“Việc nhiều nhà đầu tư lớn vào Quảng Ninh sẽ tạo sức mạnh lan tỏa, dẫn dắt, tạo cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư khác, hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh thành trung tâm du lịch chất lượng cao”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 23-06-2016
- Cập nhật : 23/06/2016
Trộm dưa lưới tại Nhật Bản, 6 người Việt Nam bị bắt ?
Nhật báo Asashi Shimbun dẫn nguồn tin từ cảnh sát Asashi, tỉnh Chiba ngày 20-6 cho biết hiện trường xảy ra vụ trộm là một trang trại chuyên trồng dưa lưới thương hiệu Takami trên bán đảo Boso, tỉnh Chiba.
Rạng sáng 19-6, cảnh sát tỉnh Chiba, Nhật Bản bắt được 6 người đàn ông Việt Nam khi họ đang chuyển 112 trái dưa lưới chưa chín vừa trộm được để đi tiêu thụ.
Đây là loại dưa đặc sản chỉ có ở thành phố Asashi, tỉnh Chiba của Nhật Bản.
Khoảng 2g30 sáng 19-6 (giờ Nhật Bản), nhóm 6 người trên đã đột nhập vào trang trại lấy đi 112 trái dưa lưới mà không biết rằng nó vẫn chưa chín.
Năm người đã thừa nhận hành vi trộm cắp nhưng cho biết chỉ vì muốn ăn thử cho biết. Người còn lại, được cho là sống tại Yotsukaido, tỉnh Chiba phủ nhận có liên quan tới vụ trộm.
Tổng giá trị số dưa bị trộm là 67.000 yen (khoảng hơn 14 triệu đồng).
Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản cho biết mùa thu hoạch dưa lưới Takami thường rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Tuy nhiên, những trái dưa trong vụ trộm vừa rồi còn quá xanh để có thể ăn như lời những người này nói.
Ba Lan bắt 10 người Việt vượt biên trên xe chở rau
Sputnik hôm qua đưa tin khi đang dừng chiếc xe tải của nghi phạm 43 tuổi trên để kiểm tra, hải quan tại thành phố biên giới Bialystok phát hiện các thùng đựng rau trên xe đều trống không.
Thấy có dấu hiệu khả nghi, họ quyết định kiểm tra phần hàng hóa còn lại và tìm thấy 8 người đàn ông cùng hai phụ nữ trốn giữa các thùng đựng rau.
"8 người trong số họ có giấy tờ tùy thân, từ đó có thể xác định họ là người Việt Nam", ông Katarzyna Zdanovich, đại diện biên phòng Ba Lan cho biết.
Nhóm người trên sau đó được đưa về đồn biên phòng, nơi có phiên dịch đợi sẵn. Họ có khả năng bị trục xuất về Latvia.
Nghi phạm người Latvia trên dự kiến đối mặt với nhiều hình phạt nặng.(VNEX)
Kiến nghị mua tạm trữ hơn 90.000 tấn muối
Vụ muối năm 2015-2016, Bến Tre sản xuất được hơn 100.000 tấn muối nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng trong dân gần 92.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Thượng, chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Sở NN&PTNT Bến Tre, cho biết vừa kiến nghị Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) mua tạm trữ 92.000 tấn muối bị tồn đọng của diêm dân Bến Tre (ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri) do giá quá rẻ.
Theo ông Thượng, giá muối trên địa bàn hiện chỉ còn khoảng 250-300 đồng/kg, chưa trừ các khoản chi phí vận chuyển, trong khi giá thành của muối Bến Tre lên đến khoảng 650 đồng/kg.
Theo thống kê, vụ muối năm 2015-2016, Bến Tre sản xuất được hơn 100.000 tấn muối nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng trong dân gần 92.000 tấn. Được biết, Bến Tre có gần 2.000 hộ dân với hơn 4.000 lao động trong lĩnh vực diêm nghiệp.
Trong khi đó, dù sản lượng muối thu hoạch chưa đến 7.000 tấn, nhưng hiện Trà Vinh cũng còn tồn đọng hơn 5.100 tấn chưa tiêu thụ được.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, dù diện tích muối trên địa bàn hiện chỉ còn hơn 134ha, giảm hơn 50% so với năm 2010 nhưng đầu ra của hạt muối cũng gặp nhiều khó khăn, thu nhập của diêm dân không đủ sống.
Ngân hàng Nhà nước thay PetroVietnam đại diện sở hữu PVcomBank
Tại Dự thảo tờ trình trước thềm Đại hội cổ đông, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết, ngày 10/3, Thủ tướng (nay là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đơn vị này giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu nhà băng này. Đầu tháng 6, Đề án tái cơ cấu PVcomBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức phê duyệt.
PVcomBank là ngân hàng được hợp nhất từ Công ty Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Sau hợp nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với vốn góp 4.680 tỷ đồng (theo mệnh giá) và chiếm 52% vốn điều lệ của PVcomBank. Do đó, trong bối cảnh tập đoàn này khó thoái vốn khỏi ngân hàng khi thị trường chưa phù hợp, phương án chuyển giao vốn Nhà nước tại PVcomBank (do PetroVietnam đại diện sở hữu) sang cho Ngân hàng Nhà nước được tính đến.
Như vậy, khác với phương án thoái vốn, khi chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước theo cách này, PetroVietnam sẽ không được nhận tiền chuyển nhượng bởi đây chỉ là chuyển vốn Nhà nước cho một đơn vị khác quản lý.
Tài liệu Dự thảo trình cổ đông của PVcomBank cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015. Theo đó, ngân hàng lãi sau thuế 56 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2014. Lý giải với cổ đông, lãnh đạo PVcomBank cho hay do xác định năm 2015 tập trung hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu và quá trình này đòi hỏi nhiều nguồn lực cần bổ sung nên chưa thể tập trung ngay vào việc tăng trưởng nhanh các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận.
Năm 2016, PVcombank dự kiến đặt mục tiêu đạt 5.500 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 65 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chú trọng quản lý rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu
Sáng 21-6, Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về dự thảo quyết định trên.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành quyết định nhằm thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan là: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập”.
Bộ Tài chính đề xuất 11 nhóm hàng cần tăng cường kiểm soát, hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất trong nước quy định phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu gồm: Thuốc lá điếu, xì gà, chế phẩm khác từ cây thuốc lá; rượu; bia; ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3; tàu bay, du thuyền thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; xăng các loại (riêng xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho); điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; hàng hóa nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm cả thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 10% trở lên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định này là cần thiết nhằm kiểm soát hải quan đối với những mặt hàng hạn chế tiêu thụ trong nước, có nguy cơ cao liên quan tới gian lận thương mại.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm, thông lệ thế giới thông quan hàng hóa ở điểm nhập khẩu đầu tiên để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát về thuế, sở hữu trí tuệ. Việc ban hành danh mục này để xây dựng hàng rào kỹ thuật, chủ yếu liên quan tới hàng tiêu dùng nhập khẩu và các cửa khẩu nhập có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng bến bãi và lực lượng kiểm tra chuyên ngành.
Những mặt hàng quy định tại danh mục này là hàng nhập khẩu tiêu dùng, chiếm tỉ trọng ít (8,7%) so với tổng lượng hàng hóa thông quan nên mức độ tác động tới hoạt động doanh nghiệp là rất tối thiểu, theo ông Ngọc Anh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ rà soát lại các quy định hiện hành để bảo đảm việc ban hành danh mục tuân thủ Luật Hải quan (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải đánh giá rõ ràng hơn về sự cần thiết việc ban hành quyết định và dự báo tác động của quyết định tới việc thực hiện các thủ tục hải quan, tình trạng ùn tắc cửa khẩu, tác động tới bao nhiêu dòng thuế và mức độ tăng thêm chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh Nghị quyết 35 quy định triệt để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
“Nguyên tắc quản lý hải quan là quản lý rủi ro trên cơ sở phân tích đánh giá số liệu khách quan. Quy định này ra đời sẽ tác động tới thu ngân sách đã giao cho các địa phương và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, cần căn cứ cả vào danh sách các doanh nghiệp có lịch sử gian lận thương mại để tập trung kiểm tra ở bất kỳ cảng nhập khẩu hay nội địa, đồng thời phải tính toán tới việc bảo đảm tăng thu khi thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Đặt lên hàng đầu là tuân thủ pháp luật và tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thuận lợi thương mại, đáp ứng nhu cầu kiểm soát thuế và gian lận thương mại, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh của hàng hóa nhập khẩu” và phải căn cứ vào các yếu tố này để xác định rõ hơn danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục ở cửa khẩu.