tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 21-03-2016

  • Cập nhật : 21/03/2016

Kế toán trưởng lừa đảo gần 13 tỷ đồng hầu tòa

Lợi dụng vị trí Kế toán trưởng, Nguyễn Thị Bạch Tuyết (sinh năm 1973, ngụ TP.HCM) đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt của công ty gần 13 tỷ đồng.
bi cao nguyen thi bach tuyet tai toa.

Bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết tại tòa.

 

Ngày 18/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam (Công ty L&M Việt Nam) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, kinh doanh các ngành nghề dịch vụ kỹ thuật nền móng các công trình xây dựng, dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng.

Ngày 2/1/2010, Công ty L&M Việt Nam nhận Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Giám đốc và đại diện theo Pháp luật Công ty TNHH MTV Đại Hồng Tùng) vào làm việc với vị trí Kế toán trưởng. Sau khi vào làm tại Công ty L&M Việt Nam, Tuyết biết được việc Công ty L&M Việt Nam có vay vốn của Công ty L&M Singapore cũng như việc thỏa thuận giữa Công ty L&M Việt Nam với Ngân hàng OCBC, ngân hàng UOB trong việc chuyển tiền chỉ cần bản fax, bản scan, không đòi hỏi bản chính. Các phiếu yêu cầu chuyển tiền, lệnh, chuyển tiền chỉ cần một người ký với hạn mức dưới 240 triệu đồng. Thêm vào đó, Tổng giám đốc công ty là người nước ngoài, quản lý đơn vị lỏng lẻo.

Lợi dụng những điều này, từ ngày 1/2/2010 đến ngày 31/6/2010, Tuyết đã lập 51 phiếu và lệnh chuyển tiền có chữ ký trực tiếp của ông Yee Lip Chee và chữ ký con dấu mang tên Yee Lip Chee với nội dung thanh toán không có thật, sau đó fax và scan đến hai ngân hàng OCBC và UOB yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản của Công ty L&M Việt Nam vào tài khoản của Công ty Đại Hồng Tùng do Tuyết làm chủ tài khoản với số tiền tổng cộng là 12,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này Tuyết đã dùng séc cá nhân, phiếu rút tiền mặt rút hết.

Sau khi chiếm đoạt số tiền 12,7 tỷ đồng, để tránh bị phát hiện, Tuyết đã thực hiện nhiều hành vi gian dối như: việc hạch toán kế toán, bút toán trùng lặp, bút toán bất thường; sửa chữa số liệu kế toán; cung cấp chứng từ hóa đơn phô tô cho công ty kiểm toán; số liệu kế toán không đúng, không thể hiện số tiền chuyển cho Công ty Đại Hồng Tùng.

Ngoài ra, Tuyết còn làm giả một bản cam kết giữa Tuyết và ông Yee Lip Chee với nội dung Công ty L&M Việt Nam sẽ tiếp tục nhập một lượng máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam có trị giá khoảng 2 triệu USD từ công ty mẹ tại Singapore để hợp thức hóa việc tăng vốn đầu tư, nhưng Công ty L&M Việt Nam phải trả cho công ty mẹ bằng tiền mặt.

Ông Yee Lip Chee sẽ ký chuyển khoản số tiền cần thiết đến số tài khoản của Công ty Đại Hồng Tùng do Tuyết đứng tên, Tuyết sẽ được hưởng một khoản tiền tương ứng 3% tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản nêu trên theo từng lần chuyển khoản. Bà Tuyết có trách nhiệm rút tiền mặt từ tài khoản để trả lại cho ông Yee Lip Chee.

Kết quả điều tra xác định, ông Yee Lip Chee không biết và không bàn bạc với Nguyễn Thị Bạch Tuyết về việc chiếm đoạt tiền của Công ty L&M Việt Nam, không nhận khoản tiền nào do Tuyết chiếm đoạt được nên không có căn cứ xác định Yee Lip Chee là đồng phạm của Tuyết.

Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 23/3.


3 tội danh cho tín dụng đen

Hàng chục gia đình bán nhà đất cho một người hay một DN với giá rẻ chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá trị thật. Đây là hệ quả đau lòng của tín dụng đen tại các miền quê.
tinh trang chao moi vay von kieu “tin dung den” cong khai xuat hien o moi noi.

Tình trạng chào mời vay vốn kiểu “tín dụng đen” công khai xuất hiện ở mọi nơi.

Cùng một “chiêu” lừa đảo?

Ông Trương Ngọc Danh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang có đối tượng Nguyễn Thị Bé Tám đã cho trên 40 người vay nợ từ năm 2013 trở lại đây. Những người là con nợ của bà Tám phản ánh, để được vay tiền, họ phải ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám. Đến khi con nợ không còn khả năng trả tiền thì bị bà Tám buộc họ phải giao nhà và đất, nếu người nợ tiền không giao tài sản, bà Tám kiện ra tòa và tòa xử cho bà Tám luôn là người thắng kiện.

Bà Phan Thị Út, xã Tân Phú, huyện Thới Bình cho biết, đầu tháng 9/2014, bà Út vay 150 triệu đồng từ bà Tám với lãi suất 3%/tháng. Để được vay số tiền này bà phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Tám với giá trị 200 triệu đồng, trong khi giá trị nhà và đất gần 1 tỉ đồng. Đến hạn không có tiền trả, bà Tám xiết lấy cả nhà và đất. Bà Út bùi ngùi: “Khi vay tiền, bà Tám nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi, nên bản thân tôi và nhiều người khác không do dự mà ký vào. Thế nhưng mấy tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà Tám cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và số điện thoại liên hệ của bà ấy”.

Tương tự, ông Đoàn Minh Luân, thường trú tại xã Thới Bình, huyện Thới Bình vay của bà Tám số tiền 200 triệu đồng, làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (diện tích 30.000m2) thành 320 triệu đồng trong khi giá trị của tài sản thế chấp gần 2 tỉ đồng. Do ông Luân không còn khả năng trả nợ, bà Tám khởi kiện ông Luân ra tòa, vì cho rằng mình mua đất của ông Luân có lập hợp đồng và đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đang được tòa án thụ lý.

Vụ việc nhiều gia đình mất nhà khi đi vay tiền của Cty CP Cát Nam Phong (địa chỉ tại A105 tòa nhà M3,M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa và số 30 ngõ 144 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng là những trường hợp tương tự tại Cà Mau. Người vay tiền cũng phải viết giấy bán nhà, đất cho giám đốc Cty Nam Cát Phong là bà Nguyễn Thị Hải Yến. Nhưng sau đó, bị Cty này cầm cố vay ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần. Khi bị NH đến phát mãi nhà, đất thì mọi người mới biết rằng mình bị lừa nhưng đã muộn.

Việc cho vay tiền bằng hình thức viết giấy bán nhà là một thực trang đang và chắc sẽ vẫn còn diễn ra.

Xem xét 3 tội danh

Theo LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, nếu để xử lý hình sự các đối tượng trên thì có thể xem xét ở 3 tội danh.

Thứ nhất, họ bị xử với tội “cho vay nặng lãi” thì hành vi này được xử lý theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đây là cách làm rất khó bởi vì trong thực tế, các giao dịch cho vay trong cộng đồng dân cư không bao giờ ghi “mức lãi suất”. Các giao dịch thường chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận hoặc cộng ngay lãi vào số tiền vay nên rất khó chứng minh.

Thứ hai, khép vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan công an phải chứng minh được người cho vay tiền cố tình nói không sao hoặc dụ dỗ người khác ký giấy bán nhà rồi chiếm đoạt nhà đất của người đi vay tiền. Đây là hướng điều tra mà cơ quan công an tại các địa phương đang triển khai. Tuy nhiên, muốn xử lý được thì trước tiên cơ quan công an và chính quyền địa phương phải thật quyết tâm vào cuộc. Nếu chỉ điều tra khơi khơi thì rất khó có bằng chứng để chứng minh có tội.

Thứ ba, xử lý với tội danh “cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi người cho vay tiền dùng các đối tượng “xã hội đen” để ép buộc người dân phải ra khỏi nhà, đất của họ sau khi người dân viết giấy bán nhà. Trường hợp này thì có thể . Tuy nhiên hiện nay, người cho vay tiền ít dùng cách này nên rất ít trường hợp bị xử lý.

Nếu xét dưới góc độ hành chính thì hầu như rất ít khả năng làm được và từ trước đến nay công cụ này gần như không phát huy đối với trường hợp cho vay nặng lãi cầm cố nhà đất. Mặc dù, 100% các tiệm cầm đồ hiện nay đều cho vay vượt quá quy định của Ngân hàng nhà nước nhưng đã mấy ai bị phạt đâu? Còn lại người dân cho vay cá nhân bao nhiêu cũng được, thoải mái thì chưa có ai bị xử lý hành chính.

Xét ở góc độ dân sự, nếu chứng minh được rằng người đi vay bị cưỡng ép, bị lừa dối… thì hoàn toàn có thể tuyên hủy hợp đồng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là các hợp đồng lại được công chứng, chứng thực đầy đủ. Muốn xác định được người đi vay tiền bị cưỡng ép, bị lừa dối thì phải trải qua rất nhiều chứng cứ, bằng chứng để chứng minh. Người dân phải có sự giúp đỡ điều tra của công an mới làm được theo hướng này. Bởi vì, người cho vay họ thường đề phòng trước và xây dựng hồ sơ chứng cứ khá chắc chắn về phía họ.

Việc cho vay tiền bằng hình thức viết giấy bán nhà là một thực trang đang và chắc sẽ vẫn còn diễn ra. Hệ lụy của những vụ việc này tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt là những người vốn đang gặp phải cảnh khó khăn về tài chính. Nếu chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an không thực sự dồn tâm huyết vào cuộc thì vấn nạn này khó có thể giải quyết tận gốc được.


Tỉ lệ người lao động Việt sang Hàn Quốc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao gấp 20 lần mức trung bình

Hiện có 16 nước xuất khẩu lao động, với tỷ lệ trung bình các lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp chỉ ở mức 2,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở riêng lao động Việt Nam lên tới 50% lúc cao điểm. Con số này ở thời điểm hiện tại đã hạ xuống còn khoảng 32%.

ti le nguoi lao dong viet sang han quoc bo tron, cu tru bat hop phap cao gap 20 lan muc trung binh

Tỉ lệ người lao động Việt sang Hàn Quốc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao gấp 20 lần mức trung bình

Trước câu hỏi có phải Hàn Quốc có ý định chấm dứt hợp đồng xuất khẩu lao động với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trải lòng: “Chúng ta nhức nhối với tình trạng lao động Việt Nam vì tỷ lệ bỏ trốn khá cao”.

Nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, các công ty môi giới có thể bị đánh tụt xếp hạng, hay phạt tiền. Vì thế, có chuyện một số nước có yêu cầu khắt khe hơn với lao động Việt Nam.

Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có 16 nước xuất khẩu lao động, với tỷ lệ trung bình các lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp chỉ ở mức 2,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở riêng lao động Việt Nam lên tới 50% lúc cao điểm. Con số này ở thời điểm hiện tại đã hạ xuống còn khoảng 32%.

3 năm về trước, thị trường Hàn quốc tiếp nhận 10.000 – 12.000 lao động Việt Nam/năm. Nhưng 3 năm vừa rồi, mỗi năm Hàn Quốc cấp hạn ngạch cho Việt Nam chỉ vào khoảng 3.000 – 3.500 lao động/năm, chưa bằng 1/3 con số trước đó.

Con số trên chưa tính số lượng lao động mẫu mực – những người chấp hành đúng hợp đồng, và lao động trung thành – những lao động gắn bó với một chủ. Số lao động mẫu mực và trung thành được Hàn Quốc tiếp nhận ở mức 3.000 lao động.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác về phía Hàn Quốc, gồm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, các cơ quan phát triển nhân lực… để ký lại thỏa thuận bình thường. Khả năng tuần tới chúng tôi sẽ tiếp xúc với phía Hàn Quốc để có thể sớm ký lại thỏa thuận”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Nhưng Thứ trưởng Diệp cũng nhấn mạnh rằng: Chắc chắn một trong những điều kiện để ký lại thỏa thuận đặc biệt hay thông thường là Việt Nam phải giảm được tỷ lệ bỏ việc và tỷ lệ cư trú bất hợp pháp.

“Chúng tôi hy vọng tỉnh, huyện, và gia đình động viên các lao động quay trở về. Khi nào giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, tỷ lệ lao động bỏ trốn thì vấn đề này mới hy vọng giải quyết được…”, Thứ trưởng Diệp lưu ý.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn gửi UBND 10 tỉnh thành gồm Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang.

Công văn nêu rõ: Nếu đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại quốc gia này khi bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc được ký lại.

Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố, hiện tại, trên 9.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp chưa chịu về nước. Trong đó, dẫn đầu là Nghệ An với 1.454 người, tiếp đó là Hà Nội là 948 người...

Theo thông tin từ Zing, năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam do nhiều lao động Việt sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Cuối năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa lao động Việt sang làm việc với điều kiện số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30%.


Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch, bỏ ý định xây dựng một Singapore thu nhỏ tại cù lao Phố

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh phối hợp với thành phố Biên Hòa điều chỉnh lại quy hoạch một số phân khu trong đồ án quy hoạch Cù lao Phố - nhưng không được đưa thêm các dự án mới vào - để dành quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân ngay trên địa bàn bị giải tỏa.

mot goc cu lao pho

Một góc cù lao Phố

Cù lao Phố, hay Nông Nại Đại Phố (thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), rộng 1.000 héc ta là những địa danh đã hình thành từ cách nay hơn 300 năm. Trải qua những thăng trầm với biết bao biến cố, cù lao Phố hôm nay không còn là thương cảng sầm uất xưa kia, song nơi này vẫn là niềm tự hào của người dân Biên Hòa bởi nó gắn bó với bề dày lịch sử ở vùng đất này…

Cuối năm 2005, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa thực hiện quy hoạch chi tiết cù lao Phố. Đến tháng 5/2006, tỉnh đã chấp thuận cho Công ty Tín Nghĩa làm việc với các đơn vị tư vấn và đề xuất chọn Liên danh Công ty Surbana International Consultants (Singapore) làm đơn vị tư vấn chính thực hiện công tác quy hoạch chi tiết xã Hiệp Hòa.

Dự tính, cù lao Phố được xây dựng thành trung tâm thương mại lớn của thành phố và tỉnh như một Singapore thu nhỏ. Tuy nhiên về sau, xét thấy quy hoạch trung tâm thương mại tại đây không hợp lý bằng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành trung tâm thương mại, tỉnh có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xã Hiệp Hòa.

Trong buổi làm việc với các sở, ngành và thành phố Biên Hòa mới đây về điều chỉnh quy hoạch Cù lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo định hướng quy hoạch Cù lao Phố sẽ là phát triển thành khu dân cư sinh thái, văn hóa, lịch sử theo hướng bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các sản vật đặc trưng…

Cụ thể, quy hoạch sẽ chỉnh trang lại hai khu dân cư hiện hữu hơn 110 héc ta; quy hoạch khu chức năng trung tâm văn hóa - lịch sử 20-25 héc ta (gồm bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm, viện nghiên cứu để thực hiện việc gìn giữ bảo tồn sản vật đặc trưng); quy hoạch khu công viên văn hóa - sinh thái 200-220 héc ta; quy hoạch khu dự án tái định cư và đường giao thông, công viên cây xanh dọc các bờ sông…

Đặc biệt, đối với các công trình kiến trúc bản địa (cổ), các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo và các khu nhà ở cổ hiện hữu ở cù lao Phố sẽ được tôn tạo, bảo tồn mang đậm nét đặc trưng địa phương.


Ông Đinh La Thăng: Yêu cầu kiểm điểm nhiều Giám đốc Sở

bi thu thanh uy tphcm dinh la thang tai buoi doi thoai

Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng tại buổi đối thoại

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố kiểm điểm giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Sở Nội vụ vì vắng mặt hoặc cử người không đủ thẩm quyền dự chương trình gặp gỡ và đối thoại với đoàn viên thanh niên

Sáng nay (20/3), Thành ủy – HĐND – UBND TPHCM đã tổ chức chương trình gặp gỡ và đối thoại với cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn.

Tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng hơn 150 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu thành phố...

Tại buổi gặp gỡ, nhiều đoàn viên thanh niên bày tỏ những trăn trở về chương trình đào tạo cán bộ y tế (bác sỹ, điều dưỡng), khởi nghiệp của thanh niên, về đời sống khó khăn, thiếu thốn của thanh niên công nhân, bế tắc của thanh niên nông thôn khi muốn phát triển trang trại sạch...

Ca sỹ Võ Hạ Trâm bức xúc về tình trạng loạn thông tin, thông tin không lành mạnh chỉ nhằm câu view của các trang mạng xã hội, thậm chí là một số tờ báo điện tử.

Anh Võ Minh Hòa, Bí thư Đoàn công ty Pouyen (quận Bình Tân) trăn trở: Thức ăn đường phố, thực phẩm bán ở các chợ tự phát không ai quản, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ công nhân. Cơ quan chức năng quận Bình Tân có đến nhưng chỉ quan sát rồi về.

“Nơi ở đang là khó khăn của công nhân. Công nhân không có nơi lưu trú, nhà trọ thì giá quá cao, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Lương tăng là giá thuê tăng, giá điện nước cũng rất cao. Công nhân có con nhỏ phải có hộ khẩu KT3 mới được gửi con được vào các nhà trẻ nhà nước” – anh Hòa cho biết.

Sau khi nghe các đoàn viên, thanh niên trình bày, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng yêu cầu giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối thoại nhưng hai vị này vắng mặt. Ông Thăng yêu cầu Ban tổ chức kiểm tra xem có mời lãnh đạo hai sở này không, nếu mời mà không đến thì yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiểm điểm.

Bí thư Đinh La Thăng mời tiếp Giám đốc Sở Nội vụ thì một trưởng phòng của sở này đứng lên trình bày chủ trương, chính sách, thay vì trả lời thẳng có giải quyết và giải quyết như thế nào các kiến nghị của đoàn viên thanh niên tại buổi đối thoại. Bí thư Thăng ngắt lời và yêu cầu ông này ngồi xuống.

“Không thể trách anh, vì anh chỉ là trưởng phòng, không có thẩm quyền giải quyết” – ông Thăng nói.

Ngay sau đó, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM kiểm điểm giám đốc các sở, ngành đã mời nhưng không đến dự hoặc chỉ cử người không đủ thẩm quyền đi thay. Trước mắt, nếu không có giám đốc sở thì phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách phải trả lời thay.

“Trước những ý kiến bức xúc, trăn trở, hoài bão của tuổi trẻ, giám đốc các sở không đến dự để cùng đoàn viên thanh niên đối thoại, tìm biện pháp giải quyết là không thể chấp nhận được” – Bí thư Đinh La Thăng nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục