Các vụ tấn công diễn ra gần như đồng thời tại 6 địa điểm khác nhau trên khắp Paris, thể hiện khả năng phối hợp cao của những kẻ khủng bố.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-11-2015
- Cập nhật : 13/11/2015
Indonesia yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách Biển Đông
“Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng. Chúng tôi không công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc bởi nó không phù hợp với luật pháp quốc tế”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, Armanatha Nasir, tuyên bố.
“Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ ràng đòi hỏi chủ quyền của họ và ý nghĩa của bản đồ đường chín đoạn. Nhưng họ vẫn chưa phản hồi”, ông Nasir nói.
Ông Nasir không tiết lộ Indonesia gửi yêu cầu đến Trung Quốc thông qua kênh đối ngoại vào thời điểm nào. Năm 2014, tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia đã lên tiếng phản đối việc “đường lưỡi bò” lấn sâu vào quần đảo Natuna của Indonesia.
Hôm 11-11, ông Luhut Panjaitan, bộ trưởng các vấn đề chính trị, pháp lý và xã hội Indonesia, cảnh báo Jakarta có thể sẽ kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế vì đường lưỡi bò xâm phạm Natuna.
Khi được hỏi liệu có khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không theo như ông Pajaitan đã nói, ông Nasir trả lời rằng: “Chúng tôi không thể có biện pháp đón đầu trước khi chúng tôi biết được các bước tiến triển của sự việc. Nói một cách chính xác, chúng tôi không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời chúng tôi không công nhận đường chín đoạn mà Trung Quốc đơn phương lập ra. Điều này chúng tôi đã làm rõ với phía Trung Quốc”.
Yonhap: Bí thư Đảng lao động Triều Tiên bị đưa đi cải tạo
“Ông Choe Ryong-hae đang được cải tạo ở trường Đảng cao cấp Kim Nhật Thành”, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một quan chức tình báo Hàn Quốc, cho biết.Trường đảng Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, được đặt theo tên của ông nội của ông Kim Jong-un, là nơi đào tạo các lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên.
Ông Choe hiện là Bí thư đảng Lao động Triều Tiên và từng được cử sang Trung Quốc vài lần, gần đây nhất là tham dự buổi duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ 2 ở Bắc Kinh hồi tháng 9-2015.
Thời gian gần đây, “sự biến mất đột ngột” của ông Choe được các quan chức và giới phân tích Hàn Quốc chú ý sau khi tên ông không xuất hiện trong danh sách các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự lễ quốc tang cho một vị tướng qua đời hồi tuần trước.
Việc ông Choe đang được cải tạo tư tưởng ở trường đảng như thông tin của giới tình báo Hàn Quốc đã xóa đi tin đồn ông bị thanh trừng.
Chưa rõ nguyên nhân vì sao ông Choe bị đưa đi cải tạo. Theo Yonhap, có thể ông Choe dính đến vụ rắc rối xây đập ở núi Paektu mà Bình Nhưỡng xem là công trình mừng sinh nhật của cựu lãnh đạo Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un.
Giới chức Hàn Quốc nhận định đi cải tạo tư tưởng ở trường đảng là một hình thức “trừng phạt khoan dung” thay vì phải viết bản kiểm điểm hay bị đày đến vùng sâu, vùng xa hoặc đi khai thác mỏ than.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết gia nhập EU
Trong ngày, ông Davutoglu đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban châu Âu Frans Timmermans ở thủ đô Ankara.
“Chúng tôi mong rằng EU sẽ có những bước đi cần thiết trong việc mở rộng các phiên đàm phán mới. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng toàn tâm toàn ý gia nhập tỏ chức” -hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu trích lời ông Davutoglu.
Obama sẽ nêu biển Đông bên lề APEC
Indonesia có thể sẽ kiện Trung Quốc ra tòa hình sự quốc tế nếu Trung Quốc không giải quyết yêu sách chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc bằng con đường đối thoại trong tương lai gần.
Reuters đưa tin ngày 11-11, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng An ninh Indonesia, đã thông báo với báo chí như trên.
Trong yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” bao chiếm gần trọn biển Đông của Trung Quốc có quần đảo Natuna của Indonesia.
Bộ trưởng Luhut Panjaitan khẳng định yêu sách của Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn quyền lực được áp đặt trong vấn đề này. Chúng tôi muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình bằng thúc đẩy đối thoại. Đường chín đoạn là vấn đề không chỉ chúng tôi phản đối mà tác động trực tiếp đến lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”.
Trong khi đó, liên quan đến chuyến công du đến Philippines hôm 10-11 của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị để chuẩn bị cho Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin ông Vương Nghị đã đổ lỗi cho Philippines.
Phát biểu với báo chí tại Manila, ông nói Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực là làm gia tăng căng thẳng, cản trở phát triển quan hệ Trung Quốc - Philippines.
Ông cho rằng Philippines phải là bên cải thiện quan hệ và nhấn mạnh: “Người nào gây ra vấn đề thì người đó giải quyết”.
Về chủ đề biển Đông, ngày 10-11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thông báo chủ đề này sẽ được bàn đến bên lề hội nghị nếu chương trình nghị sự chính thức của hội nghị APEC không nêu ra.
Hôm trước đó, Philippines và Trung Quốc thông báo hai nước nhất trí không bàn đến vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị APEC.
Tại Philippines, báo Inquirer đưa tin ngày 11-11, Đại sứ Mỹ Philip Goldberg cho biết Tổng thống Obama và Tổng thống Aquino sẽ thảo luận về chủ đề tranh chấp biển Đông và Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines bên lề hội nghị APEC.
Ông ghi nhận: “Tôi cho rằng họ sẽ làm điều đó. Khi hai tổng thống gặp nhau, đó là các chủ đề có lợi ích chung”.
Ông giải thích: “Chúng tôi cũng đang trông chờ phán quyết rất quan trọng của Tòa án tối cao Philippines về Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng. Đó là một hiệp định tốt đẹp và chúng tôi nóng lòng thực hiện”.
Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg ký kết hồi tháng 4-2014 nhưng một số nghị sĩ Philippines đã kiện với lý do hiệp định này vi hiến.
Hôm 10-11, Thượng viện Philippines đã công bố nghị quyết nêu quan điểm Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Mỹ là hiệp định nên có giá trị mà không cần Thượng viện thông qua.
Theo hiệp định, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines rộng rãi hơn, kể cả xây dựng kho trang thiết bị quốc phòng.
Báo Inquirer nhận định Mỹ trông chờ bởi hiệp định này sẽ hỗ trợ cho chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong khi Philippines sẽ củng cố an ninh trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.
Nga sắp bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc
Hãng tin Tass (Nga) hôm 12-11 dẫn một nguồn tin cho biết Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa chống máy bay tầm xa S-400 Triumph cho Trung Quốc trong khoảng thời gian 1-1,5 năm tới.
Hợp đồng cung cấp S-400 cho Bắc Kinh được Moscow chính thức công bố vào mùa xuân năm nay.
Hồi tháng 4, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, Anatoly Isaykin, tuyên bố: “Tôi sẽ không tiết lộ chi tiết hợp đồng, nhưng Trung Quốc đã trở thành đối tác đầu tiên mua hệ thống phòng không mới nhất củaNga”.
Ông Isaykin cho biết thêm hợp đồng trên nêu bật quan hệ chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch mua 12 hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Theo hãng tin Tass, S-400 Triumph là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung do Nga chế tạo. Nó được thiết kế để tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không – bao gồm những thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất - ở khoảng cách lên tới 400 km.
Hệ thống này được NATO gọi bằng cái tên SA-21 Growler, vốn được nâng cấp từ hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300.
Tháng 4-2007, S-400 Triumph chính thức được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga và triển khai nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên vào tháng 8-2007.
Moscow hiện thiết lập 4 trung đoàn S-400 để bảo vệ không phận quốc gia tại các khu vực gồm Moscow, Kaliningrad và Quân khu miền Đông.