Thủ tướng Campuchia dọa kiện ông Sam Rainsy tội vu khống
Tiền tài trợ của Mỹ đi vào nước nào nhiều nhất?
Tổng thống Nga và Indonesia không dự APEC 2015
Khủng bố nhiều nước châu Âu chuẩn bị tấn công
Myanmar: Đảng của bà Suu Kyi giành đa số ghế trong quốc hội
Đồng minh lảng tránh khi Mỹ muốn leo thang diệt IS ở Syria
- Cập nhật : 13/11/2015
(The gioi)
Khi Mỹ chuẩn bị tăng cường không kích IS tại Syria, các đồng minh Arab từng biểu thị sự ủng hộ lớn nay dường như đã kém hào hứng và dần biến mất khỏi chiến dịch.
Theo WSJ, chính quyền Tổng thống Obama đã ca ngợi việc không quân Arab cùng sát cánh với các chiến đấu cơ Mỹ trong những ngày đầu của chiến dịch nhằm bày tỏ sự đồng lòng, đoàn kết chống lại IS. Chỉ huy cấp cao, tướng Lloyd J.Austin III, người giám sát hoạt động của Mỹ tại Syria và Iraq, vẫn tán dương những đóng góp của Arab vào cuộc chiến. Nhưng khi Mỹ bắt đầu thực hiện những hoạt động sâu rộng hơn ở Syria, bao gồm việc điều đặc nhiệm đến giúp đỡ quân nổi dậy và hàng chục máy bay chiến đấu đến Thổ Nhĩ Kỳ, thì chiến dịch gần như chỉ còn mỗi lực lượng Mỹ.
Chính quyền Obama đã cố tránh để cuộc chiến ở khu vực này quá phụ thuộc vào lực lượng Mỹ. Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh hết sức mong muốn hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng giờ đây, Mỹ nhận thấy nhiều đối tác Arab đang lặng lẽ lánh mặt, để mặc cho Washington với cuộc chiến trên không. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ chứng kiến đồng minh "né tránh".
Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã điều chuyển hầu hết máy bay chiến đấu của họ đến chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen. Jordan, nước đã rất tức giận khi IS hành quyết tàn bạo một phi công của nước này, cũng chuyển chiến đấu cơ tới Yemen. Máy bay của Bahrain lần cuối cùng thực hiện những cuộc không kích tại Syria vào hồi tháng hai. Phía Qatar vẫn bay tuần tra tại Syria, nhưng vai trò rất khiêm tốn.
"Họ đang bận rộn làm việc riêng. Giờ đây, Yemen đã trở thành ưu tiên chính của họ", theo trung tướng Charles H.Brown Jr, người chỉ huy chiến dịch không kích từ một căn cứ trị giá 60 triệu USD tại Qatar. Ông nói rằng các đồng minh này vẫn định kỳ bay do thám và cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân của họ.
UAE thực hiện các cuộc không kích cuối cùng tại Syria vào tháng ba Jordan vào tháng 8, và Arab Saudi vào tháng 9, theo thông tin được cung cấp bởi các quan chức trong liên minh vào tuần trước. Nhưng các đồng minh Arab khẳng định họ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống IS, chỉ có điều là ít rầm rộ hơn mà thôi.
"Cam kết của Jordan đối với cuộc chiến này rất vững chắc", Dana Zureikat Daoud, phát ngôn viên của Đại sứ quán Jordan tại Washington nói. "Chúng tôi vẫn là đối tác đóng góp tích cực vào liên minh quốc tế, và tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào những mục tiêu IS".
Sự tham gia của các đồng minh phương Tây, như Pháp và Australia cũng hạn chế. Họ đã tiến hành một số cuộc không kích quy mô nhỏ tại Syria, nhưng đã dành hầu hết hỏa lực nhằm vào IS ở Iraq. Thủ tướng mới của Canada, Justin Trudeau, cam kết thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử, đó là rút lực lượng Canada ra khỏi chiến dịch không kích ở Iraq và Syria.
Và không một đồng minh phương Tây nào muốn cùng Mỹ đưa máy bay chiến đấu đến căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, dù điều này sẽ giúp việc tấn công IS dễ dàng hơn.
Đến nay, 8 đồng minh Arab và phương Tây đã tiến hành khoảng 5% trong số 2.700 cuộc không kích ở Syria, so với 30% trong số 5.100 cuộc không kích ở Iraq, nơi có nhiều đồng minh NATO làm nhiệm vụ. Nhưng Mỹ luôn phải là bên thực hiện phần lớn nhiệm vụ ở Syria cũng như Iraq, vì lực lượng không quân của họ lớn hơn nhiều so với các quốc gia Arab hay bất kỳ lực lượng quân đội nào của phương Tây.
Tăng cường tấn công
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã hứa hẹn với quốc hội rằng tình hình chiến tranh ở Syria sẽ leo thang "với tần suất cao và khốc liệt hơn", trong đó có nhiều cuộc tấn công nhắm vào những kẻ cầm đầu IS và các mỏ dầu, vốn là nguồn tài chính thiết yếu của chúng. Nhưng kế hoạch này đang phải đối mặt với những thách thức.
Lần đầu tiên kể từ năm 2007, Mỹ không có một tàu sân bay nào đóng ở vùng vịnh Ba Tư và sẽ chưa thể có cho đến giữa tháng 12. Hải quân cần thời gian để tiến hành sửa chữa đội tàu của mình. Tàu sân bay Theodore Roosevelt và đội máy bay của nó, chịu trách nhiệm tiến hành khoảng 10% các cuộc không kích diễn ra hàng ngày tại Iraq và Syria, đã rời khỏi vịnh vào đầu tháng 10. Pháp hôm 5/11 cho biết họ sẽ điều tàu sân bay duy nhất của họ đến vịnh để giúp lấp khoảng trống này.
Tướng Brown cho biết liên minh cũng có thể sử dụng máy bay của Mỹ và các đồng minh, bao gồm 12 chiếc máy bay tấn công A-10 mới được triển khai tới căn cứ không quân Incirlik, và 10 chiếc F-15 đang trên đường tới đó.
Căn cứ không quân Incirlik có rất nhiều thuận tiện cho cuộc chiến, khi chỉ mất 15 phút để bay từ đó đến biên giới Syria so với gần 5 tiếng đồng hồ từ các căn cứ khác ở vịnh Ba Tư, khiến liên quân có thể tăng số máy bay được triển khai để tấn công các mục tiêu IS. Nhưng Australia và hầu hết đồng minh châu Âu đều miễn cưỡng nếu phải rời khỏi các căn cứ của họ ở Trung Đông.
Vì vậy, trong khi Pháp tiếp tục tiến hành các cuộc không kích ở Syria, họ vẫn sẽ xuất phát từ Jordan và UAE, ít nhất là vào thời điểm hiện giờ. Họ đã tiến hành khoảng 270 cuộc tấn công ở Iraq và Syria, mặc dù chỉ có hai cuộc không kích tại miền đông Syria, một quan chức cấp cao của Pháp cho biết. Australia sẽ tiếp tục xuất kích máy bay chiến đấu F/A-18 từ UAE.
Anh đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về việc diệt trừ IS, tuy nhiên, không giống như Pháp, lời nói của Anh chưa đi đôi với việc làm. Họ điều máy bay ném bom đến Iraq và chỉ bay giám sát và trinh sát tại Syria.
Thủ tướng Anh David Cameron hứa rằng sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội trước khi có bất cứ hành động quân sự nào tại Syria. Ông nói rằng ông sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu nếu như thấy được một "sự ủng hộ rõ ràng", tuy vậy, cho đến nay ông vẫn chưa có được sự ủng hộ đó.
Thành công trong cuộc bầu cử gần đây của chính trị gia trung tả Jeremy Corbyn ở Công đảng, cùng với chiến dịch quân sự của Nga ở Syria sẽ khiến cho khả năng ông Cameron kêu gọi bỏ phiếu về hành động quân sự trên là rất ít.
Trong khi một số chuyên gia Iraq và phương Tây đã chỉ trích về tiến triển của chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu, tướng Brown mô tả hai khu vực rộng lớn mới, nơi ông dự kiến tổ chức các đợt tấn công trong những ngày tới. Các chiến binh người Kurd và Arab được trang bị vũ khí mới sẽ gây áp lực lên IS trong và xung quanh Raqqa, thành trì của nhóm cực đoan, và buộc chúng phải di chuyển đến vị trí phòng thủ khác.
"Khi chúng tiến công và di chuyển, chúng sẽ dễ trở thành mục tiêu không kích của chúng tôi hơn", tướng Brown nói. "IS đã tự biến mình trở thành một mục tiêu lớn".
Đó là những gì đã xảy ra vào hồi tháng 7, khi một cuộc tấn công của người Kurd ở đông bắc Syria khiến Mỹ có điều kiện thực hiện khoảng chục cuộc không kích mỗi ngày. Nhưng hiện nay, do các chiến binh người Kurd thiếu đạn dược, công với thời tiết xấu và việc Mỹ tập trung vào các mục tiêu ở tây Iraq, tần suất không kích của Mỹ ở khu vực này giảm xuống còn khoảng 4 đợt mỗi ngày.
Tướng Brown cho biết chiến dịch cũng sẽ tăng cường nhằm vào các mục tiêu cố định của IS, như nhà máy sản xuất dầu mỏ, chế tạo bom và các cơ sở khác được coi là nguồn tài chính cho IS.
Việc đưa thêm nhiều máy bay do thám và trinh sát tới căn cứ không quân tại Incirlik sẽ làm gia tăng hiệu quả. Tháng trước, tỷ lệ xuất kích có thả bom của quân đội Mỹ là 67%, tăng so với mức 25% một năm trước đó, đây là dấu hiệu cho thấy các phi công phát hiện ra thêm nhiều mục tiêu để tấn công.
"Những gì tôi muốn là các đợt tấn công ổn định nhằm duy trì sức ép lên IS", tướng Brown nói.