Mỹ điều khu trục hạm áp sát đảo ở Hoàng Sa
Có nhiều nghi vấn trong vụ lục soát người Việt ở Làng Sen
Khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân
Cà Mau phạt ba người Trung Quốc lợi dụng du lịch để kinh doanh
Bệnh viện tỉnh Bình Phước bị đề nghị phạt gần 1,8 tỉ đồng
Tin trong nước đọc nhanh trưa 30-01-2016
- Cập nhật : 30/01/2016
Đình chỉ công tác 2 cán bộ đăng kiểm xe cơ giới
Đoàn kiểm tra đột xuất của Cục Đăng kiểm phát hiện 2 cán bộ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 3602S ở Thanh Hóa bỏ qua một số lỗi khi kiểm định xe ô tô.
Ngày 29-1, ông Lâm Minh Phúc, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, xác nhận thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa kỷ luật hai đăng kiểm viên Lê Đình Trọng và Lê Văn Việt (cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 3602S, có địa chỉ ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với lý do để xảy ra sai sót trong quá trình làm nhiệm vụ.
Hai đăng kiểm viên này bị đình chỉ công tác 1 tháng. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đưa ra hình thức kỷ luật về mặt hành chính đối với hai cán bộ này.
Trước đó, khoảng hơn 15 giờ ngày 29-12-2015, đoàn kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định của trung tâm 3602S. Tiến hành phúc tra xe 36N-4661, thì phát hiện cán bộ đăng kiểm mắc nhiều sai sót, bỏ qua một số lỗi kiểm định ở các công đoạn 1, 2 và 5.
Cụ thể, công đoạn một không đạt do biển số không đầy đủ (không có biển số sau), công đoạn 2 không đạt do bậc lên xuống lắp đặt không chắc chắn, công đoạn 5 không đạt do giảm chấn không đầy đủ. Việc làm trên được thanh tra xác định đã không tuân thủ đúng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Được biết, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 3602S đã từng bị dừng hoạt động do một loạt cán bộ mắc sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ bị đình chỉ công tác vào năm 2014.
Dừng 11 mỏ đá sau vụ sập mỏ 8 người chết
Sau vụ sập mỏ đá làm 8 người chết ngày 21-1, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công văn tạm dừng 11 mỏ đá trên địa bàn do không đảm bảo an toàn lao động.
Ngày 29-1, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tạm dừng khai thác 11 mỏ đá trên địa bàn 2 huyện Yên Định và Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) do không đảm bảo an toàn.
Đây là những mỏ đá được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại xã Yên Lâm (huyện Yên Định) và xã Cao Thịnh (huyện Ngọc Lặc). Trong số các mỏ nói trên, mỏ đá của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng đã để xảy ra sập mỏ đá làm 8 người chết vào sáng ngày 21-1, hiện đang dừng để cơ quan công an điều tra, làm rõ nguyên nhân sập mỏ.
Trong công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu những mỏ đá trên phải khẩn trương lập phương án đưa mỏ về trạng thái an toàn như gỡ đá treo, tạo độ dốc mái theo thiết kế mỏ được phê duyệt. Sau khi khắc phục xong phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 10 giờ ngày 22-1, khi công nhân đang làm việc tại mỏ khai thác đá của Doanh nghiệp Tuấn Hùng thì bất ngờ những tảng đá lớn từ trên cao sập xuống chân núi, vùi lấp 8 công nhân. Dù đã được lực lượng chức năng nỗ lực đưa các nạn nhân ra ngoài nhưng tất cả đã tử vong.
Sau khi vụ việc xảy ra, mỏ đá này đã bị dừng hoạt động, đồng thời Công an tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây hậu quả ngiêm trọng”.
Bắt được cá lăng nặng hơn 40kg trên sông Sêrêpốk
Để đưa được con cá lăng đuôi đỏ nặng 43kg dính câu lên bờ, ông Chắc đã nhờ một người bạn cùng vật lộn với con cá suốt hơn 2 giờ.
Sáng 29-1, con cá lăng kể trên đã được bán cho một nhà hàng ở xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, chiều 27-1, ông Nguyễn Văn Chắc (ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã ra khu vực sông Sêrêpốk đoạn chảy qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cắm hàng loạt câu văng.
Đến sáng sớm 28-1, ông Chắc ra kiểm tra và phát hiện con cá đã dính câu. Sau một hồi giằng co bất thành, ông Chắc đã nhờ thêm người và phải mất thêm 2 tiếng nữa, con cá mới thấm mệt và được đưa lên thuyền. “Tôi làm nghề này đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi bắt được cá lăng đuôi đỏ dài đến 1,7 mét và cân nặng hơn 43 kg thế này” – ông Chắc phấn khởi nói.
Theo chủ nhà hàng thu mua con cá lăng này thì đây là lần thứ 2 nhà hàng mua được cá lăng đuôi đỏ nặng hơn 40kg.
Cách đây một tháng, nhà hàng này cũng thu mua được con cá leo nặng 48kg được câu trên sông Sêrêpốk và bán cho một nhà hàng ở Hà Nội.
Hà Nội và miền Bắc sắp rét trở lại, nguy cơ có băng giá
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết một bộ phận không khí lạnh đang tràn về sẽ làm miền Bắc trở lại rét đậm rét, rét hại, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá từ 2-2.
Ngày 29-1, nhiều nơi ở miền Bắc đã ấm áp hơn, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội có thời điểm đã lên 19 độ C.
Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết một bộ phận không khí lạnh đang tràn về sẽ làm miền Bắc trở lại rét đậm rét, rét hại, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá từ 2-2.
Dự báo, khoảng đêm 31-1, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu đông bắc Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 31-1 ở Bắc bộ có mưa và mưa nhỏ; các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ từ đêm 1-2 có mưa, mưa rào.
Từ ngày 1-2, ở vịnh Bắc bộ và vùng biển ngoài khơi Trung bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Sóng biển cao 2 - 4m.
Ở các tỉnh miền Bắc đến Thừa Thiên-Huế từ ngày 2 đến ngày 7-2 xuất hiện rét đậm (nhiệt độ trung bình ngày dưới hoặc bằng 15 độ C), rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới hoặc bằng 13 độ C) trên diện rộng.
Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ khoảng 10 - 12 độ C, vùng núi khoảng 4 - 7 độ C.
Trong các ngày 2 và 3-2, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống 2 - 3 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trong đợt rét hại, rét đậm kèm theo băng tuyết xuất hiện nhiều nơi từ ngày 23 đến 28-1 nhiều nơi đã xuất hiện kỷ lục mới về nhiệt độ thấp nhất, vượt qua các số liệu nhiệt độ thấp nhất lịch sử từng ghi nhận được.
Cụ thể tại Pha Đin (Điện Biên) ngày 25-1 ghi nhận được nhiệt độ -4,3 độ C, vượt xa kỷ lục -1,2 độ C được ghi nhận vào ngày 16-12-1975. Tại Sa Pa (Lào Cai) mức -4,2 độ C vào ngày 24-1 đã vượt qua kỷ lục -3,5 độ C được ghi nhận vào ngày 2-3-1986.
Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ -5 độ C vào ngày 24-1 cũng vượt qua mức nhiệt độ -3,2 độ C được ghi nhận vào năm 2011.
Tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mức nhiệt -1 độ C ngày 24-1 cũng vượt qua giá trị lịch sử 0,2 độ C được ghi nhận vào ngày 25-2-1964.
Làm rõ xe “bồ câu” tham gia siết nợ tại trang trại Hồng Ân
Hết nổ súng, quăng bom xăng, dùng hung khí, đến nay lại xuất hiện một xe “bồ câu” giống như xe CSGT tham gia vào vụ siết nợ trang trại thanh long Hồng Ân sáng 29-1 tại Bình Thuận.
Chiếc xe khách loại lớn chở theo hàng chục người lạ mặt vào chiếm trang trại thanh long đã rời khỏi trang trại này vào sáng 29-1 - Ảnh: NG.NAM
Nhiều nhân chứng cho biết vào lúc 3g sáng 29-1, một chiếc xe khách chở theo khoảng 50 người chạy đến khu vực trang trại thanh long của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận).
Nhóm người lạ mặt trên xe đã dùng vũ lực tấn công các chốt bảo vệ xung quanh trang trại, dồn tất cả các nhân viên của công ty vào khu nhà nằm giữa trang trại. Trụ sở công ty nằm đối diện trang trại vài trăm mét cũng bị nhóm người lạ mặt trên tràn vào chiếm giữ.
Ly kỳ hơn, một nhân chứng đã chụp được hình một chiếc xe “bồ câu” có còi hụ giống như của lực lượng CSGT chạy vào khu vực trang trại sau khi những người lạ mặt trên chiếm hoàn toàn cơ sở vật chất của công ty Hồng Ân.
“Người chạy xe bồ câu có gắn còi hụ là ông Nguyễn Quả”, nhân chứng trên cho biết.
Ông Đặng Văn Thể (61 tuổi, bảo vệ công ty) cho biết có 6 người lạ mặt tấn công ông khi ông đang đứng tại vị trí chốt canh vào lúc 3g. Sau đó ông bị áp tải đưa vào khu nhà ở.
Tại đây những người khác của công ty cũng bị bắt tập trung về. Đến lúc trời sáng ông Thể mới được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bắc Bình Thuận (thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình), với chẩn đoán bị đánh đa chấn thương phần mềm.
“Tôi bị đau hết người. Họ rút ví của tôi lấy tờ 2 USD, 1 tờ 50 USD và lột mất chiếc nhẫn vàng 1 chỉ tôi đang đeo. Mong công an vào cuộc giải quyết giúp quyền lợi của tôi”, ông Thể nói.
Chiều 29-1, PV Tuổi Trẻ đã liên hệ với đại tá Lê Trung Thu, trưởng Công an huyện Bắc Bình, để hỏi thông tin về chiếc xe bồ câu này. Đại tá Lê Trung Thu cho biết ông đang nghỉ bệnh và giới thiệu PV đến Công an huyện Bắc Bình để được cung cấp thông tin.
Khi được cung cấp hình ảnh, các cán bộ thuộc văn phòng Công an huyện Bắc Bình xác nhận người đàn ông mặc áo màu trắng, chắp tay sau lưng, trên tay có đeo vòng tay chính là ông Nguyễn Quả.
Về chiếc xe bồ câu, công an huyện khẳng định quy trình kiểm soát xe tuần tra của công an được thực hiện kỹ lưỡng và theo lịch tuần tra trong sáng 29-1, không có chiếc xe bồ câu nào đi vào trang trại thanh long Hồng Ân.
Hiện lực lượng công an đang làm rõ lai lịch của chiếc xe bồ câu gắn còi hụ này.
Chiếc xe bồ câu có gắn còi hụ xuất hiện tại trang trại thanh long Hồng Ân sáng 29-1 và công an xác nhận người mặc áo trắng chắp tay sau lưng là ông Nguyễn Quả - Ảnh: NG.NAM
Ông Đặng Văn Thể, người bị đánh mang thương tích phải nhập viện điều trị, bị lấy đi mất 52 USD và nhẫn vàng 1 chỉ - Ảnh: NG.NAM
Như Tuổi Trẻ đã thông tin về vụ việc tranh chấp phức tạp tại Công ty Hồng Ân, vào đầu tháng 10-2015, một số người tự xưng là chủ nợ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hồng Ân đã đến công ty này đòi nợ, tiếp đó chiếm quyền quản lý 19ha đất trồng thanh long của công ty.
Ngày 23-11, chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đã có văn bản giao trưởng Công an huyện Bắc Bình chỉ đạo thụ lý, làm rõ dấu hiệu tội công nhiên chiếm đoạt 19.000 trụ cây thanh long đối với bà Vũ Thị Băng Tâm và ông Nguyễn Quả để xử lý theo luật định. Kết quả giải quyết, trưởng công an huyện báo cáo chủ tịch UBND huyện trước ngày 15-12.
Đêm 22-12, đội bảo vệ của công ty Hồng Ân đã tiến hành chiếm lại 19.000 trụ thanh long bị “đánh chiếm” trên. Trong lúc hỗn loạn đã có tiếng súng nổ. Đến rạng sáng 23-12, có hai quả bom xăng (chai thủy tinh bên trong chứa xăng và đinh) ném vào bên trong trại thanh long gây cháy.
Đến chiều 5-1 các bảo vệ của công ty Hồng Ân tố giác ông Nguyễn Quả đi chiếc xe bán tải màu đỏ cầm súng ngắn đến nhắm vào người bảo vệ Hồ Văn Lâm rồi bóp cò bắn trượt lên trên. Hiện nay lực lượng công an đã đưa vỏ đạn thu giữ được đi giám định để xác định là đạn của súng dành cho công cụ hỗ trợ hay súng quân dụng.
Về phía ông Nguyễn Quả, ông đã bác bỏ lời chứng của ông Hồ Văn Lâm và các bảo vệ về sự việc nổ súng chiều 5-1. Ông Quả cho biết chiều 5-1 ông không có đến trang trại thanh long, nếu nói ông bắn súng thì phải quay phim lại, có bằng chứng.
Khi sự việc chưa được lực lượng công an làm rõ thì xảy ra vụ việc.
15g chiều nay 29-1, Công an tỉnh Bình Thuận đã đến huyện Bắc Bình làm việc với Công an huyện Bắc Bình và lãnh đạo công ty Hồng Ân về vụ chiếm công ty diễn ra vào sáng cùng ngày.
“Đây là vụ tranh chấp dân sự, thay vì phải ra tòa án giải quyết thì họ công khai đi chiếm đoạt tài sản của công ty chúng tôi. Mong cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - giám đốc công ty Hồng Ân cầu cứu.