Trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác Kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 11/7, tại Hậu Giang đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang – tiềm năng đầu tư và phát triển” với hàng loạt dự án nông nghiệp được Hậu Giang "trải thảm" mời gọi đầu tư.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 11-07-2016
- Cập nhật : 11/07/2016
Da giày “thấp thỏm” thoát khó
Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK của ngành da giày có tốc độ tăng trưởng thấp, có những tháng tụt hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đơn hàng da giày thường dồn vào cuối năm nên nhiều DN kỳ vọng tình hình XK sẽ “ấm” hơn và về đích như kế hoạch.
Thị trường khó
Thống kê của Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK chỉ tăng 5%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng từ 10-15%, đặc biệt trong tháng 3, các đơn hàng XK về thị trường châu Âu (EU) có xu hướng giảm mạnh, các thị trường khác vẫn có sự tăng trưởng ổn định nhưng thị phần không mạnh bằng EU nên tổng kim ngạch bị ảnh hưởng. Bước sang tháng 5 và 6, khối lượng hàng XK đã có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng chưa có sự đột biến và đạt được mức tăng trưởng như các năm trước.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, thị trường EU sụt giảm mạnh do tác động của biến động chính trị, nhu cầu tiêu dùng giảm. Vì thế, khách hàng EU – đối tác lớn nhất của ngành da giày chuyển sang đặt hàng cầm chừng, chỉ đặt hàng theo nhu cầu của thị trường chứ không đặt liên tục như những năm trước.
Nói về khó khăn của DN, bà Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở Giày dép Quỳnh Châu cho hay, trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng XK giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như trước đây, khách hàng ký cả năm thì nay họ ký đơn hàng theo từng giai đoạn, DN thực hiện xong nếu khách hàng còn nhu cầu tiếp, phía khách hàng mới tiếp tục ký thợp đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh lượng đơn hàng giảm sút do tác động của thị trường, nguyên nhân còn đến từ chính các DN da giày Việt Nam. Đó là khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất của khách hàng. Nhiều DN cho biết, đơn hàng và khách hàng trong 6 tháng qua không hẳn là thiếu, thậm chí, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng đến Việt Nam tìm cơ sở sản xuất nhưng DN Việt Nam không đáp ứng được điều kiện đặt ra từ phía khách hàng. Như điều kiện về nhà xưởng, chất lượng sản xuất, chất lượng quản lý, môi trường, nguồn nguyên phụ liệu, chế độ cho công nhân… nên không “dám” nhận đơn hàng.
Đây không phải là vấn đề mới của các DN da giày mà đã được đề cập đến nhiều trong chính sách hỗ trợ DN nói chung và ngành da giày nói riêng. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có yêu cầu rất khắt khe nhưng nhu cầu đặt hàng lại lớn nên nhiều đơn hàng lớn rơi vào tay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều DN da giày đến từ Trung Quốc đã tới Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy để tận dụng lợi thế về địa lý, nguồn nhân công và tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nếu các DN Việt Nam không có hướng phát triển mạnh hơn thì chắc chắn sẽ bị các DN này chiếm lĩnh thị phần.
Kỳ vọng từ chính DN
Trong những tháng còn lại của năm 2016, đa phần DN da giày đều kỳ vọng sự tăng trưởng khá hơn.
Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH da giày Phong Châu cho biết, kim ngạch XK sụt giảm trong 6 tháng đầu năm có thể do bên NK muốn lấy hàng muộn hơn để chờ đón những ưu đãi về thủ tục, chi phí NK khi hội nhập. Vì thế, đây chỉ là những biến động trong giai đoạn nhất định nên chưa có gì đáng lo ngại khi đơn hàng vào cuối năm của Công ty hiện đã gần kín.
Cùng hy vọng vào tình hình sản xuất sẽ khá hơn vào cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Lan, cơ sở sản xuất Quỳnh Châu hiện mới chỉ có 3 dây chuyền, nhà xưởng chưa đủ thiết bị nên chưa thể đáp ứng được hết các yêu cầu cũng như đơn hàng của khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty đã và đang tìm hướng liên kết với các DN cùng lĩnh vực tại địa phương để hỗ trợ nhau trong sản xuất, DN nào mạnh lĩnh vực gì thì nhận lĩnh vực ấy để hợp tác hoàn thiện đơn hàng cho khách hàng. Như vậy, các DN vừa có hàng sản xuất mà vừa đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ đối tác nước ngoài.
Trên thực tế, nhiều DN da giày có “điều kiện” hơn đã tích cực mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, ví dụ như Công ty TNHH giày Viễn Thịnh đã đầu tư 240 tỷ đồng xây dựng nhà máy rộng 40.000m² với dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại đáp ứng được công suất khoảng 3 triệu đôi/năm. Bên cạnh đó, thị trường còn ghi nhận sự dịch chuyển của một số DN về mở nhà máy tại các địa phương vùng xa như Nghệ An, Long An, Kiên Giang… nhằm tận dụng nguồn lao động và đất đai. Hơn nữa, nhiều DN còn “mạnh dạn” mở nhà máy tại các khu công nghiệp lớn để mở rộng sản xuất, kết nối với các DN mạnh hơn để cùng tăng trưởng XK.
Nhưng với đa phần DN da giày là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương, các DN này cần có chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, nhiều DN đang phụ thuộc vào khách hàng, khách hàng “bảo sao thì làm vậy” nên rất bị động, vì thế, DN cần thông tin liên quan đến quản trị, marketing, đồng thời cũng cần tăng cường kết nối thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, XNK và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.
Với những thay đổi từ chính DN và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hy vọng rằng mục tiêu XK trong năm 2016 đạt 14 tỷ USD với giày dép và khoảng 3 tỷ USD đối với túi xách sẽ khả thi. Tuy nhiên, với những biến động khó lường từ thị trường trong nước và quốc tế, DN cần sự chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường, tăng cơ hội giao thương cũng như liên kết giữa các DN để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.(HQ)
EVN đã hoàn thành mục tiêu chống lũ cho 4 dự án thủy điện
Trong khi đó, tình hình thi công các dự án nguồn điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng và các dự án Nhiệt điện Thái Bình, Thủy điện Sông Bung 2, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Thác Mơ mở rộng và Thủy điện Đa Nhim mở rộng cơ bản bám sát tiến độ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã hoàn thành đóng điện 110 công trình lưới điện 110-500kV và khởi công xây dựng 72 công trình lưới điện 110-500kV.
Trong đó đã hoàn thành các dự án đảm bảo cấp điện miền Nam như đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho, trạm biến áp 500kV Pleiku 2 nâng cao năng lực truyền tải miền Trung vào miền Nam và các dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP. Hà Nội như trạm biến áp 220kV Sơn Tây, trạm biến áp 110kV Sân bay Nội Bài....
Đối với việc đầu tư lưới điện nông thôn, Tập đoàn đã hoàn thành các thủ tục kết thúc Dự án Cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) với tổng vốn vay 120 triệu EUR; Hoàn thành cấp điện từ lưới điện quốc gia cho xã đảo Cái Chiên - xã đảo cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh chưa có điện. Đồng thời tiếp tục thực hiện Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Tân Hiệp - đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) bằng cáp ngầm, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2016.
Cùng với đó, sẽ đóng điện dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang) trong tháng 7 này. Mặt khác, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cải tạo lưới điện phân phối vay vốn kfW, ADB, WB và các dự án cấp điện nông thôn cho các hộ dân chưa có điện sử dụng vốn ngân sách tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn và Nghệ An...
Tính đến hết tháng 6/2016, Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Nghệ (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành 25% khối lượng, dự kiến đóng điện trong quý III/2016.
Trong tháng 7 này, EVN sẽ đảm bảo mốc tiến độ đốt lò và thông thổi tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3 ; hoàn thành chạy thử thách và chính thức nghiệm thu đưa tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu và Huội Quảng vào vận hành; hoàn thành thả rotor tổ máy 1 Thủy điện Sông Bung 2 và roto tổ máy 1 Thủy điện Trung Sơn.
Ngoài ra, hoàn thành các công trình lưới điện như Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho, Máy biến áp 500 kV Thạnh Mỹ, trạm biến áp 220kV Hàm Tân, Mỹ Xuân, đường dây 220kV Ba Đồn - Đồng Hới (phần ngăn lộ tại trạm biến áp 220kV Đồng Hới), đường dây đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; hoàn thành đóng điện xuất tuyến 110kV sau trạm biến áp 500kV Nho Quan và các công trình tăng cường cung cấp điện cho khu vực Long Biên - Hà Nội.(VN+)
Quy định mới về việc cấp tín dụng hợp vốn của các TCTD đối với khách hàng
NHNN vừa ban hành Thông tư 24/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp tín dụng hợp vốn của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Thông tư 24 có hiệu lực thi hành từ 30/6/2016.
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất của Thông tư 24 là việc sửa đổi điều 7 Thông tư số 42/2011/TT-NHNN theo hướng bỏ quy định về điều kiện cấp tín dụng hợp vốn.
Theo quy định của Thông tư 24, trường hợp cấp tín dụng hợp vốn có sự tham gia của các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc việc cấp tín dụng hợp vốn đối với khách hàng để thực hiện dự án ở nước ngoài, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Thông tư này, các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 24 sửa đổi phạm vi và đối tượng áp dụng tại Thông tư số 42/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011.
Cụ thể, Thông tư này quy định về việc cấp tín dụng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài đối với khách hàng thực hiện đầu tư dự án phương án sản xuất kinh doanh (sau đây gọi tắt là dự án) tại Việt Nam; khách hàng là người cư trú thực hiện đầu tư dự án tại nước ngoài; Cấp tín dụng hợp vốn không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng nước ngoài đối với người không cư trú thực hiện đầu tư dự án tại nước ngoài.
Trường hợp cấp tín dụng hợp vốn đối với người không cư trú thực hiện đầu tư dự án tại nước ngoài có sự tham gia của các tổ chức tín dụng nước ngoài, các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng nước ngoài thỏa thuận phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối.
Ngoài ra, Thông tư 24 cũng sửa đổi, bổ sung quy định bên cấp tín dụng hợp vốn bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng) cùng cam kết cấp tín dụng cho khách hàng, để thực hiện một hoặc một phần dự án.
Thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn (sau đây gọi tắt là thành viên) là tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn theo quy định tại Thông tư này.”.
Thông tư cũng quy định rõ các thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn đóng góp vốn (hoặc nghĩa vụ) theo tỷ lệ tham gia được quy định trong hợp đồng hợp vốn, được hưởng các lợi ích (lãi và phí theo quy định) và chia sẻ các chi phí, rủi ro phát sinh được quy định trong hợp đồng hợp vốn. Các loại phí trong cấp tín dụng hợp vốn do bên cấp tín dụng hợp vốn và khách hàng thỏa thuận phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn có thể đóng vai trò là thành viên đầu mối dàn xếp cấp tín dụng hợp vốn, thành viên đầu mối thanh toán, thành viên đầu mối nhận tài sản đảm bảo. Các thành viên thỏa thuận về thành viên đầu mối dàn xếp cấp tín dụng hợp vốn, thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn và thành viên đầu mối nhận tài sản bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Các tổ chức tín dụng nước ngoài khi tham gia cấp tín dụng hợp vốn không được thực hiện vai trò là thành viên đầu mối thanh toán.
Ngoài ra các thành viên (trừ tổ chức tín dụng nước ngoài) phải đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện cấp tín dụng hợp vốn.
Trường hợp cần cấp tín dụng hợp vốn đối với khách hàng, tổ chức tín dụng phát hành thư mời cấp tín dụng hợp vốn, kèm theo các tài liệu có liên quan để gửi cho các tổ chức tín dụng dự kiến mời cấp tín dụng hợp vốn.
Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng nước ngoài) có trách nhiệm báo cáo tình hình cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.(TBNH)
Phát huy tối đa các thế mạnh vùng
Việc đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo ra diện mạo mới khu vực ĐBSCL
Hiệu quả từ đồng vốn tín dụng
Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây liên tục tăng.
Đến 30/6/2016, dư nợ đạt khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc; và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.
Nguồn vốn cho vay của NH tập trung vào các ngành như thủy sản, lương thực, chăn nuôi, rau quả... trong đó kết quả cho vay đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng như cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 4,31% so với 31/12/2015.
Cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ - CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản 91 con tàu (đóng mới 78 tàu và nâng cấp 13 tàu) với số tiền cam kết cho vay gần 621 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 469 tỷ đồng.
Các NH đã triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ - CP của Chính phủ, tại khu vực ĐBSCL có 10 DN trong tổng số 28 DN trên toàn quốc được liên Bộ (NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) lựa chọn tham gia chương trình thí điểm để thực hiện 10 dự án, trong đó có 7 dự án liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; hai dự án có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản; một dự án liên kết sản xuất rau an toàn, sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với số tiền các NH đã giải ngân cho vay đạt gần 5.424 tỷ đồng.
Sau hai năm triển khai chương trình, thông qua nguồn vốn tín dụng NH, các DN có điều kiện hoàn thiện các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi nhuận cho cả hộ dân liên kết và DN.
Điển hình như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang. Hay mô hình liên kết từ nuôi đến chế biến cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An tỉnh An Giang. Với sự hỗ trợ của NH mô hình liên kết cánh đồng lớn của Công ty TNHH Trung An cũng rất thành công...
Số liệu thống kê cũng cho thấy, đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay nông thôn mới của khu vực đạt khoảng 125.205 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với thời điểm cuối năm 2015. Số khách hàng còn dư nợ tại các TCTD tại thời điểm 31/12/2015 đạt hơn 2 triệu khách hàng, trong đó phần lớn khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Việc đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn vùng ĐBSCL... Cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi, các NH cũng triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
ĐBSCL là khu vực rộng lớn, ngoài vai trò là vựa lúa của cả nước, khu vực này còn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế khác. Vì thế để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCL, trong thời gian tới ngành NH tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tín dụng cho khu vực.
Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, các NHTM đề nghị cần phải có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, sự chủ động của địa phương.
Theo ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank, Chính phủ tiếp tục cân đối các nguồn lực để tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Đầu tư đồng bộ vào các khâu trong quá trình sản xuất thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của vùng, như: sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi; chuyên nghiệp hơn trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; công nghiệp chế biến; dịch vụ hậu cần cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa... góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Cần xây dựng và cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dài hạn, quy hoạch, lập vùng chuyên canh cho nông nghiệp, phát triển vật nuôi, cây trồng theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh vốn tín dụng NH, chúng ta cần quan tâm, dành nguồn vốn tài trợ ủy thác nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với thời hạn tương đối dài, lãi suất phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân. Tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, tiến tới liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, liên kết trong khu vực và thế giới.
Ngoài nguồn vốn, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL cần phải có những giải pháp mạnh, thiết thực hơn.
Trong ngắn hạn, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng tôm-lúa, lúa-màu, chuyên lúa nhằm thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Về trung hạn, cần xây dựng và ban hành một quy hoạch lâu dài sử dụng đất toàn vùng ĐBSCL, thống nhất cao giữa các ngành, các địa phương.
Đồng thời, rà soát và điều chỉnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm - lúa và tôm - màu tập trung như: đê bao, trạm bơm nước, hệ thống kênh mương cấp thoát, hệ thống đường điện.
Đặc biệt, khu vực ĐBSCL cũng cần thay đổi việc tổ chức sản xuất như rà soát, đánh giá và thành lập các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) và tiến hành thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực và trình độ quản lý của tổ hợp tác, hợp tác xã và năng lực của lực lượng sản xuất này ở các vùng tôm-lúa, lúa-màu và chuyên lúa.
Nghiên cứu xây dựng và thúc đẩy các hình thức chuỗi liên kết sản xuất lớn để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, hàng hóa… Có như vậy đời sống kinh tế-xã hội của người dân vùng ĐBSCL mới ngày càng được nâng cao...(TBNH)