Trung Quốc sẽ cải tổ trong năm 2017?
Nga - NATO khẩu chiến về lá chắn tên lửa ở châu Âu
Tàu Trung Quốc “cướp” cá tận châu Phi
“Tên lửa mới của Mỹ sẽ được đặt tại Ba Lan”
Hàn Quốc: Luật chống tham nhũng bị phàn nàn
Tin thế giới đọc nhanh tối 14-03-2016
- Cập nhật : 14/03/2016
Ông Obama cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ - Trung
Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nếu Trung Quốc bỏ qua cơ hội hợp tác với Mỹ, xung đột giữa hai cường quốc có thể nổ ra.
Trả lời phỏng vấn nhà báo Jeffrey Goldberg của tạp chí The Atlantic về chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Obama thể hiện rõ quyết tâm hướng sự tập trung của Mỹ tới châu Á. Ông Obama cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ trong những thập kỷ tới.
Obama khẳng định Mỹ cần phải thể hiện sự cứng rắn khi các hành vi của Trung Quốc đe dọa lợi ích quốc tế. "Nếu quan sát những gì chúng ta đã làm ở biển Đông, chúng ta đã huy động cả châu Á cô lập Trung Quốc theo cách khiến chính Bắc Kinh bất ngờ", ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy theo cách hòa bình, Washington và Bắc Kinh sẽ trở thành các đối tác tin cậy. Khi đó, Trung Quốc có thể chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Obama cảnh báo nếu Trung Quốc viện tới chủ nghĩa dân tộc làm "nguyên tắc tổ chức" và không đảm nhận trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, chỉ nhìn thế giới với ý đồ tạo tầm ảnh hưởng, thì "Mỹ sẽ không chỉ đối mặt với nguy cơ xung đột với Trung Quốc, mà còn gặp nhiều khó khăn khi đối phó với những thách thức tương lai".
Trong thời gian qua, chính phủ Mỹ đã nhiều lần lên án việc Trung Quốc thực hiện các hành vi gây hấn trên biển Đông, như xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Các lãnh đạo quân sự Mỹ cũng tuyên bố sẽ duy trì chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông và bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Theo nhà báo Goldberg, ông Obama cũng đề cập tới một số vấn đề lớn trong chính sách của Mỹ tại châu Á, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Bài báo nhắc tới cuộc gặp lịch sử giữa ông Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng.
Tổng thống Obama bay sang London thuyết phục Anh ở lại EU
Cựu Thủ tướng Thái Lan Chavalit tuyên bố lập "Lực lượng thứ 3"
Theo ông Chavalit, ông đã lập "Lực lượng thứ 3" từ cách đây 3 năm và đó là một nhóm không vũ trang gồm những người có kiến thức và năng lực để có thể giúp giải quyết các vấn đề của Thái Lan.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh ngày 13/3 tuyên bố ông đã thành lập "Lực lượng thứ ba" với sự tham gia của hàng triệu người nhằm chấm dứt các xung đột và xóa bỏ nền chính trị "sắc màu" tại Thái Lan.
Tướng Chavalit đưa ra tuyên bố này khi thông báo về ý định chính trị của mình với báo giới tại nhà riêng vào sáng cùng ngày ở thủ đô Bangkok.
Theo ông Chavalit, ông đã lập "Lực lượng thứ 3" từ cách đây 3 năm và đó là một nhóm không vũ trang gồm những người có kiến thức và năng lực để có thể giúp giải quyết các vấn đề của Thái Lan.
Cựu Thủ tướng Thái Lan nói rằng "Lực lượng thứ 3" gồm hơn 1 triệu thành viên của 21 nhóm sắc tộc miền núi, hàng trăm nghìn "người Thái mới," hơn 10 triệu người nghèo và nhiều người đến từ miền Nam trong đó có khoảng 200.000-300.000 người từng tham gia các lực lượng vũ trang ly khai nhưng nay đã từ bỏ con đường này.
Mục đích của lực lượng này là giáo dục người dân không tham gia vào xung đột và từ bỏ chính trị sắc màu.
Khi có nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực, các thành viên của lực lượng này sẽ can thiệp để ngăn chặn. Ông Chavalit cũng tuyên bố sẵn sàng gặp Thủ tướng Prayut Chan-ocha để bàn luận các vấn đề của đất nước.
Mặt khác, Tướng Chavalit cũng nói rằng những gì ông đã làm trước đây có thể bị hiểu nhầm là phối hợp hành động với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mới đây đã có các công kích trên báo chí nước ngoài nhằm vào Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) và chính phủ hiện tại.
Cựu Thủ tướng Chavalit khẳng định ông không hề nhận tiền hay chỉ thị từ bất cứ ai khi tiến hành việc công bố "thư ngỏ" hôm 24/2, trong đó kêu gọi các tướng lĩnh từ bỏ quyền lực và tổ chức bầu cử ngay trong năm 2016 thay vì đợi tới năm 2017.
Ông khẳng định đã rời khỏi Pheu Thai vì không thực hiện được ý tưởng chính trị của mình và mối quan tâm chính của đảng này chỉ là đưa ông Thaksin về nước.
Tỷ lệ người Nhật "không ưa" Trung Quốc tăng cao kỷ lục
Tỷ lệ người dân Nhật "không ưa" Trung Quốc tăng cao lên mức kỷ lục trên 80% sau hàng loạt động thái gây hấn của Bắc Kinh ở các vùng biển châu Á.
Theo báo South China Morning Post, hôm qua 12-3 Văn phòng Nội các Nhật thông báo cuộc khảo sát dư luận từ ngày 7 đến 17/1 trên 3.000 người cho thấy có tới 83,2% không có thiện cảm với Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao kỷ lục kể từ khi chính phủ Nhật tiến hành khảo sát ý dân về mối quan hệ với các nước từ năm 1978.
Trong cuộc điều tra trước đó năm 2014, tỷ lệ công dân Nhật không ưa quốc gia láng giềng khổng lồ là 83,1%. Chỉ khoảng 14,8% người dân nước này cảm thấy thân thiện với Trung Quốc, tỷ lệ không thay đổi từ năm 2014.
Trong khi đó, tình cảm của dân Nhật dành cho Hàn Quốc được cải thiện, tăng 1,5% lên 33%. Dù vậy vẫn còn khoảng 64,7 % người nói rằng họ không cảm thấy thân thiện đối với xứ sở kim chi.
Người Nhật phản đối Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Ảnh: CNN
Ước tính 84,4 % những người được hỏi cho biết họ quý trọng nước Mỹ, đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật, tăng 1,8% so với các cuộc khảo sát trước đó. Thiện cảm của người dân Nhật dành cho Mỹ tăng cao kể từ khi quân đội Mỹ tiến hành "Chiến dịch Tomodachi" cứu trợ các nạn nhân thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011.
Cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những thách thức lớn đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Căng thẳng giữa hai nước vẫn không suy giảm do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện do Tokyo hiểm soát.
Ngoài ra, các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông như xây đảo nhân tạo, triển khai tên lửa...cũng khiến các quốc gia khu vực và thế giới quan ngại. Nhật đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông.
Tương lai đầy cạm bẫy chờ đón Myanmar
Việc quân đội Myanmar chọn viên tướng về hưu Myint Swe tham gia cuộc đua tới ghế tổng thống cho thấy quan điểm của họ vẫn rất cứng rắn.
Chính phủ dân cử đầu tiên của Myanmar sau hơn 50 năm lên nắm quyền vào đầu tháng 4 tới, với thách thức hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế ốm yếu. Song song đó là hòa giải dân tộc, xử lý tình trạng xung đột vũ trang… Đây đều là những nhiệm vụ nghẹt thở, nhất là khi đi kèm một hiện thực không dễ hóa giải: Quân đội vẫn nắm trong tay rất nhiều quyền lực.
Trên phương diện ngoại giao, "mảnh xương" khó nuốt nhất có lẽ là dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,5 tỉ USD ở bang Kachin, theo báo Irrawaddy (Myanmar). Dự án này bị tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein đình chỉ vào tháng 9-2011 sau khi ông lên cầm quyền, với lý do người dân phản đối quyết liệt vì gây nguy hiểm cho môi trường. Tuy nhiên, ông Thein Sein chỉ tạm dừng dự án trong nhiệm kỳ của mình nên vào cuối tháng 3 này, NLD phải có câu trả lời cho bài toán khó đầu tiên nói trên.
Tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tự tin tuyên bố dự án đập Myitsone sẽ hồi sinh. Bản thân nhà đầu tư - Công ty Đầu tư năng lượng quốc gia Trung Quốc - rất tích cực vận động tại Myanmar. Theo Irrawaddy, nếu cho dự án này sống lại, NLD sẽ gánh những chỉ trích về uy tín, năng lực từ phía người dân. Nhưng "giết" luôn dự án đồng nghĩa với việc Myanmar phải bồi thường không nhỏ cho Trung Quốc, kéo theo đó là những hệ lụy chính trị.
Dự án Myitsone là ví dụ điển hình cho mối quan hệ khó xử với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar song theo báo The Straits Times (Singapore), ngay cả quân đội Myanmar cũng không muốn "lụy" Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia phương Tây ở Yangon lưu ý quân đội Myanmar sợ nhất là bị đặt biệt danh "Triều Tiên của Đông Nam Á" hay "chư hầu của Bắc Kinh".
Nhưng bẫy không chỉ giăng trước lối đi của bà Suu Kyi. Báo The Financial Times (Anh) cảnh báo nỗ lực "sắp xếp lại" quan hệ với láng giềng ở phía Nam của Trung Quốc cũng đối mặt nhiều cái giá không mong đợi. Lúc này, ngoài dự án Myitsone, Trung Quốc còn tăng tốc thúc đẩy đặc khu kinh tế (SEZ) Kyaukpyu nằm ở bờ biển Tây Nam Myanmar, có tổng vốn hơn 10 tỉ USD và do Tập đoàn Citic làm chủ đầu tư.
Bắc Kinh hy vọng Kyaukpyu sẽ trở thành khu hậu cần và gia công khoáng sản lớn của khu vực, từ đó làm bước đệm cho kế hoạch "Một vành đai, một con đường". Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn của Nhật Bản. Vốn đầu tư của Tokyo sắp rải khắp các khu vực hạ tầng của Myanmar. Sau khi khởi động thành công SEZ Thilawa trị giá 2 tỉ USD gần Yangon, Nhật đang nhắm tới SEZ Dawei gần biên giới Thái Lan.
Nóng ruột, Trung Quốc càng dồn sức mạnh chính trị và tài chính vào Kyaukpyu bất chấp các câu hỏi về tính thương mại và xã hội của dự án. Không như những SEZ khác, Kyaukpyu cách xa các thành phố lớn cũng như biên giới Trung Quốc.
"Nhiều khả năng Myanmar sẽ kêu gọi Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Bắc Kinh dẫn đầu bỏ tiền xây 800 km đường mới để nối Kyaukpyu với biên giới Trung Quốc" - ông Win Myint, Giám đốc Ủy ban đánh giá gói thầu Kyaukpyu, nói với tờ The Financial Times. Trừ khi Tập đoàn Citic chấp nhận rủi ro và bỏ ra hàng tỉ USD xây hạ tầng mới, Kyaukpyu sẽ theo chân Myitsone, tờ báo chốt lại.