tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 13-04-2016

  • Cập nhật : 13/04/2016

Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu số một

Trong bài phát biểu bế mạc phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII (ngày 12/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Sau khi điểm lại những thành quả, kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém để giai đoạn tới khắc phục, hạn chế: “Đó là việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả; môi trườngđầu tư chậm được cải thiện; thủ tục hành chính còn phiền hà. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu; lãng phí, thất thoát còn lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao”.

.Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tiếp tục chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm

Để phát huy thành tựu, kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế, đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề.

Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là phải phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

“Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia đồng thời với tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hiển, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần tiếp tục chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư; bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. “Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia; điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư nhà nước gắn với phân cấp phù hợp giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước”, ông Hiển nói.

Đối với thị trường tài chính, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo ông Hiển, sẽ tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Chính phủ cần quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới; tăng hiệu quả hoạt động các loại hình bảo hiểm, triển khai rộng rãi bảo hiểm sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống và áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.


Đảm bảo quyền lợi người lao động: Yếu tố quan trọng để vào “sân chơi” thế giới

Yêu cầu về lao động trong các cam kết thương mại quốc tế nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐ,TB&XH), đồng thời là Trưởng nhóm đàm phán lao động, đoàn đàm phán TPP cho biết tại Hội nghị Lãnh đạo Việt Nam 2016, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thì việc bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng.

Bởi đây là lực lượng trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại, nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả. Đây cũng chính là xu thế tất yếu trong những năm gần đây trên thế giới, bởi những cam kết về lao động còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại.

dam bao quyen loi nld la yeu to khong the thieu khi tham gia thi truong tpp 

Đảm bảo quyền lợi NLĐ là yếu tố không thể thiếu khi tham gia thị trường TPP 

Theo phân tích của các chuyên gia, dù là quốc gia hay ở bất cứ một DN nào, nếu áp dụng tiêu chuẩn lao động, tiền lương thấp và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng giữa hai bên, thì đương nhiên sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Do đó, để tránh cạnh tranh không bình đẳng qua việc không bảo đảm các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các nước tham gia Hiệp định TPP đã đưa ra cam kết riêng về lao động đòi hỏi các quốc gia, DN muốn tham gia vào “sân chơi chung” phải tuân thủ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) cho biết, DN có đội ngũ, lực lượng cán bộ công nhân viên đông đảo, tới hơn 4.000 người. Để DN có thể vận hành tốt, cho ra đời sản phẩm chất lượng, luôn cải tiến, đổi mới về mẫu mã, công nghệ, đòi hỏi phải có một chính sách chăm lo tốt đến người lao động để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

Hiện, công ty luôn đảm bảo các chính sách của Nhà nước về lương, thưởng, bảo hiểm, đồng thời cũng chăm lo chu đáo đời sống vật chất tinh thần... Tuy nhiên, đó chỉ là những điều kiện cơ bản mà bất cứ DN nào muốn tồn tại, phát triển cũng phải quan tâm đến nguồn nhân lực.

Nhưng khi đã bước ra một môi trường cạnh tranh rộng lớn hơn, thì DN càng cần phải có chính sách đãi ngộ lao động tốt hơn để thu hút nguồn lực, nhân tài về cho DN mình.

“Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các Hiệp định thương mại quốc tế, cũng là cơ hội để các DN trong nước tự chuẩn hóa, nâng cao năng lực bản thân, cạnh tranh bình đẳng với các DN quốc tế” – ông Mười nói.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may nói chung là lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động nhưng không đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao.

Vì vậy, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại Quốc tế, trong đó có TPP, sẽ tạo ra cơ hội tiếp cận được nhiều hơn nữa với việc làm và các quyền lợi cho nguồn nhân lực dồi dào tại nước ta.

Đặc biệt, TPP cũng đề cập đến quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, mà Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức này. Đây có thể coi là bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Song đồng thời, việc tuân thủ các cam kết nhằm đảm bảo các quyền lợi cho người lao động cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính các DN của Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Đơn cử, đối với ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam mà chủ yếu là các DNNVV, hiện đang rất khó khăn trong vấn đề đảm bảo các điều kiện cơ bản nhất cho người lao động như nhà xưởng, cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, không gây hại cho sức khỏe con người, chi trả mức lương tối thiểu, hay các yếu tố về thu nhập, làm thêm ngoài giờ, hợp đồng, bảo hiểm...

Nếu không đảm bảo được những yếu tố này, tuân thủ theo đúng cam kết khi tham gia TPP là các DN đã tự loại bỏ mình ra khỏi cuộc chơi, bởi khi đó, cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ không có cơ hội xuất vào thị trường các nước trong khối, dù sản phẩm đó có chất lượng hay mẫu mã đẹp đến đâu.(TBNH)


Chuyển đổi cây trồng thu tiền tỷ

Có thể nói, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học mà người nông dân đã từng bước chuyển đổi cây trồng để phù hợp với điều kiện cực đoan của thời tiết.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Vùng đất Ninh Thuận được biết đến như là “sa mạc Sahara” của Việt Nam. Tại một số địa phương của tỉnh này, nhiều năm không có mưa, khiến đất sản xuất nông nghiệp trở nên hoang hóa. Tuy nhiên, trong cái khó, người nông dân lại ló cái khôn, và đã chuyển đổi một số loại cây trồng phù hợp, bằng cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính điều này đã mang lại lợi nhuận cho người nông dân trên chính vùng đất “chết”.

Đơn cử, cây thanh long ruột đỏ đã được nông dân tại xã Nhị Hà, Thuận Nam và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng thử nghiệm. So với một số giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có trọng lượng, chất lượng và giá cả cao hơn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn cao cấp và trong các hệ thống siêu thị cả nước. Chính vì thế mà giá trị của loại cây trồng này được nâng lên rõ rệt.

Với cái nắng như lửa đốt, chúng tôi đến thăm và được thưởng thức quả thanh long ruột đỏ do chính tay lão nông Sằn A Lộc, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng. Thật ngọt và thanh mát. Qua tìm hiểu được biết, anh Lộc đã đi nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận để khảo sát cây thanh long ruột đỏ nhưng không vừa ý.

Tiếp tục, anh lặn lội vào Tiền Giang để học tập quy trình trồng cây thanh long ruột đỏ. Trở về, anh Lộc cải tạo lại vườn đất đồi và vay mượn 125 triệu đồng để mua giống về trồng. Vừa trồng vừa tìm hiểu thêm qua các trang mạng để nắm bắt kỹ thuật áp dụng cho vườn thanh long của mình. Sự cần cù, chịu khó đã giúp anh Lộc gặt hái thành công.

Anh Sằn A Lộc cho biết, năm 2011 gia đình anh chỉ trồng 3ha, thấy cây thanh long phát triển tốt, cho ra hoa nhiều, quả có vị ngọt, năng suất cao, mỗi quả có trọng lượng từ 0,5 – 0,9kg. Điều khác biệt là thanh long ruột đỏ trồng tại Ninh Thuận có mùi thơm đặc biệt được nhiều người ưa chuộng, do đó anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng đầu tư nhân rộng diện tích trồng thêm 3ha.

Đến nay, toàn bộ 6ha thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch, bình quân 1ha cho 40 tấn quả, với giá bán quả loại 1 trên 35.000 đồng/kg, loại 2 là 15.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thì 1ha lãi từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Với doanh thu này, ước tính với 6ha mỗi năm gia đình anh Lộc lãi tròn trèm 1 tỷ đồng. Vườn thanh long của anh Lộc cho thu hoạch mỗi tháng 1 lần, được các thương lái bao tiêu sản phẩm ngay tại vườn.

Không dừng lại ở đó, có được nguồn vốn từ trồng thanh long, anh Lộc đã mở rộng trồng thêm 5ha mía và 1ha cây đu đủ, hiện 2 loại cây này đang phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Để có nguồn nước tưới cho mùa hạn hán, anh Lộc đã thuê đào 6ha ao để trữ nước cho mùa khô.

Theo Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, cây thanh long là loại cây không ưa nước, phù hợp với thời tiết nắng nóng của địa phương. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ có đặc tính vượt trội, sản lượng ổn định, chất lượng cao, vỏ dày nên vận chuyển được đi xa. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân của địa phương, Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện cho các nông dân tham quan học tập kinh nghiệm. Đây là loại cây hứa hẹn sẽ giúp xóa nghèo cho bà con nơi đây.

Có thể nói, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học mà người nông dân đã từng bước chuyển đổi cây trồng để phù hợp với điều kiện cực đoan của thời tiết. Đây là hướng đi mới, các cấp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp nên khuyến khích để người dân mạnh dạn tiếp cận, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.


Hà Nội kiên quyết loại bỏ thực phẩm bẩn

Hết sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng đến nhuộm măng tươi bằng hóa chất có nguy cơ gây ung thư… Chưa bao giờ người dân cảm thấy bất an với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như hiện tại. Cùng với việc phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2016, Hà Nội cũng quyết tâm xử lý mạnh tay các sai phạm trong lĩnh vực này.
ha noi se tap trung thanh kiem tra 2 mat hang la thit va rau

Hà Nội sẽ tập trung thanh kiểm tra 2 mặt hàng là thịt và rau

Có thể phạt đến 25 năm tù

Hà Nội là thị trường trung chuyển, tiêu thụ thực phẩm lớn nhất nhì cả nước, cũng là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm “khổng lồ” với trên 58.000 cơ sở, do đó vấn đề ATVSTP càng trở nên bức thiết. Thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực triển khai công tác ATTP, nhờ đó đã hạn chế các vụ ngộ độc. Song cũng trong thời gian này hàng loạt vụ sai phạm về ATTP được phát hiện như tẩm hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò, “phù phép” rau bẩn thành rau an toàn để tuồn vào các siêu thị, thậm chí nhiều đối tượng còn thu mua lợn chết, lợn ốm từ tỉnh khác đưa về Hà Nội tiêu thụ với khối lượng lớn... 

Trước thực trạng đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ 15-4 đến 15-5), Hà Nội sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP, tập trung trọng điểm vào 2 mặt hàng rau, thịt. Cụ thể, các đoàn kiểm tra của thành phố cho đến quận, huyện, xã, phường sẽ tăng cường thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung ứng rau, thịt, nông sản. 

Mục tiêu được đề ra là phải giải quyết căn bản vấn đề sử dụng chất cấm vào chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi. Dịp này, UBND TP Hà Nội cũng công bố Kế hoạch hành động “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”, với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biến khẩu hiệu, kế hoạch trên thành hành động cụ thể bằng những kết quả thanh kiểm tra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng, hàng giả nói chung có thể bị phạt lên tới 25 năm tù giam. Luật cũng quy định rất rõ chỉ cần sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thu lợi bất chính từ 50 triệu trở lên… đã có thể bị phạt tù. 

“Mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân là chính đáng, việc cố ý kiếm lợi bất chính từ thực phẩm bẩn, đầu độc người dân là hành động không thể chấp nhận được nên chúng ta phải thực hiện thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói. 

Công khai tất cả sai phạm

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về ATTP chứ không đổ hết cho ngành y tế hay ngành nông nghiệp. Mặt khác, cần phải kiểm điểm, xử lý những địa phương làm không tốt, để xảy ra các sai phạm lớn trên địa bàn, có vậy các địa phương mới tích cực vào cuộc hơn, mới quyết tâm “tuyên chiến với thực phẩm bẩn”. 

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - Trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP TP cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì tất cả các hội ngành, đoàn thể, nhân dân phải cùng vào cuộc, đấu tranh, tố giác sai phạm về ATTP. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP theo quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh ATTP là vấn đề rất lớn và luôn “nóng bỏng”, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã phường, Hà Nội đã yêu cầu rõ: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải đi kiểm tra ATTP trực tiếp ít nhất 1 tuần/lần, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải đi kiểm tra ít nhất 3 tuần/lần. Nếu qua kiểm tra, phát hiện xã, phường, thị trấn nào không làm nghiêm túc thì sẽ nêu đích danh và xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc.

Riêng trong Tháng cao điểm hành động vì ATTP tới đây, ngoài các quận, huyện đang triển khai thí điểm mô hình nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu: tất cả Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 2 lần/tháng; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra ATTP 1 lần/tuần; Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ vào biên bản ngày giờ đi kiểm tra để thành phố giám sát. 

Đặc biệt, trong quá trình thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm gì phải công khai, không bao che, giấu giếm. Mặt khác, thành phố cũng sẽ tuyên truyền những nơi, những địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn để người dân yên tâm lựa chọn, không còn phải quá lo lắng vì “ăn cái gì cũng sợ”.


Vietnam Expo 2016: Đón cơ hội làm ăn từ các FTA

Với số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đông đảo, Vietnam Expo 2016 được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp hợp tác đầu tư, đón đầu các FTA.

Năm 2016 được đánh giá là năm bản lề của nền kinh tế, khi Việt Nam đã có những bước hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới, thông qua việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, VKFTA, TPP…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tham gia các FTA sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hội nhập cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nếu không bắt nhịp kịp xu hướng, cũng như thay đổi chiến lược kinh doanh.

Vietnam Expo 2016 có quy mô 600 gian hàng của hơn 500 doanh nghiệp.Vietnam Expo 2016 có quy mô 600 gian hàng của hơn 500 doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Hội chợ Vietnam Expo 2016 được tổ chức với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu về công cụ kết nối giao thương, tư vấn chính sách đầu tư và nâng cao năng lực thiết kế cho doanh nghiệp và sản phẩm.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… tham gia sân chơi Vietnam Expo ngày càng nhiều, cho thấy thị trường đang có dấu hiệu cạnh tranh mạnh mẽ. Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp trong nước cơ cấu lại xuất, nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn sẽ tạo đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Vietnam Expo là cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh, đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Tham gia Vietnam Expo 2016, Tân Á Đại Thành ra mắt sản phẩm ống nhựa Stroman, được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu. Công nghệ, dây chuyền sản xuất được nhập khẩu đồng bộ từ Đức.

Trong khi đó, đây là lần thứ 2, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội  (Habeco) tham dự Vietnam Expo, nhằm mục đích thu hút sự chú ý với các đối tác nước ngoài để tăng trưởng xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và giao lưu hợp tác với các đối tác đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Được biết, qua Vietnam Expo, Habeco tìm kiếm được khá nhiều đối tác nước ngoài. Một số hợp đồng lớn đã được ký kết, xuất khẩu sản phẩm sang được thị trường châu Âu và châu Đại Dương như: Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Australia, Newzealand…

Cũng theo đại diện Habeco, năm 2016 là năm mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt nói chung và Habeco nói riêng. Sự xuất hiện của các công ty sản xuất đồ uống nước ngoài đã gây áp lực to lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ đã bị các đối thủ nước ngoài đè bẹp trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Khi Việt Nam ký kết các FTA, mức thuế được xóa bỏ và gần như là 0% đối với sản phẩm đồ uống, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá, Vietnam Expo thực sự là sân chơi không thể thiếu trong bối cảnh muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông Jan Proks, Tổng giám đốc Hiệp hội Điện - Điện tử Czech và Moravian cho biết: “Thị trường Việt Nam rất thích hợp cho việc hợp tác trong ngành điện tử, công nghệ thông tin và ngành điện. Chúng tôi nhắm đến những khách hàng cuối cùng có ở tất cả các ngành công nghiệp. Đối với các công ty thương mại, đối tác của chúng tôi là tất cả những ai muốn vào thị trường EU và chúng tôi sẵn sàng là cầu nối”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục