Chúng ta nên trả lại từ GS về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc, Nhà nước cũng nên giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 22-06-2016
- Cập nhật : 22/06/2016
Đưa 3 KCN tại Hưng Yên ra khỏi quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.
Cụ thể, đưa ra khỏi quy hoạch 3 KCN với tổng diện tích 700 ha gồm các KCN: Bãi Sậy (150 ha), Dân Tiến (150 ha), Thổ Hoàng (400 ha).
Bên cạnh đó giữ nguyên diện tích 3 KCN gồm: Kim Động 100ha và Lý Thường Kiệt 300 ha, Tân Dân 200 ha.
Điều chỉnh tăng diện tích KCN Phố Nối A từ 594 ha lên 596,44 ha. Điều chỉnh giảm diện tích KCN Phố Nối B từ 480,94 ha xuống 467,01 ha và đổi tên, tách thành 2 KCN, gồm: KCN Dệt may Phố Nối (121,81 ha) và KCN Thăng Long (345,2 ha); điều chỉnh giảm diện tích 5 KCN gồm: Minh Đức từ 200 ha xuống 198 ha, Vĩnh Khúc từ 380 ha xuống 180 ha, Yên Mỹ II từ 230 ha xuống 190 ha, Ngọc Long từ 150 ha xuống 100 ha, Minh Quang từ 350 ha xuống 150 ha.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) chủ đầu tư 2 KCN Tân Dân và Lý Thường Kiệt huy động các nguồn lực để triển khai xây dựng, phát triển các KCN nêu trên bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; tiếp thu ý kiến của các Bộ, thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp; tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định quyền người tiêu dùng
Việt - Lào thúc đẩy quản lý biên giới theo văn kiện pháp lý mới
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Kommasith, ngoài cùng bên trái, tham dự cuộc họp hôm nay với Việt Nam tại Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Cùng chủ trì Cuộc họp lần thứ 25 Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào hôm nay tại Đà Nẵng, Trưởng đoàn Lào là Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith và ông Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Việt Nam, đã đánh giá công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước ở khu vực này, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Ông Trung và ông Kommasith đều cho rằng việc hợp tác quản lý biên giới thời gian qua đã đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh, chính trị, củng cố quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới giữa hai nước. Việc này đã tăng cường hợp tác hữu nghị, kinh tế, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Lào.
Thành tựu nổi bật là hai nước đã hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt - Lào và Hiệp định (mới) về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai bên. Hai ông cũng chỉ ra các vướng mắc mà hai bên cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Trưởng đoàn Việt Nam và Lào nhất trí hai nước cần tập trung vào quản lý biên giới theo các văn kiện pháp lý hiện hành, sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ để các văn kiện pháp lý mới sớm có hiệu lực thực thi. Hai bên cũng cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại,văn hóa, du lịch biên giới; quy hoạch và phát triển cửa khẩu; thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới.
Ông Kommasith và ông Trung thống nhất Cuộc họp thường niên lần thứ 26 sẽ được tổ chức tại Lào.
Chiều cùng ngày, khi tiếp ông Kommasith, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, bày tỏ mong muốn các bộ ngành của hai nước cần tìm ra các biện pháp và phương thức hợp tác mới về đường biên, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai bên và vì hòa bình, phát triển bền vững.
Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM tăng 7,47%
Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 476.900 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Tình hình đầu tư trong nước đạt được những kết quả khả quan, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và có hiệu quả hơn.
Đây là những thông tin được nêu ra tại buổi họp về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra chiều 20/6.
Tiếp tục tăng trưởng cao
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đã đạt kết quả đáng kể; lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 476.900 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó dịch vụ tăng 7,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, khu vực nông nghiệp tăng 5,6%.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 53,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,3%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%. Tương tự, sản xuất công nghiệp tăng cao, xuất phát các giải pháp được triển khai hiệu quả, khó khăn về vốn của doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính chung 6 tháng qua, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ. Trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị... Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Dù tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, nhưng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần phải tìm thêm các giải pháp cụ thể, có hiệu quả hơn nữa để làm sao đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay. Hiện một số ngành, lĩnh vực đang có khá nhiều tiềm năng để phát triển. Do đó, các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau để đạt mục tiêu đề ra.
Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình đầu tư trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả khả quan, số vốn đăng ký thành lập mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và có hiệu quả hơn.
Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư, có 16.322 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 144.586 tỷ đồng (tăng 18,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, có 23.718 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 74.093 tỷ đồng (tăng 31,2%). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 218.679 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Bình Minh cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế; trong đó, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn sử dụng nguồn chuyên gia tư vấn phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, khảo sát đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức do phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung chủ yếu vào các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao doanh nghiệp...
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, các sở ngành cần tiếp tục lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển. Muốn vậy, phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Trong đó, trọng tâm là phải rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ…
Về tình trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Khoa học Công nghệ cần năng động hơn, bám sát cơ sở, nhất là lắng nghe doanh nghiệp để có những đề tài đổi mới công nghệ sản xuất cho phù hợp, tăng năng lực cạnh tranh.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vốn đầu tư trong nước tăng cao, vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố lại sụt giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, có 353 dự án được cấp mới, với tổng vốn đầu tư đạt 607,4 triệu USD, so cùng kỳ tăng 43% về số dự án và giảm 23,6% về vốn.
Ngoài ra, có 58 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư là 172,7 triệu USD, giảm 27,5% về số dự án và giảm 57,6% về vốn điều chỉnh. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 780 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, Thành phố đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Nguồn nội lực là rất quan trọng, nhưng trong phát triển chung của thành phố đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, cần phải chú trọng thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đang bị sụt giảm.(VN+)