Đề nghị miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng, Trưởng ngành
Thanh Hóa: Thêm 3 dự án thủy điện đi vào vận hành từ cuối năm nay
Sự lạnh lùng của con số
Hải quan An Giang: Bắt giữ 150 kiện hàng có dấu hiệu nhập lậu
Tái bổ nhiệm bà Vũ Thị Mai giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính
Quê nghèo xác xơ vì vỡ nợ hàng chục tỷ đồng
- Cập nhật : 14/04/2016
(Tin kinh te)
7 hộ gia đình đồng loạt khóa chặt cửa, bồng bế nhau trốn khỏi địa phương, để lại số nợ trên 80 tỷ đồng. Các chủ nợ tràn đến tháo dỡ tất cả những gì có thể trong nhà rồi đánh con nợ trọng thương.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hàng loạt gia đình thế chấp bìa đỏ tại ngân hàng, bán hết phương tiện sản xuất, vay tiền những người thân quen, dồn cho con nợ. Cả một miền quê chết lặng trong nỗi đau không thể kêu than, không hướng giải quyết.
Con nợ và những chiêu trò ma mãnh
Theo Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bà Trần Thị Xoan (SN 1981) cùng chồng là Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977, trú xóm 13, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu) tổ chức thành lập phường hụi từ năm 2009, tiến hành nhận tiền gửi của 135 hộ, với tổng số tự khai là 19.525.000.000 đồng; Trần Thị Thanh (SN 1983) cùng chồng là Bùi Kính (SN 1978, trú xóm 9, xã Quỳnh Thanh) nhận tiền của 29 hộ với tổng số 9.032.000.000 đồng; Trần Thị Yến (SN 1984) và chồng là Nguyễn Bá Triều (SN 1976, trú xóm 7, xã Quỳnh Thanh) nhận tiền của 46 hộ với tổng số 5.834.200.000 đồng.
Tất cả đều theo phương thức, trả lãi suất cho các chủ nợ 2.000 đồng/triệu/ngày, cho các con nợ khác vay lại với lãi suất 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày.
Trong số các con nợ, đôi vợ chồng Hồ Thị Sáng (SN 1987) và Trần Văn Mạnh (SN 1979, trú xóm 7, xã Quỳnh Thanh) là táo tợn nhất. Để tạo niềm tin, huy động được vốn nhiều, Sáng - Mạnh xây một ngôi nhà 5 tầng, mặt tiền mỗi tầng đều treo những tấm biển cực lớn như: cà phê - karaoke - bóng đá , buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý, thế giới di động… nhưng thực chất, bên trong không kinh doanh gì.
Để thể hiện mình là người có tiền, Sáng “chơi ngông” theo kiểu, dùng xe 4 chỗ chở cám ra trại cho lợn ăn.... Bằng những chiêu thức đó, Sáng đã huy động khắp trong làng ngoài xã tổng số vốn lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sáng còn lừa mượn cả bìa đỏ, thế chấp cho cá nhân để vay tiền. Sau khi huy động được vốn của nhiều người, Sáng bỏ toàn bộ cơ ngơi mới xây, đưa cả gia đình trốn khỏi địa phương, khiến các chủ nợ hoảng loạn, nháo nhác.
Khác hẳn với vợ chồng Sáng-Mạnh, bà Phan Thị Truyền (SN 1962, trú xóm 5, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu) là một nông dân thực thụ. Thế nhưng, chính vẻ bề ngoài chân chất, thật thà của bà lại qua mặt được biết bao khổ chủ.
Mỗi khi nhận tiền của chủ nợ, bà trích luôn tiền (từ chính số tiền vay) trả lãi trước cả năm nên các chủ nợ mê tít. Cứ đến kỳ vay ngân hàng, bà thuê hẳn một xe chở các khổ chủ mang bìa đỏ vào ngân hàng để họ tự làm thủ tục. Khi họ vừa nhận tiền ra khỏi ngân hàng, bà lập tức lấy luôn.
Người nông dân nghèo khó được bà cho ngồi xe hơi, đãi hai bữa sáng, trưa, lại được nhận tiền lãi ngay tại chỗ nên một đồn mười, mười đồn trăm, uy tín của bà ngày càng cao.
Bà còn sử dụng chiêu bài kêu gọi hùn vốn, xây dựng đại lý bán thức ăn hoặc xây dựng hồ nuôi tôm để nhận tiền của các hộ ngoài xã như ông Hồ Minh T. (xóm 13, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) 2 tỷ đồng, ông Hồ H. (xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) 1.200.000.000 đồng, bà Hoàng Hoa C. (Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) 5.500.000.000 đồng....
Để lấy lòng tin, bà dẫn khổ chủ đến tận các hồ tôm, các mảnh đất mặt tiền, chỉ cho họ thấy sự giàu có của mình. Cho đến lúc bà trốn khỏi địa phương thì những người cùng hùn vốn làm ăn mới ngã ngửa, khi biết hồ tôm, đất đai đều của người khác, tài sản của bà chỉ có 3 gian nhà cấp 4, trong nhà không có vật gì giá trị.
Hệ lụy
Những ngày này, ở xã Quỳnh Thanh, người dân không còn ồn ào, kêu khóc, họ chết lặng, cam chịu vì biết số nợ không cách gì lấy lại được. Khi mới vỡ nợ, một số chủ nợ bức xúc đã bao vây, đánh đập ông Thịnh, bà Truyền, may mắn được Công an xã Quỳnh Thanh đến can thiệp kịp thời đưa đi viện, nhân cơ hội đó họ nhanh chân trốn biệt khỏi địa phương.
Tất cả các ngôi nhà con nợ đều tan hoang, vỡ nát, khung cửa chính, cửa sổ, xà nhà, cánh cửa, vật dụng trong nhà... đều bị các chủ nợ đến gỡ sạch, còn trơ lại tường xây.
Khi được hỏi đến, các chủ nợ chỉ biết ngao ngán, thở dài, “tính ra, cho vay lãi lời hơn đầu tư, nai lưng cày cuốc”. Nhiều gia đình, bìa đỏ kẹt lại trong ngân hàng không rút về được, lại bị ngân hàng thúc nợ nên vợ chồng bên bờ vực ly hôn.
Những người huy động tiền của anh em, bà con về cho con nợ vay, giờ mất trắng nên nội ngoại thân thích quay lưng. Ngân hàng cũng gánh phần hệ lụy vì người nghèo Quỳnh Thanh thế chấp bìa đỏ, vay đến 20 tỷ, nay không có đáo hạn.
Để đề phòng, ngăn chặn phát sinh và làm rõ vụ việc, Đại tá Trần Thăng Long - Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đã cử một đội công tác, kết hợp cùng Công an xã Quỳnh Thanh bám sát địa bàn, ổn định tình hình, động viên bà con.
Việc cho vay nợ với lãi suất cao tại xã Quỳnh Thanh đã xảy ra trong một thời gian dài, dẫn đến vỡ tín dụng nên cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành liên quan cần tuyên truyền, vận động không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Đây là việc, các công dân tự nguyện giao tài sản cho nhau với mục đích thu lợi nhuận thuộc giao dịch dân sự, do Bộ luật dân sự điều chỉnh nên hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục gửi đơn lên Tòa án huyện để được giải quyết.
Trong thời gian này, UBND xã Quỳnh Thanh cũng không xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào của những người liên quan. Công an Quỳnh Lưu vẫn đang tiếp tục thu thập xác minh, khi có đủ căn cứ, dấu hiệu vi phạm sẽ tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật .
Nguyễn Kim Cương
Theo Báo Công Lý