Cơ cấu thuế phí trong một lít xăng tăng mạnh so với cùng kỳ khi mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải đóng thuế phí là 54.700 đồng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tôi 21-03-2016
- Cập nhật : 21/03/2016
Đại sứ Israel nói cách người Do Thái đánh bại hạn hán
Israel với khí hậu khắc nghiệt và có tới 60% diện tích là sa mạc là một trong những quốc gia thiếu hụt nguồn nước tự nhiên nghiêm trọng.
Ở Israel chúng tôi phải sống chung với một thực tế là nguồn nước tự nhiên khan hiếm và khủng hoảng nước sạch là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên chúng tôi chọn cách đối mặt và tìm ra ra giải pháp để khắc phục vấn đề này. Chúng tôi hi vọng khi chia sẻ những kinh nghiệm và những thành tựu mà chúng tôi đạt được trong vấn đề này có thể giúp các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”
Đại sứ Meirav Eilon Shahar
Do đó, nước sạch được xem là vàng trắng ở quốc gia Trung Đông này..
Để đối phó với tình trạng khan hiếm nước sạch phục vụ phát triển kinh tế và xã hội, Israel đã thực hiện nhiều giải pháp sử dụng tiết kiệm và cải thiện nguồn cung cấp nước ngọt dựa vào sự phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Kết quả: đầu năm 2013, cơ quan quản lý nước (Water Authority) của Israel tự tin khẳng định Israel đã đánh bại được hạn hán.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi riêng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Hà Nội – bà Meirav Eilon Shahar nhằm tìm hiểu thêm về các giải pháp chống hạn của quốc gia này trong bối cảnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng một số tỉnh thành ở ĐBSCL của Việt Nam.
Mặc dù có nguồn nước tự nhiên hạn chế, nhưng từ nhiều năm nay, Israel vẫn luôn là cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới… Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước tiết kiệm và sống chung với hạn hán của người dân Israel và cách Israel đương đầu với hạn hán như thế nào?
Kể từ khi thành lập vào năm 1948, Israel đã hứng chịu vấn nạn thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng. Nhưng bây giờ chúng tôi có thể tự tin khẳng định khủng hoảng nước đã kết thúc. Hiện nay tất cả người dân ở Israel đều có thể tiếp cận nước sạch theo nhu cầu miễn là họ sẵn sàng trả tiền. Chúng tôi cũng có một bộ luật rất chặt chẽ về việc sử dụng nước, phạt rất nặng các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và sử dụng nước lãng phí.
Chúng tôi cũng có một số lượng lớn các chuyên gia và quản lý chuyên môn cao về nước. An ninh nước ở Israel đang phát triển tốt nhờ vào các công nghệ kỹ thuật do chính các giáo sư, nhà khoa học và doanh nhân trong nước phát minh ra.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực nước ở Israel đã trải qua những thay đổi quan trọng. Trong thập kỷ vừa qua, các nhà lập pháp ở Israel hiểu rằng cách duy nhất đối phó với vấn nạn thiếu hụt nguồn nước tự nhiên cũng như để cải thiện chất lượng sống của người dân được tốt hơn chính là chấp nhận thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, và từ đó thực hiện các chính sách quốc gia liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả.
Chúng tôi đầu tư vào các công nghệ sử dụng nước hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Song song đó, chúng tôi tiến hành các chiến dịch giáo dục và truyền thông để kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm. Ngoài ra, chính phủ đầu tư hơn 500 triệu USD để xây dựng các nhà máy xử lý nước đặt ở khắp nước.
Ngoài những biện pháp đơn giản, ít tốn kém và thân thiện với môi trường, Israel còn sử dụng chương trình khử muối nước biển quy mô lớn. Cho đến hiện nay, lượng nước ngọt được sản xuất từ các nhà máy khử muối nước biển đáp ứng 50% nhu cầu nước của Israel.
Hiện tại, chúng tôi có một kế hoạch tổng thể phát triển hoạt động của ngành nước ở Israel đến năm 2050.
Chương trình này chú trọng vào việc tối đa hóa hiệu quả, bảo quản, và tái sử dụng nước thải cho nông nghiệp, cùng với đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ khử muối để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi, biện pháp tốt nhất vẫn là nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả cho người dân.
Vai trò của chính phủ Israel như thế nào trong việc phòng chống biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng hạn hán?
Số lượng nước tự nhiên trên đầu người ở Israel là thấp nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành một nhà nước hiện đại, chúng tôi buộc phải tìm giải pháp để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp, phát triển công nghệ và duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cuộc cách mạng tìm nguồn nước sạch của Israel có thể tóm gọn trong ba giai đoạn chính. Đầu tiên, cựu Thủ tướng Israel David Ben-Gurion không muốn đất nước phát triển thụt lùi chỉ vì thiếu nước. Thế là, ông ký quyết định xây dựng hệ thống dẫn nước quốc gia vào những năm 1950, đây là công trình đầu tư quan trọng nhất của Israel trong những năm đầu lập quốc.
Kế đến chúng tôi tập trung vào việc phát minh ra các công nghệ tái chế nước thải theo cách tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Hiện nay, hơn 80% nước thải được tái chế được sử dụng cho ngành nông nghiệp. Tiếp theo là giai đoạn tập trung phát triển hệ thống khử mưới nước biển để sản xuất nước ngọt.
Israel hiện nay sử dụng 2 tỉ m3 nước mỗi năm, ít hơn so với một thập kỷ trước đây, trong đó lượng nước sử dụng cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chiếm khoảng 1,1 tỉ m3 và 900 triệu dành cho sinh hoạt của người dân. Trong số 2 tỉ m3 này, 50% lượng nước được sản xuất nhân tạo, gồm 600 triệu m3 sản xuất từ các nhà máy khử muối và 400 triệu m3 nước thải được tinh chế.
Tuy nhiên, ngay cả những đổi mới này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của dân số ngày càng tăng ở Israel. Thử thách càng lớn hơn khi lượng mưa xuống thấp [Lượng mưa trung bình hàng năm ở Israel chỉ khoảng 1,2 tỉ m3. Vào những năm khô hạn, lượng mưa này có thể xuống dưới mức 900 triệu m3].
Chúng tôi nhận thức rõ rằng tất cả giải pháp hiện tại vẫn chưa đủ tốt. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để không làm tổn thương các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo Đại sứ, đâu là những công nghệ của Israel sẽ giúp VN đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài và nghiêm trọng ở ĐBSCL như hiện nay? Ngoài ra, phía Israel cho đến nay đã chuyển giao hoặc cung cấp giải pháp công nghệ gì để hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp?
Trong nhiều thập kỷ qua, Israel đã phát triển nhiều công nghệ khác nhau để vượt qua các tác hại của hạn hán nghiêm trọng.
Các công nghệ này gồm hạt giống “chống hạn hán” (tiêu thụ ít nước hơn bình thường), hệ thống tưới nước nhỏ giọt với các đường ống dẫn nước tới từng cây trồng trong với hệ thống máy tính đo độ ẩm, mức độ hấp thụ của cây để tự động điều chỉnh lượng nước tưới nhỏ giọt cho phù hợp, công nghệ tưới nhỏ giọt (không dùng tưới phun vì lãng phí nước).
Hiện có một số công ty Israel đang hoạt động năng động ở Việt Nam và có thể cung cấp các công nghệ nhỏ giọt và phân bón cho các đối tác Việt Nam.
Ngoài ra, Israel có thể cung cấp các thiết bị tiết kiệm nước có chất lượng cao như: ống dẫn nước, van tiết kiệm nước, khóa nước… Hơn 150 quốc gia trên thế giới hoan nghênh chính phủ Israel vì đã hộ trợ các công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và đối phó với hạn hán.
Ngoài ra, chúng tôi ủng hộ các khu vực tư nhân và phi lợi nhuận xử lý các vấn đề nước. Thêm vào đó, Israel cung cấp các khóa huấn luyện, đào tạo về quản lý nước và tưới tiêu cho những người bạn hàng xóm Palestine và Jordan cùng hơn 100 quốc gia đang phát triển, trong đó có 29 quốc gia ở Châu Phi.(TT)
Siết mua sắm công, tiết kiệm hơn 30.000 tỉ đồng
Với cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia dự kiến áp dụng cho 4 nhóm tài sản, trong đó có xe công, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm đáng kể
Theo quy định mới của Chính phủ, bắt đầu từ tháng 4-2016, việc mua sắm công sản được quy về một đầu mối thay vì để các đơn vị có nhu cầu được quyền chủ động như trước đây.
Mỗi năm tốn 200.000 tỉ đồng
Quy định mua sắm tập trung đối với tài sản công đã được Chính phủ cho phép thí điểm từ năm 2008 tại 24 bộ, ngành, địa phương. Cục Công sản (Bộ Tài chính) cho biết trong 5 năm đầu thí điểm, kết quả đạt được rất khả quan. Về kinh phí, số chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm là hơn 467 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản cũng tốt hơn, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật.
Theo đánh giá của Cục Công sản, nếu mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế mua sắm tập trung, số tiền tiết kiệm được có thể lên đến hơn 30.000 tỉ đồng. Tính toán này dựa trên thực tế hiện nay, chi mua sắm tài sản công hằng năm chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương 200.000 tỉ đồng, trong khi phương thức mua sắm tập trung có thể tiết kiệm được tới 15% tổng giá trị mua sắm. Khoản tiết kiệm có được nhờ giá tốt khi mua số lượng lớn, ngoài ra còn giảm được đáng kể chi phí tổ chức đấu thầu và chi phí cho đầu mối thực hiện công tác này.
Cụ thể, theo phương thức hiện nay, mua sắm công được thực hiện bởi hàng chục ngàn đầu mối nhưng theo quy định mới sẽ chỉ có đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Tài chính (danh mục mua sắm tài sản tập trung quốc gia, trừ thuốc), Bộ Y tế (mua thuốc) và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh. Như vậy sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 170 đầu mối và chuẩn hóa toàn bộ việc mua sắm theo danh mục của các bộ, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước về các đơn vị mua sắm tập trung, chuyên nghiệp để họ lựa chọn nhà thầu hợp lý nhất về giá và chất lượng. Ví dụ như đơn vị mua sắm tập trung thuốc sẽ nằm ở Bộ Y tế, mua sắm của cơ quan trung ương hay bộ, ngành cũng sẽ nằm ở đơn vị chuyên nghiệp.
Phương thức này phù hợp với thông lệ quốc tế vì công sản là tài sản được mua bằng tiền ngân sách hoặc bằng tiền có nguồn gốc từ vốn nhà nước. Ở nhiều quốc gia, việc mua sắm tài sản cho toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính và phân bổ cho các đơn vị có nhu cầu.
Bắt đầu với xe công
Điểm nhấn lớn nhất của phương thức mua sắm tập trung là khắc phục tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ không cần thiết. Để thực hiện phương thức mua sắm tập trung, Bộ Y tế sẽ công bố danh mục thuốc. Bộ Tài chính công bố danh mục các tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, dự kiến sẽ bao gồm 4 nhóm tài sản gồm: ô tô, máy photocopy, máy tính, máy in.
Trong đó, xe công là khối tài sản lớn, chiếm hơn 2% tổng giá trị tài sản nhà nước. Vấn đề lãng phí trong sử dụng xe công đã được dư luận phản ánh rất nhiều, Chính phủ cũng đã điều chỉnh một số quy định theo hướng siết chi phí, tăng hiệu quả sử dụng. Ví dụ, các cơ quan, đơn vị chỉ thay mới xe công nếu đã dùng quá 15 năm hoặc sử dụng hơn 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, hải đảo…). Việc chuyển đổi phương thức trang bị xe công cũng được thực hiện từ nguyên tắc “không vượt quá số ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị. Cách làm này ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại, số tiền tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm.
Thanh Hóa phủ nhận việc để lại ba bến thuyền cho ngư dân
Thông báo này khẳng định chỉ để lại hai vị trí đó là phía Bắc khu vực bãi tắm có chiều dài 600 m, phía Nam khu vực bãi tắm có chiều dài 150 m.
Thông báo của UBND thị xã Sầm Sơn khẳng định việc quy hoạch sắp xếp lại các bến thuyền là thực hiện theo nghị định của Chính phủ và hoàn toàn không liên quan và không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án “Không gian ven du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương do UBND TX Sầm Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Đánh giá lại phương thức trợ giá xe buýt
Cháy lớn tại nhà máy gạch men Viglacera Thăng Long
Đến 19g ngày 20-3, lực lượng PCCC đã khống chế được vụ cháy lớn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Gạch men Viglacera Thăng Long (P.Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km.
Cộng tác viên của Tuổi Trẻ tại hiện trường mô tả vụ cháy diễn ra tại khu vực dây chuyền 2 của nhà máy gạch men. Khói đen bốc cao và lan rộng, nhiều khu vực ở xa thị xã Phúc Yên cũng có thể nhìn thấy.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết nhận được tin báo cháy lúc 17g30, đã điều động 7 xe chữa cháy tới hiện trường.
Đến hơn 19g, lực lượng PCCC tỉnh Vĩnh Phúc đã khống chế được vụ hỏa hoạn.
Bước đầu, Công an Vĩnh Phúc xác định không có thiệt hại về người. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được.
Trong quá trình chữa cháy, các công nhân của nhà máy đã kịp thời vận chuyển nhiều vật liệu, thiết bị có nguy cơ cháy nổ ra khỏi hiện trường hỏa hoạn, góp phần hạn chế thiệt hại.