sáng 26-05-2016
- Cập nhật : 26/05/2016
Chiến hạm Mỹ - Nhật theo dõi sát Trung Quốc tập trận
Cuộc tập trận diễn ra hôm 22 và 23/5, với sự tham gia của một số tàu chiến thuộc hàng tối tân nhất của hải quân Trung Quốc. Một tàu khu trục Mỹ, một tàu khu trục Nhật cùng hai trực thăng chống ngầm đã đi theo và quan sát cuộc tập trận từ khoảng cách đủ để nhìn thấy, trang PLA Dailyđưa tin.
Các tàu thuộc hạm đội Nam Hải, rời căn cứ hải quân ở Tam Á, tỉnh Hải Nam hồi đầu tháng này. Tàu khu trục Lan Châu và Hợp Phì, tàu hộ vệ Tam Á và một nhóm máy bay ném bom thực hành tấn công tàu khu trục Quảng Châu và tàu hộ vệ Du Lâm. Một tàu ngầm làm bên thứ ba đe doạ cả hai bên. Các tàu tiếp vận và máy bay cảnh báo sớm cũng tham gia.
Trước đó, các tàu này tham gia tập trận ở Biển Đông, gây gia tăng căng thẳng khu vực. Nhóm tàu diễn tập tấn công và phòng vệ, tuần tra phi pháp các thực thể Trung Quốc chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một ngày sau, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS William P. Lawrence thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, áp sát đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc và Malaysia bắt tay hợp tác quân sự
Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (phải) gặp chỉ huy hải quân Malaysia tại Bắc Kinh hôm 24/5. Ảnh: Xinhua
Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng gặp chỉ huy hải quân Malaysia Ahmad Kamarulzaman hôm 24/5 tại Bắc Kinh và đạt được đồng thuận hợp tác quốc phòng, an ninh, theo Xinhua.
Ông Hứa cho biết Trung Quốc coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia và sẵn sàng "làm sâu sắc trao đổi quân sự". Trung Quốc sẽ hợp tác với Malaysia để "giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực" cũng như làm sâu sắc "tình hữu nghị Trung Quốc - ASEAN".
Trong cuộc gặp, ông Hứa chỉ trích "một số nước thổi phồng căng thẳng và gây rắc rối" ở Biển Đông và cho biết Trung Quốc phản đối những hành động như vậy. Tuy nhiên, ông Hứa không nêu cụ thể tên quốc gia nào.
Chỉ huy hải quân Malaysia Kamarulzaman tuyên bố sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để tăng cường tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm hợp tác quân sự.
Tháng 9/2015, hơn 1.000 lính Trung Quốc tham gia tập trận chung lần đầu tiên với Malaysia. Sự kiện kéo dài 6 ngày, bao gồm các hoạt động diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu tàu bị cướp biển tấn công, và cứu trợ thiên tai ở eo biển Malacca. Đây là tuyến đường biển quan trọng có ý nghĩa chiến lược, nơi 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua.
Taliban chỉ định thủ lĩnh mới
Ngày 25-5, tổ chức khủng bố Taliban, Afghanistan chỉ định Haibatullah Akhundzada làm thủ lĩnh mới của nhóm để thay thế Mullah Akhtar Mansour, người vừa thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ.
Mullah Akhtar Mansour, thủ lĩnh của Taliban từ tháng 7-2015 vừa bị giết vào ngày 22-5 trong một đợt không kích của Mỹ - Ảnh: AFP
Nhóm Taliban phát đi thông báo chính thức: "Haibatullah Akhundzada được chọn làm thủ lĩnh của Đế chế Hồi giáo (Taliban) sau khi hội đồng nhất trí hoàn toàn. Tất cả thành viên hội đồng cam kết hết lòng vì thủ lĩnh mới".
Mawlawi Haibatullah Akhundzada là kẻ thù không đội trời chung với Mỹ, là một học giả về tôn giáo và từng đứng đầu tòa án Taliban. Suốt thời gian qua, Akhundzada giữ chức vụ số 2 tại Taliban sau Mansour.
Đây cũng là lần đầu tiên nhóm Taliban thừa nhận thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansour đã chết trong vụ không kích của Mỹ. Mansour chỉ mới nắm quyền được 9 tháng, bắt đầu từ tháng 7-2015, khi đó thay thế nhà sáng lập và thủ lĩnh tinh thần Mullah Mohammad Omar.
Đồng thời với việc chọn Akhundzada làm thủ lĩnh mới, Taliban cũng đôn Mullah Yakoub, con trai Mullah Mohammad Omar, lên đồng nắm giữ vị trí số 2 của nhóm với Sirajuddin Haqqani.
Một nguồn tin của Taliban nói với hãng tin AFP rằng sau cái chết của Mansour, hội đồng tối cao Taliban đang tạm thời "ém quân" và thay đổi lộ trình các cuộc họp vì sợ bị không kích.
IS phá hủy 4 trực thăng tại căn cứ không quân Nga
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy những tổn thất nặng nề tại căn cứ không quân Nga ở miền trung Syria sau một vụ tấn công được cho là của IS.
Theo BBC, những hình ảnh này do Hãng tình báo Stratfor cung cấp. Theo đó đã có 4 trực thăng và 20 xe chở tên lửa bị phá hủy trong một loạt vụ cháy xảy ra bên trong căn cứ không quân T4 của Nga tại Syria tuần trước.
Nguyên nhân các vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Quân đội Nga bác bỏ thông tin nói các trực thăng của họ tại căn cứ này bị IS tấn công, phá hủy.
Hãng thông tấn có quan hệ với IS, Amaq, là nơi đầu tiên phát đi thông tin về sự việc, nhưng cũng không nói nguyên nhân nào đã gây ra hỏa hoạn tại căn cứ không quân Nga.
Trong bản tin nóng của Amaq viết: “Bốn trực thăng tấn công của Nga và 20 xe chở tên lửa đã bị cháy rụi bên trong sân bay T4 ở tỉnh Homs phía đông Syria do một đám cháy gần đó”.
Cùng ngày, IS công bố một hình ảnh nói rằng các chiến binh của tổ chức này đã bắn rocket Grad vào căn cứ không quân T4 của Nga.
Chuyên gia phân tích quân sự Sim Tack của Hãng tình báo Stratfor nói: “Những gì mà các hình ảnh nói với chúng tôi thoạt tiên rằng tất cả những việc này không phải là một vụ nổ tai nạn như một số lời đồn liên quan. Nó cho thấy rõ ràng có nhiều nguồn gây nổ khác nhau bao quanh sân bay, và chứng tỏ Nga đã bị tấn công một đòn nặng nề”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định “tất cả trực thăng chiến đấu của Nga tại Syria vẫn tiếp tục sứ mệnh tiêu diệt khủng bố của họ. Không có tổn thất nào trong số các quân nhân”.
Ông Igor Konashenkov nói những tổn thất ở căn cứ không quân T4 của Nga là di chứng từ cuộc giao tranh giữa phiến quân IS và quân đội Syria nhiều tháng trước khi quân đội Nga được điều động tới đó.
Tổng thống Obama sắp gặp Thủ tướng Abe trước thềm G7
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: IndianExpress
Sau chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay dự kiến lên máy bay tới Nhật để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Reuters dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nhật cho biết ông Obama tối nay sẽ hội đàm song phương với Thủ tướng Shinzo Abe về nhiều vấn đề, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng phạm tội của những người đến từ căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật. Nước này tuần trước bắt một nhân viên dân sự Mỹ làm tại căn cứ, liên quan đến vụ sát hại một cô gái 20 tuổi người Nhật.
Ông Abe tuần trước nói ông "hết sức phẫn nộ", không có từ nào để mô tả cảm xúc gia đình nạn nhân phải trải qua. Ông hối thúc phía Mỹ có biện pháp toàn diện để ngăn tình trạng tương tự xảy ra. Nhiều cư dân ở Okinawa phản đối việc khu vực là nơi đóng quân của quân đội Mỹ ở Nhật.
Ông Obama ngày 27/5 dự kiến có chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima, nơi Mỹ từng thả bom nguyên tử, sau khi dự G7. Hai chính phủ đều hy vọng chuyến thăm sẽ thể hiện liên minh mạnh mẽ giữa hai nước từng là kẻ thù trong chiến tranh.
Thủ tướng Abe cũng sẽ hội đàm với người đồng cấp Anh David Cameron tối nay, nguồn tin cho biết.