44% người dân phải hối lộ khi làm sổ đỏ
Tỷ lệ người dân phải "lót tay" khi sử dụng các dịch vụ công vẫn tăng mạnh - Ảnh minh họa: T.N
Đây là số liệu được đưa ra trong buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2015 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sáng nay 12.4.
Theo các chuyên gia UNDP, tham nhũng tiếp tục là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam. Người dân sống ở đô thị chịu tác động của tham nhũng lớn hơn, bởi hơn 9% số người dân đô thị cho rằng tham nhũng là một trong những vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam.
Cụ thể, theo khảo sát năm 2015, có tới 51,29% người dân phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước, tăng cao hơn so với năm 2011 là 45,78%… Tham nhũng cũng có xu hướng gia tăng ở các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, giấy phép xây dựng, cán bộ dùng tiền công quỹ chi cho mục đích riêng. Theo UNDP, người dân bi quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công, trong tuyển dụng cán bộ, công chức viên chức.
Đáng chú ý, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính năm 2014. Số người lót tay để sử dụng dịch vụ y tế vẫn “ổn định” ở tỉ lệ 12% qua hai năm 2014 và 2015.
Cũng theo báo cáo PAPI, năm 2015 đã chứng kiến sự suy giảm về hiệu quả quản trị và hành chính công. Đặc biệt, điểm trung bình toàn quốc ở hai chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “công khai, minh bạch” sụt giảm mạnh, lần lượt giảm 3% và 7% so với năm 2014. Điểm sáng của PAPI là chỉ số “cung ứng dịch vụ công” tăng điểm, dù ở mức khiêm tốn.
Chỉ số PAPI là một trong những công cụ độc lập đo lường hiệu quả của bộ máy công quyền, mức độ hài lòng của người dân với năng lực quản trị và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2015, PAPI được đo lường dựa trên khảo sát 14.000 người dân.
Phạt hàng loạt công ty bán hàng đa cấp tại Đà Nẵng
Sau khi mạng lưới đa cấp siêu lừa đảo Liên Kết Việt sụp đổ với 1.250 nạn nhân cùng số tiền 20 tỉ đồng tại Đà Nẵng, thành phố tiếp tục phát hiện nhiều đơn vị đa cấp sai phạm - Ảnh minh họa chụp Trụ sở Liên Kết Việt tại Đà Nẵng đã đóng cửa: Nguyễn Tú
Ngày 12.4, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Đà Nẵng cho hay cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hàng loạt cơ sở bán hàng đa cấp trên địa bàn do có nhiều sai phạm.
Theo Chi cục, năm 2015 và quý 1 năm 2016, đơn vị kiểm tra 11 cơ sở hoạt độngbán hàng đa cấp, trong đó có đến 10 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính 118,5 triệu đồng.
Danh sách bị phạt gồm Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh 370 Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng (12,5 triệu đồng), cơ sở Nguyễn Văn Lượng 27 Nguyễn Tất Thành (6,25 triệu đồng), cơ sở Triều Khang (Đồng Quang Thành) 100 Nguyễn Chí Thanh và cơ sở Hoàng Giang Phúc (Ninh Duy Đạt) 47 Tiểu La cùng mức phạt 1,75 triệu đồng, cơ sở Ngọc Thái 571 Ngô Quyền (1 triệu đồng), cơ sở Hoàng Phi 29 Lý Chính Thắng (4 triệu đồng), cơ sở Hoàng Giang Phúc 33 Hòa An 2 (3 triệu đồng), cơ sở Nguyễn Thị Ngọc 382 Nguyễn Hữu Thọ (6,25 triệu đồng).
Các sai phạm chính về nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Mới đây nhất, Chi cục tiếp tục kiểm tra 4 đơn vị thì có đến 3 đơn vị bị xử phạt.
Trong đó, Công ty CP Everrichs (chi nhánh 35 Thái Phiên, Q.Hải Châu) bị phạt 40 triệu đồng, Công ty TNHH Elken International Việt Nam (chi nhánh 87 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê) bị phạt 50 triệu đồng cùng vi phạm không thực hiện đúng quy định về kinh doanh đa cấp, hàng hóa chưa đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, cơ sở Hoàng Gia Phúc (47 Tiểu La, Q.Hải Châu) bị phạt 2,5 triệu đồng do vi phạm nhãn hàng hóa với mặt hàng massage chân.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 8.2015, Công ty TNHH Elken International Việt Nam và Công ty CP Everrichs chi nhánh Đà Nẵng đã bị phạt lần lượt 62 và 20 triệu đồng cũng các lỗi vi phạm tương tự, nhưng không khắc phục.
Tăng cường mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt - Lào
Nước bạn Lào thông báo việc xả nước từ các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mê Kông để hỗ trợ nhân dân VN khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.
Từ ngày 11 - 13.4, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao VN thăm chính thức Lào theo lời mời của ông Phankham Viphavan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào.
Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao VN và Lào, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; thường xuyên phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lý luận và thực tiễn...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt - Lào...
Ông Phankham Viphavan thông báo bên cạnh việc xả nước từ các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mê Kông để hỗ trợ nhân dân VN khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên, chính phủ Lào đã quyết định viện trợ 200.000 USD và nhân dân Lào đã quyên góp 50.000 USD để giúp đỡ nhân dân các tỉnh chịu thiệt hại do thiên tai ở VN. Ông Đinh Thế Huynh thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân VN bày tỏ cảm ơn sâu sắc và đánh giá cao nghĩa cử quý báu này của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Chiều 11.4, tại thủ đô Vientiane, Tổng bí thư Bounnhang Volachith, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone đã thân mật tiếp Đoàn đại biểu cấp cao VN.
Đường nội ép người tiêu dùng
Chỉ cho nhập khẩu đường với hạn ngạch ít ỏi nhưng người dùng phải mua đường với giá cao ngất ngưởng. Đây là hiện trạng của VN.
Giá đường cát trắng bán lẻ tại các chợ TP.HCM hiện nay có mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Theo chị Thanh, một người tiêu dùng tại Q.Bình Tân (TP.HCM), chị luôn mua đường ngoài chợ để sử dụng. Dù không có nhãn mác nhưng giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại đường được gắn nhãn mác của các doanh nghiệp (DN). “Người lao động như chúng tôi chỉ biết mua hàng hóa càng rẻ càng tốt. Đường nào cũng là đường thôi nên không cần quan tâm đến tên tuổi. Ở các chợ toàn bán đường này”, chị Thanh nói.
Người tiêu dùng mất 7.000 tỷ mỗi năm
Trong khi đó, giá bán lẻ đường của các DN sản xuất trong nước phổ biến từ 19.000 đến hơn 20.000 đồng/kg như đường tinh luyện La Ngà 19.200 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa 20.600 đồng/kg, đường tinh luyện TSU cao cấp của Công ty mía đường Thành Thành Công Tây Ninh 19.100 đồng/kg...
Việc chênh lệch giá bán với mức hơn 20% giải thích cho câu chuyện vì sao mỗi năm lượng đường nhập lậu vào VN từ 300.000 - 400.000 tấn. Điều quan trọng nhất là hiện nay, ngành mía đường trong nước đang được bảo hộ với mức thuế nhập khẩu lên đến 80 - 100% (riêng với thuế nhập khẩu số lượng đường trong hạn ngạch là 25 - 40%). Việc bảo hộ này lại không mang lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Đại diện một DN thực phẩm tại TP.HCM chia sẻ: Giá đường trong nước luôn cao hơn đường nhập khẩu khoảng 20% khiến giá thành của các DN sản xuất cũng bị tăng theo, khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại ngay trên sân nhà. Dẫn số liệu giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 trên sàn hàng hóa ICE (Mỹ) chỉ có 359,6 USD/tấn trong những ngày giao dịch đầu tháng 4, vị này ngao ngán khi cho rằng các DN lẫn người tiêu dùng đều bị DN đường “móc túi” vì phải sử dụng đường giá cao.
Như vậy theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường VN, với mức tiêu thụ từ 1,4 triệu tấn - 1,6 triệu tấn từ năm 2014 đến nay, người tiêu dùng trong nước phải trả thêm cho khoản chênh lệch này hơn 7.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ai được hưởng lợi ?
Hiện có khoảng 39 DN mía đường trên cả nước nhưng có đến gần 10 DN có mối quan hệ tập trung với nhau mà trung tâm là Công ty cổ phần đầu tư Thành Thành Công (TTC). TTC hiện có 8 công ty thành viên trải dài từ miền Trung, Tây nguyên, đến miền Tây và miền Đông Nam bộ với công suất 29.000 tấn mía/ngày. Trong đó có 5 công ty chuyên sản xuất lớn là Thành Thành Công Tây Ninh (tiền thân là Mía đường Bourbon Tây Ninh), Thành Thành Công Gia Lai, Mía đường Biên Hòa, Công ty đường Biên Hòa - Ninh Hòa, Công ty đường Biên Hòa - Phan Rang… Trong đó hai thương hiệu đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh là nổi tiếng nhất cả nước. Bên cạnh đó, các công ty còn lại là Công ty TNHH thực phẩm công nghệ Minh Tâm và Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn là những “đại gia” hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm đường. Như vậy với hệ thống các công ty thành viên nêu trên, TTC có hoạt động khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối. Chỉ riêng báo cáo của Công ty Thành Thành Công Tây Ninh, thị phần của đơn vị này tại thị trường miền Nam trong vòng 3 năm qua đều chiếm đến 90%, phía bắc chiếm gần 10%. Đáng kể là lợi nhuận của các DN này vẫn gia tăng đều hằng năm. Ví dụ Công ty Thành Thành Công Tây Ninh trong nửa năm 2015 (từ ngày 1.7.2015 đến hết năm 2015) có tổng lợi nhuận trước thuế đạt 65,77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đó chỉ đạt 27,68 tỷ đồng. Hay Công ty đường Biên Hòa kết thúc năm 2015, sau khi thu gom Công ty đường Ninh Hòa cũng đạt lợi nhuận sau thuế 102,64 tỷ đồng (tăng 183% so với năm 2014)... Việc chiếm thị phần lớn, có khả năng chi phối giá đường và thực tế trên thị trường giá bán cũng đang cao nhất thị trường khiến các DN này hằng năm bỏ túi vài trăm tỷ đồng.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng nếu thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh, chắc chắn giá đường nhập khẩu và trong nước sẽ ngang nhau. Khi đó, người mua có quyền lựa chọn và không ai lại đi mua đường trong nước với giá cao hơn trong khi chất lượng chưa chắc tốt hơn. Nhưng vì hiện nay đường ngoại nhập vào VN không đủ cung cấp cho thị trường, nên dẫn tới chênh lệch giá khá cao.
Theo ông Ngãi, chỉ còn một cách duy nhất là thả nổi giá đường, để hàng thế giới tự do vào VN, đặc biệt là đường Thái Lan, đường từ Lào... Đường trên thị trường vì thế sẽ đa dạng chủng loại hơn, giá rẻ hơn, đương nhiên giá đường trong nước cũng phải giảm. Đường là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác, như bánh kẹo, sữa..., những ngành này sẽ được lợi thế phát triển nếu ngành đường VN kéo giảm giá xuống. “Cho đường nước ngoài nhập khẩu tự do thì lợi thế nhiều hơn là mất. Về mặt phúc lợi xã hội cũng gia tăng. Nông dân cũng sẽ chuyển đổi cây trồng khác chứ không thể chờ đợi vào bảo hộ ngành đường mãi được. Với vị trí thống lĩnh thị trường của TTC, họ dễ dàng kiểm soát thị trường, chính vì hàng nhập không đủ cung cấp cho thị trường nên có sự chênh lệch cao về giá giữa đường trong và ngoài nước. Khi tiến tới mở cửa thị trường hoàn toàn, thì cho dù TTC có lớn đi mấy chăng nữa cũng khó thao túng được giá như hiện nay”, TS Ngãi nhấn mạnh.
Phát hiện cơ sở sản xuất trà giả nhãn hiệu quy mô lớn
Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 1,5 tấn trà nguyên liệu chưa gia công cùng số lượng lớn trà đã thành phẩm (ảnh).
Chiều 9.4, Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng lực lượng chức năng Công an Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, gia công chế biến trà tại hẻm 127/8D Võ Văn Kiệt (P.An Hòa, Q.Ninh Kiều).
Tại đây, lực lượng kiểm tra đã bắt quả tang ông Lưu Ngọc Vinh (ngụ P.An Hòa, chủ của 4 cơ sở trên) đang tổ chức sản xuất, gia công đóng gói làm giả các loại trà có thương hiệu trên thị trường để bán tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.
Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 1,5 tấn trà nguyên liệu chưa gia công cùng số lượng lớn trà đã thành phẩm (ảnh).
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
(
Tinkinhte
tổng hợp)