Khác với nhà đầu tư Nhật Bản rất kỹ lưỡng trong việc đầu tư, nhà đầu tư Mỹ quyết rất nhanh khi họ đã lựa chọn đầu tư.
Tin tài chính - tiền tệ thế giới và Việt Nam 17-03-2016
- Cập nhật : 17/03/2016
USD xuống thấp nhất 1 tháng sau tuyên bố của Fed
USD phiên 16/3 giảm mạnh sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và giảm số lần tăng lãi suất trong năm nay xuống 2 thay vì 4 như dự kiến trước kia.
USD phiên 16/3 giảm mạnh sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và giảm số lần tăng lãi suất trong năm nay xuống 2 thay vì 4 như dự kiến trước kia.
Trong tuyên bố sau phiên họp chính sách kết thúc hôm 16/3, Fed lưu ý rằng đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm sẽ cho phép thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, nhưng cũng cho rằng nền kinh tế tiếp tục đối mặt với rủi ro từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
USD giảm mạnh sau khi Fed ra tuyên bố và tiếp tục giảm so với các đồng tiền chủ chốt, kể cả euro, yên và franc Thụy Sỹ, trong buổi họp báo của Chủ tịch Fed Janet Yellen.
Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, xuống thấp nhất một tháng ở 95,539 điểm sau khi kết thúc phiên họp báo của Chủ tịch Fed. Trước khi Fed ra tuyên bố phiên họp, chỉ số này đứng ở 96,937 điểm, sau đó giảm 1,3% từ thời điểm Fed ra tuyên bố đến khi Chủ tịch Fed kết thúc họp báo.
Trong khi đó, Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 0,8% xuống 87,76 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2015.
Chốt phiên, euro tăng 1,05% so với USD lên 1,1225 USD/EUR, cao nhất một tháng. USD cũng xuống thấp nhất một tháng so với franc Thụy Sỹ, giảm 1,2% xuống 0,9761 CHF/USD.
USD xuống thấp nhất một tuần so với yên, giảm 0,75% xuống 112,61 JPY/USD.
Tuyên bố phiên họp Fed cũng giúp đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa tăng so với USD. Theo đó, USD giảm 1,1% so với peso Mexico xuống 17,62 MXN/USD, giảm 1,4% so với rand Nam Phi xuống 17,68 ZAR/USD và giảm 1% so với rúp Nga xuống 70,92 RUB/USD.
Lo lắng về thuế Tobin và Fed, nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 1
USD tăng giá vì dự báo Fed nâng lãi suất vào tháng 6. Thuế Tobin sẽ có tác động tiêu cực lên thanh khoản nhân dân tệ cũng như tâm lý của nhà đầu tư.
Đồng nội tệ của Trung Quốc hướng đến 3 ngày giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 1. Những lo ngại về thay đổi trong chính sách thuế ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư, trong khi cuộc họp của Fed ảnh hưởng đến dòng chảy vốn vào các thị trường mới nổi.
Phiên hôm nay (16/3), đồng nhân dân tệ giao dịch ở Thượng Hải giảm thêm 0,12%, xuống còn 6,5201 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tổng cộng đồng tiền này đã giảm 0,4% trong 3 ngày qua, mạnh nhất kể từ 8/1.
NHTW Trung Quốc cũng tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu 0,14%, xuống còn 6,5172 nhân dân tệ đổi 1 USD sau khi đồng USD tăng giá trong đêm.
Theo phần lớn dự đoán của giới phân tích, kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn đi theo lộ trình tăng lãi suất một cách từ từ và sẽ có 2 lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.
Điều này làm gia tăng sức ép lên đồng nhân dân tệ sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đang xây dựng dự thảo đánh thuế Tobin lên các giao dịch ngoại tệ.
“USD tăng giá vì dự báo Fed nâng lãi suất vào tháng 6. Thuế Tobin sẽ có tác động tiêu cực lên thanh khoản nhân dân tệ cũng như tâm lý của nhà đầu tư”, Khoon Goh – chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại ngân hàng ANZ Singapore nhận định.
Kế hoạch đánh thuế Tobin của NHTW Trung Quốc gặp phải nhiều chỉ trích từ giới kinh tế. Skandinaviska Enskilda Banken miêu tả đây là một bước tụt lùi trên con đường tự do hóa thị trường, trong khi ngân hàng Mizuho cho biết kể cả những nhà đầu tư dài hạn cũng sẽ xa lánh nhân dân tệ nếu thuế này được áp dụng.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay vừa phát biểu với báo giới rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng” và Chính phủ đảm bảo sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.
* Thuế Tobin (được đặt tên theo nhà kinh tế học người Mỹ James Tobin) là loại thuế đánh vào các giao dịch ngoại hối. Loại thuế này được thiết kế để giảm đầu cơ trong thị trường tiền tệ quốc tế.
Sàn chứng khoán Frankfurt, London sáp nhập
"Sau khi ban kiểm soát của chấp thuận, Hội đồng quản trị Deutsche Boerse hôm nay cũng đồng ý thông qua hoạt động sáp nhập với LSEG, hoạt động dưới quyền một công ty mẹ tại Anh", công ty Đức cho biết trong một thông báo, "bên cạnh đó, Deutsche Boerse cũng chấp thuận một số biện pháp phục vụ cho việc sáp nhập".
Thông báo trên được công bố sau khi Intercontinental Exchange (ICE) - hãng điều hành Sàn chứng khoán New York, cũng muốn mua LSE.
Deutsche Boerse cho biết công ty sau sáp nhập sẽ được quản lý bởi một "hội đồng chung thuộc một công ty Anh, hội đồng này gồm các đại diện từ LSEG và Deutsche Boerse với số lượng như nhau".
Chủ tịch LSE - Donald Brydon sẽ là chủ tịch công ty mới. Và CEO Deutsche Boerse - Carsten Kengeter sẽ đảm nhiệm chức CEO. Giám đốc Tài chính LSE - David Warren cũng sẽ nhận chức vụ tương tự. Công ty sau sáp nhập sẽ "vẫn giữ trụ sở tại cả London và Frankfurt, đồng thời chia đều chức năng điều hành".
Như vậy, sàn chứng khoán London và Frankfurt đã được sáp nhập sau 2 lần thất bại. Lần đầu tiên năm 2000, kế hoạch tương tự bị cổ đông LSE phản đối. Còn lần thứ 2 năm 2004 cũng bị một quỹ đầu tư Anh - The Children's Investment Fund cản trở.
Kiều hối giảm, tiền Philippines mất giá
Áp lực mất giá của đồng peso đang tăng lên khi dòng kiều hối chảy về Philippines đang chậm lại.
Ngày càng nhiều người làm thuê ở nước ngoài trước đây muốn về nước tìm cơ hội việc làm do kinh tế trong nước phát triển hơn
Theo báo Nikkei, xu thế yếu đi của đồng peso đã được nhận thấy từ giữa năm 2013 sau khi Mỹ tăng lãi suất USD khiến nhiều đối tác thoái vốn khỏi Philippines. Dòng kiều hối chuyển về nước ít hơn cũng góp phần giảm bớt nhu cầu nội tệ, theo đó làm đồng peso yếu thêm.
Những người Philippines có khả năng dùng tiếng Anh tốt từ nhiều năm qua đã đi làm thuê tại Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác. Khoảng 10 triệu người này (chiếm 10% dân số) đang gửi kiều hối về cho người thân.
Trong 11 tháng đầu năm 2015, thông qua các ngân hàng đã có khoảng 22,8 tỉ USD kiều hối gửi về Philippines, tăng 3,6% so với năm trước.
Nếu so với mức tăng 6% trong những năm gần đây thì đã có thể thấy sự giảm dần. Chẳng hạn lượng kiều hối chuyển về từ Mỹ (chiếm tới 40% tổng số kiều hối) đã giảm 2,7% so với năm 2014.
Cũng có một nghịch lý là các khoản kiều hối đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giúp nền kinh tế Philippines tăng trưởng nhanh với tỉ lệ thường niên 6%, từ đó tạo ra nhiều hơn cơ hội làm ăn trong nước. Điều này khiến nhiều người không muốn ra nước ngoài làm việc nữa.
Theo Cơ quan Quản lý lao động Philippines ở nước ngoài, năm 2014 có hơn 1,8 triệu người Philippines ra nước ngoài làm việc, ít hơn 3.600 người so với năm trước đó.
Trong khi đó, Tổng thống Benigno Aquino đã công bố các kế hoạch tạo thêm công ăn việc làm trong nước, tập trung vào việc mở rộng lĩnh vực sản xuất, trong đó có cả những biện pháp nhằm tạo ra một nền công nghiệp sản xuất ôtô nội địa.
Gần đây, nhiều người đã sử dụng các khoản tiền tiết kiệm mua ôtô và lái xe dịch vụ Uber.
Eximbank bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết làm Tổng Giám đốc
Eximbank vừa có quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết, Thành viên Hội đồng quản trị, giữ chức danh Tổng Giám đốc Eximbank.
Ngày 16/3, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank - mã EIB) có quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết, Thành viên Hội đồng quản trị, giữ chức danh Tổng Giám đốc Eximbank.
Theo đó, Eximbank sẽ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi có quyết định bổ nhiệm chính thức.
Ông Lê Văn Quyết sinh năm 1961 tại Thanh Hóa, có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đến thời điểm 19/11/2015, ông Quyết không sở hữu cổ phần hay đại diện cho tổ chức sở hữu cổ phần tại Eximbank. Ông từng giữ chức Giám đốc Vietcombank Đồng Nai, Giám đốc Vietcombank Biên Hòa.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, ông Quyết trúng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2016 - 2020 với tỷ lệ 62,26%. Ông là nhân sự do HĐQT Eximbank nhiệm kỳ trước đề cử.
Đồng thời, Eximbank cũng miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc và bổ nhiệm ông Lộc giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực.