“Cán bộ công chức nhũng nhiễu mà xem xét kỷ luật theo đúng quy trình thì lâu lắm, vì thế trước khi nói đến việc xem xét kỷ luật thì tốt nhất là cho nghỉ việc và thay thế, chuyển cán bộ nhũng nhiễu đi làm việc khác rồi cho ngồi đó mà suy nghĩ về cái ghế của mình”.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 12-07-2016
- Cập nhật : 12/07/2016
Khó khăn “săn đuổi” dệt may
Chưa lúc nào DN dệt may lại thấy thê thảm như năm nay, chỉ tăng trưởng chưa đầy 6% trong 6 tháng đầu năm 2016. Những tháng cuối năm, các DN cũng chưa nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” khi bao quanh chỉ toàn khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch XK dệt may Việt Nam ước đạt 12,8 tỷ USD, chỉ tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Tăng trưởng chưa đầy 6%
Sản xuất cầm chừng, đơn hàng thiếu, ăn đong là thực tế đang diễn ra trong ngành được cho là mũi nhọn của Việt Nam- dệt may. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch XK dệt may Việt Nam ước đạt 12,8 tỷ USD, chỉ tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Một vị đại diện của Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng XK thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 đến nay. Không chỉ vậy, XK sang các thị trường chủ lực cũng giảm đáng kể. Cụ thể, ngay tại thị trường Mỹ là thị trường truyền thống và Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao, cũng chỉ tăng khoảng 5,9% (chưa bằng ½ năm 2015 tăng 13%), EU tăng 5,7%, Nhật Bản tăng 3,03%. Điều này thực sự cho thấy tín hiệu về năng lực cạnh tranh quốc gia có biểu hiện suy giảm.
Có một thực tế là các đối thủ cạnh tranh với XK dệt may trước kia có mức tăng trưởng khá tốt nhưng hiện tại cũng bị chững lại. Nước có mức suy giảm lớn nhất về XK dệt may là Trung Quốc, trong đó tổng XK dệt may giảm 5% tại thị trường Mỹ, 10% tại thị trường EU và 6% tại thị trường Nhật Bản. Ấn Độ không có sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ, tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng âm. Đây là 2 quốc gia có kim ngạch XK dệt may lớn nhất thế giới nhưng đều suy giảm về tăng trưởng. Tuy nhiên, nhờ có sự suy giảm của các quốc gia này mà các nước XK dệt may có quy mô nhỏ hơn như Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Campuchia vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng nhất định, dù không cao.
Không chỉ khó khăn về thị trường XK, DN dệt may còn phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường trong nước. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam thừa nhận: “Chúng ta vẫn còn chịu áp lực rất lớn từ lãi suất vay đến chi phí vận tải, kể cả những chi phí không chính thức. Đặc biệt, những năm gần đây, chi phí vận tải trên đường, phí đường, cảng lớn hơn cả chi phí xăng dầu. Đây cũng là những yếu tố làm năng lực cạnh tranh của DN yếu đi. Lãi suất tuy giảm nhưng ở mức 8% vẫn là cao so với các quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt cũng cho biết, tổng cầu thế giới giảm trong khi giá thành ở Việt Nam “đội” cao hơn giá thị trường thế giới. Giá thành cao do sản phẩm đội thêm nhiều khoản như lãi suất ngân hàng cao, năng suất lao động thấp, hệ thống vận tải… làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam. Ví dụ, chi phí vận tải đối với DN nhỏ và vừa như Công ty ông Chung đã chiếm gần 10% trên tổng giá trị hàng hoá, trong khi so với các nước lân cận chỉ 2-3%. Đây cũng là một bất lợi cho sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Sức ép từ các đối thủ
Đã hết nửa năm mà XK dệt may mới chỉ đạt được 1/3 mục tiêu. Dù đang là thời điểm “chính vụ” nhưng nhiều DN đang rất lo lắng cho chỉ tiêu XK của năm 2016. Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm nhận định, nếu quý II, quý III không có sự tăng trưởng thì ngành dệt may rất khó có thể đạt mục tiêu. “Riêng May Hồ Gươm vẫn có thể đạt được mục tiêu XK 40 triệu USD nhưng sẽ phải cố gắng rất nhiều”, ông Trịnh chia sẻ. Còn theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10, tình hình 6 tháng cuối năm không khả quan lắm, chưa kể tác động từ Anh rời EU, khiến cho hàng dệt may sang thị trường này có giá không cạnh tranh.
Chưa kể, trong khi giá hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh thì các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia đều có những chính sách để hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành dệt may. Cụ thể, Trung Quốc đã có chính sách “các nền tảng dịch vụ chung cho các cụm công nghiệp tiêu biểu” áp dụng cho 7 lĩnh vực trong đó có dệt may. Thông qua hình thức tài trợ hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc dịch vụ giảm giá từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phá giá đồng nhân dân tệ cũng là một động thái hỗ trợ ngành XK của Trung Quốc.
Các quốc gia quy mô nhỏ hơn như Bangladesh, Pakistan, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ XK dệt may. Đồng Rupiah của Indonesia được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 1998 cho đến nay. Đồng Rupee của Ấn độ cũng giảm giá 10%, bên cạnh đó họ còn giảm một loạt các loại thuế, đặc biệt là thuế NK nguyên liệu, nguyên liệu chính như xơ, sợi nguyên liệu từ 5% xuống 2,5%. Thuế thu nhập DN tại Bangladesh cũng giảm từ 35% xuống 20%, thuế NK xơ lanh và sợi spandex giảm từ 10% xuống 5%. Đối với Pakistan, áp dụng chế độ thuế 0% (không cần nộp thuế và hoàn thuế tiêu thụ/VAT) đối với nguyên phụ liệu, bán thành phẩm và năng lượng (điện, gas, than) phục vụ hàng dệt may XK, miễn thuế NK máy móc thiết bị dệt may, thành lập Quỹ nâng cấp công nghệ cho ngành dệt may, cắt giảm lãi suất, chương trình tái tài trợ XK từ 9,5% xuống 3%.
Như vậy, khó khăn đối với ngành dệt may đã lộ rõ. Những khó khăn này sẽ tác động trực tiếp đến DN dệt may trong ngắn hạn, trước mắt là khó hoàn thành mục tiêu 31 tỷ USD. Trong trung và dài hạn, chỉ còn một thời gian nữa, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết có hiệu lực, nếu các biện pháp căn cơ cho ngành dệt may không được đưa ra thì Việt Nam sẽ khó có thể địch được với những đối thủ đang “gia sức” thay đổi để giữ chân khách hàng. (HQ)
Thái Lan điều máy bay tìm ngư dân Việt mất tích sau vụ bắn tàu cá
Hải quân Thái Lan điều một số máy bay và tàu tìm kiếm ngư dân Việt Nam mất tích sau khi nổ súng bắn các tàu cá với cáo buộc xâm phạm trái phép.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan chưa nhận được thông tin chính thức từ Bangkok về vụ bắn tàu cá. Ảnh minh họa: Trí Tín
Thông tin trên được Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành cung cấp chiều nay trong cuộc trao đổi với VnExpress. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sáng nay đã gặp các ngư dân bị phía Bangkok bắt giữ cuối tuần qua, cho biết hai người bị thương đã đi lại bình thường do vết thương không nguy hiểm.
"Các cán bộ bảo hộ công dân đang tiếp tục làm việc với phía Thái Lan tại Songkhla. Đại sứ quán hiện vẫn chưa nhận được thông tin chính thức của Thái Lan và đã đề nghị trao đổi trong thời gian sớm nhất", ông Thành nói.
Tàu hải quân Thái Lan hôm 8/7 đã nổ súng vào nhóm ba tàu cá của Việt Nam khiến hai ngư dân bị thương và một lái tàu mất tích. Trong số các tàu có biển đăng ký của tỉnh Bến Tre này, hai chiếc chìm trong quá trình bị áp giải về Thái Lan.Theo Đại sứ Thành, Thái Lan cho biết toạ độ xảy ra vụ việc là 8,02 độ Bắc và 102 độ Đông. Cơ quan chức năng Thái Lan đang hoàn tất hồ sơ nên chưa xét xử các ngư dân Việt bị cáo buộc xâm nhập và đánh bắt cá trái phép. Trước đó Bangkok dự kiến đưa các ngư dân Việt ra hầu tòa trong hôm nay.
Đại tá Alongkorn Seemavuth, Chánh thanh tra cảnh sát tỉnh Songkhla, cho biết hai tàu bị chìm có số hiệu là BT 93024 TS và BT 98081 TS, hai tàu bị bắt giữ là BT 93023 TS và BT 93133 TS, theo TTXVN.
Hai ngư dân bị thương tên là Nguyễn Văn Quèo (29 tuổi) và Nguyễn Văn Linh (25 tuổi). Anh Quèo bị thương ở chân phải còn anh Linh bị thương ở bả vai. Tài công bị mất tích khoảng 23 tuổi, không rõ tên thật, tên thường gọi là Ù.
Trước đó ông Nguyễn Hải Ngọc, Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam, khẳng định hành động bắn vào tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải là trái với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đây là lần thứ hai tàu chiến Thái Lan nổ súng vào tàu cá Việt Nam gây thương vong. Hồi tháng 9 năm ngoái, tàu chiến Thái Lan cũng xả súng vào tàu cá Việt Nam làm một ngư dân thiệt mạng.
Doanh nghiệp nhỏ như… 'cá nằm trên thớt'
Ông Đệ cho hay với tư cách là chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, ông được ban chấp hành hiệp hội giao kiến nghị bảo vệ một DN hội viên bị Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa gây khó khăn. “Chúng tôi có hiệp hội. Nhưng khi hội đứng ra bảo vệ hội viên là cơ quan chức năng quay sang “đánh” hiệp hội, đánh chủ tịch hiệp hội ngay” - ông Đệ nói.
Theo ông Đệ, DN Việt Nam tới 90% có những lúc bị coi là vi phạm cũng được mà không vi phạm cũng được. “Nếu xét về luật thì không sao nhưng nghị định, giấy phép con lại sai. Rất khổ. Công chức mà cứ làm khó DN thì không biết khi nào DN mới phát triển” - ông Đệ than.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết việc chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa và một số DN Thanh Hóa bị gây khó khăn, VCCI sẽ cử một đoàn công tác đặc biệt sớm vào làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong những ngày tới.
Nói về việc hỗ trợ DNNVV, ông Lộc cho rằng: Việt Nam hiện có 400.000 DNNVV đang hoạt động, phần lớn DN này đang tự chủ sản xuất, kinh doanh, Nhà nước thông qua một số chính sách như miễn, giảm thuế... “Hoạt động hỗ trợ chỉ diễn ra khi DN gặp khó khăn chứ chưa thành chiến lược và chưa nhắm đến hiệu quả lâu dài” - ông Lộc nói.
Từ đó, ông Lộc cho rằng việc hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế "xin-cho", thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN.
“Việc hỗ trợ DN nói chung cần đúng trọng tâm, có trọng điểm, dứt khoát không có cơ chế "xin-cho", không làm thay DN và các hiệp hội, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV…” - ông Lộc nói và cho rằng việc hỗ trợ các DNNVV cần nhắm tới những DN có tiềm năng phát triển chứ không phải những DN khó khăn triền miên.
Cán bộ chi cục thuế bị tố tống tiền doanh nghiệp
Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông O., chủ một doanh nghiệp tại thị trấn Bến Lức, kể trước đó ông NTT, cán bộ Chi cục Thuế huyện Bến Lức, đã làm bản áp thuế phạt doanh nghiệp của ông O. 1,4 tỉ đồng. Sau đó ông T. yêu cầu ông O. đưa 400 triệu đồng để “chạy” giúp, ông O. chỉ cần nộp phạt 600 triệu đồng. Khi vợ ông O. đem 200 triệu đồng đến một quán cà phê giao cho ông T. thì cơ quan điều tra bắt quả tang.
“Sau khi cơ quan công an làm việc, ông T. đã được cho về nhà. Hiện chúng tôi đang yêu cầu Chi cục Thuế huyện Bến Lức tiếp tục giải trình, đồng thời chờ kết quả cuối cùng từ cơ quan điều tra” - ông Tạo nói.