Sự tương tác hàng hải ngày càng lớn giữa Trung Quốc (TQ) và Nga báo hiệu khởi đầu của một trật tự hàng hải đa cực trong khu vực.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 14-03-2016
- Cập nhật : 14/03/2016
Mỹ - Hàn tập trận đổ bộ, Triều Tiên đe dọa tiêu diệt kẻ thù
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 12-3 đã tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ lớn mô phỏng sự phòng thủ bờ biển của Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang và những lời đe dọa tiêu diệt kẻ thù từ Bình Nhưỡng.
Binh lính Hàn Quốc (mũ viền xanh) và Mỹ trong bài tập trận chung trên bãi biển Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Reuters cho biết cuộc tập trận đổ bộ và tấn công diễn ra tại một bờ biển phía đông của Hàn Quốc và là một phần trong 8 tuần tập trận chung "quy mô lớn chưa từng có" giữa Washington và Seoul.
Phản ứng lại, Triều Tiên đã lên án cuộc tập trận này là "động thái chiến tranh hạt nhân" và đe dọa sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công toàn diện.
Hải quân Mỹ cho biết khoảng 55 máy bay hải quân Mỹ và 20 tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc bao gồm tàu sân bay USS Bonhomme Richard và USS Boxer mang theo phản lực AV-8B Harrier và máy bay V-22 Osprey đã tham gia vào các cuộc tấn công trên một bãi biển gần thành phố Pohang.
"Họ sẽ xâm nhập vào hệ thống phòng vệ bờ biển của đối phương, thiết lập một tiền đồn trên bãi biển và nhanh chóng chuyển giao lực lượng và áp chế đối phương trên bờ" - quân đội Mỹ cho biết trước cuộc tập trận.
Trong khi đó quân đội Triều Tiên tuyên bố họ đã sẵn sàng để đối phó với lực lượng Mỹ và Hàn Quốc "bằng một cuộc tấn công siêu chính xác theo phong cách Triều Tiên".
"Các lực lượng vũ trang cách mạng của Triều Tiên đoàn kết tiêu diệt kẻ thù với thái độ căm thù và đang chờ lệnh từ Bộ Tư lệnh tối cao ban xuống để khởi động một cuộc tấn công phủ đầu của công lý" - quân đội Triều Tiên nói với hãng thông tấn nhà nước KCNA.
Trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn đang tìm kiếm chiếc tàu ngầm bị mất tích nhiều ngày qua ở ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chiếc tàu ngầm có thể bị trôi dạt dưới biển hoặc bị đánh chìm sau một buổi thử nghiệm.
Phía Triều Tiên cho biết họ đang phát triển tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mặc dù không ít các chuyên gia phương Tây tỏ thái độ hoài nghi và tuyên bố các hình ảnh công khai về cuộc thử nghiệm từ tàu ngầm là giả.
Chính phủ Brazil có nguy cơ tan rã
Brazil lún sâu vào khủng hoảng chính trị khi đảng liên minh lớn nhất của tổng thống Dilma Rousseff cảnh báo sẽ rút khỏi chính phủ.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Đảng phong trào dân chủ Brazil (PMDB) tuyên bố sẽ sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ở lại trong thành phần của Chính phủ hiện nay hay không trong vòng một tháng tới.
Khoảng thời gian này cho phép PMDB kêu gọi sự ủng hộ của đa số về việc “chia tay” đảng Lao động của tổng thống Rousseff.
Tuyên bố của PMDB, chính đảng lớn nhất tại Brazil, đưa ra trong bối cảnh bà Rousseff đang đối mặt với nỗ lực muốn đưa bà ra luận tội, điều tra về các vi phạm trong bầu cử, vụ bê bối tham nhũng Petrobras đang nhấn chìm chính phủ và nền kinh tế đang ngụp lặn trong khủng hoảng.
Nghị sĩ Osmar Terra, một trong những thủ lĩnh của PMDB, tuyên bố Tổng thống Rousseff hiện không còn kiểm soát được tình hình đất nước, bởi vậy bà không còn khả năng để tập hợp bất cứ sự ủng hộ nào cũng như tìm được lối thoát cho nền kinh tế đất nước.
“Chính phủ đã đưa ra những quyết định sai lầm. Chính phủ đang chìm và PMDB không thể bị chìm cùng nó” - AFP dẫn lời ông Terra nói.
Quyết định cho thấy có sự rạn nứt lớn trong liên minh cầm quyền và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Brazil đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, trong 30 ngày tới, các thành viên của PMDB cũng không cho phép tham gia vào thành phần nội các nhằm tránh việc tổng thống có thể can thiệp vào quyết định của đảng này.
Trước đó, bà Rousseff ngày 11-3 khẳng định bà sẽ không từ chức và cương quyết bảo vệ cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa bị buộc tội rửa tiền trong cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng Petrobras.
PMDB là chính đảng có số nghị sĩ tại cả lưỡng viện Quốc hội cũng như thống đốc bang nhiều nhất ở Brazil. Chủ tịch của đảng này đang giữ chức Phó Tổng thống, trong khi Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cùng 7 trong tổng số 31 bộ trưởng cũng là người của PMDB.
IS tấn công thị trấn Iraq bằng vũ khí hoá học
Wall Street Journal dẫn lời các quan chức an ninh và bệnh viện cho biết vụ tấn công mới nhất xảy ra sáng sớm qua ở thị trấn Taza, tỉnh Kirkuk. Nơi này cũng bị tấn công bằng pháo chứa chất hoá học trước đó ba ngày.
Hoá chất này vẫn đang được phân tích, nhưng triệu chứng phù hợp với việc phơi nhiễm trước khí mù tạt hoặc chlorine, một chuyên gia khám nghiệm pháp y tỉnh của Iraq nói.
Các quan chức ở Taza nói khoảng 400 cư dân phơi nhiễm hoá chất sau khi phiến quân mở cuộc tấn công hôm 8/3. Hầu hết nạn nhân gặp các vấn đề nhỏ về hô hấp và nổi mẩn, ít nhất 4 người được đưa tới Baghdad trong tình trạng nguy cấp, Masroor Aswad, thành viên uỷ ban nhân quyền của Iraq, nói. Bé gái ba tuổi Fatima Samir thiệt mạng vì suy thận và phổi, ông nói.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng việc IS sử dụng chất độc và bắn dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở Taza là tội lớn, chống lại toàn nhân loại.
"Điều những nhóm khủng bố Daesh làm ở thị trấn Taza sẽ không thể không bị trừng phạt", ông nói, dùng tên khác của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc gặp dân làng tại Taza hôm qua. "Những thủ phạm sẽ phải trả giá đắt".
Ấn Độ phản đối Mỹ bán F-16 cho Pakistan để chống khủng bố
Theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng Ấn Độ không hài lòng cũng không đồng ý quan điểm của Washington về việc bán các chiến đấu cơ F-16 của hãng Lockheed Martin cho Islamabad. Ông cho hay Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng đã triệu tập đại sứ Mỹ ở Ấn Độ.
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: Sputnik
“Ấn Độ không đồng tình với Mỹ lý do chuyển vũ khí cho Pakistan là để chống khủng bố” - tờ Indian Express dẫn lời ông Manohar nói.
Trước đó, giới chức thuộc Lực lượng không quân Ấn Độ nhấn mạnh rằng việc bán tám chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan sẽ cản trở hiệu quả của nền quân đội nước này trong khu vực. Thỏa thuận bán tám chiếc F-16, radar và các trang thiết bị khác với trị giá 699 triệu USD cho Pakistan của Mỹ đã được phê duyệt hồi tháng 2 và ngay lập tức đã tạo nên sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ.
Sau quyết định này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul đã gọi Pakistan là “đồng minh bất nhất”, trong khi đó Thượng nghị sĩ Bob Corker tuyên bố Islamabad đang bảo vệ quân khủng bố.
“Pakistan tiếp tục ủng hộ Taliban, mạng lưới Haqqani và đem đến sự an toàn cho tổ chức Al Qaeda” - Thượng nghị sĩ Corker nói.
Bất chấp sự phản đối gay gắt trên, chính quyền Obama vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định này. Thỏa thuận trên sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày nữa nếu được Quốc hội Mỹ thông qua.
Phép thử quan trọng cho bà Merkel
Cử tri tại 3 bang Baden-Wuerttemberg, Rhineland-Palatinate và Saxony-Anhalt ở Đức hôm 13-3 đã tham gia cuộc bầu cử để bầu ra nghị viện mới cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Theo đài BBC, các cuộc bầu cử địa phương này được xem là phép thử quan trọng đối với chính sách về người tị nạn của chính phủ liên bang do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel vẫn là đảng lớn nhất tại bang Saxony-Anhalt, bất chấp tỉ lệ ủng hộ của Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lên đến 19%. Nếu kết quả bầu cử của AfD đúng như thăm dò, liên minh CDU- Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang cầm quyền ở đó sẽ cần phải liên kết với bên thứ 3 để chiếm đa số tại nghị viện. Tại bang Baden-Wuerttemberg, CDU đối mặt nguy cơ mất vị thế đảng lớn nhất về tay Đảng Xanh. Còn ở bang Rhineland-Palatinate, SPD và CDU đang so kè sít sao với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 36% và 35%.
Theo các kết quả thăm dò vừa nêu, AfD - với đường lối cực hữu và chống người nhập cư - có cơ hội vào nghị viện tại cả 3 bang nói trên khi dễ dàng vượt ngưỡng 5% sự ủng hộ. Đảng này hiện đã có mặt tại 5/16 nghị viện bang. Lo ngại kịch bản này xảy ra, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière thuộc CDU kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho AfD. Ông Maizière cho rằng đảng này không có khả năng giải quyết vấn đề mà chỉ gây hại cho đất nước. Mặt khác, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel khẳng định chính phủ sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề nhập cư bất chấp kết quả bầu cử như thế nào.
Nói gì thì nói, một kết quả bất lợi của CDU tại các cuộc bầu cử địa phương nêu trên sẽ càng gia tăng sức ép lên bà Merkel trong lúc nhà lãnh đạo này đang thúc đẩy thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng giảm số người di cư và tị nạn vào Tây Âu.
Một ngày trước khi bầu cử diễn ra, gần 3.000 người tập trung tại thủ đô Berlin để biểu tình chống người nhập cư và kêu gọi bà Merkel từ chức. “Chúng tôi phản đối chính sách của bà Merkel vì bất cứ ai cũng có thể đến đây, thậm chí cả những kẻ khủng bố. Họ không có giấy tờ và có thể ở lại đây mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào. Chúng ta cần phải ngăn chặn điều này” - một người biểu tình nói với đài RT.
Phát biểu tại một sự kiện vận động cử tri ở Baden-Wuerttemberg hôm 12-3, Thủ tướng Merkel dù thừa nhận chính phủ bà gặp vấn đề trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn nhưng vẫn tiếp tục bảo vệ chính sách mở cửa đón nhận người di cư vào Đức. Bất chấp những sức ép nói trên, nữ thủ tướng Đức cũng được khích lệ khi một cuộc thăm dò mới nhất của đài truyền hình ARD cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà đã tăng từ 46% hồi tháng 1 lên 55% hiện nay. Chưa hết, một cuộc thăm dò khác của đài ZDF cho thấy đa số người dân tại 3 bang kể trên ủng hộ cách thức xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn của nhà lãnh đạo Đức.