Chấp nhận quy luật tự nhiên, không đuổi nước đi mà sống chung với lũ, xây dựng đường ngầm thoát nước kết hợp làm đường giao thông… là những gợi ý chống ngập cho TP HCM.
Tin trong nước đọc nhanh 15-11-2015
- Cập nhật : 15/11/2015
WB hỗ trợ 200 triệu USD cho Việt Nam cải thiện cấp nước sạch
Hàng triệu người sống tại các vùng nông thôn và vùng núi nghèo nhất Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch (Ảnh minh họa: KT)
Khoản tín dụng này hỗ trợ tăng cường cấp nước sạch cho 255.000 hộ gia đình, 2.720 trường học, trạm xá tại các tỉnh phía Bắc và Tây nguyên.
Trên 5 triệu người sống tại các vùng nông thôn và vùng núi nghèo nhất Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn nhờ vào khoản tín dụng trị giá 200 triệu USD vừa được Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới phê duyệt.
Khoản tín dụng này sẽ hỗ trợ nhân rộng Chương trình Nước sạnh và Vệ sinh Môi trường với mục tiêu tăng cường cung cấp nước sạch cho 255.000 hộ gia đình và cải thiện vệ sinh môi trường và cấp nước cho 2.720 trường học và trạm xá tại 21 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên.
“Nhìn chung, Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong việc mở rộng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường tốt, nhưng vẫn còn tồn tại khoảng cách vùng miền,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam nói. “Tại các vùng còn lạc hậu, tình trạng thiếu dịch vụ cơ bản và thói quen vệ sinh kém đã dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, như tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy và kí sinh trùng cao, và chậm phát triển trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số.”
Chương trình này nhằm hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc Gia về Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn, và quyết tâm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ đã thực hiện từ hàng chục năm nay, cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững mới.
Công cụ tài chính sáng tạo của Ngân Hàng Thế Giới với tên gọi “Giải ngân dựa trên kết quả” gắn trực tiếp việc giải ngân với kết quả có thể xác minh được. Đây là chương trình giải ngân dựa trên kết quả thứ ba do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ tại Việt Nam. Khoản tín dụng 200 triệu USD phê duyệt hôm nay do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) cấp, đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho các nước nghèo nhất. Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp 25,5 triệu USD vốn đối ứng cho dự án này.
Công bố đề án xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế La Lay
Mục tiêu đề ra là xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay thành cửa khẩu kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, trở thành động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị.
Ngày 13/11, tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố Quyết định của Chính phủ về phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị theo tỷ lệ 1/500.
Mục tiêu đề ra là xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay thành cửa khẩu kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, trở thành động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị.
Đây là cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông-Tây, tăng cường hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam-Lào, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới; tạo cơ sở pháp lý và định hướng nội dung, mục tiêu chính trong việc lập và phân kỳ dự án đầu tư xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay giai đoạn 2015-2020. Qua đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho khu vực này gần 24.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương chiếm 50%.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết để triển khai đề án này, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị chuẩn bị đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà kiểm soát liên hợp; hệ thống giao thông trục chính; nâng cấp Quốc lộ 15D kéo dài; duy tu một số hạng mục tại khu vực nhà ga cửa khẩu; dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay...
Đây là những dự án lớn mang tính động lực, tạo đà thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay.
Nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre bị cảnh cáo
Tại các kỳ họp 35, 36, 37 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét và kết luận đại tá Nguyễn Văn Lăng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre có khuyết điểm.
Cụ thể, ông Lăng đã thực hiện không nghiêm quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ; buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đấu tranh xây dựng nội bộ; có trách nhiệm trong việc để đơn vị mất đoàn kết kéo dài và những sai phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, của đơn vị. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo ông Lăng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với một Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 5 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Căn cứ vào kết quả thẩm tra, xác minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; những nội dung tố cáo sai, hoặc chưa có cơ sở, chưa đủ căn cứ để kết luận.
Qua giải quyết đơn thư tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu tập thể và các cán bộ bị tố cáo có khuyết điểm, vi phạm nghiêm túc kiểm điểm hoặc rút kinh nghiệm.
Tại các kỳ họp trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nghe báo cáo và tham gia ý kiến với Đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng của Bộ Chính trị về khiếu nại của các ông Hoàng Đình Thanh, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Chánh án TAND huyện Sông Cầu (Phú Yên); Nguyễn Hoàng Chương, nguyên đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ buôn Kram, Đảng bộ xã Ea Tiêu (Cư Kurin, Đăk Lăk).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 trường hợp này.
Tại kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận để chuẩn bị đề án nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Nhà mạng Viettel có CEO mới
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1970) làm Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom). Trước khi gia nhập Viettel, ông Dũng làm tại Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông). Tại doanh nghiệp, ông cũng trải qua nhiều vị trí ở các công ty, các phòng ban khác nhau.
Hồi cuối tháng 8, ông Đỗ Minh Phương - cựu Tổng giám đốc của Viettel Telecom được giao nhiệm vụ Phó tổng tại tập đoàn. Cùng với ông Phương, Viettel Group cũng bổ nhiệm 2 Phó tổng khác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel cho biết, việc bổ nhiệm này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của Tập đoàn khi bước sang giai đoạn phát triển thứ ba, tức là trở thành công ty đa quốc gia.
104 đại biểu vắng mặt không biểu quyết phân bổ ngân sách trung ương
Chỉ có 392/496 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết toàn văn Nghị quyết về ngân sách trung ương năm 2016 vừa diễn ra vào 10g20 sáng 14-11 tại Quốc hội.
Phần thứ nhất các đại biểu biểu quyết về điều 1 của nghị quyết, với nội dung Tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỉ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỉ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỉ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỉ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Tại nội dung này có 396 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 80,16% tổng số đại biểu). Kết quả, có 395 đại biểu tán thành và 1 đại biểu không tán thành.
Nội dung thứ hai, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.
Tại nội dung này, chỉ có 392 đại biểu (chiếm 79,35% tổng số đại biểu) tham gia biểu quyết, ít hơn 4 đại biểu so với nội dung đầu tiên biểu quyết cách đó 2 phút (?), nghĩa là có 104 đại biểu vắng mặt. Kết quả, có 391 đại biểu biểu quyết thông qua và 1 đại biểu không tán thành.
Vấn đề phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 là một trong những vấn đề quan trọng của kỳ họp, Ủy ban Tài Chính ngân sách của Quốc hội phải tốn nhiều thời gian để tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biều.
Do đó, lẽ ra theo chương trình từ đầu kỳ họp, việc biểu quyết thông qua nghị quyết này sẽ diễn ra vào đầu buổi sáng làm việc ngày 14-11, nhưng tại phiên họp chiều 13-11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo quyết định thời gian vào cuối buổi sáng để có thời gian chuẩn bị chu đáo.
Đây cũng là buổi làm việc Quốc hội dành thời gian để thảo luận về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về ban hành nội quy kỳ họp (sửa đổi). Nghị quyết này có những nội dung liên quan đến điều lệ hoạt động, trách nhiệm, tư cách... của đại biểu quốc hội và những cơ chế hoạt động tại các phiên họp của Quốc hội.(Tuổi Trẻ)