tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 17-06-2016

  • Cập nhật : 17/06/2016

Việt Nam - Campuchia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

Hai bên cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
chu tich nuoc tran dai quang va phu nhan hoi kien quoc vuong campuchia norodom sihamoni. anh: ttxvn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm Campuchia kéo dài hai ngày 15, 16/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân đã hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. 

Lãnh đạo cấp cao hai bên đã cam kết tiếp tục củng cố quan hệ song phương theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", thực hiện đầy đủ những nguyên tắc nêu trong các tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để đe dọa an ninh của nước kia, giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng đàm phán hòa bình.

Việt Nam và Campuchia nhất trí chỉ đạo các bộ ngành hữu quan phối hợp điều chỉnh các cơ chế, thỏa thuận liên quan nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối kinh tế giữa hai nước, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD.

Hai bên tái khẳng định tiếp tục thực hiện đầy đủ các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận về biên giới, quyết tâm giải quyết dứt điểm đối với những khu vực còn tồn đọng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia để hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam và Campuchia cam kết chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau vì lợi ích tăng cường sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên khuyến khích giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả đàm phán và tham vấn, kiềm chế, từ bỏ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).


Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch Phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6, tỷ lệ 1/2000. 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo quyết định, địa điểm quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã: Đông Xuân, Mai Đình và Phù Lỗ - huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 523ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng: 16.330 người.

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh Sóc Sơn được duyệt. Hình thành vùng đệm không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị vệ tinh và khu vực nông thôn huyện Sóc Sơn với chức năng chủ đạo là các khu công viên, cây xanh, sinh thái quy mô lớn.

Đồng thời cải tạo, chỉnh trang khu vực làng xóm hiện có, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực. Hoàn thiện cụm công nghiệp vừa và nhỏ với mô hình công nghiệp sạch, đảm bảo các điều kiện về bảo vệ cảnh quan và môi trường.

Cùng với đó, rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã được phê duyệt trong khu vực nghiên cứu; cập nhật kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu tại các đồ án đã triển khai.

Phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng và các quy định của Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh Sóc Sơn có liên quan đến phân khu đô thị. Xác định cụ thể hóa phạm vi, ranh giới, diện tích, quy mô đất đai, dân số và các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu bảo vệ đối với các khu vực an ninh quốc phòng và sân bay, khu vực bảo tồn di tích văn hóa, khu vực cảnh quan tự nhiên đặc thù, các yêu cầu phát triển đối với các khu vực cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới phù hợp với Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh, Quy hoạch chuyên ngành, Quy hoạch mạng lưới... và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và Tiêu chuẩn thiết kế.

Các chức năng chính gồm: Cụm công nghiệp vừa và nhỏ và các khu vực làng xóm hiện hữu, công viên cây xanh sinh thái, bao gồm 2 khu vực: Trong phạm vi xây dựng đô thị: gồm các chức năng công cộng, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Ngoài phạm vi xây dựng đô thị: gồm các khu công viên cây xanh sinh thái quy mô lớn, đóng vai trò là vùng đệm chuyển tiếp giữa khu vực đô thị vệ tinh và vùng nông thôn phía Nam huyện Sóc Sơn; Gồm cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn và một số cơ sở sản xuất công. Các khu vực làng xóm hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang, khớp nối HTKT.


“Thương mại quốc tế góp phần giải phóng tiềm năng của Việt Nam”

“Thương mại quốc tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiếp cận được với các thị trường quốc tế mà còn có thể tận dụng công nghệ và ý tưởng từ các nước khác. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn, thương mại chính là một tiêu chuẩn so sánh mà qua đó ta có thể đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt nam đồng thời đây cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong Nhà nước, giải phóng hoàn toàn tiềm năng tự nhiên của Việt Nam.”
Phát biểu tại hội thảo về "Nắm bắt cơ hội của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới," bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới nhấn mạnh, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu – EVFTA) dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm.
 
Theo kết quả tính toán sơ bộ từ nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa.
 
Tuy nhiên, bà này cũng cho rằng, các hiệp định trên cũng đưa đến những thách thức đáng kể và nếu Việt Nam không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi thế này sẽ dần bị bỏ lỡ, bởi vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại chính là khâu thực hiện.
 
 
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh đã cung cấp những thông tin về tiến trình phê chuẩn của các nước tham gia TPP. Đối với Việt Nam, trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê chuẩn Hiệp định TPP, ngày 28/4.
 
“Tiếp đến hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan hoàn tất Tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP lên Thủ tướng ký để trình Chủ tịch nước theo quy định pháp Luật,” ông Khánh nói.
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết tình hình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, sau khi kết thúc đàm phán vào tháng 11/2015, hai bên đang tiến hành ra soát pháp lý Hiệp định và dự kiến sẽ tiến hành ký kết trong năm nay.
 
Song trên thực tế, để tiếp cận các cam kết cũng như hiểu rõ chính xác các điều kiện, thách thức đối với các doanh nghiệp là không dễ dàng, khi mà nội dung trong các hiệp định là rất phức tạp, ngôn ngữ hàm lâm, rất nhiều thỏa hiệp.
 
Trong khi, các cơ quan chức năng trong nước mới chỉ công bố những bản tóm tắt rất ngắn về EVFTA, hay tóm tắt mang tính chính sách một vài chương của TPP.
 
Trước thực trạng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với các hiệp hội chuyên ngành xuất bản cuốn tóm lược TPP, song các hướng dẫn về các lĩnh vực trong TPP thì đến nay là chưa có.
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, hiện còn khá nhiều điều cản trở doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ hiệp định TPP, EVFTA.
 
“Hai yếu tố cản trở lớn nhất là thông tin cam kết và thực thi từ phía các cơ quan Nhà nước. Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp cũng nhận thức rất rõ về năng lực cạnh tranh của mình, có tới 78% doanh nghiệp cho rằng năng lực của họ thấp hơn so với đối thủ,” ông Lộc nói.
 
Mặc dù áp lực hội nhập kề cận, song doanh nghiệp trong nước vẫn gặp phải nhiều yếu tố gây cản trở đến năng lực sản xuất của họ. Theo ông Lộc, đó là yếu tố liên quan đến chính sách về thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, chính sách lương. Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp (trong đàm phán, tiếp cận thị trường, công nghệ…) cũng là vấn đề cần phải cải thiện.

Kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích sự phát triển từ khu vực kinh tế tư nhân, bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương cho rằng, cần thiết phải phân định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường; Cơ chế, chính sách hữu hiệu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp); Cơ chế, chính sách tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường cho doanh nghiệp…


Trung Quốc sắp mở đường bay phi pháp từ Bắc Kinh đến Hoàng Sa

Đường bay trái phép từ Bắc Kinh tới sân bay trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa có thể được khai trương trong tháng 8. 
dao phu lam, hoang sa cua viet nam nhin tu tren cao. anh: people daily.

Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: People Daily.

Trung Quốc đang tuyển người làm việc tại sân bay phi pháp có đường băng dài 3.000 m trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trang Ifeng hôm nay cho biết đường bay trái phép từ Bắc Kinh tới đảo Phú Lâm sẽ chỉ mất 4 tiếng đồng hồ, dự kiến bắt đầu đi vào phục vụ từ tháng 8. 

Sân bay phi pháp này đang cho tuyển nhiều vị trí như phó giám đốc, quản lý bay, nhân viên khí tượng, y tế. 

Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Mọi hành động không được sự cho phép của Việt Nam tại hai quần đảo này đều là phi pháp và vô giá trị. 

Trung Quốc đang ngày càng có nhiều động thái ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la ở Singapore hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện "thường xuyên và rõ ràng" tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải. Mặc dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích nhắm tới Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục