Sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 (ASEM 11) – Hội nghị kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ và có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất "Hai thập kỷ quan hệ đối tác: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai."
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 14-07-2016
- Cập nhật : 14/07/2016
Lãnh đạo Đà Nẵng giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore
Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, các tham tán phụ trách đầu tư, thương mại, Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore (VIETCHAM), đại diện lãnh đạo và hội viên của nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp tại Singapore: Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF), Tổ chức Doanh nhân quốc tế Singapore (IE Singapore), Hội Doanh nhân trẻ Singapore (YEAS)… các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng hiện Singapore là nhà đầu tư lớn nhất về số dự án đầu tư với 22 dự án và đứng đầu về tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng782 triệu USD. Các dự án đầu tư của Singapore tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, xây dựng, giáo dục...
.
Theo ông Dương, phần lớn các dự án của Singapore tại Đà Nẵng đều hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, Đà Nẵng xác định Singapore là một trong những đối tác chiến lược, là thị trường trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ cần tập trung thu hút đầu tư vào thành phố trong các lĩnh vực:phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin – truyền thông, y tế, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up).
Chia sẻ tại Hội thảo về kinh nghiệm đầu tư tại Đà Nẵng, ông Ricky Tan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục quốc tế Kinderworld (Singapore), đánh giá, Đà Nẵng hiện còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Lần đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng năm 2003 và triển khai dự án Trường giáo dục quốc tế Singapore tại Đà Nẵng, đến nay, với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền Thành phố, môi trường kinh doanh thuận lợi, điều kiện sống và làm việc tốt, người dân thân thiện, Tập đoàn đã quyết định tiếp tục mở rộng dự án và tăng quy mô đầu tư tại Đà Nẵng.
Về phần mình, ông Michael Dinh, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Singlarity (Singapore) cho hay, nhiều khách hàng và đối tác của Singlarity là các doanh nghiệp Singapore muốn được tìm hiểu về các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng sạch và đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Cũng tại Hội thảo, nhiều câu hỏi liên quan đến các chính sách về chi phí đầu tư, ưu đãi đầu tư, thuế, cơ sở dịch vụ hạ tầng hiện có cũng như lực lượng lao động có thể cung ứng đã được các đại biểu, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
Bà Vũ Thị Bích Thu, Trưởng đại diện của Ngân hàng Vietcombank tại Singapore cho biết, Vietcombank cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về tài chính cho nhà đầu tư Singapore khi triển khai dự án đầu tư tại Đà Nẵng.
Đại diện thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và môi trường đầu tư thông thoáng, Thành phố Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực với vai trò trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin và tài chính – ngân hàng, y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung.
Hiện nay, Thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, như xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho Khu công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư… Đặc biệt, với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn như miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, thuế thu nhập doanh nghiệp…Đà Nẵng hy vọng sẽ thu hút được nhiều dự án vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, chính quyền Thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Singapore thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng và sẽ xây dựng Đà Nẵng là một điểm đến hấp dẫn đối với tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng: Formosa là bài học về thu hút đầu tư, tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành Công Thương 6 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn khẳng định công tác tái cơ cấu tại Bộ này còn chậm, công tác cổ phần hóa chậm dù Bộ có nhiều doanh nghiệp lớn, tỷ trọng cổ phần hóa còn thấp đồng thời công tác cán bộ còn nhiều bất cập, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công Thương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tái cơ cấu ngay bộ máy cán bộ, khắc phục một số tồn tại, hạn chế như công tác quản lý bán hàng đa cấp, hàng giả, tình trạng phân bón giả chưa chặt chẽ gây lộn xộn, tình trạng gian lận thương mại, tăng trưởng công nghiệp đạt thấp hơn cùng kỳ…
Thủ tướng nhấn mạnh ngành công thương cần tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chấm dứt cơ chế xin cho, bao cấp, cần có tư duy đổi mới để phát triển thị trường.
“Chúng ta không phát triển bằng bất cứ giá nào”, Thủ tướng khẳng định và nhắc nhờ cần rút bài học kinh nghiệm từ Formosa trong thu hút đầu tư nước ngoài, có cơ chế thu hút các tập đoàn đa quốc gia. “Bài học Formosa để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ rút kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhắc nhở của Thủ tướng đối với Bộ Công Thương trong công tác cán bộ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ rà soát để bổ sung điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ.
Đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai.
Đề nghị gia hạn giải ngân vốn ODA dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gửi Công hàm đề nghị Chính phủ Nhật Bản gia hạn thời hạn giải ngân của Hiệp định vay VNXVI-3 cho dự án "Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án II" đến ngày 31/12/2016; đồng thời, bảo đảm việc gia hạn thời hạn giải ngân không làm phát sinh tăng chi phí dự án và sử dụng vốn vay hiệu quả.
Dự án nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - giai đoạn II, cùng với các hạng mục đã hoàn thành trong giai đoạn I, hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch. Khu vực dự án bao gồm phần bờ trái sông Tô Lịch (đoạn chảy qua thành phố) với diện tích 77,5km gồm các tiểu lưu vực: Hồ Tây (9,3km), Tô Lịch (20km), Lừ (10,2km), Sét (7,1km), Kim Ngưu (17,3km), Hoàng Liệt (8,1km), Yên Sở (5,5km) và Nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất.
Mục tiêu của dự án là giảm tác hại do ngập lụt lưu vực sông Tô Lịch, với lượng mưa 310mm/ hai ngày. Ngoài ra, còn góp phần hoàn chỉnh các công trình kết cấu để quản lý và bảo trì hệ thống thoát nước; cải thiện vệ sinh môi trường thành phố và tạo cảnh quan đô thị.
Được khởi công từ tháng 10/2008, dự án gồm các hạng mục chính là: Nâng cấp trạm bơm đầu mối Yên Sở từ 45m3/giây lên 90m3/giây; cải tạo 13 hồ điều hòa trong nội thành và 12 trạm bơm cục bộ trên hồ; cải tạo 30 tuyến kênh, mương thoát nước trong nội thành dài khoảng 25km; cải tạo và xây dựng 52 tuyến cống nội thành với độ dài khoảng 26km; xây dựng Trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày đêm; cải tạo đường công vụ dọc các sông Tô Lịch, Lừ, Sét (dài khoảng 30,5km) và mua sắm các thiết bị.
Hậu Giang phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, Hậu Giang có diện tích trồng lúa khá lớn, với 80.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Lúa là cây trồng chủ lực của địa phương nên được quan tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Hậu Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn ở châu thổ sông Mê kông.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước… Hậu Giang đã hình thành một vùng tập trung cây ăn quả nhiệt đới gần 21.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm, với các giống cây ăn trái đã được cải thiện, có nguồn gen quý hiếm như: cam, quít, bưởi năm roi Phú Hữu, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài, dâu…
Hậu Giang còn là địa phương có diện tích đất trồng mía và khóm (thơm) lớn trong cả nước. Tỉnh có 16.000 ha mía, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Khóm là loại cây có thế mạnh được trồng tập trung ở TP. Vị Thanh, huyện Long Mỹ, diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng 15.000 tấn/năm. Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh khóm với giống mới năng suất cao, đạt tiêu chuẩn chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu và đã xây dựng thương hiệu “khóm Cầu Đúc” để quảng bá đặc sản này của địa phương.
Thủy sản là lĩnh vực có thế mạnh thứ hai sau cây lúa và có nhiều tiềm năng phát triển ở Hậu Giang. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh gần 54.000 ha và khoảng 15.000 ha mặt nước sông, rạch với sản lượng thủy sản khai thác 33.000 - 35.000 ha. Ở Hậu Giang, đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1000, hình thành vùng nuôi tập trung như: cá tra ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, cá đồng ở Vị Thủy, Long Mỹ. Một số loài thủy sản ở Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như: cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang…
Để khai thác tiềm năng nông nghiệp địa phương, tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục đích nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; nâng cao thu nhập và và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo.
Hậu Giang kêu gọi các dự án đầu tư trong nông nghiệp để giải quyết các nguồn nguyên liệu dồi dào của tỉnh như: chế biến lúa gạo, thủy sản, mía đường, khóm, trái cây nhiệt đới các loại; đầu tư hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa, chương trình hợp tác phát triển trong và ngoài nước về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệpvới hợp tác xã, hộ nông dân.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch các vùng chuyên canh mía, lúa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả đặc sản, rau xanh… gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành mô hình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm” độc đáo, khác biệt, phù hợp với các dự án đầu tư trên địa bàn.