Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu: "Trong lúc chúng ta chưa kịp cắm mới thì những biến cũ đem nhổ vứt hết đi, thà không có còn hơn, để tránh gây bức xúc cho người dân..."
Tin trong nước đọc nhanh trưa 13-01-2016
- Cập nhật : 13/01/2016
Phạt 7 hãng taxi không chịu giảm cước
Sở Tài chính TP HCM vừa ban hành văn bản xử phạt 7 hãng taxi ở TP vì không chịu kê khai giảm giá cước sau khi xăng dầu giảm liên tục.
Theo Sở Tài chính, trên địa bàn TP hiện có 15 hãng taxi nhưng chỉ 8 hãng giảm giá từ 2% đến 6% trước ngày 8-1. Cụ thể: Mai Linh giảm 300 đồng/km, Happy Taxi giảm 500 đồng/km...
Trong 7 doanh nghiệp “ù lì” có một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ở TP HCM. Hiện tại, Thanh tra Sở Tài chính đang lên kế hoạch kiểm tra đồng loạt. Lý do Sở Tài chính yêu cầu các hãng taxi giảm giá dựa theo công văn của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu điều chỉnh cước vận tải phù hợp, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ vào dịp Tết.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết sau khi tiếp nhận công văn của Sở Tài chính, 7 hãng taxi sẽ nộp phạt đầy đủ và viết giải trình. Riêng hãng taxi Vinasun ít ngày tới sẽ điều chỉnh giảm 500 đồng/km.
Tuy chấp nhận nộp phạt nhưng ông Hỷ cũng nêu quan điểm: “Sau ngày 1-1-2016, đúng ra doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước vận tải vì các doanh nghiệp phải tăng quỹ lương vùng cho nhân viên lên đến 15%. Lương và phí quản lý 45%, xăng chỉ chiếm 25% trong tổng tiền cước vận tải”.
Giám đốc 1 trong 7 hãng taxi bị xử phạt cho biết việc điều chỉnh giá cước tốn rất nhiều tiền cho việc thay đổi in ấn, phá niêm phong.
Đề xuất tuyển dụng viên chức không có hộ khẩu TP.HCM
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP đề xuất được mở rộng tuyển dụng viên chức không có hộ khẩu tại TP.HCM.
Đề xuất trên xuất phát từ thực tế khó khăn trong tuyển dụng của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.
Trong năm 2015, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP có nhu cầu tuyển dụng 166 viên chức, trong đó có 161 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở đang trú đóng tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Kế hoạch tuyển dụng đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của TP ba kỳ liên tiếp nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu viên chức có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú KT3 tại TP.HCM.
Cho đến nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội chỉ mới nhận được 37 hồ sơ đăng ký tham gia tuyển dụng viên chức.
Bắt nghi phạm sản xuất bột ngọt Trung Quốc giả thương hiệu lớn
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đang làm rõ hành vi phạm tội, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án bột ngọt Trung Quốc giả nhiều thương hiệu lớn.
Sáng 12 -1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP. Hà Nội) cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Văn Lâm (50 tuổi, ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 156 Bộ luật hình sự.
Trước đó, khoảng18g ngày 10-1, ở khu vực đê sông Đáy thuộc địa phận xã Cao Dương, huyện Thanh Oai tổ công tác liên ngành phát hiện Lập trở 2 bao tải bột ngọt.
Thời điểm kiểm tra đại diện công ty bột ngọt khẳng định hàng hóa Lập vận chuyển không phải hàng của công ty sản xuất, phân phối.
Khám xét chỗ ở của Lập cơ quan công an thu giữ một lượng lớn bột ngọt giả do Trung Quốc sản xuất và vỏ bao bì nhãn hiệu, máy dán nhiệt, cân đĩa, máy đóng hạn sử dụng...
Mở rộng vụ án cơ quan công an khám xét tại 5 địa điểm tiêu thụ hàng đã phát hiện các bao tải nguyên liệu và khoảng trên 500 gói bột ngọt.
Công an kiểm tra lô bột ngọt Trung Quốc được dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng để bán - Ảnh: Quang Thế
Đình chỉ công tác một phó chủ tịch xã
Chiều 11-1, lãnh đạo UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xác nhận đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phan Văn Trung (phó chủ tịch UBND xã Long Hưng) và bà Trương Thị Quế Trâm (cán bộ địa chính xã).
Theo lãnh đạo TP Biên Hòa, việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Trung, bà Trâm để yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay các cán bộ bị tạm đình chỉ công tác đã tham mưu cho cấp trên cho phép người dân xây dựng nhà trái phép trên dự án Khu kinh tế mở Long Hưng.
Điều tra thanh tra sở công thương “giải cứu” phân bón dỏm
Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra dấu hiệu cố ý làm trái trong hành vi trong xử lý phân bón giả của chánh thanh tra sở Công thương tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thắng - chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị làm rõ hành vi cố ý làm trái của ông Nguyễn Thanh Vân - chánh thanh tra sở công thương trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng. Theo đó, có tới 20 vụ phân bón dỏm có dấu hiệu được thanh tra sở này “giải cứu”, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và nông dân.
9 hồ sơ không xử phạt có dấu hiệu bất thường
Theo Thanh tra tỉnh Tiền Giang, trong hai năm 2014 và 2015, đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tiền Giang phát hiện và lập hồ sơ 41 trường hợp phân bón không đạt chất lượng chuyển cho thanh tra sở công thương giải quyết theo thẩm quyền.
Đoàn liên ngành cũng đề nghị mức xử phạt hành chính từ 160-180 triệu đồng/vụ theo quy định tại Nghị định 163/2013 của Chính phủ.
Sau đó thanh tra sở công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định xử phạt 20 vụ; tự ban hành quyết định xử phạt 11 vụ, xếp hồ sơ 1 vụ do hồ sơ có sai sót và bỏ qua không xử phạt tới 9 vụ.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra hồ sơ 9 vụ vi phạm mà thanh tra sở công thương không xử phạt, qua đó phát hiện có tới 8 vụ có dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, thanh tra sở cho rằng cán bộ lấy mẫu thử nghiệm phân bón vi phạm quy trình nên đã xếp hồ sơ vi phạm của 6 DN gồm: Công ty Phân bón Lúa Vàng, Công ty Tiến Nông, Công ty Vina Cam, Công ty CP Tinh Hoa, Công ty Hùng Thịnh và Công ty Việt Út.
Hai vụ còn lại là Công ty CP Bình Điền và Công ty Nhật Nông đã được sở công thương tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên sau đó giám đốc sở lại có văn bản đề nghị thu hồi hai quyết định xử phạt với lý do… vi phạm quy trình lấy mẫu.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang cho rằng thanh tra sở công thương không xử phạt các DN vi phạm trong khi không trao đổi với đoàn liên ngành là thể hiện hành vi thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái trong thi hành công vụ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 1,2 tỉ đồng.
Tiếp tay cho phân bón kém chất lượng
Khi kiểm tra ngẫu nhiên 7/11 hồ sơ do thanh tra sở công thương xử phạt thì Thanh tra tỉnh Tiền Giang lại phát hiện thêm bất thường khác. Đó là hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm đã bị thay đổi so với hồ sơ gốc của đoàn liên ngành lập.
Thay vì xử phạt DN sản xuất phân bón kém chất lượng thì thanh tra sở lại chấp nhận giải trình của DN đổ lỗi cho hộ kinh doanh bảo bản không tốt, bị mắc mưa… và chỉ xử phạt hộ kinh doanh.
Chẳng hạn mẫu phân bón N-P-K 16-16-8 TE của Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc hai lần thử nghiệm đều không đạt. Khi làm việc với đoàn liên ngành, ông Võ Tấn Dũng (giám đốc công ty) thừa nhận hành vi sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố.
Theo quy định thì hành vi này sẽ bị phạt từ 160-180 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó thanh tra sở công thương không phạt DN sản xuất mà lại phạt hộ kinh doanh. Thế là DN thoát án sản xuất phân bón kém chất lượng.
Với việc “ảo thuật” 7 hồ sơ trên đã biến vi phạm của DN thành vi phạm của hộ kinh doanh, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1 tỉ đồng. Điều đáng nói là việc làm của thanh tra sở công thương đã tiếp tay cho một lượng lớn phân bón kém chất lượng được tiêu thụ trót lọt.