Bất chấp việc Trung Quốc ngang ngược đe dọa sẽ không dung thứ nếu Mỹ đưa tàu chiến đến sát những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông, Washington đang có những bước đi chuẩn bị cho việc thách thức chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Tàu ngầm Mỹ diễn tập theo dấu tàu ngầm Trung Quốc
- Cập nhật : 12/11/2015
(The gioi)
Trên tàu ngầm hạt nhân tối tân của Mỹ, các binh sĩ hối hả luyện tập tình huống bám theo tàu Trung Quốc, tại những tuyến đường tấp nập giả định giống như Biển Đông.
Khi tàu ngầm hạt nhân tối tân của Mỹ, USS Mississippi, đi qua vùng biển ngoài khơi Hawaii ở độ sâu 122 mét vào tháng trước, người vận hành hệ thống sonar, có chức năng định vị thủy âm để phát hiện tàu ngầm, đột nhiên phát hiện một âm thanh đáng lo ngại từ tai nghe, theo LA Times.
Đó là những tiếng thụp...thụp....thụp yếu ớt, âm thanh đặc trưng của chân vịt 7 lưỡi, thuộc tàu ngầm tấn công lớp Shang của Trung Quốc.
Một vệt xanh lá cây sáng lên trên màn hình hệ thống sonar, cho thấy tàu ngầm lớp Shang đang nằm cách trước mũi tàu ngầm USS Mississippi chỉ vài km.
"Phát hiện tàu ngầm", người vận hành hô lên với 15 sĩ quan và thủy thủ trong phòng điều khiển có ánh sáng lờ mờ. "Tất cả vị trí, hãy phân tích", người vận hành ra lệnh.
Chỉ trong chốc lát, tàu ngầm Mississippi nghiêng qua phải và tăng tốc hệ thống động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân để thực hiện một trong những thao tác khó nhất của hải quân: lén bám theo một tàu ngầm khác chạy phía trước để theo dõi mà không bị phát hiện.
Thực tế, tàu ngầm USS Mississippi chỉ đuổi theo một tàu ngầm ảo, chứ không phải tàu thật của Trung Quốc. Bản ghi âm kỹ thuật số âm thanh đặc trưng của tàu ngầm lớp Sang được truyền đi để phục vụ tập trận.
Tuy nhiên, cuộc diễn tập diễn ra như thật. Hướng đi và tốc độ của một tàu ngầm lớp Shang giả định được nhập tự động vào các máy tính theo dõi mục tiêu của USS Mississippi. Đây bước đầu tiên để phóng một trong 27 quả ngư lôi trên tàu, điều mà không tàu ngầm nào của Mỹ từng thực hiện để chống lại đối phương kể từ Thế chiến II.
Chính quyền Obama 4 năm qua triển khai các tàu và chiến đấu cơ mới nhất đến châu Á, trong chiến lược tái cân bằng nhằm trấn an các đồng minh ở Mỹ ở khu vực này, trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Binh chủng Thầm lặng
Trò mèo vờn chuột giữa hai lực lượng hải quân lớn nhất Thái Bình Dương, Mỹ và Trung Quốc, đang gia tăng, đặc biệt là giữa hai hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của hai nước. Các tàu ngầm của hai nước truy dấu vết của nhau và luyện tập kỹ năng chiến đấu với cường độ ngang bằng thời tàu ngầm Mỹ chuẩn bị để đề phòng một cuộc chiến với Liên Xô.
USS Mississippi là một trong những tàu ngầm tấn công mới nhất và chạy êm nhất của hải quân Mỹ. Phóng viên LA Times đã được phép lên tàu trong thời gian 7 ngày để cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về thế giới bí mật của Binh chủng Thầm lặng - tên gọi không chính thức của các hạm đội tàu ngầm Mỹ.
Dưới lòng biển, chỉ huy Eric Rozek, cùng 130 binh sĩ và thủy thủ, thực hiện một loạt cuộc tập trận phức tạp, thường là chống lại đối thủ giả định là tàu Trung Quốc.
"Đây là cuộc sống của chúng tôi", Rozek nói khi tàu USS Mississippi diễn tập theo dấu tàu ngầm giả định lớp Shang. "Vì nếu chúng tôi có thể làm được điều này, chúng tôi có thể chuyển sang sử dụng vũ khí để tấn công", ông nói.
Cuộc diễn tập nhằm giúp Mississippi, một trong 12 tàu ngầm tấn công lớp Virginia, chuẩn bị cho sứ mệnh đầu tiên vào đầu năm sau. Đó là một cuộc tuần tra kéo dài 6 tháng ở tây Thái Bình Dương, với nhiệm vụ có thể bao gồm bám theo các tàu ngầm và tàu chiến nổi của Trung Quốc.
Nếu có nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Lầu Năm Góc có thể triển khai tàu ngầm USS Mississippi và các tàu ngầm cùng lớp đền gần đại lục Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia phân tích và các sĩ quan hải quân Mỹ, có hiểu biết về kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc.
Các tàu ngầm này có thể phóng các tên lửa hành trình nhằm vào ụ phóng tên lửa chống hạm nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc và tìm cách phóng ngư lôi vào tàu chiến Trung Quốc, trước khi chúng có cơ hội tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
Hệ thống chống ngầm của Trung Quốc đã được củng cố trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của nước này. Hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh "đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng và đáng lưu ý", theo một nghiên cứu mới về sức mạnh quân sự Trung Quốc, do tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Rand Corp có trụ sở tại Mỹ, thực hiện.
Tàu ngầm USS Mississippi tháng 11 năm ngoái được triển khai từ Groton, bang Connecticut đến Trân Châu Cảng, theo chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Hiện nay, có 43 trong tổng số 71 tàu ngầm của hải quân Mỹ đã được điều đến Thái Bình Dương.
Trung sĩ Estevan Trevino (trái) và đại úy Rob Graham trên tàu Mississippi khi rời Trân Châu Cảng hồi tháng 8. Ảnh: LA Times
Khoảng 20 tàu ngầm tấn công, chỉ mang theo vũ khí phi hạt nhân, đang đóng tại Trân Châu Cảng và biến nơi này trở thành căn cứ tàu ngầm lớn nhất của hải quân Mỹ. 4 tàu ngầm tấn công khác đang hoạt động ở đảo Guam, gần hơn với khu vực Biển Đông.
Các tàu ngầm khác đóng ở San Diego và bang Washington, gồm 8 tàu ngầm lớp Ohio dài 170 m, có trang bị tên lửa đạn đạo Trident II gắn đầu đạn hạt nhân. Chúng có thể nấp dưới biển sâu trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Trong khi đó, Trung Quốc đang vận hành ít nhất 62 tàu ngầm chạy bằng diesel và năng lượng hạt nhân. Con số này có thể tăng lên 78 tàu ngầm trong 5 năm tới, theo báo cáo công bố hồi tháng 5 của Lầu Năm Góc.
Chúng bao gồm 4 tàu ngầm lớp Jin được cho là trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung, có gắn đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc "có thể sẽ thực hiện chuyến tuần tra răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm trong năm 2015", báo cáo cho biết.
Trung Quốc đã gia tăng các chuyến tuần tra bằng tàu ngầm thông thường ở Ấn Độ Dương và biển Arab, cho đến phía tây của biển này, tức vùng Sừng Châu Phi.
Theo dấu các tàu ngầm này là nhiệm vụ đã được bổ sung vào khối lượng công việc của hải quân, Đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương hôm 17/9 nói trong một cuộc điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Để đối phó với mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc, hải quân Mỹ đã triển khai các tàu do thám đặc biệt và máy bay trinh sát biển P-8, thả những chiếc phao thủy âm và các thiết bị nghe dưới nước. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng dựa vào các tàu ngầm tấn công ở Thái Bình Dương để giám sát tàu ngầm Trung Quốc.
Hối hả tập luyện
Vào một buổi chiều gần đây, ở ngoài khơi đảo Hawaii, khoảng hơn chục sĩ quan và trung sĩ tập hợp tại phòng ăn tập thể của tàu ngầm USS Mississippi, thảo luận về cuộc tập trận ngày hôm đó.
Mục đích của cuộc tập trận là chuẩn bị ứng phó nguy cơ chiến tranh ở Thái Bình Dương. Kịch bản của cuộc tập trận là một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân lớp Jin của một nước gọi là Churia, đang ẩn nấp ngoài khơi một nước đồng minh của Mỹ, có nét tương đồng với Nhật.
Mississippi có 36 giờ để tìm kiếm tàu ngầm đối thủ và tiêu diệt trong trường hợp cần thiết, thiếu tá Dennis Milsom, người chỉ huy cuộc tập trận giải thích khi nhóm sĩ quan lắng nghe chăm chú. Hầu hết họ chỉ mới làm nhiệm vụ tuần tra trên tàu ngầm lần đầu hoặc hoặc lần thứ hai.
Trong số đó có đại úy Ray Wiggin, sĩ quan phụ trách vũ khí của tàu ngầm. Nhóm của anh có nhiệm vụ quản lý các quả ngư lôi và hơn chục tên lửa hành trình Tomahawk. Anh được lệnh chuẩn bị phóng một loạt tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên bờ Churia.
Hai quả ngư lôi được máy nâng thủy lực đẩy nạp vào các ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm USS Mississippi. Ảnh: LA Times
Tình hình hết sức căng thẳng nhưng chiến tranh chưa nổ ra. Mệnh lệnh giả định cho phép mở cuộc tấn công nếu tàu ngầm lớp Jin có hành động thù địch rõ ràng. "Nếu họ tấn công một tàu vận tải, chúng tôi có quyền giao chiến", Milsom nói.
Nếu không, họ phải theo dấu tàu ngầm lớp Jin và đợi "tác vụ tấn công" - mệnh lệnh truyền đi từ tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, xác nhận chiến tranh với Churia đã khai màn. "Chúng tôi phải đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc đánh chìm họ, hoặc không", Milsom nói.
Trong cuộc tập trận lần này, họ đã không khai hỏa.
Cuộc sống trên tàu không hề dễ dàng. Ngay cả khi tàu ngầm nổi lên và đi vào cảng, chỉ một vài thủy thủ đứng tại khu vực quan sát nhỏ hẹp phía trên đài chỉ huy để ngắm bầu trời.
Họ liên tục đối mặt với áp lực, phải thể hiện họ đủ khả năng đảm đương các nhiệm vụ được giao phó. "Bạn không có nhiều thời gian rảnh", trung sĩ Heath Hooper, phụ trách bộ phận điện tử giúp vận hành lò phản ứng hạt nhân 40.000 kW để sản xuất điện, cho biết. "Họ luôn hỏi 'sau cậu lại đọc sách đấy?' Sao cậu vẫn chưa đủ năng lực?'".
Trong phòng ngư lôi, trung sĩ John Stitt huấn luyện các binh sĩ trong nhóm của anh cách nạp ngư lôi Mark 48. Một nhóm có kinh nghiệm có thể nạp đạn vào ống phóng ngư lôi trong 9 phút, nhưng nhóm của anh thao tác chưa đủ nhanh, nên họ phải tiếp tục tập luyện.
Các quả ngư lôi, dài 5,8 m và nặng gần 2 tấn, được xếp chồng trên các giá đỡ trong một gian phòng thấp. Một số quả mang các đầu đạn với chất nổ có sức công phá lớn và một số chỉ lả đạn thổi (không nổ) sử dụng để huấn luyện.
Hạn chế
Đã qua cái thời tàu ngầm lớp Virginia phải sử dụng kính tiềm vọng để khảo sát tình hình trên mặt nước và phát động tấn công.
Thay vào đó, tàu USS Mississippi nâng cột quang tử có gắn camera ghi hình kỹ thuật số với độ phân giải cao, lên mặt nước. Các cột khác có thể quét mặt biển bằng radar hoặc quét tìm tín hiệu thông tin liên lạc kỹ thuật số và các thông tin tình báo khác.
Tuy nhiên, công nghệ cũng có những mặt hạn chế. Trong một cuộc tập trận, các binh sĩ thực hành tình huống nâng cột quang tử tại tuyến đường biển lưu thông tấp nập, giống như Biển Đông. Màn hình giám sát hiển thị hình bóng của một tàu cá, một tàu du lịch và hai tàu chiến Trung Quốc giả định, bao gồm một tàu ngầm lớp Shang và một tàu khu trục có trang bị tên lửa lớp Luhu.
Tuy nhiên, các thao tác ban đầu của Wiggin, sĩ quan phụ trách nhiệm vụ này, không làm chỉ huy Rozek hài lòng. Để tránh bị phát hiện, Wiggin đã nâng cột quang tử lên và nhanh chóng khảo sát các tàu Trung Quốc rồi hạ xuống, sau đó lặp lại thao tác này nhiều lần.
Wiggin đáng lẽ ra phải di chuyển tàu ngầm đến nơi có thể nâng cột quang tử an toàn để giám sát, vì "chẳng mấy chốc, tàu ngầm lớp Shang sẽ lặn xuống và không còn nhìn thấy nữa", ông Rozek nói
Bên cạnh đó, mặc dù các thiết bị cảm ứng thủy âm tinh vi của tàu ngầm USS Mississippi có thể phát hiện được tiếng động của một đàn tôm đang di chuyển, nhưng hệ thống sonar thụ động không phải lúc nào cũng phát hiện được các tàu ngầm tân tiến nhất của Trung Quốc, những tàu có thể hoạt động gần như tuyệt đối trong im lặng. Đôi lúc, họ có thể làm lộ vị trí chỉ bằng một tiếng đóng cửa hầm trên tàu ngầm hoặc các sơ suất tạo ra tiếng ồn khác.
Giải pháp cho vấn để trên là sử dụng hệ thống sonar chủ động, cho phép truyền đi các xung động âm thanh dội ngược lại khi gặp vật cản là tàu ngầm cùa đối phương. Cách này sẽ phát hiện ra đối phương nhưng đồng thời cũng tự "khai báo" có tàu đang sử dụng hệ thống sonar.
"Nếu chúng ta không tạo ra âm thanh nhân tạo trong nước, chúng ta sẽ không phát hiện được tàu ngầm của đối phương", một sĩ quan vận hành hệ thống sonar trên tàu ngầm USS Mississippi cho biết.