Làn sóng đầu tư ngàn tỷ dội về Yên Bái
Tháo gỡ từng khó khăn cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào
Nhà đầu tư Thái Lan đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt 100 tỷ đồng tại Kon Tum
Rà soát 3.500 giấy phép con: Thà bỏ nhầm còn hơn trói doanh nghiệp
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 23-06-2016
- Cập nhật : 23/06/2016
Nhật sẽ giúp người Việt vay tiền dài hạn để mua nhà
Hãng Nikkei dẫn một số nguồn tin cho biết, chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp tư nhân lập một dự án với những chương trình tài chính nhằm giúp tầng lớp trung lưu Việt Nam mua những loại nhà ở lâu dài và đắt. Tổng vốn của dự án là 192 triệu USD.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cấp một nửa số vốn dưới dạng khoản vay chính thức lãi suất thấp, một dạng hỗ trợ phát triển chính thức. JICA là một cơ quan trực thuộc chính phủ Nhật Bản.
Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản dùng hình thức hỗ trợ phát triển chính thức để giúp người dân ở Đông Nam Á mua nhà, theo Nikkei.
Chính phủ Việt Nam thực hiện một chương trình để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp mua nhà. Song chương trình không hỗ trợ tầng lớp trung lưu.
Những người thuộc tầng lớp trung lưu ở thành phố Hồ Chí Minh có thể vay tiền để mua nhà trong khuôn khổ dự án của Nhật Bản từ năm 2017. Ảnh:real.vn.
Dự án của chính phủ Nhật Bản sẽ tạo ra chương trình cho vay dài hạn để mua nhà và bảo đảm tín dụng dành cho tầng lớp trung lưu nếu họ mua những căn hộ đạt chuẩn chất lượng Nhật Bản. Hai chương trình có thể bắt đầu từ năm 2017.
Nhiều tập đoàn Nhật Bản đang kinh doanh tại Đông Nam Á – như Maeda, Kyoei Steel, Tokio Marine Holdings – sẽ tham gia dự án. Họ hy vọng các chương trình tài chính sẽ kích cầu bền vững đối với nhà ở. Maeda sẽ đảm nhận những hợp đồng xây nhà, Kyoei Steel sẽ mở rộng hoạt động bán vật liệu xây dựng, còn Tokio Marine muốn tăng hoạt động bán hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn.
Lãi suất không thay đổi
Theo kế hoạch, JICA sẽ cấp khoản vay 10 tỷ yen cho các định chế tài chính của Việt Nam, bao gồm ngân hàng Vietin.
Các định chế tài chính Việt Nam sẽ dùng tiền để cho khách hàng vay mua nhà với thời hạn 15 tới 20 năm. Lãi suất của khoản vay sẽ cố định – một hiện tượng lạ ở Việt Nam.
Phần lớn nhà ở Việt Nam khá đơn giản, với những bức tường hình thành từ gạch và cốt thép. Đối với hoạt động cho vay, những ngôi nhà như thế có giá trị không lớn. Ngoài ra, những khoản vay mua nhà dài hạn chưa phổ biến ở Việt Nam, quốc gia vẫn thiếu hệ thống bảo lãnh tín dụng cho cá nhân vay tiền.
Theo dự án mà Nhật Bản hỗ trợ, những người mua nhà dành cho một gia đình và những chung cư được xây bằng công nghệ lắp ráp bê tông đúc sẵn có thể nhận khoản vay từ ngân hàng. Người Nhật Bản đã áp dụng công nghệ lắp ráp bê tông đúc sẵn để xây những tòa nhà ở cao tầng.
Một tổ chức bảo lãnh tín dụng sẽ ra đời với tổng số vốn 10 tỷ yen. Các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết hợp để thành lập tổ chức này.
Những người vay tiền sẽ trả một khoản phí cho tổ chức bảo lãnh tín dụng. Nếu người vay gặp khó khăn tài chính và không thể thanh toán khoản vay, tổ chức bảo lãnh tín dụng sẽ trả nợ thay. Khách hàng có thể tiếp cận hơn 50.000 khoản vay mua nhà mỗi năm.
Nếu dự án thành công, nó sẽ tiếp tục được áp dụng ở các thành phố có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam – như Hà Nội, Đà Nẵng.
Mới chỉ có 12 doanh nghiệp VN cung ứng trực tiếp cho Samsung
Các nhà hoạch định chính sách mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp phụ trợ nội địa có thể tham gia vào hệ thống sản xuất của nhà khổng lồ Samsung, vì cho đến nay, mới chỉ có 12 doanh nghiệp có thể cung ứng trực tiếp cho hãng điện tử này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói: “Chúng tôi cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp để giúp thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung”.
Ông Tú nói tại Triển lãm Hội thảo Công nghiệp Phụ trợ lần thứ 3 do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (Samsung) phối hợp tổ chức sáng 21-6 tại Hà Nội.
Ông cho biết, trong hai năm 2014 và 2015, chỉ có lần lượt bốn doanh nghiệp và tám doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp phụ tùng cho Samsung “là quá ít”.
“Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, Bộ Công Thương đã tham mưu các chính sách về hỗ trợ công nghiệp và thương mại. Hy vọng thêm nhiều doanh nghiệp có thể cung cấp thiết bị cho Samsung”, ông nói thêm.
Ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, cho biết, đến nay tập đoàn này đã đầu tư 14,8 tỉ đô la Mỹ vào hai nhà máy điện thoại ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Năm ngoái, Samsung điện tử đã xuất khẩu 36,8 tỉ đô la Mỹ, và tạo 130.000 việc làm.
Ông cho biết thêm, ngoài 12 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, còn có 178 doanh nghiệp khác là nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung.
Giám đốc Han cho biết, Samsung sẽ đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất TV và thiết bị điện tử gia đụng của tập đoàn này trên toàn cầu.(TBKTSG)
Hơn 600 xe tay ga Suzuki bị triệu hồi tại Việt Nam do lỏng đai ốc
Cụ thể, những chiếc xe nằm trong phạm vi ảnh hưởng thuộc số khung từ RLSCE47ENFV100001 đến RLSCE47ENGV100940.
Theo Suzuki Việt Nam, khi xe bị lỏng đai ốc mà không được siết chặt, nếu khách hàng tiếp tục sử dụng trong thời gian dài thì động cơ sẽ phát ra tiếng ồn và ảnh hưởng đến khả năng tăng tốc.
Hãng xe Nhật cho biết, thời gian khắc phục lỗi dự kiến khoảng 30 phút và hoàn toàn miễn phí.
Suzuki Address 110 FI chính thức lên kệ tại Việt Nam từ tháng 2 năm 2016. Xe có kích thước 1.845 x 645 x 1.095 (mm) (dài x rộng x cao), khoảng cách giữa 2 trục bánh xe là 1.260 mm. Khoảng sáng gầm xe 120 mm, chiều cao yên xe 755 mm, trọng lượng khô 97 kg, dung tích bình xăng 5,2 lít.
Address 110 FI được trang bị động cơ 4 thì, xi-lanh đơn, làm mát bằng không khí, SOHC, dung tích 113cc giúp sản sinh công suất tối đa 6,7kw tại 8.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 8,6 Nm tại 6.500 vòng/phút.
Mẫu xe này nhắm đến khách hàng nữ và được coi là đối thủ của Honda Vision hay Yamaha Nozza. Giá bán của Address 2016 là 28,29 triệu đồng (đã bao gồm VAT) cùng 3 lựa chọn màu sắc bao gồm trắng, đen và đỏ - đen.
Việt Nam - Campuchia nhất trí cách thức giải quyết các tranh chấp Biển Đông
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (phải) đón tiếp ông Sokhonn đến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong cuộc hội đàm hôm nay tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cùng cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Phó thủ tướng Minh và Bộ trưởng Sokhonn cũng khẳng định các nước liên quan ở Biển Đông không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới lập Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp lập trường giữa Campuchia và Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cùng các nước ASEAN khác củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Đại diện hai nước cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực khác, như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương, đẩy nhanh tiến độ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Sokhonn diễn ra từ 21/6 đến ngày 23/6 nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, tăng cường sự phối hợp trong khuôn khổ ASEAN và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Sokhonn trên cương vị bộ trưởng ngoại giao, thể hiện sự coi trọng quan hệ láng giềng truyền thống với Việt Nam. Chuyến đi của ông cũng là hoạt động xã giao theo thông lệ ASEAN.