Thị trường liên ngân hàng 3 tuần gần đây luôn ở trong tình trạng "nóng" khi lãi suất VND duy trì ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, cơn sóng trên thị trường liên ngân hàng chỉ là ngắn hạn, trong dài hạn, thị trường sẽ duy trì đà ổn định.
Lo ngại FDI Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam: Đã đến lúc cần siết lại!
- Cập nhật : 06/03/2016
(Tin kinh te)
Từ năm 2010 trở lại đây, vốn FDI từ Trung Quốc tăng chóng mặt, từ vài trăm triệu USD lên đến vài tỷ USD. Tuy FDI TQ chảy mạnh nhưng các ý kiến cho rằng, điều này đáng lo hơn mừng
Tập trung khai thác tài nguyên, lao động rẻ
Trong số các doanh nghiệp FDI Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Texhong đang nổi lên như tên tuổi đáng chú ý. Từ năm 2013 ở Quảng Ninh, một nhà máy sợi 300 triệu USD đã đi vào hoạt động. Tới năm 2014, Texhong cũng đã chính thức khởi công dự án hạ tầng KCN Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD, đồng thời rót thêm 300 triệu USD để thực hiện dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính KCN này.
Để phục vụ các dự án thứ cấp tại đây, Texhong cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 2.000MW. Ngoài ra, Texhong cũng không giấu giếm ý định mời gọi khoảng 200 doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư tại Quảng Ninh này với tham vọng biến KCN Texhong Hải Hà thành một chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may khép kín.
Ngoài Texhong, từ năm 2010 tới nay cũng chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp FDI Trung Quốc đổ vốn khủng vào Việt Nam. Vào quý III/2015, liên danh FDI Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc đã cùng Tổng Công ty Điện lực Vinacomin khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 95% vốn. Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án như Lốp xe Việt Luân, vốn đầu tư 400 triệu USD tại KCN Tây Ninh; Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung tại Lào Cai, với vốn đầu tư 337,5 triệu USD.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2012 lượng vốn FDI Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam ở mức 312 triệu USD thì năm 2013 đã tăng đột biến lên tới trên 2,3 tỷ USD vốn đăng ký với 110 dự án được cấp mới. Ngay trong tháng 1.2016, FDI Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 179,51
triệu USD.
Nói với PV về việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đến, TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà vốn FDI đang chảy đi khắp thế giới. Đặc thù Việt Nam gần Trung Quốc nên vốn chảy mạnh vào Việt Nam cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý ở điểm Trung Quốc là nước có thặng dư vốn nhưng lại chưa có công nghệ cao như Nhật Bản và Hàn Quốc nên FDI tập trung vào khai thác tài nguyên và khai thác lao động giá rẻ, như các dự án đã kể ở trên.
Xem lại quy định hút vốn FDI
Theo TS Thành, với các dự án FDI Trung Quốc khai thác tài nguyên thô, tập trung vào lao động giá rẻ thì đương nhiên không có lợi. “Về các dự án khai thác tài nguyên, hiện nay giá khoáng sản đang thấp nên tỉnh đang thiếu ngân sách thì càng muốn bán nhiều. Trung Quốc hiểu điều đó nên đầu tư mạnh để mua được tài nguyên giá rẻ. Khi đó Việt Nam bán tài nguyên rẻ và trong tương lai sẽ bị mua đắt” - ông Thành nhận định.
Còn chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh thẳng thắn nhận định: FDI Trung Quốc đi kèm công nghệ lạc hậu với khai thác tài nguyên thì vừa mất tài nguyên vừa hủy hoại môi trường. “Đó là vấn đề đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa giải quyết được” - ông Trinh nói.
TS Trinh đặt vấn đề nên xem xét lại các quy định về thu hút đầu tư FDI không chỉ từ Trung Quốc mà tất cả các nước và chỉ chấp nhận vốn FDI đi kèm công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động. “Nếu có quy định thu hút FDI nghiêm ngặt hơn về công nghệ và môi trường thì với thực trạng hiện nay, FDI Trung Quốc sẽ không có cửa” - ông Trinh nói.
Theo Báo Lao Động