7 tỉnh đề xuất hỗ trợ 7.000 tấn gạo cho gần 500.000 nhân khẩu
7 tỉnh đề xuất hỗ trợ 7.000 tấn gạo cho gần 500.000 nhân khẩu - ảnh minh họa
Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã nhận được báo cáo của 7 tỉnh đề xuất hỗ trợ 7.000 tấn gạo cho gần 500.000 nhân khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Ngày 11.1, Bộ LĐ-TB-XH cho biết các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái, Bình Định đã đề xuất hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, người thiếu đói...
Hiện Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị và Lào Cai. Các tỉnh còn lại được hỗ trợ trong tháng 1, chậm nhất trước ngày 3.2 (25 tháng chạp), gạo cứu trợ tết đến được với hộ nghèo, những người thiếu đói.
Ngoài hỗ trợ gạo, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng, trình Chủ tịch nước tặng quà tết cho 2 triệu đối tượng là các gia đình chính sách, người có công với 2 mức: 400.000 đồng và 200.000 đồng cho một đối tượng, với tổng kinh phí khoảng hơn 300 tỉ đồng. Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nhận và phải phân bổ đến đúng đối tượng, tránh và giảm thiểu hiện tượng quà tết không đúng và sai đối tượng.
Mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai
Đó là thông tin đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam và đoàn công tác Bộ Xây dựng chiều 11-1.
Ông Nguyễn Phú - giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam - cho hay tỉnh Quảng Nam đang rà soát, lập thủ tục điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai về phía bắc trên phần diện tích đất cát hoang hóa, với mục tiêu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu vực kinh tế quan trọng trong cả nước.
Ngoài ra, sẽ loại ra khỏi quy hoạch đối với các khu vực dân cư hiện trạng đông đúc, khu vực diện tích đất lúa, đảm bảo tổng diện tích toàn khu không thay đổi (khoảng 27.000ha).
Việt Nam đang chuẩn bị cho ca ghép đầu đầu tiên
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết thông tin trên tại buổi sinh hoạt khoa học do Trung tâm tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức sáng nay.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn trong buổi trao đổi tại Bệnh viện Việt Đức sáng nay - Ảnh Lê Nam
GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho hay, kể từ năm 2011 đến nay, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm) liên tục có nhiều động thái vận động hiến tạng với nhiều thành phần trong xã hội.
Tính đến ngày 31.12.2015, đã có 2.348 người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm, số người đăng ký hiến tạng trên cả nước là 3.542 người. Trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ 57,9% với 1.359 người hiến tạng; số còn lại là nữ giới.
Tính đến ngày 30.9.2015, Việt Nam đã thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tủy và 1 ca ghép tim - phổi.
Trong xu hướng phát triển ghép tạng tại Việt Nam (giai đoạn 2015 - 2020), giáo sư Sơn chia sẻ, mặc dù việc ghép đầu vẫn còn có nhiều ý kiến gây tranh cãi trên thế giới, nhiều ý kiến phản đối khi bàn về vấn đề tài chính và đạo đức, nhưng những ý kiến ủng hộ thì lại cho rằng, việc ghép đầu một ngày nào đó sẽ đem lại sự bất tử cho con người. Giáo sư Sơn khẳng định việc ghép đầu là “công bằng với cả người cho và người nhận”.
Những đối tượng đủ điều kiện để thực hiện việc ghép bộ phận đặc biệt là những bệnh nhân có bộ não nguyên vẹn nhưng gặp những tổn thương như chấn thương tủy, ung thư, teo cơ, hội chứng di chuyền hiếm gặp hoặc người chết não.
Cũng theo giáo sư Sơn, trên thế giới đang chuẩn bị cho ca ghép đầu người lần đầu tiên trong lịch sử, dự kiến tiến hành năm 2017.
“Chúng tôi đang chuẩn bị về người cho, người nhận và nhân lực kỹ thuật. Còn nước ngoài sẽ hỗ trợ toàn bộ phương tiện kỹ thuật và ekip hoàn chỉnh để thực hiện. Về mặt khoa học, chúng tôi hoàn toàn có thể kết nối với nền y học của Italia hoặc Mỹ”, vị giáo sư này cho biết.
“Những người có nguyện vọng được ghép đầu và những người chết não có mong muốn được hiến kế cho y học nước nhà có thể liên hệ với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia ngay từ bây giờ”, giáo sư Sơn nói.
Đồng loạt kiểm tra các nhà thuốc trên địa bàn Đà Nẵng
Ông Chung (giữa) cùng đoàn kiểm tra việc kinh doanh tại một cửa hàng thuốc ở Q.Liên Chiểu - Ảnh: D.H
Từ ngày 4 - 29.1, Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra toàn bộ nhà thuốc, cửa hàng bán thuốc trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Ông Mạc Như Chung, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng đã trao đổi với PVThanh Niên về những vấn đề xung quanh đợt kiểm tra này:
- Những năm trước, việc thanh kiểm tra những nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã phát hiện rất nhiều vi phạm của các nhà thuốc, cửa hàng thuốc. Vi phạm chính là việc những cơ sở này bán thuốc quá hạn sử dụng, bán thuốc không có nhãn mác, hoặc vẫn bán các thuốc Bộ Y tế, Sở Y tế cấm lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng có những vi phạm về sổ sách ghi chép, thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng nằm lẫn lộn với thuốc, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh, của nhà thuốc GPP... Chính vì vậy, đợt kiểm tra lần này chúng tôi rà soát lại những vi phạm của năm trước, tiến hành nhắc nhở, sau đó xử lý nghiêm những cơ sở tái vi phạm, vi phạm nặng. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc mua bán những loại thuốc cấm lưu hành trên thị trường.
Trong đợt kiểm tra đầu năm 2016 này, đã phát hiện những sai phạm nào? Và những sai phạm như 2015 có tiếp tục tái diễn hay không, thưa ông?
- Trong đợt kiểm tra năm 2016, từ ngày 4.1 đến nay, đoàn đã kiểm tra được 15 nhà thuốc, cửa hàng thuốc lớn nhỏ trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu thì năm nay các cơ sở đã có nhiều bước thay đổi vượt bậc, vi phạm cũng ít hơn. Tuy nhiên, trong tổng số 15 cơ sở, chúng tôi phát hiện 3 cơ sở vi phạm, phải xử phạt bởi các cơ sở để lẫn sản phẩm không phải là thuốc với thuốc; chưa ghi chép đầy đủ hoạt động mua bán thuốc, thuốc không có nhãn mác... Còn lại một số vi phạm nhỏ chủ yếu rơi vào việc các cửa hàng bán thuốc nhỏ khu vực vùng ven như chưa đạt vệ sinh tại nơi bán thuốc, để thuốc còn lộn xộn... Những trường hợp như thế này, chúng tôi hướng dẫn, nhắc nhở để các cơ sở sắp xếp lại.
Theo ông, khó khăn nhất của việc kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng thuốc là gì?
- Với lực lượng thanh tra còn mỏng nên mỗi ngày chúng tôi chỉ kiểm tra được khoảng 2 - 3 cơ sở, trong cùng một khu vực. Và một số nơi sau khi đoàn đến kiểm tra thường báo cho những nhà thuốc lân cận, nên khi đến kiểm tra cơ sở khác thì họ đóng cửa im ỉm không kinh doanh. Nhưng dù vậy, chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra lại những cơ sở này. Có cơ sở còn không chịu mở cửa cho đoàn kiểm tra với lý do chưa dọn dẹp nơi bán hàng nên không cho vào. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi vẫn kiểm tra và phát hiện sai phạm tại cửa hàng thuốc và kiên quyết xử lý nghiêm.
Công bố 4 sản phẩm đũa tre ô nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp
Ngày 11.1, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã nhận được thông tin liên quan đến 4 lô đũa sử dụng một lần từ VN xuất khẩu sang Đài Loan, không đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể: 3 sản phẩm không đạt yêu cầu về chất hydrogen peroxide (dương tính) gồm: sản phẩm đũa tre (hạn sử dụng 30.9.2016) của Công ty hữu hạn quốc tế (Wei Ting); Đũa vệ sinh (hạn sử dụng 31.12.2018) của Công ty hữu hạn Tương Thái; Đũa tre sạch thiên nhiên (hạn sử dụng 31.12.2017) của Công ty hữu hạn cổ phần thương mại Mã Nhi Tư (Ma Er Si) và một mẫu đũa có bao bì dùng một lần (hạn sử dụng 31.12.2019) của Công ty hữu hạn thực nghiệm đồ tre trúc Quảng Minh (GuangMing) có chất không đạt yêu cầu là biphenyl. Đây là các chất dùng trong công nghiệp. Cục ATTP tiếp tục đề nghị phía Đài Loan cung cấp tên đầy đủ, chính xác và địa chỉ cụ thể của các nhà sản xuất các loại đũa trên ở VN, để có cơ sở tiến hành các biện pháp quản lý cần thiết.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cũng cho biết 10 mẫu đũa dùng một lần được lấy mẫu trên thị trường tại Hà Nội, kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia hôm 10.1, đều cho kết quả âm tính với chất tẩy trắng công nghiệp. Trước đó, trong năm 2013, chương trình giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, viện này cũng đã lấy 20 mẫu đũa tre và 5 mẫu tăm tre xét nghiệm, đều không phát hiện các chất tẩy trắng công nghiệp.
(
Tinkinhte
tổng hợp)