Việt Nam và Nga đạt thỏa thuận cung cấp dầu khí có giá trị
Hà Nội yêu cầu xử lý sau kiểm tra xây dựng ở rừng phòng hộ Sóc Sơn
Ngành Thuế triển khai 19 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 19
848 mặt hàng sữa đã được công bố giá bình ổn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 18-06-2016
- Cập nhật : 18/06/2016
ADB tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam 1 tỷ USD/năm
Ngày 17-6, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho biết, ADB ủng hộ cải cách của Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp.
Sau khi hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác giữa ADB và Việt Nam, chiều 17-6, tại buổi gặp gỡ báo chí, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Takehiko Nakao đã ca ngợi những cải cách kinh tế và thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam. Ông cũng tái khẳng định rằng ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho chính phủ thông qua các khoản cho vay chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD/năm.
Ông Nakao thông tin, ADB đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như những kết quả tham vấn với các đối tác phát triển.
Ông Nakao phát biểu: “Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp Nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công”.
ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức 2015, dù có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Tăng trưởng được sự báo duy trì ở mức 6,5% trong năm 2017. Lạm phát được dự báo ở mức 3% trong năm nay, so với mức trung bình chỉ 0,6% của năm ngoái – mức thấp nhất kể từ năm 2001.
Việt Nam đã đạt được hầu hết Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay. Trong giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
ADB cũng sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hoá nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thuỷ lợi và quản lý tài nguyên nước. ADB sẽ tiếp tục tăng cường tính kết nối trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê-Kông, gồm cả hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo ông Nakao, Việt Nam ngày càng chịu tác động của các hiện tượng cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, như hạn hán và lũ lụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nông- lâm – ngư nghiệp. Thích nghi và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu sẽ là những lĩnh vực quan trọng để ADB cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay.
“ADB sẽ giúp Chính phủ xây dựng những chính sách rõ ràng và nhất quán về mức bổ sung năng lượng hợp lý để đảm bảo đáp ứng các cam kết của Việt Nam ở COP21, dựa trên phân tích kỹ lưỡng về lợi ích – chi phí của các nguồn năng lượng khác nhau, gồm cả giảm dần chi phí của năng lượng tái tạo theo thời gian”, ông Nakao cho biết.
Ông Nakao nhấn mạnh, thời gian tới ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.(HQ)
Mới đây ADB đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ Ứng phó thảm hoạ châu Á – Thái Bình Dương của ADB để hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng song Cửu Long.
ADB đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi khôi phục các hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993. Tính tới ngày 31-5-2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay; 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Đầu tư 8.743 tỷ đồng xây cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
Dự án có chiều dài 43 km với điểm đầu tại Km1+800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối dự án tại Km44+749,67 thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn này sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án là : 8.743 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 8.655,7 tỷ đồng.
Bộ Giao thông - Vận tải giao VEC hoàn chỉnh phương án tài chính trên cơ sở tham chiếu các điều kiện vay lại, cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư nêu trên và các tài liệu liên quan khác (tình hình tài chính doanh nghiệp, vốn điều lệ...) để gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định năng lực tài chính của VEC và đánh giá hiệu qủa tài chính, phương án trả nợ của của dự án làm cơ sở xác định chủ đầu tư dự án.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho Dự án bao gồm việc cho vay lại hay cấp phát đối với vốn vay ưu đãi từ ADB phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của chủ dự án. .
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực; Hoàn chỉnh hành lang xuyên Á đoạn Lạng Sơn - Hà Nội trước năm 2020; Tăng cường kết nối trên tuyến hành lang xuyên Á qua địa phận Việt Nam từ Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng trung du miền núi phía Bắc; Tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, các đoạn cao tốc trong tuyến đường là Hà Nội - Bắc Giang và Bắc Giang - Lạng Sơn đã được đầu tư theo hình thức BOT nên việc tiếp tục bố trí vốn cho đoạn tuyến còn lại Km 1 + 800 - Km45 +100 để có thể triển khai đồng bộ toàn tuyến đường là rất cần thiết.
Cú hích cho dòng chảy vốn đầu tư sang Lào và Campuchia
Sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường Campuchia, cuối tháng 5/2016, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa Nhà máy Sữa Angkor, vốn đầu tư 23 triệu USD, đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại quốc gia có hơn 15 triệu dân này.
Được xây dựng trên tổng diện tích gần 30.000 m2, Nhà máy Sữa Angkor trong giai đoạn I sẽ có công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Giai đoạn II (đến năm 2024), Nhà máy sẽ tăng công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm để phục phụ nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân tại Campuchia và khu vực.
“Nhà máy Sữa Angkor được đầu tư trang thiết bị hiện đại từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người dân Campuchia và khu vực trong nhiều năm tới, giúp người tiêu dùng Campuchia được sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tại chính đất nước này”, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamilk đã cho biết.
Còn ông Thạch Dư, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, khi tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Sữa Angkor đã hồ hởi nhấn mạnh, nhà máy này chính là sự khởi đầu cho việc hình thành ngành công nghiệp sữa của Campuchia.
Thực tế, không chỉ dự án của Vinamilk, mà nhiều dự án đầu tư khác của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng có tính chất “mở đường” cho các ngành kinh doanh tại thị trường này, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Những ví dụ điển hình là Dự án Metfone của Viettel tại Campuchia, cũng như các dự án trồng cao su, khai khoáng hay phát triển thủy điện tại đây.
Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế tính đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án, với 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 5 quốc gia có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Angkor Milk, Metfone có thể được xem là một trong những minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại thị trường Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng đổ vốn vào đây. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư 258 dự án tại Lào, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án đầu tư tại Lào của doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hoạt động hiệu quả, như các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Viettel, hay các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Dự án Tổ hợp sân golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành…
Năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã đưa Sân bay ở Attapeu vào hoạt động. Cũng trong năm 2015, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đạt 2.314 tỷ đồng. Trong khi đó, mạng Unitel do Viettel liên doanh với Lao Asia Telecom triển khai đã trở thành mạng viễn thông chiếm thị phần lớn nhất tại Lào, với trên 53%. Đây cũng là một trong những điển hình thành công trong đầu tư sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam.
“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần chuyển giao các công nghệ mới, trình độ tiên tiến đưa vào Lào, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động Lào có tay nghề, tiếp thu kỹ năng lao động và quản trị mới, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần tăng thu cho ngân sách Lào trên 250 triệu USD, hỗ trợ trên 70 triệu USD cho an sinh xã hội Lào”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư sang Lào (AVIL) cho biết.
Vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào và Campuchia vẫn đang tiếp tục chảy. Thông tin cho biết, Đề án Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào - Campuchia vẫn đang được xây dựng, nhằm làm sao đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư này. Hơn thế nữa, một điều không thể thiếu là làm sao thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt tại Lào và Campuchia. Hiện tại, dù vốn đăng ký đầu tư sang Lào khoảng 5 tỷ USD, nhưng thực tế mới chỉ có 2,2 tỷ USD được đưa vào thực hiện.
Cải thiện thủ tục cấp phép đầu tư giữa hai bên, thúc đẩy triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước, cũng như tích cực, kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia là đề xuất đã nhiều lần được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập. Giải quyết được các nút thắt này, dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào, Campuchia chắc chắn sẽ mạnh hơn nữa.(BĐT)
Vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ cổ phần chi phối ở doanh nghiệp Nhà nước
Cổ phần hóa các DNNN vẫn đang được thúc đẩy, nhưng vẫn còn tình trạng chậm trễ, trì hoãn triển khai chủ trương quan trọng này. Ngay cả với các DNNN đã cổ phần hóa, việc chậm lên sàn chứng khoán theo quy định khiến dư luận lo ngại cổ phần hóa nửa vời. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính)
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016 đã có 37 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong đó có 6 Tổng công ty là: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.
Thưa ông, công tác cổ phần hóa đang được đẩy mạnh. Nhưng nhiều cơ quan chủ quản vẫn muốn được nắm cổ phần chi phối ở các DNNN khi cổ phần hóa. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Hiện tại một số Bộ vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối DN. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa.
Với từng phương án nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho DN sẽ dẫn tới phương án cổ phần hóa không hiệu quả và sau cổ phần hóa không thay đổi gì. Điều quan trọng là chất lượng phương án cổ phần hóa. Bởi vậy, nếu phương án cổ phần hóa được các nhà đầu tư quan tâm thì các Bộ nên có thay đổi và Chính phủ cũng đồng ý cho phép các Bộ đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ vốn Nhà nước khi cổ phần hóa ở những DNNN do Bộ làm chủ quản.
Đối với DN bán cổ phần với tỷ lệ rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát để tổng hợp báo cáo Chính phủ, để đề xuất giải pháp xử lý thúc đẩy việc thực hiện phương án cổ phần hóa đã phê duyệt.
Thực tế cho thấy một trong các nguyên nhân không bán được vốn, không có nhà đầu tư tham gia là do Nhà nước còn nắm tỷ lệ vốn lớn.
Tiến độ thoái vốn ngoài ngành cho đến nay vẫn còn khá chậm trễ, có phần chững lại. Vì sao lại có sự chững lại này, thưa ông?
Tiến độ thoái vốn ngoài ngành các khoản đầu tư trước năm 2011 cho đến nay vẫn chậm trễ một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ. Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu.
Cắt lỗ là phần khó nhất. Theo đó, cổ phần tại những DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư và khó bán, tiến độ thoái vốn không thể nhanh như việc bán cổ phần tại những DN hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, với những khoản đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang có sự vào cuộc của cơ quan điều tra thì nhà đầu tư cũng phải chờ đợi kết quả điều tra mới thực hiện được.
Khi thoái vốn Nhà nước, những khu đất đẹp, dự án tốt đều rơi vào tay các “đại gia”. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Nhà đầu tư mua lại DN để tái cơ cấu nhằm kinh doanh hiệu quả hơn thì Nhà nước bán, miễn sao đúng pháp luật. Các đại gia đều là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, họ làm tốt ta nên khuyến khích. Chỉ cần đảm bảo mua bán công khai theo cơ chế thị trường.
Dù vậy, không loại trừ trường hợp nhà đầu tư đánh bóng mình, gây lầm tưởng có điều kiện, nhưng thực chất chỉ ôm dự án rồi bán lại. Như vừa qua không ít nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, tiền đặt cọc tham gia đấu giá nhưng khi trúng thầu lại bỏ thầu. Vì vậy, thời gian tới Nhà nước sẽ đánh giá năng lực tài chính nhà đầu tư trước khi bán dự án, DN Nhà nước và giới hạn thời gian nếu không triển khai sẽ thu hồi.
Trong quá trình cổ phần hóa, ông đánh giá khâu nào là quan trọng nhất?
Khâu quan trọng nhất là khâu chuẩn bị cổ phần hóa, trong đó có việc lựa chọn cổ đông chiến lược và chọn được tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa, xây dựng hình ảnh DN trong tương lai… để bán thành công. Tất cả trường hợp DN vừa qua bán cổ phần không thành công không phải tất cả do thị trường mà xuất phát từ trình độ tư vấn chưa đạt yêu cầu.
Tư vấn cổ phần hóa phải có trình độ, có chất lượng. Xây dựng phương án cổ phần hóa mà cứ chép y nguyên phương án của người khác như chép sách giáo khoa thì không được.
Nếu bán vốn không thành công thì phải xem lại trách nhiệm của tư vấn cổ phần hóa. Nếu chỉ bán được 1-2% thì không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy sắp tới Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải khắt khe hơn trong việc lựa chọn tư vấn để đảm bảo chất lượng tư vấn cổ phần hóa.
Việc DN đưa cổ phiếu lên UPCoM sau cổ phần hóa đã được quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Tuy nhiên, có một thực tế nhức nhối là, nhiều DN sau cổ phần hóa trì hoãn việc lên sàn. Vấn đề này sẽ giải quyết thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc DN sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn Upcom. Tới đây sẽ có chế tài xử lý việc chậm trễ lên sàn. Vấn đề là các DN có đủ điều kiện niêm yết không.
Qua kiểm tra đối với các doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy, khi niêm yết rồi thì cổ phiếu sẽ được mua đi bán lại, trong đó có những cổ đông không phải trong ngành dệt may. Trong Đại hội đồng cổ đông, DN muốn bàn về TPP và các vấn đề trong ngành nhưng cuối cùng các cổ đông chỉ hỏi tỉ suất năm sau cao hơn không thôi, chứ không tập trung vào việc phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm.
Nhiều DN dệt may lo là mai mốt lên sàn mà các cổ đông không chung tay để phát triển ngành nghề thì không biết sẽ thế nào. Nếu chỉ muốn lợi nhuận cao thì nguy hiểm. Có những vấn đề DN trao đổi chúng tôi cũng thấy hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong quá trình cổ phần hóa cần quan tâm công tác xây dựng điều lệ công ty cổ phần, nếu điều lệ quy định doanh nghiệp phải tập trung vào ngành nghề dệt may, bám sát, cụ thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp, của ngành thì các lo lắng trên sẽ được giải quyết.(HQ)