Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố được cho là một phần nguyên nhân khiến nước này rơi vào tầm ngắm của các phần tử cực đoan.
Tin thế giới đọc nhanh 14-11-2015
- Cập nhật : 14/11/2015
“Pháo đài bay” B-52 Mỹ đến gần đảo nhân tạo ở Trường Sa
Ngày 13-11, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quân đội nước này đã triển khai hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông.
Theo AFP, Lầu Năm Góc cho biết trong hai ngày 8 và 9-11, hai máy bay B-52 cất cánh từ đảo Guam “trong một sứ mệnh thông thường ở không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban tiết lộ lực lượng Trung Quốc đã gửi cảnh báo qua radio.
Tuy nhiên cả hai chiếc “pháo đài bay” vẫn hoàn tất chuyến bay mà không có bất cứ vấn đề gì xảy ra. “Cả hai chuyến bay đều diễn ra theo đúng luật pháp quốc tế” - ông Urban nhấn mạnh.
Quan chức này khẳng định hai máy bay không bay gần phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép.
Tuy nhiên trang The Hills dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một chiếc B-52 có bay vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo.
Những chuyển động mới trên biển Đông
Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan ngày 11-11 tuyên bố nước này có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Bắc Kinh trên biển Đông không được giải quyết thông qua đối thoại.
Ông nhấn mạnh: “Jakarta không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại biển Đông… “Đường chín đoạn” là vấn đề không chỉ riêng chúng tôi phải đối mặt mà còn (ảnh hưởng) trực tiếp tới lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”. “Đường lưỡi bò” này liếm tới cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay Tòa Trọng tài Thường trực sẽ tiến hành phiên tòa kéo dài 1 tuần về vụ Philippines kiện các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, bắt đầu từ ngày 24-11. Trong chuyến thăm song phương tới Manila hôm 10-11, Ngoại trưởng Trung Quốc đổ lỗi Philippines làm căng thẳng quan hệ song phương do theo đuổi vụ kiện nói trên.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng vấn đề biển Đông có thể được bàn thảo bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC (dự kiến diễn ra tại Philippines từ ngày 17 đến 19-11), nếu nó không được xếp vào chương trình nghị sự chính thức.
Tại Mỹ, chuyện biển Đông cũng được nói đến trong cả 2 cuộc tranh luận liên tiếp hôm 10-11 của các ứng viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie quả quyết nếu trở thành tổng thống Mỹ thì hành động đầu tiên với Trung Quốc là ông sẽ ngồi trên chuyên cơ Không lực Một bay trên những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông.
Trong khi đó, Thống đốc bang Ohio John Kasich một mặt khẳng định “Trung Quốc không sở hữu biển Đông”, mặt khác hoan nghênh động thái của Tổng thống Barack Obama khi ra lệnh hải quân cho chiến hạm USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nói trên.
Trang tin USNI News (Mỹ) tiết lộ Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đang đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cung cấp thêm chi tiết về sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải của USS Lassen tại biển Đông.
Tàu do thám Trung Quốc tiếp cận quần đảo Nhật kiểm soát
Ngày 13-11, Nhật cho biết phát hiện thấy một chiếc tàu do thám của Trung Quốc di chuyển ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đêm qua.
Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát - Ảnh: Reuters
Theo AFP, Bộ Quốc phòng Nhật thông báo một máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) nước này phát hiện thấy một tàu tình báo lớp Dongdiao của hải quân Trung Quốc trong vùng biển sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát.
Đây là lần đầu tiên một tàu hải quân Trung Quốc hoạt động gần vùng 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi mọi hoạt động tại khu vực này” - một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định.
Tokyo mô tả đêm qua con tàu này liên tục tiến rồi lùi trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng không dám đi vào vùng 13 hải lý xung quanh quần đảo này. Tàu này nặng 6.000 tấn, được trang bị súng ca nông.
Báo Asahi dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết tàu Trung Quốc có thể đến gần Senkaku/Điếu Ngư để do thám trước khi Lực lượng phòng vệ biển Nhật (MSDF) tổ chức cuộc tập trận tại đây trong tháng này.
Báo Yomiuri dẫn lời một số quan chức quân sự Nhật cho biết sẽ tăng cường an ninh biên giới biển để đối phó với sự xâm nhập của tàu Trung Quốc.
Mỹ kêu gọi Myanmar sửa hiến pháp để bà Suu Kyi làm tổng thống
Nhà Trắng ngày 12-11 kêu gọi Myanmar sửa đổi hiến pháp, có thể cho phép nhà lãnh đạo Đảng Liên Đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung Suu Kyi lên làm tổng thống nếu đảng của bà thắng cử.
Lãnh đạo Đảng Liên Đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập Aung Suu Kyi phát biển từ ban công của trụ sở Đảng này ở Yangon - Ảnh:AFP
Hãng tin Reuters dẫn phát ngôn từ Nhà Trắng nhấn mạnh “những thay đổi hiến pháp vẫn rất cần thiết ở Myanmar để củng cố thêm nền dân chủ của nước này".
Sau khi chúc mừng lãnh đạo NLD Suu Kyi về sự thành công trong cuộc bầu cử “lịch sử” hôm 8-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng chiến thắng này đang đưa đảng NLD tiến tới nắm quyền. Song, tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh Myanmar cần có thêm những bước tiếp theo.
Trợ lý chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Obama - ông Ben Rhodes nhấn mạnh quan điểm của Washington vẫn nhất quán về tiến trình đã diễn ra nhiều năm ở Myanmar, liên quan đến cuộc chuyển tiếp dân chủ toàn diện, dân sự cầm quyền ở quốc gia này cần một quá trình cải cách hiến pháp.
Theo ông Rhodes, ngay cả với cuộc bầu cử này, dù đảng NLD đang thắng thế nhưng 25% ghế trong quốc hội vẫn đang do quân đội nắm giữ.
"Tất nhiên, cần có sửa đổi liên quan đến những qui định không cho bà Aung San Suu Kyi đảm đương chức tổng thống. Sắp tới, đây là vấn đề do giới lãnh đạo và nhân dân Myanmar quyết định” - ông Rhodes nói.
Con đường đi đến quyền lực của bà Suu Kyi đã bị phong tỏa từ năm 2008 do hiến pháp Myanmar cấm bất kỳ người Myanmar nào có con hoặc chồng là người nước ngoài lên làm tổng thống. Người chồng quá cố và các con trai của bà Suu Kyi mang quốc tịch Anh.
Hiến pháp trên được cho là do chính quyền quân sự lúc bấy giờ đặt ra nhằm ngăn cản bà Suu Kyi lên làm tổng thống ở quốc gia này.
Ông Rhodes cho biết sau khi quốc hội được bầu và tổng thống mới được chỉ định thì một thời điểm nào đó quốc hội và giới lãnh đạo Myanmar sẽ ra quyết định về cải cách và hiến pháp.
"Tôi nghĩ với vị trí rất lợi thế là lãnh đạo NLD, bà Aung San Suu Kyi sẽ có tiếng nói ảnh hưởng đến hướng đi tương lai của Myanmar" - ông Rhodes nhấn mạnh.
Vatican lại rung chuyển vì bê bối tài chính
Giám mục Pietro Vittorelli - nguyên là cha trưởng của Monte Cassino, một trong những tu viện lớn nhất Ý- bị cáo buộc đã đánh cắp 500.000 euro và vung tiền cho các bữa ăn tối, khách sạn, các chuyến đi nước ngoài
Theo báo chí Ý, hiện ông Pietro Vittorelli, 53 tuổi, cùng người em trai Massimo Vittorelli đang bị điều tra.
Các nhà điều tra cho biết khoản tiền bị biển thủ là tiền từ tài khoản của tu viện cũng như tiền cúng tế của giáo dân từ 2007-2013.
Ông Vittorelli bị cáo buộc đã dùng số tiền trên để chi trả cho những chuyến bay tới London, Lisbon và Rio de Janeiro.
Cảnh sát nói thậm chí có tháng ông chi tới 34.000 euro cho các bữa tối và trả tiền khách sạn cho bản thân và bạn bè.
Trong một chuyến đi London, ông bị cáo buộc đã chi khoảng 7.000 euro tiền khách sạn, mời bạn ăn tối với hóa đơn 700 euro và mua sắm quần áo thiết kế trị giá 1.748 euro...
Theo Telegraph, ông Pietro Vittorelli đã bị cáo buộc biển thủ và rửa tiền, trong khi em trai ông Massimo bị cáo buộc che giấu nguồn gốc tiền thông qua một loạt giao dịch ngân hàng phức tạp.
Massimo cũng bị nghi là đã dùng một số tiền mà ông Pietro đã lấy để mua bốn căn hộ, trong đó có hai căn ở Rome. Hiện cảnh sát đã tịch thu tài sản của hai anh em, trị giá hơn 500.000 euro.
Ông Vittorelli được Giáo hoàng Benedict XVI phong làm cha trưởng Monte Cassino vào năm 2007 khi mới 46 tuổi và được coi là một ngôi sao đang lên trong hàng giáo phẩm của Tòa thánh.
Vụ bê bối của ông đang khiến Vatican "muối mặt", nhất là sau khi Tòa thánh vừa rung chuyển sau những tiết lộ "động trời" của nhà báo điều tra Emiliano Fittipaldi và Gianluca Nuzzi trong hai cuốn sách mới, trong đó đề cập đến những bê bối trong hoạt động tài chính của Vatican, những cuộc đấu đá trong nội bộ và cả cuộc sống xa hoa của nhiều vị quan chức cao cấp Tòa thánh...