Sau 30 năm đổi mới ở Việt Nam tư duy “sợ” cạnh tranh vẫn tồn tại, ngay trong quản lý nhà nước...
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 15-04-2016
- Cập nhật : 15/04/2016
Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh đưa chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 ra khỏi Hoàng Sa
Ngày 13/4, Trang Fox News của Mỹ đưa tin Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên triển khai thêm máy bay chiến đấu và củng cố hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra khu vực thuộc Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình trong khu vực, ông nhận định.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực và không tái diễn", ông Lê Hải Bình phát biểu.
“Với vị trí là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 cũng như tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”.
Cụ thể, dẫn bằng chứng từ ảnh vệ tinh được công ty ImageSat International (ISI) chụp ngày 7/4 cung cấp độc quyền, Fox News cho biết Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 đến đảo Phú Lâm.
J-11 là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 của không quân Trung Quốc dựa trên kiểu máy bay Sukhoi Su-27SK.
Máy bay J-11 thế hệ thứ 4 của Trung Quốc có năng lực xấp xỉ với máy bay F-15 của Không quân Mỹ hay F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ.
Trước đó cuối tháng Hai, Fox News cũng từng đưa tin tình báo Mỹ phát hiện máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 và máy bay tiếp dầu Xian JH-7 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm.
Với bán kính tác chiến của J-11 là 1.500km và của JH-7 là 1.650km, hai lớp chiến đấu cơ này hoàn toàn có thể bao phủ toàn bộ Biển Đông, qua đó tăng cường khả năng khống chế khu vực này của hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh mới cũng cho thấy Trung Quốc lắp đặt trái phép một hệ thống radar kiểm soát hỏa hoạn mới ở Phú Lâm. Hệ thống này hoàn thiện hệ thống phòng không HQ-9 đã được lắp đặt trước đó vào tháng Hai.
Ảnh của ISI cho thấy 4 trong số 8 tên lửa đất đối không mà Trung Quốc triển khai ở mạn phía đông đảo Phú Lâm đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.(Bizlive)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh tuyên bố chung của nhóm G7
Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 tuyên bố cực lực phản đối những hành động gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ảnh: EFR
Trong buổi họp báo ngày 14/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của nhóm G7 theo mục tiêu chung đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982.
Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển.
Trước đó, ngày 11/4, Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 tuyên bố cực lực phản đối những hành động gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nội dung được cho là ám chỉ Trung Quốc.
“Chúng tôi quan ngại tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp xử lý và dàn xếp tranh chấp lãnh thổ trong hòa bình. Chúng tôi cực lực phản đối các những hành động đơn phương gây hấn hoặc dọa nạt có thể làm thay đổi nguyên trạng, khiến leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, các ngoại trưởng G7 tuyên bố.
Mặc dù tuyên bố chung không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng đây được xem là thông điệp chỉ trích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. (Bizlive)
Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin trước phiên xử Minh béo
Gia đình nghệ sỹ Minh Béo đã thuê xong luật sư riêng để biện bộ cho anh trong phiên xử ngày 15/4. Ảnh: Internet
Cục Phòng chống tham nhũng: “Còn tiêu tiền mặt thì không thể chống tham nhũng”
Ông Phạm Trọng Đạt cho rằng việc tiêu quá nhiều tiền mặt sẽ khó kiểm soát, quản lý tài sản thu nhập ngoài, nên khó chống được tham nhũng. Ảnh: Bá Đô.
Trong cuộc họp báo quý I/2016 tổ chức sáng 14/4 tại Thanh Tra Chính phủ (Hà Nội), trả lờicâu hỏi của VnExpress liên quan sự minh bạch, trung thực trong kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ thừa nhận: "Việc kê khai tài sản hiện nay rất hình thức và không mang lại hiệu quả cao trong việc phòng chống tham nhũng".
Theo ông Đạt, kê khai tài sản là một biện pháp để quản lý tài sản của những khu vực dễ phát sinh tham nhũng, nhưng nay "mới dừng ở việc kê, chứ chưa khai, chưa xác minh, xử lý nên có người sẽ không trung thực và có nhiều người tự kê khai.
Một nguyên nhân được ông Đạt chỉ ra, "tiêu quá nhiều tiền mặt là một trở ngại cho quản lý tài sản, nói cách khác là không thể chống được tham nhũng". Việc trả lương qua ATM cũng chỉ dừng lại để quản lý đồng lương hàng tháng, còn thu nhập ngoài như lót tay, phong bì, hối lộ khó có thể kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng, ông Đạt cho biết đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều trong Luật phòng chống tham nhũng, bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn trong việc kê khai tài sản. "Hướng tới bất cứ thông tin về tài sản của ai cũng phải được công khai hết cho người dân biết và phải có kiểm định, xác minh, xử lý rõ ràng", ông Đạt nói.
Từ năm 2007 đến 2014, có trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản. Thanh tra xác minh được hơn 2.600 trường hợp, trong đó 18 cán bộ bị kỷ luật vì kê khai không trung thực.
Quý đầu năm nay, ngành thanh tra đã phát hiện 4 vụ việc, 6 người có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 24 vụ, 39 người có hành vi tham nhũng.
Bị thương lái Trung Quốc lừa, nông dân khóc vì lợn siêu mỡ
Chị Nguyễn Thị Tiên, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) than: “Cuối năm 2015, thương lái Trung Quốc thông qua các “cò” ở địa phương tìm mua lợn nhiều mỡ với giá cao, họ còn khuyến khích nông dân chúng tôi tái đàn để có nguồn hàng cung ứng. Nhưng hiện giờ đàn lợn (5 con) của tôi nuôi theo đơn đặt hàng của họ đã đến ngày bán, nhưng họ bặt tăm”.
Ở các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chị Tiên cũng đau đầu vì đàn lợn tới ngày xuất chuồng mà bán không được. “Bây giờ kêu thương lái địa phương bán lợn là họ không mua đâu, họ chê nhiều mỡ, thị trường không chuộng” - anh Nguyễn Văn Sang, một hộ nuôi lợn ở TP.Cà Mau mếu máo nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Huy – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 800.000 con, với 18 trang trại nuôi có quy mô lớn. Đối với những nơi chăn nuôi kiểu trang trại thì không lo, cái đáng lo nhất là nhóm thương lái Trung Quốc vào các vùng nông thôn thu mua, rồi khuyến khích nông dân nuôi loại lợn này”.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho rằng, trong khi ngành đang đẩy mạnh “Chương trình cải tạo nạc hóa đàn lợn” của Bộ NNPTNT, thì sự xuất hiện của nhóm thương lái Trung Quốc trước đó chuyên lùng mua lợn loại siêu mỡ là điều hết sức bất thường và đáng quan ngại.
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Sở đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng NNPTNT các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra, nắm thông tin về việc thương lái Trung Quốc lùng mua lợn có lượng mỡ nhiều để xuất sang nước này, nhằm báo cáo về Sở để có hướng xử lý kịp thời”.
Theo ông Tranh, từ đầu năm 2016 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp nào về việc thương lái Trung Quốc lùng mua lợn nhiều mỡ. Tuy nhiên, ngành vẫn tăng cường tuyên truyền và khuyến cao người chăn nuôi không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tái đàn loại lợn này.