Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản giới thiệu chữ ký của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; 3 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 14-04-2016
- Cập nhật : 14/04/2016
Philippines, Việt Nam bàn chuyện tập trận, tuần tra chung ở Biển Đông
Kỳ hạm 011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam cập cảng Manila, Philippines trong chuyến thăm cuối tháng 11.2014 - Ảnh: Mai Thanh Hải
Trung Quốc triển khai phi pháp chiến đấu cơ J-11 ở Hoàng Sa
Theo Fox News, hình ảnh vệ tinh từ ImageSat International, chụp hôm 7/4 và được các quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận là thực cho thấy hai chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một hệ thống radar kiểm soát hoả lực mới lắp đặt trên đảo. Điều này giúp giàn phóng tên lửa đất đối không Trung Quốc triển khai hồi tháng hai đi vào hoạt động đầy đủ, kênh truyền hình này cho biết.
Quân đội Mỹ quan ngại radar sẽ mới cho phép Trung Quốc theo dõi chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay thu thập thông tin tình báo Mỹ đang giám sát quân đội Trung Quốc. Các hình ảnh từ ImageSat International cho thấy 4 trong số 8 tên lửa phòng không sẵn sàng khai hoả ở phía đông đảo Phú Lâm. J-11 bắt đầu đi vào phục vụ năm 1998. Chúng là phiên bản cải biến của máy bay Su-27 Nga, tương đương với máy bay F-15 của không quân Mỹ hoặc F/A-18 của hải quân Mỹ.
Trung Quốc vài lần gần đây ngang nhiên triển khai J-11 lên đảo Phú Lâm.Fox News đưa tin về một lần triển khai hồi tháng hai, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc ở Washington D.C. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đăng ảnh J-11 trên đảo này.
Các quan chức Mỹ và Đài Loan hồi tháng hai xác nhận Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông. Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối nước này đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm, cho rằng đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Phụ nữ người Việt ngồi tù 25 năm ở Campuchia vì buôn heroin
Ho Thi Nhu Thuy, 26 tuổi, và chồng là Samuel Amechi Okeke, 34 tuổi, bị bắt từ tháng 7/2014 sau khi hải quan Australia phát hiện 10 balo chứa heroin mà hai người này chuyển từ một bưu điện ở quận Dangkao, Phnom Penh sang trước đó hai tháng.
Okeke bị giam tại nhà tù Prey Sar với hệ thống an ninh nghiêm ngặt bậc nhất Phnom Penh. Anh này cũng đối mặt với cáo buộc dính líu đến 13 kg ma túy đá mà giới chức tịch thu từ một người Campuchia cuối tháng trước. Đây là vụ buôn ma túy lớn nhất bị triệt phá trong năm nay, theo tiết lộ của ông Hun Rithy, phó cục trưởng Cục An ninh Nội địa, Bộ Nội vụ Campuchia.
Tuy nhiên, theo cảnh sát, số ma túy trên vẫn chỉ là một phần trong đường dây phân phối ma túy do Okeke và 4 kẻ khác vận hành.
Theo Daily Post Nigeria, trong phiên tòa hồi tháng hai, Thuy đã nhận tội gửi 10 balo chứa ma túy trên nhưng nói rằng cô ta thực hiện theo yêu cầu của một người bạn và không biết trong đó là heroin.
Okeke cũng khai tương tự. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận lời biện hộ của hai bị cáo trên và tuyên án mỗi người 25 năm tù cùng số tiền phạt 12.500 USD.
Khi được áp giải ra khỏi tòa, Okeke tuyên bố không chấp thuận bản án. Trong khi đó, ông Rithy cho rằng mức án trên là xứng đáng với Okeke và Thuy.
Nhu cầu tuyển sếp của doanh nghiệp tăng gấp rưỡi
Báo cáo quý của Công ty Navigos Search - đơn vị chuyên tuyển dụng nhân sự cấp cao cho biết, tháng 3 nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp tăng gần 50-60% so với 2 tháng đầu năm. Tính chung trong quý I năm nay, nhu cầu tuyển dụng vị trí lãnh đạo nhiều gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, các công việc cần tuyển nhiều nhất liên quan đến bán hàng và tiếp thị, kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư điện-điện tử, nhân sự…
Lãnh đạo Navigos Search cũng cho biết một diễn biến mới trên thị trường là nhu cầu tìm kiếm nhân sự cấp cao của các tập đoàn Việt Nam. Điểm chung của các tập đoàn này là mong muốn phát triển một cách chuyên nghiệp sau một thời gian dài áp dụng các mô hình quản lý mang tính gia đình. Các đơn vị này sẵn sàng trả lương cao để chiêu mộ nhân tài, kể cả người Việt từ nước ngoài về làm việc.
Báo cáo cũng cho biết, nhân sự cấp cao trong ngành đồ uống, nước giải khát và ngành dịch vụ vận chuyển có sự biến động mạnh trong quý. Nguyên nhân là thị trường ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ khi xuất hiện nhiều các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường.
"Nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp trong các tập đoàn này được thay thế bằng các lãnh đạo người nước ngoài được được điều chuyển từ tập đoàn mẹ sang", báo cáo đánh giá.
Cũng theo Navigos Search, trong quý I, có 2 vị trí được trả mức lương cao nhất thuộc về các vị trí lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại cổ phần và một công ty dịch vụ với mức lương trên 200 triệu đồng một tháng.
Các vị trí lương cao tiếp theo từ 100 triệu đến 145 triệu đồng mỗi tháng đều thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, thương mại và ngân hàng.
Sẽ thanh tra Vietcombank trong 2 tháng
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định thanh tra tại Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Theo Quyết định này, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Vietcombank gồm các nội dung như hoạt động tín dụng; hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư mua sắm diễn ra trong năm 2014, 2015. Thời gian thanh tra làm việc là 60 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ).
Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Quang Thía, Vụ trưởng Vụ II làm trưởng đoàn; Tổ giám sát đoàn thanh tra do ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra làm tổ trưởng.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, đây là cuộc thanh tra bình thường, đã nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2016 được Thủ tướng đồng ý. Theo ông Dũng, lần thanh tra tương tự gần nhất với ngân hàng đã diễn ra cách đây gần 20 năm (tầm năm 1996).
Vietcombank chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2008. Ngày 15/4 tới đây, ngân hàng này sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng. Hiện, Vietcombank có vốn điều lệ 26.650 tỷ đồng, ngân hàng này sẽ phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu, tương đương 9.327 tỷ đồng từ nguồn thặng dư và lợi nhuận tích lũy đến hết năm 2015.
Ngoài ra, Vietcombank còn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 10% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Giá bán, theo phương án trong tờ trình đại hội cổ đông, sẽ do các bên thỏa thuận có tính đến tư vấn định giá của đơn vị tư vấn tài chính và đảm bảo lợi ích tổng thể của Vietcombank và các cổ đông. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán tối đa cho 10 nhà đầu tư, có thể bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu.
Năm 2015, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 674.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6.827 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu 1,84%. Năm 2016, ngân hàng dự kiến đưa tổng tài sản lên 765.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với mức lợi nhuận đạt được năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.