4.000 công nhân Tainan đình công: Công ty tăng lương, công nhân đi làm trở lại
Công nhân Công ty Tainan đình công xếp hàng dài bên ngoài công ty. Ảnh chụp vào chiều ngày 22.1 - Ảnh: Lê Lâm
Công ty Tainan Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) đồng ý tăng lương cơ bản 5%, cùng với tăng lương tối thiểu theo vùng. Toàn bộ khoảng 4.000 công nhân đồng ý đi làm trở lại, sau hơn nửa tháng đình công.
Sáng ngày 29.1, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi Công ty Tainan Việt Nam (đóng tại đường 4A, KCN Biên Hòa 2) đồng ý tăng lương cơ bản 5% cùng với tăng lương tối thiểu vùng, toàn bộ công nhân đã đồng ý làm việc trở lại từ ngày 25.1.
Số ngày công nhân nghỉ để đình công, tổng cộng 22 ngày (trong đó có 5 ngày chủ nhật) công ty đồng ý trả lương 17 ngày với mức 70%. Về thưởng tết, công ty đồng ý tăng mỗi mức lên một bậc, cụ thể mức A tăng từ 1.4 lên 1.5; mức B tăng từ 1.3 lên 1.4, mức C tăng từ 1.2 lên 1.3.
Đối với những công nhân làm việc trong tháng 1.2016 đủ 100 giờ thì sẽ được nhận tiền lương tháng 13 vào ngày 1.2, còn những công nhân không đủ 100 giờ thì công ty trả chậm hơn.
Trước đó, từ tối ngày 2.1 khoảng 4.000 công nhân tại Công ty Tainan Việt Nam đã bắt đầu ngưng công việc và đình công nhằm phản đối chính sách lương bổng. Lý do các công nhân đưa ra là các công ty khác đều tăng lương cho công nhân lên đến cả triệu đồng thì Tainan chỉ tăng 400.000 đồng, công nhân thì phải làm việc trực tiếp trong môi trường nhà máy độc hại, bụi bặm. Ngoài ra, công ty còn ra quy định những công nhân làm đủ 100 giờ trong tháng 1.2016 mới được nhận lương tháng 13.
Kiểm tra container rượu do cán bộ ngoại giao đứng tên
Đó là thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo Chính phủ chiều nay 29-1.
Trả lời câu hỏi của báo chí “Hải quan Hải Phòng vừa bắt giữ vụ buôn lậu lớn, do một cán bộ mang hộ chiếu ngoại giao đứng tên, đề nghị cho biết thông tin chi tiết?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói:
"Hiện Bộ Ngoại giao đang xem xét vấn đề. Từ trước đến nay, việc các cán bộ kết thúc nhiệm kỳ về nước, mang theo hàng hoá đã qua sử dụng là bình thường, được pháp luật cho phép.
Ý kiến của chúng tôi là các cá nhân thực hiện mọi nghĩa vụ theo quy định hiện hành, hiện hải quan cũng không nói là buôn lậu, đang kiểm tra, chưa thể nói là gian lận thương mại hay buôn lậu".
Trước đó, Tuổi Trẻ đưa tin ngày 27-1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực 1 cho biết đang tạm giữ một container để kiểm kê số hàng được nhập khẩu từ Mỹ về cảng Hải Phòng nhưng không được khai báo với cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất hàng.
Bước đầu các cán bộ của Chi cục Hải quan xác định trong thùng container có hàng trăm chai rượu ngoại, hộp sữa Ensure, thực phẩm chức năng, đồ điện tử đã qua sử dụng….với tổng trọng lượng của container hàng này là trên 10 tấn, giá trị ước tính của lô hàng lên tới hàng tỉ đồng.
Cho đến chiều tối 27-1, công tác kiểm đếm số hàng trong container này vẫn đang được triển khai.
Không ai đạt giải "hiến kế đổi mới cơ chế chính sách" 1 tỉ đồng
Đó là kết quả được Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương công bố ngày 29-1 sau 8 tháng kêu gọi toàn thể người dân tham gia cuộc vận động “Hiến kế đổi mới cơ chế chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước”.
Theo ông Phạm Tấn Công, phó bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, ban tổ chức đã nhận được 1137 hiến kế của các cá nhân và tổ chức trên cả nước. Kết quả, không có ai đoạt giải đặc biệt (trị giá 1 tỉ đồng), không có giải nhất (300 triệu đồng, cũng không có giải nhì (100 triệu đồng) mà chỉ có 3 hiến kế đoạt giải ba, 20 giải khuyến khích.
Trong đó, giải ba thứ nhất của nhóm tác giả từ Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với đề xuất thành lập Tổng cục Giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp với mô hình tổng cục thực hiện thống nhất quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.
Giải ba thứ hai thuộc về ông Trần Công Lý, Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Khoa học công nghệ phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới với đề xuất tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực bán lẻ/hộ kinh doanh.
Theo đó, ông Lý đề xuất thay vì thu thuế khoán như hiện nay (dễ xảy ra ăn chia giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh), hộ kinh doanh đầu tháng sẽ đến cơ quan thuế mua hóa đơn thuế dưới dạng vé xổ số thuế. Vé này sẽ có giá trị tương đương tỷ lệ thuế VAT phải nộp.
Khi mua hàng, khách có quyền yêu cầu chủ hộ xuất hóa đơn cũng là tờ vé số này. Cuối tháng, người dân có quyền dùng vé số này để dự thưởng quay số tương tự xổ số kiến thiết...
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lý cho biết đây là cách giúp người kinh doanh dễ dàng hơn trong việc đóng thuế, người mua cũng có động lực hơn khi lấy hóa đơn, giúp làm giảm tiêu cực…
Theo kết quả công bố, hầu hết tổ chức, cá nhân trúng giải đều là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước.
7 luật sư bào chữa trong phiên phúc thẩm vụ án ‘con ruồi’
Ông Kỷ viết đơn nhờ các luật sư bào chữa cho con trai mình trong phiên phúc thẩm
Ngày 29.1, ông Võ Văn Kỷ, cha ruột của Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ tại Cái Bè, Tiền Giang) cho biết sẽ có 7 luật sư bào chữa cho con trai ông trong phiên tòa phúc thẩm.
Anh Minh bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên 7 năm tù vì hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát.
Theo ông Kỷ, ngoài luật sư (LS) Nguyễn Tấn Thi và LS Phạm Hoài Nam, còn có thêm 5 luật sư bào chữa miễn phí cho con trai ông trong phiên phúc thẩm gồm: LS Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao), Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội), Nguyễn Kiều Hưng, Lê Nguyễn Lê Vi, Nguyễn Hữu Thế Trạch (cùng Đoàn LS TP.HCM). Các LS này đều chung quan điểm sẽ bào chữa cho anh Minh theo hướng vô tội.
Trao đổi với Thanh Niên, LS Hùng cho biết vì LS Thi và LS Nam theo dõi vụ án ngay từ phiên sơ thẩm nên LS Hùng chỉ là người hỗ trợ cùng các LS nhằm làm sáng tỏ vụ án này.
Ngoài ra, trong “kỳ án con ruồi giá 500 triệu đồng”, chiều 28.1, ông Kỷ còn viết tâm thư nhờ LS Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm đoàn LS TP.HCM) bào chữa cho anh Minh.
Các LS đều cho rằng ở phiên sơ thẩm có những vấn đề pháp lý chưa được làm rõ mà phiên phúc thẩm sẽ được các LS nêu ra.
Cụ thể, ở vấn đề bắt quả tang, quy định bắt quả tang là khi tội phạm được thực hiện hoặc ngay khi tội phạm được thực hiện, nhưng trong trường hợp này, phía Công ty Tân Hiệp Phát chủ động hẹn anh Minh đến giao tiền. Tại thời điểm đó, anh Minh ôn hòa, không dùng vũ lực hay hung khí để đe dọa và Tân Hiệp Phát có yêu cầu anh Minh viết biên nhận. Các LS bày tỏ quan điểm: đó là sự thỏa thuận hài hòa giữa hai bên nên thời điểm đó không có hành vi tội phạm.
Về vật chứng, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được số tiền 500 triệu đồng Tân Hiệp Phát chi là chi phí cá nhân hay của công ty. Bởi từ đây mới xác định được ai là bị hại trong vụ án.
Một cán bộ của Ban tiếp công dân Trung ương bị chém trọng thương tại trụ sở
Ngày 29.1, Công an Q.Hà Đông cho biết đang khẩn trương điều tra vụ việc 1 cán bộ của Ban tiếp dân Trung ương bị người khiếu kiện chém trọng thương tại nơi làm việc.
Bà Trần Thị Thu Hiền đang được cấp cứu tại Bệnh viện 103
Trước đó vào khoảng 10 giờ 15 ngày 28.1, tại trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương(quận Hà Đông, TP.Hà Nội), trong khi bà Trần Thị Thu Hiền, cán bộ Phòng Tiếp dân 1 đang làm nhiệm vụ tại Phòng Đăng ký đầu vào, bị bà Phạm Thị Thuận (hộ khẩu thường trú tại xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) dùng dao chém vào mặt.
Do bị chém bất ngờ, bà Hiền đã đẩy bà Thuận ra khỏi phòng và kêu cứu. Lực lượng bảo vệ có mặt kịp thời khống chế bà Thuận, đồng thời đưa bà Trần Thị Thu Hiền đi cấp cứu tại Bệnh viện 103 với vết thương trên mặt dài khoảng 12 cm, mất rất nhiều máu.
Bà Phạm Thị Thuận ngay sau đó cũng được bàn giao cho Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông điều tra, làm rõ. Cơ quan công an đã thu giữ con dao do bà Thuận dùng để gây án. Con dao này được bà Thuận mang đi từ nhà.
Trao đổi với PV sáng nay, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, tại trụ sở tiếp công dân có camera ghi lại toàn bộ diễn biến sự việc, hiện Ban tiếp công dân Trung ương đang phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hồng Điệp, bà Phạm Thị Thuận là người đã khiếu kiện nhiều năm nay. Trước đó, bà này đã dùng dao chém 1 công an và cán bộ UBND xã ở địa phương.
“Sự việc xảy ra khiến toàn bộ cán bộ tiếp dân rất sốc. Tình hình khiếu kiện của người dân thời gian gần đây đang có những diễn biến phức tạp, trước khi vụ việc này xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng khống chế 1 trường hợp định dùng xăng để tự thiêu tại đây. Đề nghị các địa phương cần tập trung giải quyết các trường hợp khiếu kiện, không để kéo dài khiến người dân phải lên tận Trung ương”, ông Điệp nói.
(
Tinkinhte
tổng hợp)