Gần hết năm 2015, cả nước vẫn có 16 tỉnh, thành không thu hút được đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nào.
Tin tài chính - tiền tệ thế giới và Việt Nam 19-03-2016
- Cập nhật : 19/03/2016
Giới đầu tư bi quan về đồng tiền tệ nhất châu Á
Kể cả những nhà đầu tư vẫn mua vào đồng won kể từ đầu năm đến nay cũng cho rằng đà tăng giá trong thời gian gần đây của đồng nội tệ Hàn Quốc sẽ sớm chấm dứt.
Đồng won đã giảm giá so với tất cả các đồng tiền châu Á trong 2 tháng đầu năm 2016, sau đó hồi phục và trở thành đồng tiền tốt nhất trong tháng 3 nhờ đà hồi phục của giá hàng hóa. Một nguyên nhân nữa là doTrung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này – tuyên bố không có lý do gì để tiếp tục phá giá nhân dân tệ.
Won đã tăng giá 6,4% kể từ đầu tháng đến nay. Lúc 1h chiều nay (18/3) theo giờ Seoul, đồng tiền này tăng 1%, lên mức 1.161,93 won đổi 1 USD. Ngày 29/9, won chạm mốc thấp nhất kể từ tháng 6/2010.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ mặc dù đồng won hồi phục từ mức đáy thấp nhất 5 năm, xuất khẩu của Hàn Quốc không có dấu hiệu hồi phục. Những cái tên hàng đầu như Samsung Electronics và Hyundai Motor đều dự báo 2016 sẽ là một năm đầy khó khăn.
Vị thế là “phong vũ biểu” cho đồng nhân dân tệ cũng là một gánh nặng đối với đồng won trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm và Bắc Kinh có ý định đánh thuế giao dịch ngoại hối.
Theo dự đoán của các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg, đến cuối năm nay won sẽ giảm giá 6,3% so với USD, xuống còn 1.240 won đổi 1 USD. Như vậy đồng won sẽ giảm giá 3 năm liên tiếp lần đầu tiên trong 2 thập kỷ.
Trong khi đó ngân hàng ANZ khuyến nghị nên mua vào các hợp đồng kỳ hạn 3 tháng. Ngân hàng Pháp Credit Agricole CIB cũng ưa thích giao dịch tương tự nhưng với kỳ hạn 12 tháng. Theo Gary Yau, chuyên gia của Credit Agricole, đồng won đã bị bán quá đà vì Hàn Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế hùng mạnh ở châu Á.
Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vẫn chưa hề cải thiện kể từ khi NHTW Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng 2016 vào tháng 1 vừa qua. Tuần trước, Hàn Quốc phải hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,5%.
Samsung Electronics tiếp tục đối mặt với một năm khó khăn sau khi đã trải qua năm 2015 đầy sóng gió. Trong lá thư gửi tới cổ đông, CEO Kwon Oh-Hyun nhận định nhu cầu về smartphone của hãng sẽ suy giảm mạnh trong năm nay. Cùng lúc đó Hyundai Motor vừa thông báo doanh thu sụt giảm đồng thời dự báo về một năm khó khăn do sự yếu ớt của kinh tế Trung Quốc cũng như tiền tệ các nước mới nổi.
Đô la Mỹ tiếp tục giảm giá, yen và nhân dân tệ tăng cao
Đô la Mỹ ngày 17-3 tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chính khác, sau khi giảm giá vào ngày 16-3 do Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) tuyên bố không tăng lãi suất cơ bản.
Chỉ số đô la Mỹ đóng cửa ngày 17-3 giảm 1,1% xuống mức 94,8. Mức giảm hai ngày qua của chỉ số đô la Mỹ là mức giảm nhiều nhất trong 7 năm.
Trong phiên giao dịch, chỉ số đô la Mỹ có lúc giảm hơn 1,5% xuống mức thấp nhất 5 tháng qua. Trong ngày, đô la Mỹ so với nhiều loại tiền tệ xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Chẳng hạn như, đô la Mỹ so với đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng, so với đô la Úc giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng.
Đóng cửa ngày 17-3 tại New York, đô la Mỹ so với euro và franc Thụy Sĩ giảm hơn 1%.
Với việc Ngân hàng trung ương Anh quyết định giữ nguyên lãi suất, bảng Anh so với đô la Mỹ có ngày tăng lớn nhất kể từ năm 2009. Đóng cửa ngày 17-3 tại New York, bảng Anh so với đô la Mỹ tăng 1,6%, 1 bảng Anh đổi được đến 1,4488 đô la Mỹ.
Đồng yen so với đô la Mỹ tăng hơn 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2014, 1 đô la Mỹ đổi được 111,45 yen.
Hôm nay, tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ được niêm yết ở mức 6,4628 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, tăng 333 điểm, tương đương 0,51% - mức tăng cao nhất trong hơn 4 tháng qua. Sau khi tỷ giá tham chiếu được công bố, nhân dân tệ so với đô la Mỹ ở nước ngoài (CNH) tăng hơn 200 điểm, từ 6,4671 nhân dân tệ lên 6,4443 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ. Nhân dân tệ so với đô la Mỹ ở trong nước (CNY) tăng 0,2%, 1 đô la Mỹ đuổi được 6,4625 nhân dân tệ.
Lạm phát tại Mỹ tăng, cho phép Fed tiếp tục tăng dần lãi suất
Bộ Lao động Mỹ ngày 17-3 cho biết trong tháng 2-2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động - tăng 0,3% so với tháng 1-2016 và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5-2012.
Tại cuộc họp chính sách kết thúc ngày 16-3, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng ghi nhận lạm phát đang tăng. Fed đặt mục tiêu lạm phát 2%.
Số liệu khác cho thấy thị trường nhà ở tiếp tục mạnh lên trong tháng trước và hoạt động chế tạo ổn định hơn.
Sự kết hợp giữa việc lạm phát tăng, thị trường nhà ở ổn định và thị trường việc làm đảm bảo hơn đưa đến khả năng tăng lãi suất vào tháng 6-2016.
USD có chuỗi giảm giá mạnh nhất kể từ 2011
Kể từ đầu tuần, đà tăng của USD đã bị đảo ngược. Đà giảm càng mạnh hơn sau khi các quan chức Fed bất ngờ đưa ra dự báo năm nay Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 2 lần thay vì 4 lần như trước kia.
Đồng bạc xanh đang hướng tới chuỗi giảm điểm 3 tuần mạnh nhất trong hơn 4 năm. Sự thận trọng của Cục dự trữ liên bang Mỹ ( Fed ) khiến giới phân tích cũng như các nhà đầu tư có thái độ bi quan hơn về đồng USD.
Sáng nay (18/3), USD giảm 0,4% so với yên Nhật, xuống mức 110,91 yên đổi 1 USD. Phiên hôm qua có lúc đồng tiền này đã chạm mốc 110,67 yên đổi 1 USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Tổng cộng USD đã giảm 2,6% kể từ đầu tuần đến nay. Yên Nhật là đồng tiền được hưởng lợi nhiều nhất sau khi USD giảm giá.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index hiện ở mức 1.181,14 điểm, giảm tổng cộng 1,7% trong tuần này. Trong 3 tuần gần đây chỉ số này đã giảm 4%, mạnh nhất kể từ tháng 10/2011.
Kể từ đầu tuần, đà tăng của USD đã bị đảo ngược. Đà giảm càng mạnh hơn sau khi các quan chức Fed bất ngờ đưa ra dự báo năm nay Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 2 lần thay vì 4 lần như trước kia.
Cuba sẽ dỡ bỏ thuế đối với đồng USD
Havana đang có ý định dỡ bỏ 10% thuế đánh vào đồng USD sau khi Washington nới lỏng những giới hạn tiền tệ đối với nước này.
Một nghệ sĩ người Cuba trưng bày nhiều hình ảnh liên quan đến tổng thống Mỹ Barack Obama ở cửa hàng bán đồ lưu niệm tại thủ đô Havana, Cuba - Ảnh:AP
Tuy nhiên, hãng tin Reuters hôm 1703 dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Cuba, ông Bruno Rodriguez nhấn mạnh việc dỡ bỏ này chỉ được thực hiện khi chính phủ của ông chắc chắn rằng Mỹ cũng sẽ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ đối với Cuba sớm hơn.
Giới chuyên gia nhận định tuyên bố trên của Bộ ngoại giao Cuba là cành ô liu mà quốc gia nam Mỹ này muốn trao cho chính quyền Washington ngay trước chuyến thăm chính thức của tổng thống Obama đến Cuba.
"Trong những ngày tới chúng tôi sẽ thử giao dịch bằng đồng USD với các tổ chức ngân hàng ở nước thứ ba và cả ở Mỹ để chứng thực những giao dịch này có thể thực hiện được”- ông Rodriguez nhấn mạnh.
Các ngân hàng của Mỹ giờ đây có thể thực hiện các giao dịch đồng USD đối với Cuba ngay với người mua hoặc người bán là những cá nhân và tổ chức của Mỹ. Đây là tiến triển mới nhất trong mối quan hệ đóng băng giữa Washington và Havana từ năm 1960 đến nay.
Tổng thống Obama và gia đình ông sẽ thăm chính thức Cuba từ ngày 20-3 đến 22-3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Cuba kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước căng thẳng.
Tổng thống Obama và chủ tịch Cuba Raul Castro đã cam kết bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từ năm 2014. Và, phía Cuba cũng đang hi vọng Washington sẽ sớm dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận kinh tế đối với họ.
Cơ quan tuần duyên Mỹ hôm 17-3 tuyên bố sẽ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước đáng quan ngại về an ninh ở các cảng biển của Mỹ. Phía Mỹ cũng bãi bỏ những khuyến cáo tàu Mỹ cảnh giác cao độ về an ninh khi cập cảng biển ở Cuba.
Nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất 4 tháng
Nhân dân tệ vừa tăng giá lên mức cao nhất trong 4 tháng sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá tham chiếu cao hơn nhiều so với đô la Mỹ.