Malaysia sẽ 'phản đòn' nếu Trung Quốc quân sự hóa Trường Sa
Tổng thống Putin đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria
Mỹ khẳng định chỉ huy cấp cao IS Omar Shishani đã chết
Đồng rúp tăng giá sau khi Putin lệnh rút quân khỏi Syria
Tòa đòi Iran bồi thường 10,5 tỉ USD vì vụ khủng bố 11-9
Tin thế giới đọc nhanh 15-03-2016
- Cập nhật : 15/03/2016
Giải mã bí ẩn 165 năm của 'Tam giác quỷ Bermuda'
International Business Times hôm 13/3 đưa tin, những miệng hố rộng 500 m và sâu 46 m. Chúng có thể do khí gas rò rỉ từ những quặng dầu khí nằm sâu dưới đáy biển gây ra. Khí gas tích tụ ở lớp trầm tích trước khi tạo ra các vụ nổ ở đáy biển và vùng nước xung quanh.
"Vô số miệng hố khổng lồ tồn tại ở đáy biển khu vực trung tây biển Barent có thể là kết quả của những vụ nổ khí gas quy mô lớn. Vùng miệng hố chắc chắn là một trong những điểm nóng giải phóng khí methane ở Bắc Cực", nhóm nghiên cứu tại Đại học Na Uy cho biết.
Gần đây, các nhà nghiên cứu phát triển một thiết bị radar có thể hiển thị hình ảnh chi tiết của vùng đáy biển, theo Sunday Times. Hình ảnh đồ họa chỉ ra rõ nét những khu vực rò rỉ khí methane trên toàn cầu. Phát hiện có thể cung cấp giải thích khoa học cho hàng loạt báo cáo của các thủy thủ về vùng biển sủi bọt không rõ lý do.
Phát hiện sẽ được công bố vào tháng 4 trong cuộc họp thường niên của Liên đoàn Khoa học Địa chất châu Âu. Một trong những chủ đề gây tranh cãi là khả năng đe dọa an toàn tàu thuyền của bọt khí methane. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các con tàu ở Tam giác Bermuda.
Tam giác Bermuda hay "Tam giác Quỷ", là một khu vực ở tây bắc Đại Tây Dương giáp Bermuda, Puerto Rico và Melbourne, Florida, Mỹ, nơi nhiều con tàu và máy bay mất tích bí ẩn trong thời gian dài. Từ khi được ghi nhận vào năm 1851, ước tính khoảng 8.127 người đã mất tích ở Tam giác Bermuda.
Tầng đá gốc ở khu vực này có từ trường bất thường khiến la bàn bị chệch. Trong khi đó, những quặng khí methane đóng băng có thể phát nổ dữ dội, đủ khả năng nhấn chìm các con tàu lớn. Trong vùng biển cũng thường xuyên xuất hiện vòi rồng với sức gió lên đến 190 km/h, phổ biến vào mùa hè khi không khí ẩm ướt và nước biển ấm nóng.
Nga ngỏ ý hợp tác với Mỹ đánh bật IS khỏi sào huyệt ở Syria
"Chúng tôi sẵn sàng phối hợp hành động cùng Mỹ, vì Raqqa là khu phía đông của Syria, và liên quân chủ yếu hoạt động ở đây", Interfax hôm nay dẫn lại lời ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh Ren-TV.
Ngoại trưởng Nga cho biết thêm ở một số giai đoạn, Mỹ đã gợi ý về việc "phân chia lực lượng", rằng Không lực Nga nên tập trung vào việc giải phóng thành phố Palmyra, còn liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ nhắm tới Raqqa.
"Có thể điều này không phải là một bí mật", ông nói.
Mỹ cùng một số nước đồng minh thực hiện chiến dịch không kích truy quét các phiến quân IS ở Syria từ 2014. Nga thực hiện chiến dịch tương tự từ cuối tháng 9 năm ngoái.
Lợi dụng cuộc nội chiến kéo dài ở Syria, các phiến quân IS đã chiếm giữ một phần lớn lãnh thổ của nước này. Chúng cũng mở rộng hoạt động sang Iraq, Libya và Afghanistan.
IS hành hình nhiều dân thường ở các khu vực chúng kiểm soát cũng như các nhà báo, nhà hoạt động xã hội phương Tây nhằm lấy tiền chuộc và trả đũa các nước tuyên bố ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Siêu biểu tình lật đổ tổng thống Brazil
Ngày 13-3, một cuộc siêu biểu tình đã diễn ra đồng loạt ở khắp Brazil với quy mô hơn triệu người đòi lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff và đảng cầm quyền Lao động.
Cảnh sát ước tính biểu tình diễn ra ở hơn 236 TP ở 26 bang với khoảng 3,5 triệu người tham gia. Người biểu tình mặc trang phục màu cờ quốc gia chạy ra các đường phố cho biết hy vọng áp lực từ cuộc siêu biểu tình này sẽ buộc Quốc hội phế truất Tổng thống Dilma Rousseff.
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở TP Sao Paulo, trung tâm tài chính lớn nhất của Brazil và là căn cứ chính của phe phản đối chính phủ với hơn 450.000 người tham gia. Con số này vượt qua cả quy mô cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ tháng 4-1984 khi Brazil chấm dứt 20 năm giới quân sự cầm quyền.
Tổng thống Dilma Rousseff lên truyền thông tuyên bố sẽ không từ chức, đề nghị người dân bình tĩnh không để biểu tình biến thành bạo lực.
Brazil đang trong cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Kinh tế Brazil đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong 25 năm. Mới đây nhất, tín nhiệm đầu tư vào Brazil bị giảm. Dân Brazil bất mãn vì các nhà chính trị không có hành động gì cứu vãn kinh tế đang đi xuống mà chỉ lo bất đồng, tranh giành quyền lực.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hơn một nửa dân Brazil muốn thay tổng thống. Bà Dilma Rousseff làm Tổng thống Brazil từ năm 2011 và được bầu lại nhiệm kỳ hai vào năm 2014.
Uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff trước Quốc hội đang giảm mạnh không chỉ vì kinh tế suy thoái và còn vì dính với một vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến Công ty Petrobras.
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (nhiệm kỳ 2003-2010) hiện là cố vấn trưởng của bà Dilma Rousseff cũng đang đối mặt cáo buộc là một phần trong đường dây tham nhũng Petrobras. Chưa hết, ngày 9-3, ông Luiz Inacio Lula da Silva đã bị khởi tố vì cáo buộc sở hữu một căn hộ cao cấp mà không khai báo.
Một số cố vấn thân cận của Tổng thống Dilma Rousseff cũng đang bị giam chờ điều tra cáo buộc tham nhũng.
Viễn cảnh chính trị u ám của bà Dilma Rousseff và đảng Lao động làm đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), liên minh chủ chốt của chính phủ bà Dilma Rousseff cảnh báo sẽ rời khỏi liên minh trong một tháng nữa.
Nếu bà Dilma Rousseff bị Quốc hội tước quyền tổng thống, Phó Tổng thống Michel Temer, lãnh đạo đảng PMDB sẽ kế nhiệm.
Chưa rõ liệu cuộc siêu biểu tình sẽ dẫn đến thay đổi chính trị ở Brazil. Tuy nhiên, báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định các nhóm đối lập Brazil thiếu chuyên nghiệp và không đủ năng lực tận dụng cơ hội này để lật đổ bà Dilma Rousseff.
Nhà khoa học chính trị Pedro Fassoni Arruda đang là giáo sư tại ĐH Pontifical (Brazil) nỗ lực lật đổ bà Dilma Rousseff sẽ chỉ dừng ở các cuộc biểu tình.
Triều Tiên dọa biến New York thành tro bụi bằng bom nhiệt hạch
"Bom nhiệt hạch của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với loại mà Liên Xô từng phát triển", tờ báo nhà nước Triều Tiên DPRK Today hôm qua đưa tin. Theo tờ báo này, "bom nhiệt hạch Liên Xô trong quá khứ có khả năng phá vỡ cửa kính của các tòa nhà ở khoảng cách 1.000 km. Sức nóng của nó đủ mạnh để gây ra bỏng cấp độ ba trong vòng 100 km".
Nếu quả bom nhiệt hạch mà Triều Tiên sở hữu "được gắn vào một tên lửa đạn đạo liên lục địa và rơi xuống khu Manhattan của New York, tất cả người dân ở đây sẽ chết ngay lập tức, toàn bộ thành phố sẽ cháy thành tro bụi", tờ báo dẫn lời một nhà khoa học hạt nhân tên Cho Hyong Il cho hay.
Triều Tiên hồi tháng một tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Song giới quan sát tỏ ra hoài nghi, cho rằng Bình Nhưỡng chưa thể nắm trong tay công nghệ chế tạo thứ vũ khí nguy hiểm này.
Một tháng sau, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục thông báo phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo. Tuần trước, ông Kim khẳng định Bình Nhưỡng đã có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên những năm qua được cho là đã đạt nhiều bước tiến trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các chuyên gia ước đoán bờ Tây nước Mỹ có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy chúng đủ sức vươn tới bờ Đông nước Mỹ.
Đánh bom chấn động thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, 32 người thiệt mạng
Một quả bom gài trong xe đã phát nổ tại một điểm giao thông đông đúc ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và 125 người bị thương. Đây là vụ tấn công thứ hai tại trung tâm hành chính của TP trong vòng chưa đầy một tháng.
Vụ nổ có thể được nghe thấy cách đó một vài cây số. Những mảnh vỡ trải rộng một khu vực mà cách đó vài trăm mét là Bộ Tư pháp và Nội vụ, một tòa án tối cao và văn phòng cũ của Thủ tướng.
Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu: “Những cuộc tấn công đe dọa sự toàn vẹn đất nước của chúng ta và sự thống nhất, đoàn kết của dân tộc nhưng chúng không làm suy yếu quyết tâm của chúng ta trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố mà còn củng cố chúng”.
Hai sĩ quan an ninh cấp cao trả lời Reuters rằng những điều tra ban đầu cho thấy rằng đảng Công nhân người Kurd (PKK) - những người đã tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài ba thập niên nay cho quyền tự trị của người Kurd, hoặc một nhóm có liên quan, đã chịu trách nhiệm.
Không có tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức, tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ Efkan Ala đã cho biết cái tên đằng sau cuộc tấn công có khả năng sẽ được công bố vào thứ Hai (14-3) sau khi điều tra ban đầu được hoàn thành.
Vụ đánh bom diễn ra hai ngày sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng có thông tin liên quan đến nguy cơ tấn công vào các tòa nhà chính phủ trong khu vực Bahcelievler của Ankara - chỉ cách hiện trường vụ nổ vài dặm.
Bộ trưởng Y tế Mehmet Muezzinoglu cho biết rằng 30 người trong số những người thiệt mạng đã tử vong ngay tại hiện trường, bốn người khác tử vong tại bệnh viện. Ít nhất một hoặc hai người thiệt mạng chính là những kẻ tấn công và 19 trong số 125 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.
Một trong số các sĩ quan an ninh cho biết chiếc xe được sử dụng trong vụ tấn công là một chiếc BMW được lái từ Viransehir - một thị trấn ở phía đông nam mà phần lớn là người Kurd sinh sống. Đảng PKK và nhóm Chim ưng tự do người Kurd (TAK) đã ra mặt nhận trách nhiệm.
Một nguồn tin từ cảnh sát cho biết có vẻ như có hai kẻ tấn công, một người đàn ông và một phụ nữ, được tìm thấy cách hiện trường 300 m.
Đài truyền hình của nhà nước TRT đưa tin chiếc xe đã phát nổ tại một nút giao thông chính. Đó là một chiếc xe buýt chở khoảng 20 người ở gần trung tâm Công viên Guven và quảng trường Kizilay. Vụ nổ xảy ra vào lúc 6 giờ 43 tối theo giờ địa phương, khi khu vực này đang khá đông người.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng phản đối vụ đánh bom, bày tỏ quan ngại sâu sắc. Đây tiếp tục là lời cảnh báo về những mối đe dọa an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt.