Người nước ngoài hiện cư trú trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất nhiều, đặc biệt là người Trung Quốc và số lượng ngày càng tăng lên.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 15-11-2015
- Cập nhật : 15/11/2015
Hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm
Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi đã trao tiền hỗ trợ các ngư dân bị tai nạn khi đang hành nghề trên biển và các trường hợp ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công gây hư hại...
Sáng 13-11, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi đã trao tiền hỗ trợ các ngư dân bị tai nạn khi đang hành nghề trên biển và các trường hợp ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công gây hư hại, chìm tàu khi đang hoạt động đánh bắt hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Tiền hỗ trợ này dùng để đóng tàu mới.
Trong đó, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hỗ trợ 4,3 tỉ đồng cho bảy ngư dân gồm: Tiêu Viết Là 700 triệu đồng, Trương Văn Đức 500 triệu đồng, Lê Tấn Ánh 500 triệu đồng, Đỗ Mai Tấn 700 triệu đồng, Nguyễn Ngọc Thanh 700 triệu đồng, Huỳnh Tấn Nghĩa 600 triệu đồng và Dương Thành Long 600 triệu đồng.
Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi còn hỗ trợ 540 triệu đồng cho 13 ngư dân gặp nạn vì nhiều lý do như tàu chìm, thiệt hại ngư cụ do thiên tai, bị tàu nước ngoài đâm va. Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cũng hỗ trợ bảy ngư dân bị thương, bị chết và mất ngư cụ 114 triệu đồng.
Chỉ đạo quyết liệt cải cách tư pháp
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - khẳng định công tác cải cách tư pháp thời gian qua đã đạt được các kết quả nhất định và mang lại những thay đổi quan trọng.
Chiều 13-11, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương tổ chức phiên họp thứ 24 thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2016; dự kiến chương trình trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương; đề xuất nội dung, chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 về những vấn đề có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Chủ trì phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - khẳng định công tác cải cách tư pháp thời gian qua đã đạt được các kết quả nhất định và mang lại những thay đổi quan trọng.
Việc thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được chỉ đạo quyết liệt, tập trung và hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đã được tăng cường, đổi mới.
Nhiều công an xã còn lạm quyền
Sáng 13-11, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết bảy năm thực hiện pháp lệnh công an xã.
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - ghi nhận: công an xã là lực lượng quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên, đoàn kết từ cấp thôn xóm nhưng lực lượng này vẫn còn nhiều thiệt thòi như chế độ phụ cấp chưa đảm bảo. Từ năm 2008 đến nay có ba công an xã bị thương, một người hi sinh khi đang làm nhiệm vụ...
Mặt khác, theo thiếu tướng Trần Kỳ Rơi: “Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, nhiều công an xã còn lạm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng như vụ đánh chết nghi can trộm bò ở Cư Kuin, vụ công an xã gây thương tích cho người dân ở huyện Krông Ana...”. Trong bảy năm qua, có 98 công an xã ở Đắk Lắk bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt có 13 công an xã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì gây thương tích, làm chết người khi làm nhiệm vụ...
Lúa cánh đồng liên kết khó tiêu thụ
Trong tổng số hơn 69.200ha tham gia thực hiện cánh đồng liên kết năm 2015 tại tỉnh Đồng Tháp, chỉ khoảng 22.300ha lúa (32%) được thực hiện theo cam kết.
Đặc biệt, giống lúa chất lượng thấp IR50404 vẫn được nông dân chọn trồng chủ yếu (42%). Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị “Tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp 2015” diễn ra ngày 13-11.
Theo ông Nguyễn Văn Công - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, giá lúa thường xuyên ở mức thấp và không chênh lệch nhiều giữa lúa chất lượng cao với lúa IR50404 làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đã ký hợp đồng với giá cố định trước đó.
“Vào thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa thường sụt giảm nên việc đảm bảo thực hiện hợp đồng còn gặp nhiều khó khăn, trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các bên vi phạm” - ông Công cho biết.
Ba nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO
Ba nhà khoa học đạt giải thưởng L’Oréal - UNESCO năm nay là BS chuyên khoa II Hồ Phạm Thục Lan (BV Nhân dân 115, giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), TS Phạm Thị Kim Trang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS-TS Nguyễn Lan Hương (Phó phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội).
TS Trần Thị Hiền (ĐH Y Dược Thái Bình) cũng đã nhận được giải nhà khoa học tiềm năng của giải thưởng L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học. Từ năm 1998 đến nay, giải thưởng L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học đã vinh danh 2.250 nhà khoa học nữ tài năng tại hơn 110 quốc gia.