Truy bắt tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Vạn thôi giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước
1.000 tỷ đồng xây dựng dự án Safari gần 500ha tại Lâm Đồng
Điều chỉnh quy hoạch 3 tuyến đường đẹp nhất TP HCM
Phạt thủy điện Đắk Mi 810 triệu đồng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 01-04-2016
- Cập nhật : 01/04/2016
Biên phòng: Bắt giữ, xử lý 2.016 vụ vi phạm, buôn lậu
Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong quý I-2016, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ, xử lý 2.016 vụ vận chuyển, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người và bắt giữ 7.153 đối tượng có liên quan.
Trong đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cả nước đã phát hiện và bắt giữ 238 vụ vận chuyển, buôn bán ma túy với 376 đối tượng, tang vật thu giữ 126 bánh, 23,74 kg, 74 gói nhỏ heroin; 81.955 viên, 41,6 kg, 6 gói ma túy tổng hợp; 6,344 kg thuốc phiện và 45 kg quả thuốc phiện... cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ 582 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với 385 đối tượng; tạm giữ 2.694,04 tấn than; 55,15 tấn đường; 251.343 bao thuốc lá; 65,9 tấn lá thuốc lá; 733,886m3 gỗ, 15 khúc gỗ các loại; 2.297,8 kg, 102 cây, 2.565 quả pháo; 12.864.000 lít xăng; 240.519 lít dầu; 1.232 hộp thuốc tân dược và nhiều tang vật khác. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ, xử lý khoảng 134,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong quý I, lực lượng Biên phòng đã bắt giữ 21 vụ mua bán người với 12 đối tượng và 35 nạn nhân, giải cứu 13 nạn nhân, 9 nạn nhân do Trung Quốc trao trả và13 nạn nhân tự trở về.
Đánh giá về tình hình phòng, chống tội phạm, chống ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quý I, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ đội Biên phòng cho biết, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã bám sát tình hình, chủ động ngăn chặn và làm giảm hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa ở địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, các đơn vị cần triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trên các tuyến biên giới, vùng biển…
Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác trên tuyến biên giới, vùng biển tiếp tục diễn biến phức tạp, kể cả hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy và buôn lậu, gian lận thương mại. Do đó, các đơn vị cần tập trung đấu tranh các chuyên án về ma túy và một số tỉnh trọng điểm buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, buôn bán người qua biên giới.
Bộ Tài chính chưa có chủ trương xin tăng thuế bảo vệ môi trường
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại buổi họp báo thường kỳ quý 1-2016 được tổ chức chiều nay, 31-3.
Một nội dung được khá nhiều phóng viên quan tâm tại buổi họp báo là xung quanh đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường. Khẳng định lại vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Bộ Tài chính chưa có kế hoạch, chưa có chủ trương trình Chính phủ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường”.
Theo Thứ trưởng, trong báo cáo tài chính trung hạn mà Bộ Tài chính đưa ra có nhắc tới nhiều giải pháp tài chính cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, để triển khai giải pháp này cần có sự tổng kết, đánh giá, rà soát các Luật, các Nghị quyết của Quốc hội về các sắc thuế để có thể đưa ra những đề xuất các chính sách thu phù hợp với tỷ lệ động viên, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước cũng như những mục tiêu thúc đẩy tăng trường kinh tế.
Sau khi rà soát, đánh giá, chắc chắn sẽ có những chính sách phải điều chỉnh để phù hợp nhưng việc điều chỉnh như thế nào phải căn cứ vào những đánh giá, tổng kết cụ thể.
Cũng trong nội dung về thuế, trả lời về căn cứ đưa ra đề xuất tăng mức thu môn bài, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thuế môn bài hiện nay đang thu theo Nghị định số 75/2002/NĐ-CP của Chính phủ về thuế môn bài được Chính phủ ban hành từ năm 2002. Nghị định này sửa đổi mức thu môn bài được quy định tại Pháp lệnh thuế công thương nghiệp ban hành từ năm 1989.
Thuế môn bài được thu theo 2 đối tượng với mức thu khác nhau. Các tổ chức kinh doanh nộp thuế môn bài theo 4 mức là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng căn cứ vào vốn đăng ký. Các hộ cá thể kinh doanh nộp thuế môn bài theo 6 mức là từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng căn cứ theo thu nhập hàng tháng.
“Cho đến nay, các mức thu này đã rất lạc hậu”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng cho biết: Toàn bộ lệ phí môn bài thu được sẽ cân đối 100% vào ngân sách địa phương nên việc tăng mức thu môn bài không phải do ngân sách Nhà nước khó khăn mà chủ yếu do mức thu đã lạc hậu.
Trong danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, lệ phí môn bài đã được đưa ra để thay thế cho thuế môn bài hiện tại. Vì thế, để triển khai Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng mức thu lệ phí môn bài xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, địa phương.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thu lệ phí môn bài theo đối tượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp có 4 mức thu từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng căn cứ vào vốn đăng ký.
Cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh nộp theo 2 mức là 1 triệu đồng nếu doanh thu trên 300 triệu đồng/năm và 0,3 triệu đồng nếu doanh thu từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không thuộc đối tượng nộp lệ phí.
Phân tích căn cứ để đưa ra mức thu tăng hơn so với mức thu hiện tại, Thứ trưởng cho biết, mức thu tại Nghị định 75 được ban hành vào năm 2002 căn cứ trên mức lương tối thiểu năm, đến nay đã tăng gấp nhiều lần. Năm 2002 là 290.000 đồng/tháng và hiện nay là 1.150.000 đồng, từ 1-5-2016 lên mức 1.210.000 đồng.
“Chúng tôi đang tổng hợp, lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, cá nhân. Trên cơ sở các ý kiến đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành để triển khai thực hiện Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017” – Thứ trưởng nói.
Tổng tài sản hợp nhất Tập đoàn Bảo Việt tăng gần 11.000 tỷ đồng
Chiều 30-3, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2015 đã được kiểm toán, theo đó tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.789 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.469 tỷ đồng.
Với tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2015 đạt 20.789 tỷ đồng, Tập đoàn đã vượt kế hoạch 10%, tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp lớn nhất là lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ với tổng doanh thu đạt 13.072 tỷ đồng trong năm 2015, chiếm tỷ trọng 62%. Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ với tổng doanh thu đạt 6.832 tỷ đồng, đóng góp 32% vào doanh thu hợp nhất. Lĩnh vực dịch vụ tài chính và khác đã đóng góp 6% tổng doanh thu hợp nhất với 1.167 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán, tổng tài sản hợp nhất toàn Tập đoàn tăng mạnh, đạt 58.553 tỷ đồng tại thời điểm 31-12-2015, tăng 10.984 tỷ đồng (23,1%) so với thời điểm cuối năm 2014 nhờ các khoản đầu tư trái phiếu tăng đáng kể 11.385 tỷ đồng (62,6%).
Đây là kênh đầu tư an toàn, đảm bảo cân đối nguồn tiền dài hạn để thực hiện cam kết với khách hàng, đồng thời cũng là kênh có lợi suất đầu tư khá cao trong năm 2015.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.469 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.175 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch kinh doanh năm 2015.
So với kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế vượt hơn 30 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ mảng kinh doanh truyền thống là lĩnh vực bảo hiểm hoàn thành xuất sắc kế hoạch.
Trong cơ cấu lợi nhuận, những năm qua lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ luôn duy trì đóng góp tỷ trọng lớn nhất, năm 2015 chiếm 51% lợi nhuận hợp nhất, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 23%, lĩnh vực dịch vụ tài chính và khác đóng góp 26%.
Cùng với vai trò là "tấm lá chắn" cho nền kinh tế trước những rủi ro, Bảo Việt đã đóng góp cho nền kinh tế thông qua việc tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Lũy kế đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn của các đơn vị trong Tập đoàn đầu tư trở lại nền kinh tế đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trên 157.266 tỷ đồng tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của toàn ngành bảo hiểm Việt Nam.
Năm 2016, đối với thị trường nói chung là năm bản lề cho chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, đối với Bảo Việt, 2016 là năm khởi đầu cho chiến lược “Đầu tư chiều sâu vì sự phát triển bền vững”, với mốc doanh thu 1 tỷ USD.
Theo đó, Bảo Việt sẽ tăng cường phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, định hướng từ công ty mẹ để cải thiện chức năng quản trị rủi ro, tuân thủ, thúc đẩy công tác bán chéo, hợp tác nội bộ giữa các đơn vị thành viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang lại tính đồng nhất cao và tăng cường sức mạnh hệ thống, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh hơn, năng động hơn trong giai đoạn 5 năm tới (2016-2020), nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị thương hiệu, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
TP.HCM: 28 cây cầu yếu cần được tu sửa
Sở Giao Thông Vận Tải TP.HCM cho biết, theo khảo sát hiện trên địa bàn thành phố đang có 28 cây cầu đang trong tình trạng yếu cần được sửa chữa.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, sau vụ sập cầu Ghềnh, Ban Giám đốc Sở cũng đã họp và có chấn chỉnh chung, đôn đốc các quận huyện tăng cường đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông lưu thông qua cầu bằng các chốt, biển báo tại vị trí 28 cây cầu yếu.
Đặc biệt, các cầu yếu nằm trên các trục giao thông quan trọng (chẳng hạn như cầu Lê Văn Lương) đang được Sở GTVT đưa vào chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016- 2020. Theo kế hoạch TP.HCM đang triển khai thi công, sửa chữa 4 cây cầu, 15 cầu sẽ được thực hiện trong giai 2016-2020 và 9 cây cầu sẽ được thực hiện trong giai đoạn kế tiếp.
Liên quan đến vấn đề di dời ga Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành, ông Lâm cho biết, so với tổng thể quy hoạch giao thông đang có, ga Sài Gòn nằm ở vị trí hiện nay là phù hợp. Theo đó, ga Sài Gòn sẽ tiếp tục duy trì, nâng cấp hiện đại hơn. Để giải quyết vấn đề tiếng ồn, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, Bộ GTVT cũng đang có đề án nghiên cứu, trong thời gian tới sẽ phát triển thêm đường sắt trên cao, cũng như có những giải pháp giải quyết tiếng ồn.
Bộ NN&PTNT lý giải về việc cấm 23 nhà thầu
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố đánh giá năng lực các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng tham gia các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước do Bộ quản lý năm 2015, một số nhà thầu đã lên tiếng.
Đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT vừa có phản hồi liên quan đến sự việc này.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết: “Việc đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý là rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tại các gói thầu/dự án thuộc lĩnh vực của Ngành quản lý”. Với tinh thần đó, khi thực hiện đánh giá năng lực nhà thầu, Bộ NN&PTNT đã đưa ra những tiêu chí hết sức rõ ràng như: nhân lực, tiến độ thực hiện gói thầu/dự án… để bảo đảm những đánh giá là khách quan, chính xác nhất.
Dẫn căn cứ cho công tác đánh giá năng lực nhà thầu, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết: “Văn bản số 10078/BNN-XD ngày 17/12/2014 của Bộ NN&PTNT về việc đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng tham gia các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý đã đưa ra những cơ sở rất chặt chẽ để đánh giá năng lực nhà thầu. Một khi những tiêu chí này “không đạt” thì đánh giá chung là không đạt”.
Vì vậy, vừa qua, Bộ NN&PTNT công bố “danh tính” của 23 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu tham gia các dự án do Bộ này quản lý, kèm theo các mức xử lý cụ thể là nhằm tạo sân chơi công bằng cho các nhà thầu.
Vị đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình nhấn mạnh: “Nhà thầu phải có “lỗi” thì mới bị liệt vào danh sách không đạt, chúng tôi không hề vu khống cho họ”. Theo vị đại diện cơ quan này, tất cả những nhà thầu tham gia những dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN&PTNT quản lý phải tuân thủ nghiêm ngặt tiến độ gói thầu/dự án như mốc thời gian cam kết trong Hợp đồng. Việc cấm nhà thầu vi phạm tham gia các dự án của Ngành là để mong nhà thầu dồn lực lượng hoàn thành tiến độ các gói thầu/dự án mà họ tham gia.
“Nhà thầu không thể làm ăn kiểu “đầu voi đuôi chuột” hoặc dồn hết công việc vào cuối kỳ Hợp đồng mới triển khai. Nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác giải ngân gói thầu/dự án vì nhiều dự án của Ngành sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài” – vị đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình nói.
Một lý do khác khiến Bộ NN&PTNT cần thiết phải thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý được đại diện Cục Quản lý công trình đưa ra là trên thực tế đã từng có doanh nghiệp - nhà thầu đi mượn danh để tham gia các gói thầu/dự án của Ngành hoặc nhà thầu thực hiện đầu tư dàn trải dẫn đến không đủ năng lực để đảm bảo hợp đồng ở các gói thầu/dự án đã ký kết.
Bộ NN&PTNT thông tin, hiện nay có khoảng 680 nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý. Hầu hết các nhà thầu là những nhà thầu uy tín, trong đó có những nhà thầu lớn với năng lực cạnh tranh mạnh, thể hiện qua việc đảm nhiệm hàng loạt công trình thủy điện, thủy lợi của Ngành có chất lượng cao.