Cảnh giác với mứt Trung Quốc đội lốt đặc sản Đà Lạt
Mì chính giả bắt không xuể
TP.HCM: Thu giữ hơn 2.000 chai rượu ngoại không rõ nguồn gốc
Công nhân quây công ty đòi lương để về quê ăn Tết
Hàng loạt hội chọi trâu bị đình chỉ
Tin trong nước đọc nhanh 30-01-2016
- Cập nhật : 30/01/2016
Thủ tướng dự kiến 2016 sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ?
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng về vấn đề chống lãng phí...
Xin Thủ tướng cho biết năm 2016, Thủ tướng dự kiến chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ trong vấn đề chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn.
Bà An còn muốn biết, Chính phủ có giải pháp cụ thể và hữu hiệu nào để cho chúng ta thực hiện việc chống lãng phí?
Bởi bà cho rằng “đây là loại kẻ thù rất khó tiêu diệt, nếu không tiêu diệt sẽ làm cho nước ta đã nghèo lại nghèo thêm, đã nợ lại nợ thêm và khó khăn lại khó khăn thêm”.
Trong văn bản trả lời mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được khẳng định là quốc sách. Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc vi phạm pháp luật gây lãng phí lớn có gắn với yếu tố tham nhũng đã được phát hiện và xử lý, Thủ tướng hồi âm.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ đã dự thảo chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, trong đó xác định mục tiêu của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội”.
Dự thảo chương trình quy định rõ những chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong từng lĩnh vực như: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính của nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Dự thảo chương trình tiếp tục kế thừa các nhóm giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong những năm trước và còn phù hợp như: đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thực hiện công khai, giám sát thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, dự thảo chương trình bổ sung thêm những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này như: phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức, viên chức; gắn kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí với công tác thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng cho biết thêm: Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế chính sách có liên quan, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ đã lạc hậu, sơ hở... để bảo đảm chính sách, chế độ ngày càng chặt chẽ công khai, minh bạch phù hợp với thực tế..., hạn chế tối đa việc lợi dụng gây thất thoát lãng phí.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng thì do phạm vi, tính chất, hình thức của lãng phí rất đa dạng và ngày càng tinh vi, nên chống lãng phí là việc khó khăn, phức tạp đúng như nhận định của đại biểu.
Vì thế đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Chính phủ mong muốn cử tri trong cả nước cùng các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, phát hiện, phản ánh để các hành vi vi phạm, lãng phí được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, Thủ tướng trả lời đại biểu An.
Khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh trong tháng 1
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2016 ước tính đạt 805,1 nghìn lượt người, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 659,4 nghìn lượt người, tăng 14,2% và tăng 17,4%; đến bằng đường bộ đạt 133,3 nghìn lượt người, giảm 21,5% và tăng 1%; đến bằng đường biển đạt 12,4 nghìn lượt người, giảm 9,5% và giảm 46,8%.
Số liệu thống kê chi tiết cho thấy, khách đến nước ta từ châu Á đạt 525,7 nghìn lượt người, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ các thị trường chính tăng khá như: Hàn Quốc đạt 149,3 nghìn lượt người, tăng 28,2%; Trung Quốc 147,5 nghìn lượt người, tăng 23,4%; Nhật Bản 63,8 nghìn lượt người, tăng 10,8%; Đài Loan 33,7 nghìn lượt người, tăng 15,8%...
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 154 nghìn lượt người, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các quốc gia có lượng khách đến nước ta tăng: Nga đạt 42,9 nghìn lượt người, tăng 23,7%; Anh 21,9 nghìn lượt người, tăng 20,6%; Pháp 20,6 nghìn lượt người, tăng 9,9%; Đức 16,5 nghìn lượt người, tăng 16%; Thụy Điển 6,7 nghìn lượt người, tăng 20,4%...
Khách đến từ châu Mỹ đạt 76,3 nghìn lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Hoa Kỳ đạt 57,4 nghìn lượt người, tăng 20,1%.
Khách đến từ châu Úc đạt 46,2 nghìn lượt người, tăng 3,8%, trong đó khách đến từ Australia đạt 42,5 nghìn lượt người, tăng 7,3 %. Khách đến từ châu Phi đạt 2,9 nghìn lượt người, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Tiểu thương Việt ở Nga khốn đốn vì khủng hoảng đồng rúp
Tại hai khu chợ lớn nhất Moscow là Trung tâm thương mại Moscow (chợ Liu) và Trung tâm thương mại Sadovod (chợ Chim), vào ngày 27/1, người đi chợ lác đác. Đây là nơi có lượng người Việt buôn bán đông nhất ở Nga. Tuyết rơi trắng xóa trong cái lạnh âm 15 đến âm 20 độ C.
"Buồn lắm anh ơi, khách vắng hoe", Minh, một người quê gốc Nam Định có quầy hàng tại chợ Liu, cho hay.
Theo một cô gái người Hà Tĩnh, việc làm ăn trong chợ những ngày này rất khó khăn, người Nga đi chợ mua sắm ít hơn trước. Cô cho biết thêm sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế tài chính ở Việt Nam, cô sang Nga để giúp đỡ người nhà buôn bán.
Đồng tiền của Nga hôm 21/1 xuống giá ở mức chưa từng có, với hơn 84 rúp mới đổi được 1 USD. Đến giữa tuần này, tỷ giá vẫn ở mức khoảng 80 rúp/1 USD. Rúp đã liên tục biến động suốt 18 tháng qua do giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Cảnh vắng khách tại tòa nhà hai tầng với khoảng 1.000 quầy hàng khác hẳn so với không khí nhộn nhịp của những năm trước. Người dân Moscow đang phải thắt lưng buộc bụng, khi đồng tiền mất giá và lương không tăng, hàng thực phẩm thì tăng giá. Chính quyền một số nơi có lúc còn cắt giảm quỹ phúc lợi xã hội, trong đó có trợ cấp đi lại của người về hưu.
Tại chợ Chim, nhiều người đi chợ chỉ đi qua lại xem hàng, hỏi giá nhưng không mặc thử đồ. Khu vực phía trong, nhiều quầy hàng đóng im lìm, một số người thu dọn, đóng hàng vào các thùng mang đi gửi. Cảnh tượng gần giống như thời điểm chợ Vòm bị đóng cửa hồi 2009. Các tiểu thương cho biết một số chủ quầy đã trả lại địa điểm để về Việt Nam.
Trong khi hàng hóa ế ẩm, người Việt kinh doanh ở các khu chợ này còn đối mặt với nguy cơ tăng giá thuê quầy.
"Mấy ngày nay không có người mua mở hàng, thế mà chủ quầy còn dọa niêm phong nếu chậm nộp tiền, thậm chí họ còn muốn tăng trong tháng tới", chị Ngân, một chủ quầy bán quần áo ấm tại chợ Chim, nói.
"Tôi được thông báo tiền thuê tháng sau sẽ tăng gần 50%", anh Triều, người đang kinh doanh tại chợ Chim, cho hay. Hiện tiền thuê tại khu vực này dao động từ 150.000 rúp đến 350.000 rúp mỗi tháng, tương đương 1.900 đến hơn 4.500 USD. Ở chợ Liu, tiền thuê ở mức 500.000 rúp, tương đương 6.500 USD.
Theo một số tiểu thương sinh sống tại Nga lâu năm, do kinh tế suy thoái trong gần hai năm nay, người tiêu dùng Nga đã chi tiêu tiết kiệm hơn. Công nhân viên có lương thấp và người về hưu chỉ mua sắm khi thực sự cần.
"Nhiều hôm tôi pha gói mì tôm ăn lót dạ giữa buổi mà nghĩ cực quá, tự nhiên nước mắt tuôn ra", anh Tạo, một người bán hàng giày dép ở chợ Chim, chia sẻ.
Chợ thì đìu hiu, tình hình ở các xưởng may cũng khá bi đát. Người Việt làm công ở các điểm này cũng phải chịu giảm lương nhằm giúp các chủ xưởng giảm gánh nặng tài chính.
Ở nhà hàng của người Việt, trước đây khi 32 rúp đổi được một USD, một đầu bếp hạng cao được trả 1.000 USD mỗi tháng, tương đương 32.000 rúp, thì hiện nay chủ nhà hàng phải trả tới 80.000 rúp trong khi giá món ăn tính theo đồng nội tệ không tăng.
Nhiều người Việt ở các thành phố khác của Nga hiện cũng đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Một số đã quyết định về Việt Nam, chờ xem tình hình có khá hơn không mới quay lại.
Cán bộ ém tiền trợ cấp được tuyển dụng lại, gây bức xúc
Vì vậy sau khi xã chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Oanh rồi tuyển lại làm cán bộ ở địa phương thì cần xem xét lại”. Ông Phan Sương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), nói với Pháp Luật TP.HCM về việc xã Trà Cổ tuyển dụng trở lại cán bộ ăn chặn tiền trợ cấp của người dân ở xã này.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thúy Oanh, cán bộ thương binh và xã hội của xã Trà Cổ, được xác định là đã chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng tiền trợ cấp hằng tháng của các hộ gia đình có người bị khuyết tật nặng và chế độ mai táng phí cho những người cao tuổi ở địa phương.
Cụ thể, gia đình bà Chính ở xã có người bị bệnh nặng và được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 240.000 đồng nhưng bà Oanh cố tình sửa ngày tháng, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt nhiều tháng tiền trợ cấp và ăn chặn tiền hỗ trợ tết. Ngoài trường hợp của bà Chính, cùng cách thức đó bà Oanh còn ăn chặn của khoảng 15 trường hợp được hưởng chính sách khác.
Bà Oanh còn không xóa tên, không báo cáo một trường hợp được hưởng chế độ người cao tuổi đã chết để “lãnh thay” 3,2 triệu đồng. Theo UBND xã Trà Cổ, hành vi sai phạm của bà Oanh là tiêu cực, ảnh hưởng xấu trong dư luận nên phải xử lý nghiêm khắc... Xã đã tổ chức họp kiểm điểm và quyết định không tiếp tục ký hợp đồng lao động công chức đối với bà Oanh từ tháng 9-2013.
Tuy vậy, hơn một tháng sau, người dân địa phương bất ngờ khi bà Oanh làm cán bộ quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng xã nên tố cáo xã đã bao che, kiểm điểm sơ sài vi phạm của bà Oanh.
Cuối tháng 12-2015, UBND huyện Tân Phú có kết luận nội dung tố cáo và xác định một số biên bản và bản kiểm điểm của bà Oanh tại UBND xã Trà Cổ không nêu cụ thể hành vi sai phạm. Trong biên bản giải quyết “chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Oanh” chỉ ghi lý do “bà Oanh nhận công tác khác”. Ngoài ra, trình tự thủ tục và lập hồ sơ xử lý vi phạm của bà Oanh thiếu chặt chẽ nên UBND huyện yêu cầu UBND xã Trà Cổ rút kinh nghiệm.
Trả lời PV, ông Nguyễn Trí Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cổ, vẫn khẳng định đã xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất đối với bà Oanh là chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, hoàn cảnh bà Oanh khó khăn, lại có nguyện vọng làm việc trong khi UBND xã đang thiếu cán bộ quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng nên mới tuyển lại bà Oanh. “Đúng là hồi đó UBND xã có sơ suất là khi bà Oanh mới nghỉ hơn một tháng thì tuyển dụng lại. Điều này đã khiến các cử tri bức xúc” - ông Bình nhìn nhận.
Ông Phan Sương nhấn mạnh: “Theo tôi, một cán bộ đã vi phạm nghiêm trọng như vậy khiến dư luận bức xúc mà UBND xã tuyển dụng lại thì không ổn. Tôi sẽ cho kiểm tra lại rồi yêu cầu UBND xã Trà Cổ cũng như Phòng Nội vụ huyện báo cáo cụ thể”.
Tiêu hủy 17.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm
Các sản phẩm bị tiêu hủy gồm rượu, pháo nổ, phụ tùng xe máy, đồng hồ, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng, máy sấy tóc... Tang vật bị tiêu hủy với số lượng nhiều nhất là đồ chơi trẻ em với 3.094 sản phẩm, phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda là 2.609 sản phẩm và 2.334 sản phẩm là rượu các loại. Hội đồng tiêu hủy đã cho tiến hành dùng búa đập vỡ, làm biến dạng và dùng xe cán qua cho vỡ đối với các mặt hàng nhựa. Đối với các mặt hàng khác thì đào hố chôn và đổ xăng đốt cháy. Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy quy thành tiền khoảng 670 triệu đồng.