Ông Putin chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống khủng bố tại Syria và cả ở trong nước nếu thực sự máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập là do Nhà nước Hồi giáo tấn công.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 12-11-2015
- Cập nhật : 12/11/2015
Trung Quốc đổ lỗi cho Philippines khiến quan hệ căng thẳng
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc ở một tòa án trọng tài quốc tế liên quan tới Biển Đông đã làm căng thẳng quan hệ song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 10-11 đề nghị Manila không đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra hội nghị APEC sắp tới.
Vụ kiện của Philippines “là nút thắt cản trở sự cải thiện và phát triển quan hệ hợp tác Trung Quốc-Philippines”, một tuyên bố trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nói ở Manila trong một chuyến thăm song phương.
“Chúng tôi không muốn nút này thắt ngày càng chặt hơn, đến mức thành một nút chết. Để gỡ nút thắt này phụ thuộc hoàn toàn vào phía Philippines”.
Cuối tháng trước, tòa trọng tài ở Hà Lan đã phán quyết họ có thẩm quyền tài phán và sẽ lắng nghe những lập luận của Philippines chống lại Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa này. Manila đệ đơn lên tòa vào năm 2013.
“Ai gây ra vấn đề thì nên giải quyết vấn đề - ông Vương nói - Chúng tôi hi vọng Philippines có thể đưa ra một lựa chọn cân nhắc hơn”.
Ông cũng đề nghị Philippines không đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương hay APEC, sẽ diễn ra ở Manila tuần tới, dự kiến có sự góp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Vương nói với người đồng cấp Philippines rằng ông muốn đảm bảo chuyến thăm của ông Tập sẽ diễn ra “êm ái, an toàn và thành công”.
Ông Vương cũng đã hội kiến Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.
Phía Philippines, theo lời ông Jose, nhất trí rằng các cuộc gặp sắp tới ở Manila có thể không phải là diễn đàn thích hợp để trao đổi về những tranh chấp.
“Trong bối cảnh APEC, chúng tôi nhất trí rằng APEC là một diễn đàn kinh tế và không phải là nơi thích hợp để thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh”, ông Jose nói.
Tuy nhiên, ông Jose cho biết các nhà lãnh đạo khác vẫn có toàn quyền đưa ra những vấn đề họ muốn.
Ba tàu chiến Trung Quốc lần đầu tới Cuba
Một hải đội Trung Quốc đã tới Cuba ngày 10-11 để tăng cường quan hệ quân sự giữa hai quốc gia, theo lời tư lệnh hải đội này Wang Jianxun.
“Đây là lần đầu tiên một hải đội của Trung Quốc tới hòn đảo này”, ông Wang nói với AFP ở cảng Havana.
Và đây thật sự là “một cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hải quân và quân đội hai nước”.
Cuba và Trung Quốc “chia sẻ ý thức hệ và phát triển những con đường độc lập với mục tiêu chung xây dựng chủ nghĩa xã hội”, ông nói trong một thông cáo báo chí đăng tải lại trên truyền thông Cuba.
Ba tàu chiến trong hải đội này đã cập cảng Havana.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba sau Venezuela. Bắc Kinh cũng là nguồn tín dụng quan trọng với Havana trong bối cảnh Cuba bị bao vây cấm vận.
Chuyến thăm của các tàu chiến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Cuba và Mỹ đang ấm lên với nhiều bước tiến đi tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.
Hai nước láng giềng qua eo biển Florida đã nối lại quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 7 sau 50 năm gián đoạn.
Mỹ buộc tội nghi can tấn công mạng tài chính lớn nhất lịch sử
Các công tố viên Mỹ đã chính thức buộc tội ba nghi can liên quan đến vụ tấn công mạng của các công ty tài chính lớn nhất trong lịch sử nước này.
Các công tố viên Mỹ cho biết họ đã tăng thêm tội danh tấn công máy tính và ăn cắp có chủ đích đối với ba nghi can, trong đó có hai người Israel là Gery Shalon và Ziv Orenstein, cùng công dân Mỹ - Joshua Samuel Aaron.
Công tố viên liên bang Mỹ Preet Bharara cho biết có 12 tổ chức và thể chế tài chính trở thành nạn nhân của vụ tấn công này, trong đó có ngân hàng JPMorgan và tập đoàn quản lý tài sản Fidelity.
Theo Reuters, ba nghi can này trước đó đã bị buộc hàng chục tội danh khác. Công tố viên Bharara cho biết công dân Aaron đang trốn khỏi nước Mỹ. Ông cho rằng nghi can này đang ở Nga. Còn hai nghi can người Israel đang bị giam giữ trong trại giam của nước sở tại.
Trong cuộc tấn công qui mô trên, thông tin cá nhân của khoảng 100 triệu người đã bị các tin tặc đánh cắp từ khoảng năm 2012 đến giữa năm 2015.
Ba nghi can trên cũng bị cáo buộc thao túng giá chứng khoán thông quan việc bán cổ phiếu của các doanh nghiệp có liên quan cho những các nhân mà thông tin đã bị ba tin tặc này tiếp cận và đánh cắp.
Ngoài ra, ba nghi can này còn bị cáo buộc điều hành trái phép hoạt động xử lý thanh toán tài chính, thu lợi bất chính khoảng 1,8 triệu USD.
Các công tố viên Mỹ khẳng định kỹ thuật tấn công mà ba nghi can này dùng thường có liên quan đến các tài khoản hợp pháp do Joshua Aaron đứng tên. Quyền truy cập hợp pháp này được sử dụng như thể Aaron là một khách hàng bình thường.
Song, thực tế đây là động thái lót đường cho các tin tặc khác chiếm quyền truy cập các mạng và hệ thống dữ lệu của những khách hàng khác, là những người có đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán.
Trung Quốc bắt hơn 430 kẻ lừa đảo qua mạng
Cảnh sát Trung Quốc, Hong Kong và lãnh thổ Đài Loan vừa mở chiến dịch phối hợp truy quét tội phạm lừa đảo qua mạng và điện thoại quy mô lớn, bắt được 431 nghi phạm
Số điện thoại dùng để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng bị cảnh sát tịch thu trong chiến dịch truy quét hồi cuối tháng 10-2015 - Ảnh:scmp
Báo South China Morning Post ngày 11-11 cho biết số nghi can bị bắt đa số là người Đài Loan và Trung Quốc.
Những đường dây lừa đảo vừa bị phá vỡ này đặt sào huyệt hoạt động ở Campuchia và Indonesia. Đối tượng chúng nhắm đến là người Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan.
Băng nhóm ở Indonesia bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt gần 15,3 triệu USD của các nạn nhân là người Hong Kong trong 431 vụ mà chúng thực hiện chỉ trong năm 2015.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin có 254 nghi can là người Trung Quốc bị bắt ở Indonesia và Campuchia bị đưa về Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải và Quảng Châu hôm 10-11.
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết đã có hơn 3.000 tin báo tố cáo đường dây ở Indonesia lừa đảo chiếm đoạt tài sản người Hong Kong và Trung Quốc.
Trong đó, cựu ca sĩ giọng nữ cao Lý Nguyên Dung, 73 tuổi đang sống ở Hong Kong, bị lừa đảo chiếm đoạt đến gần 2,6 triệu USD.
Cảnh sát đã xâm nhập một trong các “trung tâm lừa đảo” nằm trong một biệt thự sang trọng ở thành phố Surabaya (Indonesia). Các thành viên phục vụ đường dây này thường được tuyển từ Trung Quốc. “
Để tránh bị phát hiện, những cuộc gọi Internet thường được thực hiện thông qua những máy chủ đặt ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Hong Kong và một số nước châu Á khác “ - một nguồn tin cảnh sát Hong Kong cho biết.
Cảnh sát đặc khu này đã phối hợp với cảnh sát các nước có các băng nhóm tội phạm hoạt động, định vi nơi chúng đặt các máy chủ và nhận dạng trùm của các băng nhóm trên.
Tân Hoa xã cho biết cảnh sát nước này đã phối hợp với cảnh sát Campuchia, tóm gọn 168 thành viên băng nhóm hoạt động ở đất nước chùa tháp.
Thái Lan bắt nghi can lừa 122 người làm "nô lệ tàu cá"
Cảnh sát Thái Lan vừa bắt giữ nghi can Surat Saengsri ở huyện Muang, tỉnh Songkhla với cáo buộc lừa đảo 122 ngư dân vào đường dây lao động như nô lệ trong nghề cá.
Báo Bangkok Post cho biết 122 ngư dân bị lừa đều là người Thái Lan đã bị buộc lao động khổ sai trên các tàu đánh cá của người Thái hoạt động ngoài khơi Indonesia.
Quyền chỉ huy đơn vị chống buôn người của Thái Lan Kornchai Khlaikhlueng cho biết Surat Saengsri, 46 tuổi, hiện là chủ một quán karaoke Ruan Rak trên đường Songkhla Plaza.
Nghi can này đang đối mặt với một loạt tội danh, trong đó có tội buôn người, âm mưu và hỗ trợ bọn buôn người đưa các nạn nhân ra khỏi Thái Lan.
Surat bị bắt sau khi một số nạn nhân bị ông ta lừa đã trốn thoát và trở về Thái Lan tố cáo với cơ quan chức năng. Những nạn nhân này kể rằng họ bị bắt làm việc như nô lệ, còn bị tấn công trên các tàu cá.
Surat đã dùng thủ đoạn hứa hẹn cung cấp cho các ngư dân Thái Lan một công việc hợp pháp và ổn định trên các tàu cá ở Indonesia. Nghi can này đón các nạn nhân tại quán karaoke của mình, sắp xếp chỗ ở trong suốt hành trình đưa họ rời Thái Lan đến Indonesia.
Surat còn bị cáo buộc ăn chặn tiền lương của các nạn nhân. Các ngư dân này sau khi rời quán karaoke của Surat, được đưa lên một tàu chở hàng để đến các tàu cá ở Indonesia. Họ làm việc cực nhọc nhưng không được lãnh bất kỳ đồng lương nào, ngoài số tiền ứng trước rất ít ỏi khi còn ở khu vực Surat quản lý.
Kết quả điều tra kéo dài một năm của Hãng tin AP cho biết những tàu cá Thái Lan hoạt động trái phép ở các vùng biển của Indonesia. Ngư dân bị giam giữ suốt nhiều tháng trên tàu và có khi còn bị nhốt trong “chuồng” khi đội tàu này neo đậu ở một hòn đảo vắng người.
Ông Kornchai cho biết nghi can Surat bác bỏ tất cả mọi cáo buộc từ cảnh sát. Ông ta nói rằng các nạn nhân chỉ đến chơi ở quán karaoke như bao khách hàng bình thường của quán và nhận tiền ứng trước từ 4 người chủ khác. Còn ông ta “chỉ đóng vai trò là người hợp tác tuyển dụng”.
Song, cảnh sát khẳng định họ đang có chứng cứ cho thấy Surat sở hữu tài liệu cũng như giao dịch tài chính với ba nghi can lừa đảo lao động khác. Ba nghi can này còn đang ngoài vòng pháp luật.