Hôm nay chốt phương án tăng lương tối thiểu 2016
Gần 2.400 tỷ nâng cấp La Lay thành cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu
Từ ngày 15/10: Thêm ba mặt hàng, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu
Cơ hội mua 50.000 sản phẩm giá ưu đãi Ngày mua sắm trực tuyến
Hơn 1.000 tỷ đồng xây kè chống ngập cửa ngõ phía Đông TP HCM
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 10-06-2016
- Cập nhật : 10/06/2016
Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của ĐBSCL giảm
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 năm 2016 ước đạt 369 ngàn tấn, tương đương với cùng kì năm trước, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.149 ngàn tấn.
Do nhu cầu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp không ổn định dẫn đến giá cá tra lúc tăng lúc giảm, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể (-7%) so với cùng kỳ, ước đạt 358.508 tấn. Trong đó các tỉnh có sản lượng giảm mạnh như: Vĩnh Long 31.178 tấn (-13%), An Giang 82.685 tấn (-17%), Đồng Tháp 15.961 tấn (-7%).
Tình hình thời tiết bất lợi trong tháng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất tôm. Diện tích tôm bị thiệt hại khá lớn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nắng nóng, độ mặn cao. Ngoài ra, giống kém chất lượng cũng là một tác nhân lớn làm cho tôm chết khá nhiều. Các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát nhằm hạn chế thiệt hại. Sản lượng thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long 5 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau: Tôm sú: diện tích ước đạt 526.281 ha, tăng 2%, sản lượng ước đạt 72.257 tấn (-12%); Tôm thẻ chân trắng: diện tích ước đạt 24.017 ha (-5%), sản lượng ước đạt 40.811 tấn (-14%).
Nghêu rớt giá thê thảm
Từ đầu tháng 6 đến nay, các HTX, tổ hợp tác nuôi nghêu ở vùng biển Trà Vinh bước vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, với điệp khúc “được mùa nhưng rớt giá”, bà con ở vùng nuôi nghêu nơi đây đang phải lao đao, đối mặt nhiều nỗi lo toan khi đứng trước tình thế bị thất thu hàng tỉ đồng.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 7 HTX và tổ hợp tác được nhà nước giao đất bãi bồi trên biển để nuôi nghêu. Xã viên và tổ viên tham gia nuôi nghêu đa phần là các hộ nghèo không có đất canh tác, sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu ở Trà Vinh chưa bền vững khi chưa có sự ổn định về đầu ra của sản phẩm.
Vụ năm nay, HTX Tiến Thành thả nuôi hơn 2,7 tỉ đồng nghêu giống trên diện tích gần 200 ha bãi bồi ven biển và đang bước vào vụ thu hoạch rộ, ước tính sản lượng nghêu thương phẩm đạt trên 600 tấn. “Nghêu năm nay thu hoạch đạt năng suất cao hơn năm ngoái 100 tấn. Thế nhưng, giá nghêu thương phẩm bán ra chỉ được 17.000 đồng/kg, thấp hơn bình thường 4.000 đồng/kg, vậy mà vẫn không có thương lái đến thu mua hết sản lượng. Với tình hình giá cả hiện nay, ước tính HTX thất thu 2,4 tỉ đồng”- ông Phạm Văn Trường, Giám đốc HTX nuôi nghêu Tiến thành, cho biết.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, mỗi năm, sản lượng nghêu thương phẩm ở địa phương này bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn. Bình quân, cứ 1 đồng vốn bà con đầu tư vào nuôi nghêu thì sẽ được khoảng 1 đồng lời. Thế nhưng, do không đảm bảo được tính ổn định của đầu ra nên nhiều bà con chán nản, không dám mạnh dạn nuôi nghêu, sợ “đem tiền bỏ biển”. Tình trạng thương lái liên kết để chèn ép giá cũng khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ nghêu ở Trà Vinh càng trở nên khó khăn hơn.
Đạm Cà Mau: Đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng phân bón
Tuy nhiên, để bảo đảm việc xuống vụ của bà con được diễn ra thuận lợi, đón đầu những cơn mưa để canh tác, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC – thương hiệu Đạm Cà Mau) vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với sản lượng cung cấp ổn định. Theo đó, có hơn 240.000 tấn ure chất lượng cao, được sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt, giúp cây khỏe, xanh bền hơn các loại phân bón thông thường, sẽ cung cấp kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ của bà con nông dân trong vụ hè thu năm 2016. Đồng thời, sử dụng phân bón này còn giúp bà con tiết kiệm hơn từ 5-10% lượng phân bón sử dụng.
Ngoài ra, Đạm Cà Mau còn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hướng đến bà con nông dân trên khắp cả nước trong tháng 4-6/2016, như tổ chức trên 100 cuộc hội thảo nông dân, tư vấn kỹ thuật, tham gia Chương trình hợp tác 4 nhà tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng chuỗi giá trị nông sản Việt… nhằm hỗ trợ bà con trong những lúc khó khăn. Đặc biệt, Đạm Cà Mau còn tổ chức Chương trình tri ân nông dân với chủ đề “Hạt ngọc mùa vàng - Gởi ngàn tri ân” gồm rất nhiều phần quà ý nghĩa với tổng giá trị lên đến hơn 5 tỷ đồng, nhằm thay lời cảm ơn chân thành của công ty đến bà con nông dân đã gắn kết với Đạm Cà Mau trong 5 năm qua.
Với tâm thế sẵn sàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con nông dân với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hướng đến sự hài lòng cao nhất của khách hàng, Đạm Cà Mau luôn vững tin sẽ được bà con nông dân khắp cả nước đón nhận và gắn kết cùng chia sẻ, hỗ trợ và vượt qua những khó khăn để hướng đến những mùa vàng thắng lợi trong thời gian tới.
Tháng 5/2016 vừa qua, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau là 1 trong 20 doanh nghiệp trên cả nước vinh dự được Chính phủ trao tặng Giải vàng Chất lượng quốc gia. Đây là ghi nhận xứng đáng và cũng là sự khẳng định “chất lượng” từ những sản phẩm, dịch vụ của Đạm Cà Mau đang nỗ lực ngày đêm mang đến cho bà con nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam trong 5 năm qua và trong tương lai.
EVN: Huy động cao nhiệt điện than và tua bin khí
Tháng 5, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 15,96 tỷ kWh. Lũy kế 5 tháng, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 69,84 tỷ kWh, tăng 12,11% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó thủy điện chiếm 26,07%, nhiệt điện than chiếm 41,30%, tua bin khí chiếm 29,76%, nhiệt điện dầu chiếm 1,53% và nhập khẩu chiếm 1,37%).
Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 13,53 tỷ kWh. Tính chung cả 5 tháng, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 61,9 tỷ kWh, tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa tăng 12,45%.
Cũng theo EVN, xu hướng truyền tải trên lưới 500kV tiếp tục theo hướng Bắc - Trung truyền vào Nam do tăng cường khai thác nguồn điện miền Bắc để tiết kiệm thuỷ điện miền Trung và miền Nam. Mức truyền tải cao nhất thực hiện trên đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng, với công suất cực đại 2.123MW.
Về cơ bản, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy cho nền kinh tế và xã hội, đặc biệt đã đảm bảo cung cấp điện trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo nhận định của EVN, tháng 6 bắt đầu vào cao điểm mùa nắng nóng tại miền Bắc, dự kiến phụ tải trung bình của hệ thống điện có thể đạt tới 540 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 28.530 MW. Với hệ thống điện hiện có, EVN đảm bảo đáp ứng đủ điện cho các nhu cầu phụ tải.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 6 là khai thác các nhà máy thuỷ điện theo biểu đồ điều tiết, tiếp tục đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du; khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua bin khí; huy động nhiệt điện dầu Ô Môn và Cà Mau khi cần thiết.
Các Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; triển khai phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô 2016.
Được biết, EVN cũng đang chỉ đạo các đơn vị bám sát và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lưới và nguồn điện nhằm tăng cường cho hệ thống điện quốc gia.