tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 21-06-2016

  • Cập nhật : 21/06/2016

Huy động trái phiếu Chính phủ: Tăng tốc về đích

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, với kết quả huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong 5 tháng đầu năm thì kế hoạch huy động 220 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2016 có nhiều cơ hội về đích.

“Nới room” thị trường trái phiếu

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Xuân Hà, những tháng đầu năm, kết quả huy động vốn thông qua phát hành TPCP đạt khá (khoảng 147 nghìn tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch). Thị trường trái phiếu sơ cấp đấu thầu đạt tỷ lệ thành công cao (trung bình xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/phiên), lợi suất trúng thầu ổn định. Nếu năm 2010 khối lượng trái phiếu giao dịch chỉ 354 tỷ đồng/ngày thì năm 2014-2015 con số này tăng lên khoảng 2.500 tỷ đồng/ngày. Những tháng đầu năm 2016 cho thấy, diễn biến thị trường tích cực, với hầu hết trái phiếu phát hành, số lượng đăng ký mua đều vượt mức phát hành của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Sở dĩ có được kết quả này, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, là do các chỉ tiêu về tiền tệ từ đầu năm đến nay khá ổn định, ở mức thấp, từ lạm phát đến tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng và Bộ Tài chính đã phối kết hợp với các bộ, ngành để điều hành lãi suất một cách phù hợp với diễn biến của tình hình thị trường. Nhờ vậy, kết quả huy động tốt với mức lãi suất hợp lý. Mặt khác, trong những tháng đầu năm, tính thanh khoản của thị trường tài chính tốt hơn, hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn huy động được nguồn vốn khả dụng để đầu tư vào thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm tham gia đầu tư trở lại nền kinh tế cũng khá tốt. Trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phát hành những loại trái phiếu trên 10 năm và các DN bảo hiểm mua với tỷ lệ khá cao, đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, KBNN- đơn vị phát hành TPCP và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (đơn vị thực hiện đấu thầu trái phiếu) đã có nhiều cải tiến trong việc công bố lịch biểu phát hành cụ thể ngay từ đầu năm, tăng cường tham vấn đối thoại với thành viên thị trường, từ đó thúc đẩy thị trường sơ cấp cũng như thị trường thứ cấp của TPCP.

Còn theo đánh giá thành viên thị trường, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã “nới lỏng” quy định giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư TPCP ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn tăng lên 25%, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài lên 35%. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường TPCP sẽ sôi động và phát triển hơn trong thời gian tới, tăng khả năng huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu Chính phủ. Bởi hiện nay có tới 75% giá trị TPCP phát hành được hấp thụ bởi khối ngân hàng. Việc tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để mua, đầu tư TPCP của ngân hàng được xem như “mở room” trên thị trường TPCP, tăng cầu trái phiếu này.

Tổng Thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh kỳ vọng, theo định hướng phát triển thì đến năm 2020 thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 38-40% GDP, nên dư địa thị trường trái phiếu còn nhiều tiềm năng, sân chơi thu hút các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư. Nhất là trong giai đoạn này độ mở ngày càng lớn của kênh trái phiếu khi mà kỳ hạn huy động TPCP kéo dài từ 20 năm, 30 năm.

Tạo cú hích

Thứ trưởng Trần Xuân Hà tin tưởng rằng, kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP sẽ đạt như mục tiêu đặt ra. Lý do là Chính phủ và các bộ, ngành tích cực triển khai các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Đây là điều kiện tiên quyết để ổn định và phát triển thị trường tài chính cũng như cho công tác huy động vốn.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phối hợp tốt giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước làm cho tình hình thanh khoản trong thị trường tài chính tốt hơn. Điều đó tạo điều kiện cho tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy công tác huy động vốn.

“Đặc biệt, cơ sở các nhà đầu tư đã được mở rộng. Các tổ chức như Bảo hiểm xã hội cũng đã được tham gia vào thị trường trái phiếu. Các ngân hàng thương mại cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tỷ lệ tham gia với TPCP. Việc mở rộng đó cũng sẽ có tác động tích cực cho việc hoàn thành kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm”- Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cũng chỉ ra, thị trường trái phiếu còn có những điểm hạn chế và đang ngày càng bộc lộ rõ nét như nghèo nàn về sản phẩm, thiếu hụt công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như phương tiện kinh doanh trong xu hướng lãi suất lên; nhà đầu tư trên thị trường chưa được đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào khối ngân hàng thương mại… Vấn đề đặt ra là cần xây dựng và duy trì các mức lãi suất tham chiếu chuẩn trên thị trường và cho phép bán khống, phát hành lãi suất thả nổi, lãi suất gắn với lạm phát. Để tăng mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý cũng cần cho phép sử dụng chính sách thuế phí linh hoạt hơn bởi mức thuế 10% trên lãi coupon và 0,1% trên mỗi giao dịch bán hiện nay đang là rào cản khá lớn hạn chế sự tham gia của khối này…

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, đối với công cụ TPCP, phải thấy rằng, TPCP là khoản nợ của Chính phủ nhưng có độ rủi ro an toàn cao nhất trong tất cả các khoản tín dụng. Thông thường các nước sử dụng TPCP làm chuẩn mực cho thị trường với các loại công cụ khác nhau. Đối với Việt Nam, với công cụ nợ ngắn hạn thì ta có tín phiếu dưới 1 năm. Đối với công cụ nợ dài hạn thì chúng ta có trái phiếu. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung vào các loại kỳ hạn nợ 3 năm, 5 năm, 10 năm để tạo thành chuẩn mực cho thị trường trong việc xác định lãi suất.(BHQ)


NHNN chỉ đạo các NHTM Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại ngân hàng chính sách

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch HĐQT NHCSXH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban điều hành, Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã báo cáo khái quát về kết quả hoạt động của NHCSXH. Báo cáo nêu rõ, sau hơn 13 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, đến hết tháng 5/2016, NH CSXH đã huy động được trên 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay; tổng dư nợ đạt 147.819 tỷ đồng với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.

Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu rất thấp, chỉ chiếm 0,78%. Trong hơn 13 năm qua, đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt trên 356.000 tỷ đồng.

Thời gian qua các địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, đến nay đạt 5.594 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng nguồn vốn do NHCSXH quản lý. Nhờ đó, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Nguồn vốn này cũng đã giúp xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 7.500 căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, trên 104.000 căn nhà vượt lũ cho cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, tác động tích cực tới chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội trong việc tập hợp hội viên và giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rà soát, đánh giá chính sách tín dụng để hoạch định cơ chế phù hợp hơn cho công tác giảm nghèo đối với từng vùng; tăng cường công tác huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, thời gian tới NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH. Tuy nhiên, Ngân hàng CSXH cũng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để bổ sung vốn điều lệ theo Chiến lược phát triển đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc ủy thác vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NHNN, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bố trí nguồn vốn để NHCSXH thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 10%/năm); bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH theo quy định tại Chiến lược phát triển NHCSXH; UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH.(NĐH)


Giao dịch cổ phiếu DPS, ba cá nhân bị phạt tổng cộng 242,5 triệu đồng

Ngày 17/6/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 629/QĐ-XPVPHC; Quyết định số 628/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 627/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính lần lượt đối với ông Ngô Đức Trung; bà Trần Ngọc Quyên và ông Nguyễn Duy Bốn.

Theo đó, ông Ngô Đức Trung - chủ tài khoản số 068C602546 mở tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt đã thực hiện giao dịch mua 14.069.900 và bán 14.725.420 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sóc Sơn (mã chứng khoán: DPS) từ ngày 07/5/2015 đến ngày 02/12/2015, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DPS liên tục thay đổi (tỷ lệ sở hữu từ 5% trở lên và trở thành cổ đông lớn; tỷ lệ sở hữu cổ phiếu thay đổi vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu). Tuy nhiên, ông Trung đã không báo cáo về sở hữu cho UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội khi trở thành cổ đông lớn và khi có sự thay đổi về số lượng cổ phiếu vượt quá các ngưỡng 1%.

Qua đó, UBCKNN đã phạt ông Trung 62,5 triệu đồng do không báo cáo theo quy định về sở hữu cho UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (SGDCK HN) khi trở thành cổ đông lớn. Bên cạnh đó, ông Trung còn bị phạt thêm 30 triệu đồng do không báo cáo UBCKNN, SGDCK HN khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Tổng mức tiền phạt là 92,5 triệu đồng.

Trong khi đó, UBCKNN đã phạt bà Trần Ngọc Quyên và ông Nguyễn Duy Bốn mỗi người 75 triệu đồng.

Nguyên ngân ông Bốn bị phạt là do cá nhân này đã thực hiện giao dịch mua 7.393.400 và bán 7.277.100 cổ phiếu của DPS từ ngày 18/5/2015 đến ngày 16/10/2015, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DPS từ 5% trở lên và trở thành cổ đông lớn). Tuy nhiên, ông Bốn đã không báo cáo về sở hữu cho UBCKNN, SGDCK HN khi trở thành cổ đông lớn.

Tương tự, bà Trần Ngọc Quyên đã thực hiện giao dịch mua 2.758.800 và bán 2.691.300 cổ phiếu DPS từ ngày 3/11/2015 đến ngày 14/01/2016, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DPS từ 5% trở lên và trở thành cổ đông lớn.Tuy nhiên, bà Quyên đã không báo cáo về sở hữu cho UBCKNN, SGDCK HN khi trở thành cổ đông lớn.


Long đong dạy nghề

Sau nhiều năm chuyển giao về Bộ LĐTB-XH, lĩnh vực dạy nghề vẫn ì ạch và phát triển chưa đúng tầm cũng như yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Chính sự quản lý song trùng (Bộ GD-ĐT quản lý trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, còn Bộ LĐTB-XH quản lý trường CĐ nghề, trung cấp nghề) đã tạo ra nhiều hệ lụy, chồng chéo, phân tán nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất trong giáo dục dạy nghề. 

Đầu tư nhiều nhưng dạy nghề vẫn ì ạch…

Chuyện về phận long đong của dạy nghề không mới, nó âm ỉ nỗi niềm bị chia cắt, phân khúc kể từ ngày Tổng cục Dạy nghề được phân về Bộ LĐTB-XH cách đây 18 năm. Không thể phủ nhận giai đoạn trực thuộc Bộ LĐTB-XH, hoạt động dạy nghề cũng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.

Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhanh, cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng, trong đó nhiều trường nghề được đầu tư thành trường trọng điểm, tạo sản phẩm dạy nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nhiều chương trình dạy nghề cho người nghèo, lao động nông thôn, xuất khẩu lao động… cũng góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực thi các chính sách xã hội hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, dạy nghề, có sự bật dậy này là nhờ nguồn lực tài chính từ ngân sách, vốn vay ODA… tập trung đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề dồi dào, nếu không muốn nói là “khủng”.

Tuy nhiên, do phát triển nóng về quy mô nhưng thiếu quy hoạch, thiếu gắn kết với nhu cầu thị trường lao động nên mạng lưới này đang kêu cứu vì hoạt động èo uột, không tuyển sinh được. Đau lòng hơn là ở nhiều địa phương vì chạy theo số lượng - xây trường nghề, trung tâm dạy nghề tràn lan nhưng thiếu người học nên bỏ hoang rất lãng phí.

Tại TPHCM nơi có hàng trăm cơ sở dạy nghề gồm trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và các trường ĐH có dạy nghề nhưng khai thác không hết công suất đào tạo vì tuyển sinh khó, đầu ra teo tóp. Nếu thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch nó gắn với nhu cầu của thị trường lao động thì sẽ phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, tay nghề cho TPHCM.

Ắch tắc trong liên thông

Sự quản lý song trùng đã làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục - đào tạo, gây trở ngại cho công tác phân luồng học sinh, liên thông trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Hàng năm tỷ lệ học sinh được phân luồng vào các trường trung cấp nghề thấp là do ngành lao động không thể can thiệp vào các trường phổ thông để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp vì hệ thống này do ngành GD-ĐT quản lý.

Không chỉ ách tắc trong liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học, thực tế “một cơ thể nhưng có hai cái đầu điều hành” này cũng gây khó khăn trong hợp tác về giáo dục - đào tạo, đàm phán quốc tế, công nhận văn bằng chứng chỉ quốc gia… Đó là chưa kể rào cản này đang gây khó cho các trường đào tạo đa hệ - vừa dạy nghề lẫn đào tạo hệ TCCN, CĐ, ĐH thì phải chịu sự quản lý chồng chéo của hai bộ với nhiều văn bản quy định khác nhau.

Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời đã quy định thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp, trong đó tất cả các trường nghề, phải nhập vào một hệ thống chung để phát triển. Vấn đề đặt ra là quản lý hệ thống dạy nghề này như thế nào để gắn đào tạo với sử dụng lao động - đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước cũng như hội nhập quốc tế về trình độ, kỹ năng nghề và công nghệ tiên tiến.(SGGP)

TS Lưu Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM  cho rằng: Tổng Cục Dạy nghề nên tách riêng ra và trực thuộc Chính phủ là hợp lý nhất. Nó sẽ là cơ quan phát triển độc lập, tự chủ và thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục