tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 17-06-2016

  • Cập nhật : 17/06/2016

Pháp muốn bán nhiều tàu chiến hiện đại cho Việt Nam

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng của nước này bày tỏ mong muốn cung cấp tàu chiến hiện đại cho Việt Nam.
mo hinh tau ho tong lop gowind cua tap doan dcns, phap. anh: daisetsuzan

Mô hình tàu hộ tống lớp Gowind của tập đoàn DCNS, Pháp. Ảnh: daisetsuzan

Trang mạng quân sự TTU Online của Pháp cho rằng, trong 20 năm qua, bất chấp ngân sách quốc phòng còn hạn chế, Việt Nam luôn nỗ lực hiện đại hóa các hạm đội tàu chiến nhằm tăng cường tiềm lực hải quân, đối phó với các nguy cơ trên biển. Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đội tàu mặt nước thông qua hợp đồng đặt mua tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Nga cũng như việc đóng mới các tàu tên lửa tấn công lớp Tia chớp 400 tấn và tàu chở quân dài 72 m.

Chuyến thăm hồi đầu tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian mở ra cơ hội cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của nước này có thể cung cấp các tàu chiến hiện đại cho Việt Nam.

Các mẫu tàu được đánh giá có tiềm năng nhất của Pháp bao gồm tàu đánh chặn cao tốc của tập đoàn Couach, tàu đổ bộ hai thân EDA-R của công ty CNIM và Socarenam, tàu hộ tống lớp Gowind với khả năng chống ngầm (ASW) của tập đoàn DCNS, tàu tuần tra xa bờ cùng hệ thống tác chiến đi kèm của nhà máy Piriou.

Ngày 6/6, ngay sau khi dự Đối thoại Shangri-La 15, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thăm chính thức Việt Nam trong ba ngày. Trong các cuộc hội đàm, hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực truyền thống; xem xét mở ra cơ chế Đối thoại Chiến lược quốc phòng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Pháp tiếp tục hợp tác hiệu quả với Việt Nam. 

phap-muon-ban-nhieu-tau-chien-hien-dai-cho-viet-nam-1

Một tàu đánh chặn cao tốc của tập đoàn Couach, Pháp. Ảnh: Yachts


Việt Nam, Campuchia nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực

Việt Nam và Campuchia cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và khu vực.
chu tich nuoc tran dai quang (trai) trong cuoc gap voi thu tuong campuchia hun sen. anh: akp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AKP.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chiều qua có các cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chum, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen tại thủ đô Phnom Penh.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Hun Sen cam kết thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đã thỏa thuận, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường giao lưu nhân dân.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và khu vực, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và cùng những nước thành viên khác của Ủy hội Mekong quốc tế nhằm đảm bảo việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Chủ tịch nước đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để Việt kiều tại Campuchia ổn định cuộc sống.

Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ này. Ông khẳng định nếu không có chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979 thì Campuchia không có ngày hôm nay.

Tại các cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chum và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và làm hết sức để củng cố quan hệ song phương.

Chủ tịch Thượng viện và Quốc hội Campuchia đều nhấn mạnh Campuchia biết ơn và sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và giành chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hai nước cần phải tăng cường đoàn kết hơn nữa, nhất trí tổ chức các hoạt động chào mừng 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017).


Hai lao động Việt tố chủ Trung Quốc bóc lột

Hai lao động Việt Nam hôm qua ra tòa làm chứng chống lại hai ông chủ Trung Quốc tại nhà máy dệt may ở quốc đảo Malta với cáo buộc nợ lương và bạc đãi họ. 
cong ty det may leisure clothing o quoc dao malta. anh: times of malta

Công ty dệt may Leisure Clothing ở quốc đảo Malta. Ảnh: Times of Malta

Theo Malta Today, giám đốc quản lý của công ty Leisure Clothing, ông Han Bin, 46 tuổi, và giám đốc marketing Jia Liu, 31 tuổi, bị buộc tội buôn người và vi phạm luật lao động.

Họ bị tố biển thủ lương của các công nhân người Việt, không trả lương, tiền làm thêm giờ và tiền phụ cấp cho nhân viên, cũng như không tuân thủ các điều kiện làm việc.

Hai lao động Việt Nam là Tran Nang Do và Thi Thu Tran đã làm chứng trước tòa án về những cáo buộc trên.

Tran bị bắt hồi tháng 7/2014 cùng hai đồng hương khi chuẩn bị lên thuyền tới đảo Sicily của Italy với giấy tờ giả. Cảnh sát sau đó mở một cuộc điều tra và tiếp tục bắt giữ ông Han cùng ông Jia. 

Tran khai cô đến Malta với mục đích duy nhất là tìm việc làm và gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà.

"Tôi không có ý định đến nước nào khác. Nhưng thực tế rất khác với những gì tôi được nghe kể và mong chờ. Tôi không thể tiếp tục công việc này nữa nên tôi phải bỏ đi", Tran nói. "Khi tôi bị ốm, tôi không được phép đi khám. Khi tôi đến đây, công ty liền tịch thu hộ chiếu của tôi".

Cả Tran và Do đều cho hay cứ hai tháng họ mới được trả 150 euro (170 USD). Tuy nhiên, Tran khai với tòa rằng hầu hết thời gian rảnh cô "đi mua sắm và đi chơi với bạn bè". 

Tran cho hay nhân viên môi giới việc làm đe dọa rằng nếu cô khiếu nại, người này sẽ báo cáo cho cơ quan phụ trách lao động ở Việt Nam và cô sẽ bị phạt. Cô sợ bị mất 2.000 euro (2.200 USD) đặt cọc cho nhân viên môi giới để sang Malta làm việc nên đã bất chấp nguy hiểm, dùng giấy tờ giả để trốn khỏi Malta thay vì báo cáo với cảnh sát về việc bị bóc lột.

Tran không biết danh tính của người đã cung cấp giấy tờ giả cho cô, chỉ biết đó là "một người đàn ông da trắng", tiếp cận cô khi cô đang đi dạo gần nhà máy. Cô khẳng định cô không liên lạc với người này thông qua ai khác.

Do cũng giải thích tương tự. Anh cho hay mình sợ bị trả về Việt Nam và không trả được số tiền đã nợ công ty môi giới để sang Malta làm việc.

"Nếu công ty trả tôi về Việt Nam nghĩa là tôi phá hợp đồng và phải nộp tiền phạt. Nếu không có tiền, tôi sẽ phải ngồi tù", Do nói thêm.

Do cho hay lúc rảnh, anh tham gia đá bóng. "Vào ngày nghỉ, tôi phải cọ nhà vệ sinh ở đó. Tôi thấy mình bị đối xử bất công so với các công nhân người Hoa", anh nói.

Vụ việc đang được giới chức Malta tiếp tục điều tra. 


Thủ tướng: Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ADB

Tiếp ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đang sử dụng rất hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của ADB trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tại buổi tiếp hôm nay (16/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quý báu của ông Takehiko Nakao nhằm lãnh đạo ADB đạt được những thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời bày tỏ ủng hộ và mong muốn ông Takehiko Nakao tiếp tục tái cử làm Chủ tịch ADB nhiệm kỳ 2016-2020.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với ADB, coi ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn. Thủ tướng cảm ơn ADB đã tài trợ cho Việt Nam hơn 160 chương trình/dự án với tổng trị giá hơn 15 tỷ USD.

Thủ tướng khẳng định, nhiều chương trình/dự án của ADB khắp cả nước đã phát huy hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thủ tướng cũng nêu rõ, năm nay là năm đặc biệt quan trọng của ADB khi kỷ niệm 50 năm thành lập và kỷ niệm 20 năm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động kỷ niệm này của ADB.

“Chúng tôi mong muốn thời gian tới ADB tiếp tục dành các nguồn vốn ưu đãi để Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách kinh tế và xóa đói, giảm nghèo”, Thủ tướng nêu rõ. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và chỉ đạo quyết liệt để các nguồn tài trợ ODA nói chung và của ADB nói riêng phát huy tối đa hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế ở Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đang sử dụng rất hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của ADB trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Việt Nam ủng hộ chiến lược năm 2030 của ADB nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các vấn đề như nghèo đói, phát triển không đồng đều, biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân. Việt Nam ủng hộ ADB tiếp tục cải cách về quy trình hoạt động, tổ chức nhân sự để tăng cường hiệu suất và hiệu quả của các hoạt động của ADB trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề nghị ADB cung cấp nguồn tài chính cho việc ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là đối phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các dự án phát triển hành lang Đông-Tây tại khu vực miền Trung…

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam trong hợp tác với ADB, bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

anh: vgp/quang hieu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Trước khi thăm Việt Nam, tôi đã đến Myanmar và họ (Myanmar) có hỏi chúng tôi rằng tại sao Việt Nam lại phát triển nhanh như vậy. Tôi có nói rằng phía Myanmar có thể học hỏi các chính sách, chương trình tốt của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một mô hình thành công cho nhiều quốc gia khác học hỏi”, ông Takehiko Nakao nói và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách đổi mới của mình với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý, “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam”.

Chủ tịch ADB cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn của ADB, đồng thời khẳng định ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo… cũng như sẽ hỗ trợ thực hiện các lĩnh vực ưu tiên khác như kiểm soát nợ xấu, thu ngân sách hiệu quả, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển tài chính ngân hàng và phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch ADB cũng mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tìm được những đối tác có thể thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác công tư.

* Cũng trong chiều 16/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã tiếp ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có chuyến thăm và làm việc Việt Nam.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục