tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 15-01-2016

  • Cập nhật : 15/01/2016

Bắt nghi phạm lừa tiền vé máy bay của du học sinh Việt tại Úc

Giới chức Úc hôm 13-1 bắt giữ một cô gái ở TP Sydney với cáo buộc lừa bán vé máy bay cho hàng trăm du học sinh Việt Nam với giá trị lên đến 360.000 AUD.

Cô gái 24 tuổi có tên Vi Tran trên mạng xã hội Facebook đã bị bắt giữ tại nhà ở Petersham, TP Sydney và bị cáo buộc 10 tội danh liên quan đến lừa đảo. Cô này được bảo lãnh và sẽ ra tòa vào ngày 3-2 tới.

nhieu sinh vien viet nam trong nhom "vietnamese dynamic students" da mua ve may bay khong hop le. anh: smh

Nhiều sinh viên Việt Nam trong nhóm "Vietnamese Dynamic Students" đã mua vé máy bay không hợp lệ. Ảnh: SMH

Đầu tháng 1 vừa qua, có thông tin hơn 300 sinh viên Việt Nam sống tại Úc đã mua vé máy bay không có giá trị thực từ Vi Tran để về nước ăn Tết.

Một nhóm sinh viên Việt Nam của Trường ĐH Công nghệ ở Sydney - có tên trên mạng xã hội Facebook là “Vietnamese Dynamic Students” (tạm dịch: Sinh viên Việt Nam năng động) - đã mua vé giảm giá của hãng hàng không Vietnam Airlines thông qua một thành viên nữ tên Vi Tran trong nhóm.

Vé cho mỗi chuyến từ TP Melbourne và Sydney (Úc) đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) vào khoảng 1.140 AUD. Nếu mua của Vi Tran sẽ được giảm từ 300-400 AUD. Một số sinh viên từng mua vé của cô gái này trước đây và không xảy ra vấn đề gì nên đã giới thiệu cho những người khác.

Khoảng 240 sinh viên sau khi mua vé phát hiện vé của họ không hợp lệ. Minh Nguyen, một thành viên của nhóm, cho biết: “Một số sinh viên đến sân bay để kiểm tra vé và phát hiện chúng không hợp lệ”. Để hỏi cho ra lẽ, các sinh viên bị lừa đã đến nhà của Vi Tran ở Petersham thuộc Sydney nhưng không tìm thấy cô.

Nguyen cho biết anh và các bạn “khá mừng” khi nghe tin cô gái này bị bắt. “Hy vọng cảnh sát sẽ giúp lấy lại những gì chúng tôi đã mất. Có thể chúng tôi sẽ liên lạc với họ để tìm hiểu những diễn biến tiếp theo”.

Annie Nguyen, một sinh viên kiến trúc tại Trường ĐH Sydney và cũng là nạn nhân của cô gái trên, bức xúc: “Thật không thể tin được. Tôi rất tức giận. Chúng tôi là một nhóm thân thiết và mọi người đều biết nhau”.


Để cửa đóng dấu ‘mật’, khác nào cấm dân tiếp cận thông tin

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến như trên tại phiên làm việc sáng nay (14-1) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tiếp cận thông tin.

“Anh cho người ta có quyền đóng dấu mật, họ đóng mật phát là xong. Anh phải quy định thông tin nào không phải là mật, thông tin nào là mật. Chứ để cửa cho người ta quyền đóng dấu mật là thôi, là cấm người dân tiếp cận thông tin” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin thuộc bí mật nhà nước (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT)), dự thảo luật quy định việc tiếp cận các thông tin thuộc về bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

 chu tich quoc hoi nguyen sinh hung

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Về nội dung này, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật TCTT, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho hay có ý kiến cho rằng việc bảo vệ bí mật nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. ”Vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Cụ thể, nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân” - ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, theo quy định của Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật. Theo đó, ông Lý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Đối với tài liệu mật thì có quy trình giải mật và trong luật này cũng quy định rồi, giải mật thì công dân có quyền yêu cầu cung cấp. Mật thì có quy định rồi và trong luật cũng quy định ở cấp độ nào sẽ được tiếp cận các thông tin mật ở các lĩnh vực để phục vụ nghiên cứu. Thông tin nào thuộc về công khai đã được giải mật thì người dân được tiếp cận”.

Trước phần giải trình trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định rõ trong Luật TCTT thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì hạn chế tiếp cận, chứ không chờ luật khác quyết định. “Luật bảo vệ bí mật nhà nước không thể quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin mà chỉ quy định bảo vệ bí mật nhà nước thế nào, giải mật thế nào. Phải như vậy Luật TCTT này mới có giá trị” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các ý kiến khác tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội.


Thủ tướng chỉ thị tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp

Thủ tướng vừa có chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày Chủ nhật 22-5-2016.

Để cuộc bầu cử được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, Thủ tướng chỉ thị: Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử.

Bộ KH&ĐT chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp số liệu dân số đến ngày 31-12-2015 của từng địa phương để làm căn cứ tính số lượng ĐBQH và số lượng ĐB HĐND các cấp ở mỗi đơn vị hành chính. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có kế hoạch triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về công tác chỉ đạo tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND.


Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ tàu cá Bình Định bị đâm chìm

Theo chinhphu.vn, ngày 13-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tàu cá của tỉnh Bình Định bị đâm chìm ngày 9-1 vừa qua, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lý Quốc Tuấn cho biết:

“Vụ việc đang được các cơ quan Việt Nam xác minh, điều tra thủ phạm. Dù trong bất kỳ tình huống nào, việc tàu của bất cứ nước nào gây ra vụ việc trên mà bỏ đi, không tổ chức cứu nạn cho thường dân là đáng lên án, kể cả từ góc độ pháp lý lẫn nhân đạo”.

Ông Tuấn cho biết hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực liên lạc với các ngư dân bị nạn cũng như các cơ quan quốc tế và các nước liên quan để điều tra thủ phạm. Hiện nay, toàn bộ ngư dân Việt Nam đã được cứu và đưa vào bờ. “Đây là đường hàng hải quốc tế đông đúc, do vậy đề nghị ngư dân Việt Nam trong khi làm ăn trên biển cần hết sức cảnh giác, đề phòng các trường hợp tương tự xảy ra” - ông Tuấn lưu ý.


Cần Thơ: ‘Bán’ hai phòng công chứng với giá gần 2 tỉ đồng

Chiều 13-1, ông Lê Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết TP đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình phòng công chứng thành văn phòng công chứng theo Nghị định 29/2015 của Chính phủ.
Theo đó, chuyển cả hai phòng công chứng số 1 và số 2 thành hai văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Đình và Nguyễn Thị Bích Liên với giá trị chuyển đổi (gồm thương hiệu, tài sản vô hình và cơ sở vật chất) khoảng 2 tỉ đồng.

Số lượng cán bộ, viên chức của cả hai văn phòng khoảng 30 người. Hai văn phòng này đã được Sở cấp phép hoạt động chính thức từ ngày 1-1. Được biết Phòng Công chứng số 1 được hình thành năm 1990 và là một trong những phòng công chứng đầu tiên của cả nước. Phòng Công chứng số 2 được thành lập năm 2004.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục