Nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối. Quy trình nhập khẩu xăng dầu có thể tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 14-04-2016
- Cập nhật : 14/04/2016
Năm 2016 phải dùng 1/4 ngân sách để trả nợ đến hạn
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2016 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra bối cảnh nặng nề của câu chuyện ngân sách tiếp tục thâm hụt. Cụ thể ngân sách năm 2015 ước tính thâm hụt 6,34%GDP. Mức thâm hụt này lớn hơn so với mục tiêu 5% GDP Quốc hội đưa ra. VEPR cho rằng tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo
TS Nguyễn Minh Hồ cho biết nhiều khoản tiền tiêu trong Quý 4/2015 phải ứng tiền của quý 1/2016 nhưng Quý 1/2016 chưa kịp trả thì lại phải ứng tiếp của các quý sau để tiêu. “Đó là bối cảnh nặng nề, năm 2016, ngân sách phải dùng 24-25% phải trả nợ đến hạn của năm 2016”, TS Hồ nhận định.
Hơn nữa, việc một loạt Bộ trưởng mới nhậm chức khiến cho việc vận hành bộ máy ở các Bộ sẽ cần thời gian, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến điều hành chính sách, tăng trưởng ổn định.
“Việt Nam năm 2016 kinh tế vẫn trong vùng trũng, vùng đáy, có khởi sắc, cất cánh còn ở phía sau”, TS Hồ khẳng định thực tế. Và năm 2016 được nhìn nhận là một năm khó khăn, ngay từ Quý 1/2016 các chỉ số đã nói lên điều đó khi tăng trưởng kinh tế gây thất vọng với mức đạt 5,46% do tăng trưởng công nghiệp suy yếu, sản xuất nông nghiệp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm 5,1% so với cùng kỳ và khả năng cải thiện thâm hụt ngân sách còn hạn chế.
TS Vũ Đình Ánh cho hay lo nhất đối với lạm phát 2016 không phải chỉ là câu chuyện giá mà là câu chuyện thâm hụt ngân sách, thiếu tiền gây ra lạm phát. Ông phân tích: Nếu vay nước ngoài không được phải xoay trong nước, tăng lãi suất huy động và rút ngắn thời gian phát hành trái phiếu chính phủ. Đây là nguyên nhân xuyên suốt trục 2016, nổi rõ dự báo về lãi suất huy động tăng để bù đắp thâm hụt ngân sách, tăng cường vay trong nước gây sức ép lên mặt bằng lãi suất Việt Nam.
Về câu chuyện dùng 1/4n ngân sách để trả nợ trong năm 2016, TS Ánh cho biết chi phí đầu tư chiếm gần 20%, chi thường xuyên trên 70%. Trả nợ gồm trả nợ gốc và trả nợ lãi nhưng hiện nay trả lãi gộp vào chi thường xuyên và trả nợ gốc đẩy ra ngoài tạo chênh lệch thâm hụt ngân sách theo chuẩn Việt Nam. Hiện thu ngân sách không đủ bù chi và căng thẳng hơn khi quy mô trả nợ gốc và lãi tăng.
TS Vũ Đình Ánh cho biết Việt Nam đang trong vòng xoáy trả nợ. Cụ thể, nợ phải trả đang trông cậy vào ngân sách, trong điều kiện chi thường xuyên tăng không đủ, chi đầu tư giảm, lại không có nguồn. Thu không đủ tiêu, đầu tư phải đi vay và đi vay để trả nợ vay, tạo ra vòng xoáy căng thẳng.
Vậy doanh nghiệp và người dân có phải gánh khoản trả nợ hay không? TS Ánh cho rằng thuế suất doanh nghiệp, thuế xuất khẩu nhập khẩu, thuế GTGT không tăng. Về chính sách không tăng thuế để bù đắp cho ngân sách. Nhưng trong thực tế điều hành, mỗi khoản thuế có dư địa thất thoát trong thu sẽ siết chặt hơn, giao chỉ tiêu thu cho các bộ phận liên quan, tăng cường kỷ luật thu hơn. Liên quan đến các khoản nợ thuế, nợ thuế cũ bị đòi, nợ thuế mới hạn chế. Cơ sở thu siết lại, áp lực thể hiện trong quá trình thực thi chính sách.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: “Gánh nặng thuế phí doanh nghiệp thực sự là có”.
Trong báo cáo đánh giá bổ sung, thu ngân sách năm 2015 đạt 996,87 nghìn tỷ đồng vượt 15,9% so với dự toán và tăng 15,4% so với thu ngân sách năm 2014. Các nguồn thu ngắn hạn đang được đẩy mạnh thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách do các nguồn thu từ dầu thô và xuất khẩu suy giảm. Thu tiền sử dụng đất năm 2015 đạt 67,55 nghìn tỷ đồng bằng 173,2% dự toán và tăng 1,5 lần so với mức thu năm 2014.
Trong bối cảnh nguồn thu còn gặp nhiều khó khăn, VEPR cho biết xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 1262,87 tỷ đồng, tăng 19,1% so với tổng chi năm 2014, thâm hụt ngân sách ước tính ở mức 266 nghìn tỷ đồng.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Ấn Độ
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm có những diễn tiến rất quan trọng ở cả Việt Nam và Ấn Độ.
Đại sứ cho biết Việt Nam hiện tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và trở thành đầu mối chính xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng đã trở thành một điểm đến rất hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, với thành công của những dự án lớn như “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India), “Digital India” (Ấn Độ kỹ thuật số), “Skill India” (Kỹ năng Ấn Độ) và “Các thành phố thông minh,” Ấn Độ cũng đã tiếp nhận mức Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục là 42 tỷ USD hồi năm ngoái.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Ấn Độ lập quỹ đặc biệt trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các công ty của nước này xây dựng các chuỗi sản xuất và cung ứng ở các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar.
Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được tăng cường mạnh mẽ trong những năm gần đây và tạo ra các điều kiện rất thuận lợi cho hợp tác kinh tế.
Cùng với việc thương mại và du lịch phát triển, có tín hiệu rõ ràng rằng đầu tư của các công ty Ấn Độ vào Việt Nam đang tăng lên.
Với hơn 230 triệu USD mà các công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái, số vốn FDI lũy tiến của Ấn Độ vào Việt Nam đã vượt mức 530 triệu USD.
Mặc dù vậy, Đại sứ nhận định vẫn còn rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam hiện chưa được khai thác.
Ngoài lĩnh vực dầu khí, Việt Nam cũng hoan nghênh Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực đầy hứa hẹn khác như dệt may, ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô, dược phẩm, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, cơ khí, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Đại sứ cho biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và có những ưu đãi tối đa cho các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng xuất nhập khẩu Ấn Độ (Eximbank), ông Nirmit Ved cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế để đầu tư như có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và tích cực tăng cường quan hệ thương mại với quốc tế thông qua hàng loạt hiệp định tự do thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nguồn lao động có kỹ năng và làm việc hiệu quả, cơ sở hạ tầng được cải thiện, ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn chi phí lao động tương đối rẻ và nền chính trị ổn định, xã hội an toàn.
Trong khi đó, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã giới thiệu về những thế mạnh của Việt Nam như những kết nối về đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển, nêu bật những chính sách ưu đãi về thuê đất và thuế.
Đại diện các tỉnh, thành phố cũng giới thiệu về thế mạnh của mình. Trong phần thảo luận, các đại diện phía Việt Nam cũng đã tích cực trả lời những câu hỏi từ phía các doanh nghiệp Ấn Độ
Công bố quyết định thanh tra ngân hàng Vietcombank
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh tại buổi công bố quyết định thanh tra Vietcombank. Ảnh: thanhtra.gov.vn
Ngày 12/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Quyết định thanh tra tại Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo quyết định trên, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Vietcombank, bao gồm các nội dung cụ thể sau: Hoạt động tín dụng; hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư mua sắm; thời kỳ thanh tra trong năm 2014, 2015.
Thời gian thanh tra là 60 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ).
Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Quang Thía, Vụ trưởng Vụ II làm Trưởng đoàn; Tổ giám sát đoàn thanh tra do ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng.
Vietcombank là một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam. Năm 2015, Vietcombank đã có bước tiến rất lớn về lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế 2015 của Vietcombank đạt 5.314 tỷ đồng, tăng 722 tỷ đồng, tương ứng 15,7% so với 2014.
Đã đến lúc Việt Nam cần học cách sống không có ODA
Theo kế hoạch, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam từ tháng 7/2017, còn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng sẽ dừng chính sách cho vay ODA với Việt Nam từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên, các quan chức của cả 2 nhà tài trợ vốn ưu đãi hàng đầu của Việt Nam đều chưa khẳng định liệu đó đã phải là thời điểm cuối cùng hay chưa.
Trong buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2016 hồi cuối tháng 3, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam – cho biết ADB không thể đưa ra quyết định quá sớm, vì còn tùy thuộc vào các cổ đông góp vốn cho ADB. Với World Bank, chuyên gia kinh tế trưởng Sandeep Mahajan của ngân hàng này trong buổi công bố báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á–Thái Bình Dương ngày 11/4 cũng cho biết họ chưa đưa ra quyết định chính thức đối với Việt Nam.
Dù còn phải chờ quyết định chính thức của các quốc gia góp vốn vào ODA, nhưng ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam có thể phải chuẩn bị phương án cho việc giảm dần phụ thuộc vào ODA.
Theo ông Sandeep Mahajan, sẽ là một sự thay đổi rất lớn khi mức phân bổ vốn ODA của WB cho Việt Nam giảm xuống mức 0 USD vào năm tới. Trong 4 năm trước, Việt Nam đã nhận 3,7 tỷ USD vốn vay ODA từ tổ chức này.
Tính xa hơn, kể từ năm 1994, mỗi năm Việt Nam đã vay 3,5 tỷ USD vốn ODA từ các nhà tài trợ.
WB cho biết Việt Nam chuẩn bị hết điều kiện vay vốn ưu đãi IDA của tổ chức này do đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Còn ADB cho rằng Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện để vay quỹ ưu đãi ADF của ngân hàng này do thu nhập quốc dân của Việt Nam đã đạt ngưỡng giàu hơn và Việt Nam đã tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế.
Ông Sandeep cho biết khi một quốc gia chuyển dịch từ nước có thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình, các điều khoản và lãi suất mà họ nhận được từ World Bank sẽ thay đổi.
Thông thường, chính sách ODA cho nước đó sẽ chuyển từ hỗ trợ phát triển sang quan hệ đối tác.
Nhiều lĩnh vực chủ chốt của quốc gia dự kiến sẽ không còn được vay vốn ODA nữa, trong đó có ngành giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
Theo một vị đại biểu quốc hội, để tránh mọi cú sốc có thể khi vốn ODA bị cắt, chính phủ cần có biện pháp để thích nghi với giai đoạn “hậu ODA”, nhất là khi Việt Nam đang cần tới khoảng 90 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Biện pháp cấp thiết là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tính toán lại thu chi để đảm bảo mức thâm hụt hợp lý, giảm nợ công xuống mức vừa phải.
Một khi chất lượng của nền kinh tế được cải thiện, Việt Nam sẽ được các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng bậc xếp hạng, từ đó có thể tiếp cận các khoản vay quốc tế với mức lãi suất thấp hơn.
Chính ông Sandeep cũng cho rằng, với vị thế là nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ có năng lực tài chính tốt hơn, có năng lực tiếp cận thị trường quốc tế nhiều hơn, điều khoản về lãi suất cũng sẽ thay đổi
Người trồng cà phê Việt Nam bán ra mạnh do hạn hán
Theo khảo sát của Bloomberg với 7 thương nhân, cho tới hết tháng 3, các nhà sản xuất cà phê tại Việt Nam đã bán 930.000 tấn, tương đương 58% sản lượng cà phê đã thu hoạch. Tốc độ này chỉ thấp hơn 4% so với thời điểm đạt đỉnh cách đây 2 năm và cao hơn nhiều tỷ lệ 49% của quý I/2015.
Các thương nhân dự báo rằng trong năm nay, tổng sản lượng cà phê được Việt Nam đưa ra thị trường sẽ đạt 1,6 triệu tấn, bằng với sản lượng năm 2015.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết các vùng cà phê của Việt Nam đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1980 do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn khác như Brazil và Columbia cũng chịu tình cảnh tương tự nên giá của mặt hàng này đang tăng cao. Giá cà phê Robusta đã tăng 6,2% trong tháng 3 – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015.
Ông Phan Hùng Anh – Phó giám đốc Công ty kinh doanh cà phê Anh Minh – cho biết những người nông dân cần bán được cà phê để bù đắp cho khoản chi phí tưới tiêu phụ trội trong bối cảnh hạn hạn nghiêm trọng hiện nay. Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cũng khuyến khích họ xuất kho nhiều hơn.
Giá cà phê Robusta đã chạm ngưỡng 1.534 USD/tấn trên sàn giao dịch ICE Futures Europe vào ngày 23/3 – mức cao nhất kể từ ngày 4/1. Sau một vài phiên giảm, giá cà phê đã phục hồi 1,8% lên mức 1.496 USD/tấn vào ngày 7/4.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê cung cấp, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2016 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước lên mức 457.000 tấn.
Hạn hán nghiêm trọng
Ngày 1/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có lượng mưa thấp hơn 50-70% và nhiệt độ sẽ cao hơn 0,5-1 độ so với mức trung bình do tình trạng hạn hán và thiếu nước trầm trọng tiếp tục kéo dài.
Báo Tuổi Trẻ ngày 5/4 cho biết 118 trong tổng số 599 hồ chứa nước tại Đắk Lắk đã khô cạn và không thể sử dụng được nữa. Con số này trong năm 2015 chỉ là 30 hồ.
Ông Phan Hùng Anh cho biết mưa vẫn rải rác trong khu vực nhưng lượng mưa không đáng kể kèm theo nhiệt độ không khí cao khiến nước bay hơi nhanh hơn. Nếu tháng 4 tiếp tục khô nóng như hiện nay, sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.