Đó là nhận định của nhiều quan chức khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Bắt tàu Thái Lan bán dầu cho tàu Việt Nam
Ngày 20-4, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết lực lượng trinh sát của đơn vị này vừa bắt giữ một tàu chở dầu mang quốc tịch Thái Lan đang sang mạn dầu DO trái phép cho một tàu Việt Nam.
Trước đó, vào trưa 18-4, tại vùng biển Tây Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu chở dầu V.Lucky (quốc tịch Thái Lan) đang cập mạn, trao đổi trái phép dầu DO cho tàu cá Việt Nam mang số hiệu TG 90377 TS.
Tàu cá này do ông Lê Thanh Hoàng (45 tuổi, trú tại Gò Công Đông, Tiền Giang) làm thuyền trưởng.
Tại thời điểm bị bắt giữ, tàu V.Lucky đang chứa hơn 200.000 lít dầu DO và đang sang mạn dầu cho tàu cá TG 90377 TS.
Thịt heo sạch bị làm khó ở chợ
Tháng 10/2015, Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi) đưa ra thị trường 2 sạp chuyên bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5) cùng với sự giúp sức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM. Đây là lần đầu tiên thịt heo đạt chứng nhận VietGAP có truy xuất nguồn gốc rõ ràng được giới thiệu công khai và treo biển quảng bá ở chợ truyền thống. Giá sản phẩm này cũng bằng với thịt heo thông thường nên ngay từ những ngày đầu ra mắt, sản phẩm được khá nhiều khách hàng ưa chuộng và số lượng mua tăng cao.Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương tại chợ này lại phản ứng dữ dội vì cho rằng việc quảng bá thịt heo sạch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ và vô hình chung biến họ thành người bán thịt heo “bẩn”.
Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ cho biết, thực chất việc treo bảng hiệu để người dùng biết đến và lựa chọn là điều bình thường.Thịt heo VietGAP sạch khác với chuẩn thường nhưng nhiều tiểu thương không hiểu nên cứ nghĩ công ty cạnh tranh không lành mạnh.
“Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho khách hàng một sản phẩm mới, chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn việc lựa chọn mua như thế nào là của người tiêu dùng”, bà Thắm nói.
Sau một thời gian giải thích thì cuối cùng tiểu thương tại chợ Hòa Bình cũng đã hết gây khó khăn với sạp thịt của công ty. Tuy nhiên, bà Thắm cho biết vẫn không dám mở thêm nhiều sạp tại các chợ vì sợ lại bị phản đối. Hiện tại, công ty đã mở rộng được 9 điểm bán, trong đó, đa phần là các cửa hàng nhỏ lẻ ở các địa điểm quận 7, quận 1, quận 3, siêu thị Big C… có kiểm định và dán tem đầy đủ.
“Đối với các hệ thống này mỗi ngày công ty chỉ tiêu thụ khoảng 20-30 con, 100-200 con còn lại chúng tôi buộc phải bán cho các tiểu thương khác và chịu cảnh không nhãn mác VietGap. Đây là một trong những bế tắc mà công ty vẫn chưa giải quyết được dù sản phẩm đạt chất lượng”, bà Thắm nói và chia sẻ thêm sở dĩ công ty không cho các tiểu thương, thương lái gắn nhãn mác VietGap lên sản phẩm vì lo ngại nhiều cơ sở làm ăn gian dối, lợi dụng thực phẩm có chất lượng của công ty trà trộn với thịt heo được nuôi thông thường để toan tính lợi riêng.
Cụ thể, trước đó, nhiều thương lái đã định lấy thịt heo của công ty để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Phía công ty có yêu cầu thương lái cam kết chỉ bán thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ, họ đã đồng ý. Thế nhưng, khi công ty đề nghị được quyền đột xuất lấy mẫu thịt heo để kiểm tra thì họ không chấp nhận.
Cũng theo đuổi và xây dựng quy trình chăn nuôi và cung ứng sản phẩm đạt chuẩn, giữa tháng 4 Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) công bố sẽ cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Tổng sản lượng thịt heo VietGAP mà đơn vị này cung ứng ra thị trường dự kiến đạt khoảng 70 tấn một ngày.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty cho biết, hiện công ty đang xây dựng nhà máy giết mổ tại Long An với diện tích 10.000ha, vốn đầu tư 80 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2018 với quy mô giết mổ 3.000 con heo một ngày.
Không chậm chân, CP cũng đang tăng tốc trong cuộc đua này. Ngoài việc cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn, đơn vị này còn đang lên kế hoạch mở rộng phân phối sản phẩm thịt heo Kurobuta - một loại thịt heo giống mới từ Nhật.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo CP cho biết hiện tại loại thịt heo Kurobuta của công ty đa phần là bán cho nhân viên của đơn vị, số ít còn lại chỉ bán vào thứ Bảy tại 4 cửa hàng. “Tới thời điểm này chúng tôi có thể cung cấp ra thị trường khoảng 30 con một ngày. Tuy nhiên, vì số lượng cửa hàng phân phối còn thấp nên chưa triển khai rộng”, đại diện CP nói và cho biết thêm, đây là giống heo có chất lượng cao, thịt thơm, mềm, không bị khô như các loại heo khác. Tuy nhiên, thịt heo này có tỉ lệ mỡ nhiều hơn các giống heo siêu nạc đang có trên thị trường.
Mặc dù các doanh nghiệp đều nhận thấy nhu cầu của thị trường và lên kế hoạch đẩy mạnh thịt heo sạch, tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung cũng như kiểm soát hàng chặt chẽ bán ra thị trường là một vấn đề mà chưa một doanh nghiệp nào giải quyết thấu đáo được.
Đối với CP, đơn vị này cho rằng họ chỉ có thể kiểm soát được sản phẩm từ khi nuôi đến khi xuất chuồng. Còn sau khi bán cho thương lái thì việc kiểm soát heo có bị vỗ béo bằng chất cấm không thì công ty không thể làm nổi. Còn tại Vissan, mặc dù sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, nhưng do nguồn hàng cung ứng ra thị trường không đủ, nên những lúc thiếu, doanh nghiệp vẫn phải mua thêm từ nhà nông, do đó mức độ đồng bộ chung chưa cao.
Chánh thanh tra thị xã Từ Sơn lấn chiếm đất công?
Cấp 144m2, lấn thêm 228m2!
Theo nguồn tin phản ánh, năm 1987, ông Ngô Quốc Dự được UBND xã Châu Khê, huyện Từ Sơn (nay là phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn) cấp cho 1 suất đất tại khu vực Thùng Đào, Thùng Đấu ven đê (tên gọi khác là sông Ngũ Huyện Khê) phía ngoài cổng làng Đa Vạn. Thửa đất của ông Dự được cấp có hình vuông, mỗi chiều dài 12m, tổng diện tích là 144m2.
Trong quá trình sử dụng, mặc dù là cán bộ thanh tra huyện nhưng ông Dự đã lấn thêm 228m2.
Việc lấn chiếm đất công của ông Dự rất công khai, người dân địa phương ai cũng biết và không đồng tình, nhưng năm 1999, UBND xã Châu Khê vẫn chấp thuận “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời” cho ông. Sổ mục kê của xã Châu Khê thể hiện: Thửa đất gia đình ông Dự có ký hiệu số 83, tờ bản đồ số 10, tổng diện tích được ghi là 386m2.
Bức xúc trước việc UBND xã Châu Khê không những không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi lấn chiếm đất công của ông Dự mà còn giúp hợp thức hóa, trong khi các trường hợp khác của người dân trong xã thì bị xử lý rất nghiêm, tháng 6 năm 2011, người dân ở đây đã có đơn tố cáo gửi lên UBND thị xã và Thị ủy Từ Sơn. Nhận được đơn tố cáo, Bí thư Thị ủy Từ Sơn đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Thị ủy vào cuộc, vì ông Dự lúc đó là Thị ủy viên, Bí thư Chi bộ Thanh tra thị xã này.
Qua xác minh đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy thừa nhận việc lấn chiếm đất công của ông Dự theo như đơn tố cáo là có nhưng chỉ sai là không đúng diện tích thực tế (đơn tố cáo nêu là lấn chiếm gần 360m2, nhưng cán bộ của Ủy ban Kiểm tra đo chỉ có... 228m2).
Ủy ban Kiểm tra Thị ủy nói gì?Tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Từ Sơn ngày 5/9/2011 do ông Nguyễn Thanh Bình ký, xác nhận: “Trong quá trình sử dụng đất, gia đình đồng chí Dự cũng như mọi người dân khác có đất phía sau giáp với sông Ngũ Huyện Khê đều tân tạo và lấn chiếm lòng sông. Đây cũng là tồn tại do lịch sử để lại. Gia đình đồng chí Dự quá trình sử dụng đất từ năm 1987 đến nay, phía sau có lấn ra phía khu vực lòng sông”.
Tuy nhiên, thay vì yêu cầu ông Dự nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến Luật Đất đai và Luật Đê điều, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Từ Sơn lại đề nghị UBND thị xã Từ Sơn cho phép ông Dự được “hợp pháp hóa phần đất lấn chiếm cho phù hợp đúng pháp luật quy định” (!?).
Trong phần kết luận nói trên có nêu: “Ủy ban Kiểm tra Thị ủy thấy việc gia đình đồng chí Dự lấn đất đai về phía lòng sông là có thật, song xét thấy hoàn cảnh khách quan và sự việc xảy ra trong quá trình kéo dài, thời điểm lấn đất đã lâu. Xét về tính chất cũng như yếu tố lịch sử, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy đề nghị Thường trực Thị ủy yêu cầu đồng chí Dự kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trước tổ chức Đảng và chính quyền”.
Và “đề nghị Đảng ủy phường Châu Khê tiếp tục chỉ đạo UBND phường Châu Khê tăng cường biện pháp quản lý đất đai, chủ động sáng tạo, có giải pháp tích cực xử lý các vụ việc lấn chiếm đất đai từ lâu, tạo điều kiện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân nhằm triệt tiêu nguyên nhân khiếu kiện phức tạp trên địa bàn phường quản lý”.
Rõ ràng rằng, với cách giải quyết nói trên, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy đã vô tình hay hữu ý bao che cho hành vi lấn chiếm đất công, vi phạm Luật Đất đai và Luật Đê điều của cán bộ, đảng viên mà đáng lẽ ra, họ phải là những tấm gương sáng cho nhân dân noi theo.
Theo người dân ở khu phố Đa Vạn (hàng xóm của ông Dự), nhiều năm nay, gia đình ông Dự đã “bỏ làng lên phố”. Ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Dự được xây dựng năm 1992 trên phần đất lấn chiếm này, nay đã xuống cấp, bỏ hoang không ai ở. Nửa phần đất còn lại của ông Dự tại thửa đất này gia đình đang cho người khác thuê để làm nơi tập kết sắt vụn, phế liệu. Ông Dự cùng gia đình đã chuyển về sống tại ngôi nhà mới 4 tầng khang trang tại số 7, phố Chợ Gạo, thị xã Từ Sơn.
Dư luận đang mong rằng, UBND tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại hành vi lấn chiếm đất công của ông Dự ở phường Châu Khê, xử lý theo quy định pháp luật.
Giải cứu tàu Trung Quốc mắc cạn ở Chân Mây
Ngày 20-4, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã tổ chức giải cứu tàu cá của ngư dân Trung Quốc gặp nạn ở biển Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Đó là chiếc tàu thu mua hải sản do anh Ye Zhixiang làm thuyền trưởng cùng hai thuyền viên khác là Lu Qing Sheng và Zhang Xiaochun cùng ở Phúc Kiến, Trung Quốc.
Do ảnh hưởng gió mùa, thời tiết xấu và sự cố hỏng máy, ngày 18-4 chiếc tàu này trôi dạt vào bờ và mắc cạn tại cửa Lạch Giang, đối diện với trạm kiểm soát biên phòng cảng Chân Mây thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.
Đến sáng 20-4, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cảng vụ Thừa Thiên - Huế và Công ty Cảng Chân Mây tổ chức lai dắt, kéo chiếc thuyền mắc cạn ra khỏi cửa Lạch Giang.
Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế cũng hỗ trợ nhiên liệu, thức ăn, nước uống cùng một số trang thiết bị an toàn hàng hải như áo phao... để các thuyền viên có thể trở về quê hương an toàn, thuận lợi.
16g30, chiếc tàu thu mua cá nói trên rời biển Chân Mây để về nước.
Được biết, chiếc tàu này xuất phát ngày 13-4 từ cảng Nam Á, Hải Nam, Trung Quốc.
Đây là hành động mang ý nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân nước bạn khi gặp hoạn nạn trên vùng biển Việt Nam, khẳng định rằng Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân của các quốc gia khi đến Việt Nam làm ăn hoặc khi gặp nạn.
Lãnh đạo đăng kiểm bị kỷ luật do sai phạm kiểm định
Cục Đăng kiểm vừa xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân Chi cục Đăng kiểm số 12 (Thanh Hóa) và Chi cục Đăng kiểm số 15 (Quảng Ninh) do có nhiều sai phạm trong công tác kiểm tra, giám sát tàu biển.
Thông tin từ Cục Đăng kiểm ngày 20-4 cho biết lãnh đạo Cục Đăng kiểm vừa ra quyết định xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân Chi cục Đăng kiểm số 12 (Thanh Hóa) và Chi cục Đăng kiểm số 15 (Quảng Ninh) do có nhiều sai phạm trong công tác kiểm tra, giám sát tàu biển.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm cảnh cáo đối với Chi cục Đăng kiểm số 12, do tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát tàu Vân Kiều 18 tại đơn vị này không đúng quy định, thẩm quyền được giao.
Đối với cá nhân, Cục Đăng kiểm cảnh cáo đối với ông Đỗ Văn Sáng, giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 12, do đã có nhiều sai phạm trong công tác kiểm tra tàu Vân Kiều 18; tự ý phân công kiểm tra tàu ngoài vùng được quy định; chưa thành khẩn trong quá trình kiểm điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của cục. Cảnh cáo đối với ông Lê Hữu Giang, phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 12 với lý do tương tự; cảnh cáo đối với ông Vũ Hữu Đỉnh, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 12, do có sai phạm như trên và chưa thành khẩn trong quá trình kiểm điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của cục.
Với Chi cục Đăng kiểm số 15, Cục Đăng kiểm thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với chi cục này do tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát tàu Trung Dũng 06 tại đơn vị không đúng quy định.
Đối với cá nhân, Cục Đăng kiểm cảnh cáo ông Vũ Bằng Hải, phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15, do có nhiều sai phạm trong công tác kiểm tra tàu Trung Dũng 06; chưa thành khẩn trong quá trình kiểm điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của cục. Thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Minh, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 15, với lý do tương tự.
Cục Đăng kiểm phê bình nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc và ông Vũ Đắc Quyền, phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15, do đã không soát xét đầy đủ hồ sơ công việc, chậm trễ trong việc kiểm soát hồ sơ tàu Trung Dũng 06.
Cục Đăng kiểm thông báo tới toàn ngành việc thi hành kỷ luật các tập thể, cá nhân nói trên và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thông báo, quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm.