Giá than mua của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện cao hơn khoảng 5USD/tấn so với giá nhập khẩu. Mỗi năm các nhà máy máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ gần 30 triệu tấn than, tính ra “tiền chênh” có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 12-07-2016
- Cập nhật : 12/07/2016
Nâng mức huy động vốn đầu tư cho Đà Nẵng
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11-7 về cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động cho thành phố do nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển của thành phố Đà Nẵng rất lớn.
Không giải quyết mâu thuẫn, nông nghiệp khó khá lên
Từ trước tới nay, ngành nông nghiệp vẫn luôn được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Bởi vậy, 6 tháng qua, khi GDP chung toàn ngành nông, lâm, thủy sản sụt giảm 0,18%, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra nhiều lo ngại. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương).
Sau 30 năm sau đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước phát triển “nhảy vọt”, đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn trở thành nước XK một số mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, theo ông, kết quả tăng trưởng âm trong nửa đầu năm có đáng ngạc nhiên?
Nông nghiệp tăng trưởng âm không có gì ngạc nhiên. Trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam chỉ tự cung tự cấp. Khi mở rộng quan hệ quốc tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp được XK như lúa gạo, hạt điều, cà phê, cao su… Hoạt động XK này làm cho tốc độ tăng trưởng ngành tăng lên nhanh. Khi đã liên tục tăng trưởng nhanh, ở giai đoạn sau, để tăng được 1% trở nên cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng ở mức giới hạn trong việc mở rộng theo số lượng và sản lượng. Do vậy, khi nền nông nghiệp chưa có sự chuyển biến đặc biệt về mặt chất lượng thì tăng trưởng chững lại, thậm chí thụt lùi là chuyện tất yếu.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân trực tiếp khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong nửa đầu năm?
Từ trước đến nay, kể cả khi gặp những vấn đề khủng hoảng lớn trên thế giới thì nông nghiệp Việt Nam vẫn là “điểm tựa” giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, trong năm nay, ngành nông nghiệp vấp phải nhiều yếu tố khó khăn khách quan, ví dụ như bất lợi về thời tiết, nhiễm mặn ở khu vực ĐBSCL cũng như một số bất lợi về mặt dịch bệnh trong lĩnh vực chăn nuôi… Những điều này đẩy ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng cạnh tranh không cân sức. Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp tăng trưởng chững lại trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, khi Việt Nam thực hiện một số cam kết trong các lĩnh vực khác nhau của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện cam kết khi tham gia một số Hiệp định thương mại tự do, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành… mức thuế giảm xuống, nhiều mặt hàng nông sản của nước ngoài có cơ hội tràn vào thị trường nội địa, ví dụ như thịt bò Australia, thịt gà Mỹ, hoa quả Thái Lan, gạo Campuchia… Điều này cũng gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Bên cạnh cơ hội, ngành nông nghiệp đồng thời phải đối mặt với không ít thách thức. Khi đó, tốc độ tăng trưởng âm như hiện tại có đặt ra nhiều lo ngại không, thưa ông?
Tôi cho rằng việc ngành nông nghiệp trong khoảng nửa năm tăng trưởng âm không đáng lo ngại bởi nó chỉ mang tính chất tình thế. Mức tăng trưởng có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan.
Tuy nhiên, trong thời hội nhập sâu, cái đáng lo nhất là nông nghiệp Việt Nam đang nằm trong mâu thuẫn tự tạo ra. Đó là, chúng ta muốn vươn ra thị trường thế giới, muốn bán hàng tại các thị trường “khó tính”, song nền nông nghiệp lại được tổ chức sản xuất theo kiểu manh mún, tiểu nông, nhìn ngắn. Hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam chật vật tìm thị trường, song hầu hết các thị trường đều đưa ra những chuẩn mực khá cao. Trong khi đó, hiện nay cùng một sản phẩm XK lại được sản xuất từ hàng nghìn nông dân, hàng nghìn mảnh đất với những loại giống và cách chăm sóc khác nhau. Điều này rõ ràng không bao giờ đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại. Nếu mâu thuẫn nêu trên không được giải quyết thì nền nông nghiệp không bao giờ có thể khá lên.
Với bối cảnh hiện tại, ông đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong nửa cuối năm, thậm chí cả đầu năm 2017?
Trong năm 2016, nền nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn vào 6 tháng cuối năm, nông nghiệp chưa có dấu hiệu gì mang tính chất đột biến để đảm bảo có thể thay đổi. Trong khi đó, những yếu tố bất lợi cho nông nghiệp thời gian gầy đây lại xảy ra nhiều hơn. Bởi vậy, nửa cuối năm, thậm chí cả nửa đầu năm sau, dự báo nông nghiệp vẫn trong tình trạng phát triển bấp bênh lúc lên lúc xuống, không ổn định.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, ở tương lai xa hơn nền nông nghiệp cũng có những dấu hiệu tốt. Điển hình như khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các nhà kinh doanh nông nghiệp ở Nhật Bản, Australia, Canada, Mỹ… sẽ tìm kiếm thị trường có nhân công thuận lợi hơn, quỹ đất tốt, khí hậu thuận lợi hơn để đầu tư. Đây có thể là cơ hội cho Việt Nam. Nếu được hướng tới đầu tư, tận dụng tốt các yếu tố thì trong khoảng 5 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ có chuyển biến tốt.
Ngoài ra, gần đây việc Nhà nước đã có những chính sách thúc đẩy việc chuyển giao, tiếp nhận những công nghệ hiện đại trong nông nghiệp từ Australia, Nhật Bản… cũng là tín hiệu tích cực.
Như ông đã nói ở trên, nông nghiệp Việt Nam vướng vào mâu thuẫn nội tại nên khó phát triển. Vậy ông có thể cho biết, đâu là giải pháp để hóa giải mâu thuẫn?
Tôi cho rằng, muốn phát triển được, quan trọng nhất là phải làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam trở nên hiện đại, quy mô lớn. Muốn vậy, việc tích tụ ruộng đất cần được khơi thông. Hiện nay, nhiều DN lớn muốn đầu tư sâu hơn vào nông nghiệp, tuy nhiên theo giãi bày của DN thì để tập trung được khoảng 10 ha đất đai ở Việt Nam rất chật vật. Trong khi đó, nếu sang Lào hay Campuchia, tập trung 20 ha, thậm chí 30 ha đơn giản hơn nhiều. Muốn gỡ “nút thắt” trong tích tụ ruộng đất, Luật Đất đai phải được sửa đổi.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc thu hút những DN có năng lực, mang tính chất DN “đầu đàn” tham gia đầu tư trong nông nghiệp. DN sẽ đảm nhiệm tốt các khâu như kiếm tìm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu… Sự vào cuộc của DN phải sâu sát tới từng vùng, từng sản phẩm.
Một điểm quan trọng là cần có chính sách phù hợp hướng những người nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp, có tay nghề, có trình độ, thực sự tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh để người nông dân sống được trên mảnh đất của mình, từ đó mới có tinh thần bám đất, bám nghề.(HQ)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính tới hết tháng 6, GDP chung toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã sụt giảm 0,18%. Trong đó, nông nghiệp giảm 0,78%, lâm nghiệp tăng 5,75% và thủy sản tăng 1,25%.
Nửa đầu năm, sản xuất chăn nuôi, lâm nghiệp đã duy trì tăng trưởng khá nhưng vẫn không đủ bù đắp sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng ngành chưa đạt mức kế hoạch đề ra. Đây là lần đầu tiên từ trước đến nay, toàn ngành không có tăng trưởng trong 6 tháng.
“Nên phát hành trái phiếu miễn thuế”
“Chính phủ nên chỉ đạo phát hành trái phiếu dài hạn, có lãi suất thấp và tất cả những lợi nhuận phải được miễn thuế, còn gọi là loại trái phiếu Chính phủ miễn thuế, thì người đầu tư họ có thể chấp nhận được. Hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng nguồn vốn giá rẻ như nguồn tài trợ từ nước ngoài v.v. cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng này có nguồn và có thể cho vay với lãi suất 4,8%/năm”.
Đây là một trong những đề xuất của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan xung quanh vấn đề ách tắc vốn cho nhà ở xã hội hiện nay.
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, hiện nay vốn cho nhà ở xã hội đang ách tắc do Chính phủ chưa thu xếp được nguồn vốn. Xin ông cho biết đánh giá của ông về việc thực hiện cấp vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội đến thời điểm này?
Trong thời gian qua, gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay đối với lĩnh vực nhà ở xã hội tại đô thị đã đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đóng góp rất lớn tạo ra mức thanh khoản cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thật sự gói 30.000 tỷ rất giới hạn, bởi ở Việt Nam nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, 30.000 tỷ chỉ như muối bỏ biển. Hiện nay, Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất là 4,8%/năm, nhưng vấn đề là hiện chưa biết nguồn vốn này sẽ lấy ở đâu. Trong khi đó, muốn lãi suất cho vay là 4,8%/năm thì lãi suất đầu vào tối đa là 3,3% để Ngân hàng Chính sách xã hội có biên độ lợi nhuận là 1,5%. Câu hỏi đặt ra là làm sao ngân hàng Chính sách có được nguồn vốn với lãi suất 3,3% để tài trợ cho vay ưu đãi nhà ở xã hội?
Việc Chính phủ ban hành Quyết định lãi suất cho vay nhà ở xã hội trong khi nguồn vốn chưa thu xếp được liệu có vội vàng hay không, thưa ông? Với thị trường bất động sản nói riêng, theo ông sự ách tắc nguồn vốn cho nhà ở xã hội này có tác động như thế nào?
Tôi không biết khi Chính phủ đưa ra quyết định đó đã chuẩn bị được nguồn vốn hay chưa, nhưng hiện nay tất cả đều đang trông chờ vào Chính phủ. Nếu Chính phủ đã có nguồn thì nên công bố nguồn, còn chưa có nguồn mà đưa ra một chính sách lãi suất như thế là đặt Ngân hàng Chính sách vào thế khó. Trong tình thế lúc này không thể trông chờ vào vốn huy động từ dân được, vì không có tiền gửi dài hạn nào có lãi suất 3,3 %/năm.
Với thị trường bất động sản, sự ách tắc này là rủi ro thị trường. Những nhà kinh doanh họ xây dựng dự án nếu dựa vào những dự đoán, phỏng định không chắc chắn, sản phẩm ứ đọng thì có thể sẽ quay lại như thời kỳ trước, hàng tồn kho cao, như thế thì rất nguy hiểm, do đó các nhà kinh doanh khi triển khai dự án phải dựa trên cơ sở dự báo chính xác.
Lãi suất 4,8%/năm theo quyết định của Chính phủ áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì hiện chưa có quy định cụ thể, vậy theo ông có cần thống nhất mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội hay không?
Những gói tín dụng cho người thu nhập thấp là tín dụng chính sách, nên khó có thể áp lãi suất ưu đãi cho tín dụng bất động sản chính sách này cho các ngân hàng thương mại được. Do đó, Chính phủ chỉ định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là hợp lý. Nếu quy định tất cả các ngân hàng thương mại là không hợp lý bởi ngay cả Ngân hàng Chính sách vẫn chưa tìm được nguồn vốn, chưa nói là trao đại trà cho các ngân hàng khác được. Do đó, việc thống nhất lãi suất tại tất cả các ngân hàng là điều không hợp lý, vì đây là gói tín dụng mang tính chất chính sách, thành ra phải chỉ định một ngân hàng nào đó để Chính phủ chỉ đạo và cấp vốn. Lãi suất thương mại gấp đôi lãi suất cho vay nhà ở xã hội, do đó không thể trông chờ vào các ngân hàng thương mại huy động nguồn rẻ để cho vay với lãi suất 4,8% được. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn cho đến 1 năm là từ 6-7 %, chưa nói đến trung và dài hạn, nếu cho vay 4,8% họ sẽ lỗ. Nếu muốn cho vay, họ phải được tái cấp vốn bằng nguồn vốn rất rẻ của Chính phủ.
Tôi cho rằng, để có nguồn vốn rẻ thì cấu trúc tài chính phải thay đổi toàn diện. Hiện nay thị trường tài chính của Việt Nam có 2 phân khúc: Thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ rất phát triển, nhưng thị trường vốn là thị trường ngắn hạn, phát triển rất èo uột về sản phẩm cũng như nhà đầu tư. Do đó thị trường vốn của Việt Nam phải tái cấu trúc lại để phát triển, phải thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp vào đó, tạo ra thị trường vốn dài hạn, giá rẻ. Với lãi suất cho nhà ở xã hội như hiện nay thì phải trông chờ vào Chính phủ dùng ngân sách để cấp vốn, nhưng hiện tại ngân sách rất eo hẹp nên việc thực hiện rất nhiều trở ngại.
Ông nghĩ thế nào với đề xuất nên đẩy mạnh hình thức gửi tiết kiệm nhà ở để tạo thêm nguồn vốn cho lĩnh vực nhà ở xã hội?
Đó là điều tốt, những người muốn mua nhà ở xã hội họ có thể là khách hàng của Ngân hàng Chính sách, nhưng khi họ gửi mà ngân hàng lại cho họ lãi suất là 3,3% trong khi các ngân hàng khác trả lãi suất gấp đôi thì không ai chấp nhận. Đây là vấn đề của thị trường.
Vậy theo ông, chúng ta có thể tìm kiếm nguồn vốn khả thi cho nhà ở xã hội ở đâu trong thời điểm này?
Theo tôi, có lẽ Chính phủ phải đưa ra bài toán hoặc là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng hoặc Bộ Tài chính phải thu xếp nguồn vốn vay này cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là bài toán rất lớn, bởi ngay trái phiếu Chính phủ cũng không có lãi suất là 3,3%. Tôi cho rằng Chính phủ nên chỉ đạo phát hành trái phiếu dài hạn, có lãi suất thấp và tất cả những lợi nhuận phải được miễn thuế, còn gọi là loại trái phiếu chính phủ miễn thuế, thì người đầu tư họ có thể chấp nhận được. Hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng nguồn vốn rẻ như là nguồn tài trợ từ nước ngoài v.v. để cấp cho Ngân hàng Chính sách thì ngân hàng này có nguồn để có thể cho vay với lãi suất 4,8%/năm.(HQ)
Hải quan TP.HCM tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Cục Hải quan TP.HCM ngày 8-7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, nhóm giải pháp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận cho hoạt động XNK, XNC của người dân và doanh nghiệp; thông qua giải pháp này để nuôi dưỡng nguồn thu. Nhiệm vụ này vai trò chủ trì là Phòng Giám sát quản lý, các chi cục và các phòng ban thực hiện, với các giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Để thực hiện, các đơn vị cần rà soát các khâu thủ tục, giám sát xem khâu nào còn rườm rà, không hiệu quả phải sửa ngay. Tới đây, Cục sẽ chủ trì hội nghị gặp gỡ 300 DN lớn trên địa bàn thành phố để làm 3 nhóm nhiệm vụ: Giúp các DN bằng cách chủ động gặp gỡ DN để tìm hiểu kế hoạch sản xuất, cùng với cơ quan chuyên ngành, cơ quan kinh doanh cảng, tạo điều kiện thuận lợi. thông qua đó chúng ta mới có kế hoạch để phục vụ DN cho hiệu quả.
Phó Tổng cục trưởng yêu cầu kịp thời tìm hiểu xem DN có khó khăn vướng mắc hay không, vướng mắc đó ở văn bản nào thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, đơn vị nào để cùng có trách nhiệm phản ánh với các bộ ngành để tháo gỡ cho DN. Tháo gỡ được khó khăn cho DN là giúp giảm bớt chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật những văn bản chính sách mới, đặc biệt, phải tổng hợp được những thủ đoạn buôn lậu, gian lận mới cảnh báo cho DN để họ tránh, hướng DN tuân thủ tốt pháp luật. "300 DN chiếm hơn 80% số thu của Cục mà tuân thủ tốt thì chúng ta hoàn toàn yên tâm cho công tác thu để tập trung nguồn lực quản lý, giám sát những DN trong danh sách trọng điểm"- Phó Tổng trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, đối với nhóm vấn đề về kiểm tra chuyên ngành, Phó Tổng cục trưởng cho rằng, đây là một trong những vấn đề mà DN đang bức xúc. Cơ quan Hải quan phải chủ động thực hiện để kéo các bộ, ngành cùng thực hiện. Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, hiện nay, tại Cục Hải quan TP.HCM, luồng Vàng đang chiếm 36%, chủ yếu liên quan đến công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành. Phần giảm 50% thời gian thông quan hàng hóa thuộc công việc của Hải quan không đáng lo ngại, nhưng phần của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong 36% nêu trên đang là thách thức.
Bên cạnh đó, làm tốt giai đoạn 1 kiểm tra chuyên ngành tại 3 cửa khẩu, vì hiện nay tiến độ triển khai còn chậm. Trước ngày 15-7, các chi cục phải tuyên truyền cho các DN thực hiện 100%.
Thứ ba, nhóm vấn đề về thu ngân sách, mặc dù năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM được giao chỉ tiêu giao cao, nhưng kết quả 6 tháng đầu năm đạt tương đối khả quan. Kim ngạch nhập khẩu tăng 9,47%, kim ngạch có thuế tăng 7,87% đã bù đắp phần hụt thu từ nguồn xăng dầu.
Trong công tác thu ngân sách những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả công tác chống gian lận về giá, thuế suất, C/O; chống buôn lậu và gian lận thương mại và thu hồi nợ đọng; chấn chỉnh công tác tham vấn giá và kiểm tra công tác trị giá hải quan; công tác cập nhật các thông tin (chủng loại, mặt bằng giá) siết chặt từ khâu kiểm hóa đối với mặt hàng ô tô.
Thứ tư, về công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, 6 tháng đầu năm nay, số vụ vi phạm phát hiện giảm gần 50% nhưng trị giá hàng vi phạm tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước, con số này thể hiện tình hình buôn lậu và gian lận thương mại giảm rõ rệt, nhưng vẫn phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn... Để đấu tranh với hanh vi mới, các đơn vị phải thay đổi lại phương thức đấu tranh, bên cạnh phân tích quản lý rủi ro một cách bài bản, cần lựa chọn ra 500 doanh nghiệp trọng tâm để theo dõi, ngăn chặn.
Để làm tốt công tác này, thì nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quan trọng sạch vững mạnh cũng cần được chú trọng. Tới đây, lãnh Cục và Thường vụ Đảng ủy Cục Hải quan TP.HCM sẽ có giải pháp quyết liệt về công tác cán bộ. Theo đó sẽ làm mạnh, xử lý nghiêm CBCC vi phạm, kể cả có dấu hiệu thì cũng điểu chuyển công tác ngay...