Kiểm tra container rượu do cán bộ ngoại giao đứng tên
Không ai đạt giải "hiến kế đổi mới cơ chế chính sách" 1 tỉ đồng
7 luật sư bào chữa trong phiên phúc thẩm vụ án ‘con ruồi’
4.000 công nhân Tainan đình công: Công ty tăng lương, công nhân đi làm trở lại
Một cán bộ của Ban tiếp công dân Trung ương bị chém trọng thương tại trụ sở
Tin trong nước đọc nhanh trưa 29-01-2016
- Cập nhật : 29/01/2016
Việt Nam phản đối ông Mã Anh Cửu ra đảo Ba Bình
Việt Nam kiên quyết phản đối nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có chuyến đi đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm nay 28-1.
Ngày 28-1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc cùng ngày, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có chuyến đi đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc lãnh đạo Đài Loan, bất chấp quan ngại của Việt Nam và của cộng đồng quốc tế, vẫn tiến hành chuyến đi đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại những phát biểu gần đây của phía Đài Loan mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự, làm leo thang căng thẳng, phức tạp tình hình ở Biển Đông" - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Hôm qua, ngày 27-1, chính quyền Đài Loan thông báo ông Mã Anh Cửu sẽ bay ra đảo Ba Bình vào ngày 28-1 để chúc Tết Nguyên đán những người đang cư trú trái phép trên đảo này, chủ yếu là lực lượng tuần duyên và học giả về môi trường. Theo Reuters, Bà Sonia Urbom, người phát ngôn của Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), tuyên bố: “Chúng tôi thất vọng về việc ông Mã Anh Cửu lên kế hoạch ra đảo Ba Bình. Những hành động như vậy cực kỳ vô ích và sẽ không đóng góp gì cho giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.
Trước đó, ngày 13-12-2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối người đứng đầu cơ quan Nội chính Trần Uy Nhân và các quan chức khác của chính quyền Đài Loan ra đảo Ba Bình và dự cái gọi là "lễ khánh thành" một số công trình xây dựng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là hòn đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp và thường xuyên phái lực lượng tuần duyên tới đây. Hồi tháng 8-2015, Đài Loan tuyên bố xây xong ngọn hải đăng phi pháp trên đảo Ba Bình của Việt Nam và đưa vào sử dụng cuối năm 2015.
TP.HCM sa thải 642 tài xế taxi
Các lái xe bị sa thải vì sử dụng ma túy, không minh bạch trong tính cước, hành khách khiếu nại về đồng hồ cước, sử dụng bộ kích đồng hồ để tính thêm tiền khách đi xe…
Theo ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, trong năm 2015 các doanh nghiệp trong hiệp hội đã xử lý kỷ luật 3.535 lái xe vi phạm các qui định của doanh nghiệp, trong đó sa thải và chấm dứt hợp đồng với 642 lái xe.
Cũng trong năm 2015, các doanh nghiệp taxi đã khen thưởng 8.027 lái xe, vì trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên trên xe.
Có 17 lái xe được UBND TP tặng bằng khen vì đã trả lại tài sản cho hành khách có giá trị hơn 1 tỉ đồng, tham gia phát hiện kẻ gian hoặc bắt cướp và có lái xe giúp đỡ hành khách đẻ rơi trên taxi.
Các doanh nghiệp taxi Vinasun, Vinataxi, Hoàng Long đang triển khai ứng dụng phần mềm trong quản lý kiểm tra lái xe và tạo tiện ích cho hành khách gọi taxi.
Trong khi đó hãng Mai Linh Taxi cho biết trong qúy 1-2016 sẽ triển khai ứng dụng phần mềm để nâng chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM đến nay TP 10.699 xe taxi, trong khi đó có khoảng 4.700 xe taxi hoạt động ngoài luồng dưới dạng Uber taxi.
Ông Nguyễn Ngọc Giao - phó phòng quản lý vận tải - Sở Giao thông vận tải cho biết trong năm 2015 taxi TP đã phục vụ khoảng 240 triệu lượt hành khách, chiếm khoảng 40% số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng tại TP.HCM.
Không được vào đường cao tốc nếu 3 lần vi phạm
Theo đó, sau khi camera nhận diện những xe vi phạm quá ba lần này, đơn vị quản lý đường cao tốc sẽ buộc xe quay trở ra đường cao tốc.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các xe vi phạm quá ba lần và có biên bản xử lý việc dừng, đỗ và đón trả khách trên các tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ không được lưu thông trên đường cao tốc.
Theo đó, sau khi camera nhận diện những xe vi phạm quá ba lần này, đơn vị quản lý đường cao tốc sẽ buộc xe quay trở ra đường cao tốc.
Chỉ khi chủ các phương tiện có cam kết không tái diễn việc dừng, đỗ và đón trả khách thì đơn vị quản lý đường cao tốc mới cho phép lưu thông.
Gia tăng cảng, bến không phép
Số lượng các bến, cảng đường thủy nội địa không phép ngày càng tăng và có thời điểm tăng lên đến 116 bến cảng.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, do nhu cầu phát triển kinh tế, hầu hết doanh nghiệp vận tải đã đóng mới phương tiện thủy (tàu, sà lan…) có kích thước và trọng tải ngày càng lớn hơn trước hoặc hoán cải phương tiện thủy để tăng kích thước và trọng tải để chở thêm nhiều hàng hóa.
Trong khi đó, phần lớn trong số 336 cảng, bến thủy nội địa do TP quản lý đều có chiều rộng vùng nước hạn chế (nhỏ hơn hoặc bằng 10m). Vì vậy, các phương tiện thủy lớn vào các cảng, bến đều quá phạm vi vùng nước cho phép từ 1 - 2m là vi phạm nên bị các đơn vị chức năng xử phạt.
Do bị phạt nhiều nên các chủ phương tiện thủy đã đưa tàu, sà lan lớn vào các cảng, bến không phép nhằm né tránh sự kiểm tra của các đơn vị chức năng. Vì vậy số lượng các bến, cảng đường thủy nội địa không phép ngày càng tăng và có thời điểm tăng lên đến 116 bến cảng.
Các bến, cảng trái phép tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường - Cảng vụ đường thủy nội địa TP cho biết.
ĐSQ Việt Nam tại Indonesia nỗ lực đưa ngư dân về nước
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh để hoàn tất thủ tục đưa ngư dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Theo thông tin từ Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn, từ ngày 24 - 25-1, đoàn công tác đại sứ quán đã thăm hỏi và tặng quà các ngư dân Việt Nam đang bị giữ tại Pontianak, tỉnh Tây Kalimantan nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến, đồng thời thúc đẩy việc giải quyết đưa ngư dân về nước sớm.
Trong thời gian công tác tịa tỉnh Tây Kalimantan, đoàn đã thăm nơi ăn ở, tặng quà và động viên các ngư dân đang bị giữ tại các trại giam Kelas 2a và Rutan Pontianak.
Nhân dịp này, đoàn làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh để hoàn tất nhanh các thủ tục đưa ngư dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Trước sự chứng kiến của cơ quan xuất nhập cảnh Pontianak, đoàn công tác đã cấp và trao giấy thông hành tại chỗ cho 17 ngư dân.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng Indonesia sẽ tiếp tục hoàn thành hồ sơ và các thủ tục xuất nhập cảnh để sớm đưa ngư dân lên Jakarta bàn giao cho đại sứ quán trả về nước trong dịp trước Tết Nguyên đán 2016.
Nói chuyện với các ngư dân, ông Đoàn Văn Nam, Bí thư thứ 2 phụ trách công tác lãnh sự, đã nhắc các ngư dân trong thời gian chịu án phạt cần chấp hành nghiêm chỉnh các nội qui, qui định của trại giam, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống lúc khó khăn.
Đặc biệt, khi được trao trả về nước, nếu tiếp tục hành nghề đi biển, cần tuyệt đối tuân thủ các qui định, luật pháp của Việt Nam trong công tác khai thác thủy sản trên biển, nhất là chú ý khi đánh bắt trong phạm vi ranh giới trên biển giữa các quốc gia để tránh tái phạm.
Đoàn công tác đề nghị phía bạn đối xử nhân đạo đối với ngư dân ta trên tinh thần truyền thống hữu nghị và mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Indonesia; thực hiện chính sách khoan hồng, giảm án phạt cho ngư dân nhân dịp Tết Nguyên đán Việt Nam sắp đến.
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết đại sứ quán đang và sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất trong công tác bảo hộ công dân; tăng cường trao đổi với các cơ quan chức năng của Indonesia để đề nghị phía bạn xem xét giảm án cho ngư dân ta nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, đặc biệt đối với những trường hợp bị giam giữ đã lâu, già yếu hoặc có hoàn cảnh khó khăn.