tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

5 nước có thể theo chân Nhật Bản áp dụng lãi suất âm

  • Cập nhật : 14/02/2016

(Tin kinh te)

Sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Thụy Điển áp dụng lãi suất âm, dưới đây là 5 nước khác cũng có thể áp dụng chính sách tương tự trong tương lai gần.

Tính đến nay, đã có 5 ngân hàng trung ương áp dụng mức lãi suất dưới 0%, đó là: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ): lãi suất là -0,1% đối với một số dự trữ; Ngân hàng Trung ương Đan Mạch: lãi suất huy động tiền gửi là -0,65%; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): lãi suất huy động tiền gửi là -0,3%; Ngân hàng Trung ương Thụy Điển: lãi suất chính là -0,5%; Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ: lãi suất chính là -0,75%.
Trong số này, BOJ thông qua chính sách áp dụng lãi suất âm lần đầu tiên vào tháng 1 và gây sốc cho các thị trường. Riksbank của Thụy Điển hạ lãi suất cơ bản xuống -0,5%, sâu hơn vào vùng tiêu cực.
Theo CNBC, sau khi Nhật Bản và Thụy Điển cắt giảm lãi suất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen gợi mở về khả năng áp dụng lãi suất âm. Giới phân tích cho biết hiện có một số ngân hàng trung ương, ngoài Fed, có khả năng lựa chọn chính sách lãi suất tiêu cực, đó là: ngân hàng trung ương Canada, Na Uy, Israel, Cộng hòa Séc và Anh.

1. Canada
anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Canada là nước có khả năng lớn nhất áp dụng lãi suất âm trong năm nay hoặc năm sau, Marc Chandler, chuyên gia chiến lược thị trường ngoại hối ở hãng BBH nhận định. “Tôi không nói rằng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ đặt lãi suất âm, nhưng đây sẽ là ứng viên sáng giá nhất”, ông Chandler nói.
Quốc gia Bắc Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng áp dụng lãi suất tiêu cực bằng cách thảo luận xem làm thế nào điều này có thể làm việc như một công cụ chính sách. Hồi tháng 12, Canada cho hay mức thấp hơn của chính sách lãi suất có thể là -0,5%. Ngân hàng Trung ương Canada sẽ cập nhật thông tin lãi suất vào ngày 9.3.

2. Na Uy
anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Na Uy, hàng xóm của Đan Mạch và Thụy Điển, là quốc gia tiếp theo có thể áp dụng lãi suất âm. “Na Uy sẽ là lựa chọn thứ nhì. Tuy nhiên, vấn đề của nước này là tăng trưởng, không phải lạm phát”, ông Chandler nói.
Ngân hàng Norges của Na Uy hồi tháng 12.2015 cho biết lãi suất có thể hạ trong nửa đầu năm 2016. Ngày 17.3 sắp tới, quốc gia Đông Âu sẽ thông báo quyết định lãi suất.

3. Israel
anh: reuters

Ảnh: Reuters

Citigroup viết trong kịch bản chính rằng Israel sẽ áp dụng lãi suất âm trong năm nay. Hãng tài chính trên nhận định Israel sẽ cắt giảm lãi suất xuống -0,1%, từ mức 0,1% hiện tại trong vòng ba tháng tới. Israel đã chịu đựng tình trạng giảm phát từ năm 2014.
“Với tình hình lạm phát không như kỳ vọng kéo dài, chúng tôi cho rằng sự chịu đựng này sẽ phải kết thúc sớm và kỳ vọng sự kết hợp của chính sách lãi suất tiêu cực cùng chuyện can thiệp ngoại hối tích cực hơn”, nhà kinh tế Ebrahim Rahbari thuộc Citigroup cho hay. Ngân hàng Trung ương Israel sẽ công bố lãi suất vào ngày 22.2.

4. Anh
anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Theo Oxford Economics, thị trường hiện đang cược 50% khả năng nước Anh giảm lãi suất trong năm nay. Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn vì năm ngoái, Anh được xem là một trong những nước có thể nâng lãi suất như Mỹ đã làm vào tháng 12.2015.
Như nhiều nền kinh tế tiên tiến, nước Anh áp dụng mức lãi suất cực kỳ thấp kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, do đó, chỉ với mức cắt giảm nhỏ cũng đủ để lãi suất về 0% hoặc vào vùng tiêu cực. Lãi suất ở Anh là 0,5% từ tháng 3.2009.
“Tôi đoán trong trường hợp của nước Anh, khả năng lãi suất âm không nên được bỏ qua. Đó chắc chắn không phải là kịch bản nền mà chúng tôi đưa ra, nhưng nếu kinh tế thế giới suy thoái và một số phần của kinh tế trong nước yếu đi, ủy ban chính sách tiền tệ của nước này sẽ phải cắt giảm lãi suất về dưới 0%”, chuyên gia về Anh và châu Âu David Tinsley ở ngân hàng UBS nhận định. Ngày 17.3, nước này sẽ công bố quyết định lãi suất.

5. Cộng hòa Séc
anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Citigroup cho rằng Cộng hòa Séc có thể áp dụng lãi suất tiêu cực ở mức -0,1% hoặc thậm chí -0,2% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Khi Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Séc họp trong tuần đầu tiên của tháng 2, họ đã nâng cao khả năng áp dụng lãi suất tiêu cực.
Chuyện Cộng hòa Séc hạ lãi suất, nếu có, sẽ là chất xúc tác để ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất. Dù Cộng hòa Séc không thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), kinh tế nước này vẫn liên kết chặt chẽ với khối và hai đối tác thương mại chính của đất nước là Đức và Slovakia là thành viên eurozone. Cộng hòa Séc sẽ công bố chính sách vào ngày 31.3.


Thu Thảo
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục