Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định dừng thu phí đối với xe máy...
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
151 chỉ số để đánh giá doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam
Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) là một sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần đầu tiên được thực hiện nhằm xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Sai phạm hơn 200 tỉ nhưng chưa phát hiện hành vi tham nhũng
Từ tháng 1-2011 đến tháng 9-2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phát hiện hơn 700 đơn vị có vi phạm với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng và trên 211ha đất nhưng chưa phát hiện hành vi tham nhũng.
Đó là một trong những hạn chế của UBND tỉnh Thanh Hóa đượcThanh tra Chính phủ (TTCP) nêu tại thông báo kết luận trách nhiệm của UBND tỉnh này trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Thông báo kết luận thanh tra này được bà Lê Thị Thủy, phó tổng TTCP, ký ngày 19-4.
Theo kết luận này, thời điểm từ tháng 1-2011 đến tháng 9-2014, qua thực hiện 565 cuộc thanh tra hành chính, UBND tỉnh Thanh Hóa phát hiện hơn 700 đơn vị có vi phạm với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng và trên 211ha đất.
Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 62 tỉ đồng và hơn 102ha đất, đến nay đã thu hồi được 52 tỉ đồng và gần 100ha đất.
Với số tiền vi phạm như vậy nhưng việc chấp hành pháp luật về thanh tra của tỉnh này còn một số hạn chế, trong đó có việc chưa phát hiện được hành vi tham nhũng...
Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xem xét trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành để xảy ra sai sót trong thời gian dài, các đơn vị được kiểm tra tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm tập thể, các cá nhân...
Năm 2017, tăng lương tối thiểu vùng sẽ thấp hơn mức 12,4%
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang tiến hành chuẩn bị cho các phiên thương lượng tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Trao đổi với phóng viên ngày 19/4, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân dự báo: “Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016.”
Năm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang tính toán các phương án tăng lương nhưng sẽ lắng nghe các doanh nghiệp báo cáo về tác độngchính sách tiền lương, bảo hiểm đến doanh nghiệp như thế nào.
Đặc biệt, năm nay bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải chuẩn bị nhiều phương án và quan trọng nhất là phân tích cơ sở các phương án đưa ra.
“Mọi năm đại diện các bên xây dựng phương án gửi lên cho thành viên hội đồng đưa ra thảo luận nhưng năm nay, bộ phận kỹ thuật sẽ phân tích phương án của các bên để thấy yếu tố hợp lý của các bên để lựa chọn tư vấn. Năm nay phải chuẩn bị kỹ hơn, tôi mong muốn huy động thêm các nhà quản lý, các nhà khoa học nhìn ở góc độ khác nhau để cân nhắc lựa chọn phương án có cơ sở hơn,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng lưu ý, tăng lương tối thiểu là “bài toán lớn” với doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh lớn ngày càng lớn. Hiện nay, so với trong khu vực thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động quá lớn doanh nghiệp sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động. Đây là thách thức rất lớn của quá trình tưng lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015, vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng ), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng ).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.
ĐBSCL sẽ như thế nào nếu không còn phù sa?
Lượng phù sa tại ĐBSCL ngày càng giảm dần, làm đảo ngược quá trình kiến tạo, gây xói lở bờ biển, sông ngòi.Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt ở ĐBSCL chưa có giải pháp hữu hiệu trước mắt thì khu vực này lại đứng trước một thách thức rất lớn trong lâu dài do bị sụt giảm khoảng 75% hàm lượngphù sa. Hệ luỵ của nó là gây xói lở ven sông, kênh rạch và ven biển một cách nghiêm trọng. Một cần bằng mới sẽ hình thành, tuy nhiên, nó lại bị tác động lớn bởi chế độ vận hành của các hồ chứa thuỷ điện.
Vùng đất lúa tỉnh An Giang thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất bờ sông. Toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở đất. Một trong những nguyên nhân được xác định là do thiếu lượng phù sa. Điều này đã và đang gây mất ổn định cho cả một khu vực rộng lớn.
Anh Nguyễn Văn Cung sinh sống ở vùng đầu nguồn tỉnh An Giang cho biết, người dân luôn sống trong tâm thế lo âu: "Bây giờ nguy hiểm lắm, lở liên tục. Lúc nào cũng lo sợ , ở không được bình thường nữa."
Hệ thống hồ chứa thuỷ điện ở dòng nhánh cũng như dòng chính đã và sẽ xây dựng trong lưu vực sông Mekong lên tới 144 hồ, với tổng dung tích chiếm gần 20% tổng lượng dòng chảy bình quân năm toàn lưu vực. Hồ chứa tích một lượng nước lớn, thúc đẩy quá trình lắng đọng bùn cát, phù sa trong vùng bụng hồ, làm giảm lượng bùn cát, phù sa trong lượng nước chảy về hạ du. Uỷ hội sông Mekong Quốc tế cho biết, 75% tổng lượng phù sa của sông Mekong sẽ bị giữ lại trong các hồ chứa. Đi qua nhiều quốc gia, phần còn lại đến khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 3-4%.
Theo Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL, nhiều năm trước đây, trạm Tân Châu, An Giang - nơi đầu nguồn lũ của ĐBSCL vẫn ghi nhận số liệu về lượng phù sa. Tuy nhiên, vài năm gầy đây, lượng phù sa về không còn đáng kể.
TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho rằng, thiếu phù sa sẽ rất nguy hiểm cho vựa lúa quốc gia: "Lượng phù sa giảm trong một thời gian dài thì câu chuyện sụt lún ĐBSCL chắc chắc xảy ra. Từ câu chuyện ấy cộng với điều kiện biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng thì rõ ràng tác động xâm nhập mặn, hạn hán sẽ gây bất lợi, tác động cực kỳ lớn. Đây không còn là câu chuyện xa vời nữa, đã rất rõ rồi."
Hàng trăm năm nay, khu vực ĐBSCL được hình thành và phát triển nhờ lượng phù sa vô tận từ thượng nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, lượng phù sa ngày càng giảm dần, làm đảo ngược quá trình kiến tạo, gây xói lở bờ biển, sông ngòi.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL phân tích, lớp phù sa bên trong cửa sông đổ ra biển như “lớp áo khoác” che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh. Vì vậy, khi lượng phù sa thiếu hụt, lớp áo này bị hỏng; nước biển tấn công mạnh, làm sạt lở nhanh hơn: “Chúng ta có lớp áo rất vững để bảo vệ đồng bằng. Đó là lớp áo 20 km từ trong bờ ra đó là lớp nước đục. Thì chính tấm áo đó bảo vệ đồng bằng từ ngàn đời nay. Khi biển xanh đánh vào gặp lớp nước đục thì hạ ngọn sóng rất nhanh. Nếu không còn lớp nước đục đó, các đập đắp ngang sông thì sẽ chận phù sa lại. Hậu quả là lớp nước đục gần bờ trong hơn thì lớp áo bị mòn đi. Sóng biển đập vào, không hạ năng lượng được, sẽ đập tan tành bờ biển rất nhanh."
TS. Dương Văn Ni, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ cho rằng, giảm lượng phù sa về đồng bằng do việc xây dựng nhiều hồ thuỷ điện ở thượng nguồn chắc chắn sẽ làm giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Vấn đề sạt lở ven biển, ven sông và hệ thống kênh rạch sẽ ngày càng phức tạp: “Vấn đề thiếu phù sa là vĩnh viễn, không có cơ hội phục hồi. Chuyện 75-90% vật liệu thô như sỏi, cát không về đồng bằng thì đó là cái chết. ĐBSCL sụt xuống, không còn đất bồi, phù sa nữa thì là một sự bế tắc."
Sạt lở ven biển ngày càng gia tăng, riêng khu vực tỉnh Cà Mau có năm bị sạt lở mất gần 300 m theo chiều rộng của rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ ổn định của đới bờ biển và phòng tránh thiên tai từ biển. Nhưng những thập niên vừa qua, tác động do diễn biến của thiên tai, biến đối khí hậu và tác động của con người làm diện tích rừng ngập mặn thu hẹp dần trong vùng ĐBSCL. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trong 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn của vùng đã giảm trên 80%.
Để phát triển bền vững vùng đồng bằng, cần có những giải pháp ứng phó đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài./.
Thanh Hóa bổ nhiệm nhiều cán bộ sở không đủ tiêu chuẩn
Việc bổ nhiệm lại cán bộ của nhiều sở, ngành, huyện thị chưa đủ điều kiện về trình độ lý luận, quản lý Nhà nước, bằng chuyên môn, Thanh tra Chính phủ kết luận.Ngày 19/4, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra UBND Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng (giai đoạn 2011-2014).
Kết luận nêu rõ khả năng phát hiện tham nhũng trong các đơn vị ở Thanh Hóa chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan như Thanh tra, Công an, Tòa án về cung cấp thông tin và tiến độ xử lý tham nhũng có một số vụ còn hạn chế.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm lại cán bộ của nhiều sở, ngành, huyện thị chưa đủ điều kiện về trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học, bằng chuyên môn nghiệp vụ. Việc tuyển dụng công chức của một số sở không đảm bảo theo đúng nguyên tắc, quy định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn mua sắm tài sản còn chưa đúng quy định. Điển hình, Sở Tài chính tham mưu mua sắm ôtô năm 2013 chưa đúng chế độ, định mức; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của một số cơ quan huyện ủy, UBND xã chưa đúng tiêu chuẩn.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; giám đốc các sở nên đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý những vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm của thủ trưởng sở, ngành để xảy ra sai sót.
Theo kết luận thanh tra, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thanh tra hàng năm vào các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và phát hiện 734 đơn vị có vi phạm trong tổng số 1.260 đơn vị được thanh tra. Tổng số vi phạm trên 205 tỷ đồng và 211 ha đất.
Thanh tra tỉnh đã kiến nghị xử lý hành chính 466 tổ chức với hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và 199 cá nhân (gồm 5 cảnh cáo, 26 khiển trách, 158 kiểm điểm rút kinh nghiệm), chuyển cơ quan điều tra 3 vụ với 9 trường hợp.
(Tinkinhte
tổng hợp)