Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Tin tài chính - tiền tệ thế giới và Việt Nam 18-03-2016
- Cập nhật : 18/03/2016
Vàng mở rộng đà tăng khi quyết định của Fed kéo USD giảm sâu
Giá vàng thế giới tiếp tục mở rông đà tăng trong bối cảnh đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng sau tuyên bố không mấy lạc quan của Fed.
Giá vàng thế giới tiếp tục mở rông đà tăng trong bối cảnh đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng sau tuyên bố không mấy lạc quan của Fed. Trong khi giá vàng SJC không có nhiều biến động trong sáng nay (18/3) sau khi đã tăng hơn 200.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua.
Mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed không gây nhiều bất ngờ cho thị trường, song tuyên bố phát đi sau đó của Fed u ám hơn dự kiến đã khiến đồng USD chịu áp lực bán mạnh, rơi xuống thấp nhất 5 tháng so với giỏ các đồng tiền chủ chốt.
Giá vàng nhờ đó tiếp tục nới rộng đà tăng, thậm chí có thời điểm đã vọt lên sát 1.270 USD/oz; tuy nhiên, sau đó lại quay đầu giảm dưới áp lực chốt lời. Hiện giá vàng kỳ hạn tháng Tư đang dừng ở 1.261,50 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng đang xoay quanh 1.262 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước không có nhiều biến động trong sáng nay sau khi cũng đã tăng khá mạnh tới hơn 200.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua. Do không theo kịp đà tăng của giá vàng thế giới nên hiện giá bán vàng SJC tại các DN đang thấp hơn so với giá vàng thế giới quy đổi từ 100 – 200 nghìn đồng/lượng.
Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ tăng nhẹ giá mua bán vàng SJC 10.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch tại TP.HCM lên 33,66 – 33,93 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,66 – 33,95 triệu đồng/lượng.
Hiện giá bán ra vàng SJC của DN đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi 100.000 đồng/lượng.
Trong khi Tập đoàn DOJI vẫn giữ nguyên giá mua – bán vàng SJC của mình như cuối giờ chiều qua là 33,77 – 33,85 triệu đồng/lượng. Vì vậy, hiện giá bán ra vàng SJC của DOJI thậm chí còn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 200.000 đồng/lượng.
Theo các nhà phân tích, dư âm quyết định của Fed sẽ còn tiếp tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Song giá vàng khó có thể tăng mạnh do trên thực tế Fed vẫn chưa từ bỏ ý định sẽ tăng tiếp lãi suất trong năm nay và nhiều khả năng giá vàng cũng sẽ chỉ lình xình đi ngang trong phiên cuối tuần để chờ thêm các thông tin mới.(TBNH)
USD giảm mạnh nhất 7 năm qua
Phiên 17/3, USD tiếp tục giảm, xuống thấp nhất 8 tháng, sau khi Fed đưa ra quan điểm thận trọng về nền kinh tế và giảm số lần tăng lãi suất.
Lãi suất thấp khiến đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư đang tìm kiếm lợi tức.
Phiên 17/3, USD tiếp tục giảm, xuống thấp nhất 8 tháng, sau khi Fed đưa ra quan điểm thận trọng về nền kinh tế và giảm số lần tăng lãi suất.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 1,1% xuống 86,63 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6/2015.
Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 1,1% xuống 94,8 điểm, trước đó trong phiên giảm 1,5% xuống thấp nhất 5 tháng qua.
Chốt phiên, USD giảm 1,1% so với yên xuống 111,386 JPY/USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Euro cũng tăng 0,8% so với USD lên 1,132 USD/EUR.
Đà giảm của USD diễn ra sau khi Fed hôm thứ Tư 16/3 cho thấy Ngân hàng trung ương Mỹ có thể chỉ tăng lãi suất 2 lần trong năm nay thay vì 4 lần như dự kiến hồi tháng 12/2015.
Các quan chức Fed cũng có cái nhìn bi quan hơn đôi chút về nền kinh tế, cho thấy những khó khăn mà Fed đang đối mặt khi kinh tế toàn cầu giảm tốc và kinh tế Mỹ đang chật vật tăng trưởng. Nhiều trader tiền tệ và giới đầu tư đã kỳ vọng Fed có quan điểm lạc quan hơn sau một loạt số liệu kinh tế khởi sắc, sự ổn định của thị trường toàn cầu và giá dầu hồi phục.
USD cũng giảm so với đồng tiền các nước mà Ngân hàng trung ương họp chính sách hôm thứ Năm 17/3.
Bảng Anh tăng 1,5% so với USD lên 1,4481 USD/GBP bất chấp Ngân hàng trung ương Anh hôm thứ Năm 17/3 giữ nguyên lãi suất và cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý tới đây của Anh về tư cách thành viên EU có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế.
USD giảm 1,6% so với kroner Na Uy xuống 8,3204 NOK/USD. Ngân hàng trung ương Na Uy hôm thứ Năm 17/3 giảm lãi suất trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu thô này.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nam Phi lại nâng lãi suất nhằm hỗ trợ đồng nội tệ trong cơn bão chính trị. USD giảm 3,3% so với rand Nam Phi xuống 15,1449 ZAR/USD.
Đồng tiền các thị trường mới nổi cũng tăng giá so với USD nhờ giá dầu đi lên và triển vọng lãi suất thấp trong dài hạn. Lãi suất thấp tại Mỹ hỗ trợ các thị trường mới nổi khi giúp việc thanh toán các khoản nợ bằng USD dễ dàng hơn và đồng nội tệ hấp dẫn hơn.
USD giảm 2,8% so với real Brazil xuống 3,6387 BRL/USD và giảm 1,8% so với rúp Nga xuống 68,1296 RUB/USD.
Trái phiếu Mỹ bị bán mạnh nhất gần 40 năm
Con số này tăng mạnh so với 48 tỷ USD tháng 12/2015 và là tháng nhiều nhất từ năm 1978, số liệu vừa được Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Đây cũng là xu hướng từ năm ngoái, khi các ngân hàng trung ương bán tới 225 tỷ USD nợ Mỹ.
Với số tiền này, họ chủ yếu dùng để thúc đẩy kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và giá dầu lao dốc khiến nguồn thu các nước bị hao hụt.
Ví dụ, Trung Quốc bán trái phiếu nước ngoài để bơm vào nền kinh tế đang chậm lại, kích nội tệ đang lao dốc và ngăn biến động trên thị trường chứng khoán. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nhưng hồi tháng 1, nước này đã bán ra 8,2 tỷ USD trái phiếu.
Các nước xuất khẩu dầu thì sẽ dùng số tiền này lấp lỗ hổng ngân sách. Na Uy, Mexico, Canada và Colombia đều giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ hồi tháng 1, khi giá dầu lần đầu xuống dưới 30 USD trong 12 năm.
Dù vậy, nhu cầu mua trái phiếu Mỹ vẫn rất cao. Nhiều nước như Nhật Bản, Brazil và Bỉ vẫn đang tăng mua nợ Mỹ.
Nguyên nhân đầu tiên là trong biến động tài chính toàn cầu, nhà đầu tư muốn sở hữu các tài sản an toàn. Và trái phiếu Mỹ là một trong số đó.
Bên cạnh đó, khi châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác đang áp dụng lãi suất âm để kích thích nền kinh tế, lãi suất trái phiếu Mỹ được coi là hấp dẫn. Và kể cả khi chương trình kích thích (QE) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt, cơ quan này vẫn tiếp tục mua lại trái phiếu.
Tất cả những yếu tố này đã giải thích vì sao trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn được coi là tài sản an toàn trong hệ thống tài chính thế giới. "Trái phiếu này là loại tài sản đảm bảo tốt nhất hiện nay. Mỹ vẫn là nơi người ta cảm thấy tin tưởng nhất trong 10 năm tới, so với các nền kinh tế khác", Nicholas Colas – chiến lược gia marketing tại ConvergEx cho biết.
Doanh nghiệp Trung Quốc “khốn đốn” vì biến động tỷ giá
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc như Midea và TCL gần đây đã bày tỏ sự lo ngại về chính sách tỷ giá của nước này...
Biến động tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang trở thành một vấn đề đau đầu đối với các công ty Trung Quốc - đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ cú phá giá đồng tiền này vào năm ngoái.
Theo hãng tin Bloomberg, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc như Midea và TCL gần đây đã có những tuyên bố thẳng thắn hiếm gặp bày tỏ sự lo ngại về chính sách tỷ giá của nước này.
Hai công ty này nói mức độ biến động lớn của tỷ giá đã khiến họ gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí bởi khách hàng chỉ chọn đơn đặt hàng ngắn hạn. Một công ty khác phàn nàn đồng Nhân dân tệ đã tăng giá quá nhiều trong vòng mấy năm trở lại đây.
“Khách hàng nước ngoài đang tính đến nguy cơ thiệt hại vì biến động tỷ giá và đưa ra những đơn đặt hàng ngắn hạn, với khối lượng nhỏ hơn. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi”, ông Yuan Liqun, Phó chủ tịch Midea, công ty sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc về thị phần, phát biểu.
“Mức độ biến động tỷ giá từ năm ngoái là khá lớn. Các công ty có thể chấp nhận một đồng Nhân dân tệ với tỷ giá do thị trường quyết định, dao động trong một khoảng hợp lý”, ông Yuan nói.
Tháng 2 vừa qua, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Số đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài đối với các nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ 17 liên tiếp. Trong khi đó, mức độ biến động tỷ giá đồng nội tệ của nước này giữ ở gần mức cao nhất sau cú sốc phá giá đồng tiền vào tháng 8 năm ngoái.
Tất cả những điều này cho thấy thách thức mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phải đối mặt khi cân bằng giữa một bên là sự cần thiết phải giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một bên là tránh sự tháo chạy của các dòng vốn nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Sau cú phá giá đồng tiền bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) váo tháng 8 năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá trong tháng 9 và tháng 10, rồi lại giảm giá trong 3 tháng tiếp đó, trước khi tăng giá trở lại trong tháng 2 vừa qua.
Từ đầu tháng 3 tới nay, đồng Nhân dân tệ tăng giá 0,5%, lên mức 6,5239 Nhân dân tệ đổi 1 USD khi đóng cửa tại thị trường Thượng Hải ngày 16/3. Tuy nhiên, kể từ khi phá giá vào tháng 8/2015, đồng Nhân dân tệ hiện đã giảm giá 4,8%.
Biến động khó lường này đã góp phần khiến khoảng 1.000 tỷ USD tiền vốn chảy khỏi Trung Quốc trong năm 2015.
Theo đánh giá của ngân hàng Royal Bank of Canada, đồng Nhân dân tệ hiện đang được định giá cao hơn giá trị thực. Bởi vậy, đồng tiền này sẽ đối mặt với áp lực bán ra mới một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có động thái tăng lãi suất tiếp theo.
Một cuộc khảo sát mới đây do Bloomberg thực hiện dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá 4,1% trong thời gian từ nay đến cuối năm. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây, đồng Nhân dân tệ giảm giá so với USD trong năm 2015, với mức giảm mạnh nhất trong 21 năm. Nhưng trên thực tế, trong năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá năm thứ 6 liên tiếp so với đồng tiền các đối tác thương mại chính của Trung Quốc.
Theo công ty Fuyao Glass Industry Group chuyên sản xuất cửa sổ kính ôtô cho các hãng như BMW và Volkswagen, đồng Nhân dân tệ còn nhiều dư địa để giảm giá.
“Đồng Nhân dân tệ đang mạnh, bởi vậy các công ty Trung Quốc không thể tiến ra thị trường nước ngoài. Hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang thua lỗ. Trung Quốc nên để đồng Nhân dân tệ xuống giá. Nếu đồng tiền không giảm giá, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và các công ty tập trung vào xuất khẩu sẽ gặp khó”, ông Cho Tak Wong, Chủ tịch Fuyao, phát biểu.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá Nhân dân tệ đã vượt ra khỏi khu vực xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp thuộc mọi ngành, mọi lĩnh vực của nước này đang vội vã thanh toán các khoản vay bằng USD trước khi việc trả nợ trở nên tốn kém hơn.
Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã trả 1,73 tỷ USD tiền nợ nước ngoài trước khi đáo hạn, so với mức chỉ 26 triệu USD cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của Bloomberg. Hãng hàng không China Eastern Airlines hôm 4/1 tuyên bố đã trả 1 tỷ USD nợ bằng đồng USD để giảm bớt những rủi ro mà biến động tỷ giá có thể mang lại.
TCL cho biết đã thanh toán tất cả các khoản nợ ngắn hạn bằng đồng USD sau vụ phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8 năm ngoái. Midea cho hay đã giảm nợ ngoại tệ trong 2 năm qua.
Ông Li Dongsheng, Chủ tịch kiêm CEO của TCL nói rằng khách hàng thường đặt hàng ngắn hạn vì lo đồng Nhân dân tệ sẽ giảm giá.
“Điều này gây áp lực đối với hoạt động quản lý chi phí và kế hoạch hóa chuỗi cung cấp của chúng tôi. Tôi hy vọng tỷ giá Nhân dân tệ có thể sớm ổn định”, ông Li nói. “Có thể Nhân dân tệ sẽ không mất giá nhiều trong năm nay, nhưng nhiều khả năng đồng tiền này sẽ biến động trong ngắn hạn và mất giá trong dài hạn”.
Quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng ODA
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ theo hướng chặt chẽ.
Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA
Nghị định mới quy định rõ, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật đầu tư công.
Còn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với: i) Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; ii) Chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 2 triệu đô la Mỹ trở lên; viện trợ mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực; iii) Hỗ trợ ngân sách.
Đối với các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên thì người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét
Nghị định mới quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đề xuất và lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Theo đó, chương trình, dự án được đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo tiêu chí: phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm tính bền vững về kinh tế; phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; phù hợp với khả năng trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương (đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi); không trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án phù hợp theo tiêu chí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án được cho phép triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi...