Việt Nam đề nghị Trung Quốc và ASEAN trao đổi thực chất về COC
Đại sứ Ted Osius: Hoa Kỳ không muốn đặt căn cứ tại Việt Nam
Đại sứ Osius: Mỹ có thể tận dụng các dịch vụ ở cảng Cam Ranh
Người Việt mua gần 3 triệu chiếc xe máy mỗi năm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 10-06-2016
- Cập nhật : 10/06/2016
BIDV: Nghĩa vụ trả nợ lớn gây sức ép cân bằng ngân sách
Một phần nợ công được dùng để đảo nợ thay cho đầu tư phát triển, trong khi các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả ngắn hạn ngày càng tăng.
Những đánh giá về nợ công của Việt Nam 4 năm qua được Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra khá chi tiết trong bản báo cáo “Đánh giá thực trạng nợ công Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016 – 2020” vừa công bố.Theo đó, 4 năm qua, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức tăng 16,7% một năm. Tới cuối năm 2015, dư nợ đã lên đến 2,6 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cuối năm 2011. Con số này tương đương 62,2% GDP vào cuối năm 2015, sát ngưỡng trần Quốc hội phê duyệt là 65%.
Nguồn vay nợ công cũng đã có sự chuyển dịch từ vay nước ngoài, bình quân 3 tỷ USD một năm, sang vay trong nước thông qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ kể từ khi Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình năm 2010. Tỷ trọng vay nợ trong nước đã đạt lên 57,1% vào cuối năm 2015, tăng khoảng 17,1% so với 4 năm trước.
Đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu BIDV cũng cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế có mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, đầu tư dàn trải, ngân sách vẫn phải dành 14-16% tỷ lệ trả nợ trong kỳ dành cho trả nợ.
"Việc dành một phần lớn dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác", BIDV đánh giá.
Tuy các tổ chức quốc tế và trong nước đều đánh giá khả năng vỡ nợ của Việt Nam là thấp, nhưng theo phân tích, thực tế nợ cộng vẫn đang là vấn đề cấp bách do chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo. Bốn năm qua nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn/thu ngân sách Nhà nước đã tăng lên 22,3%, chỉ còn cách ngưỡng an toàn 2,7%. Nghĩa vụ trả nợ cũng tăng nhanh, từ 80.000 tỷ đồng năm 2014 lên 150.000 tỷ đồng sau một năm, trong khi khả năng gia tăng thu ngân sách giảm mạnh.
"Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách", bản báo cáo đánh giá.
Theo kế hoạch, riêng trong năm 2016, Chính phủ dự kiến sẽ dành 273.300 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD) để trả nợ năm nay, gồm: trả nợ trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm (154.000 tỷ đồng), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại (24.000 tỷ đồng), đảo nợ (95.000 tỷ đồng)...
Vì vậy, để kiểm soát nợ công an toàn, BIDV đề xuất thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công với chức năng giám sát các vấn đề nợ công và ngân sách...Trong thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính tự ra quyết định về ngân sách Nhà nước, phê duyệt các khoản vay và đầu tư trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đã được Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công chấp thuận. BIDV cũng đề xuất cần lựa chọn một định chế tài chính có kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản vay nước ngoài, năng lực về tài chính để có thể chịu được rủi ro không ảnh hưởng đến ngân sách…
Thị trường trái xoài của Úc và các giải pháp xuất khẩu
Úc là một trong những nước có các qui định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới.
Úc đã xây dựng khuôn khổ chính sách về an toàn sinh học nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trước những rủi ro do côn trùng có hại xâm nhập và phát tán. Tiến trình phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) là một phần quan trọng trong chính sách an toàn sinh học của Úc. Trước khi cân nhắc việc cho phép nhập khẩu một sản phẩm mới, việc phân tích rủi ro nhập khẩu được tiến hành một cách chính thức. Nếu phát hiện có nguy cơ rủi ro, các biện pháp kiểm soát rủi ro sẽ được đề xuất để làm giảm thiểu rủi ro ở mức có thể kiểm soát được, trong trường hợp không thể giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sản phẩm mới sẽ không được cấp phép nhập khẩu vào nước Úc.
Trong quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Úc sử dụng các chuyên gia về khoa học và kỹ thuật và các tư vấn gia cùng các bên có liên quan để đánh giá và đề xuất các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Bộ Nông nghiệp dựa trên báo cáo của các chuyên gia sẽ quyết định việc cấp phép hoặc không cấp phép nhập khẩu và chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp.
Tại thời điểm hiện tại, Úc mới chỉ mở cửa cho trái vải tươi của Việt Nam từ ngày 17/4/2015 sau 12 năm đàm phán và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để mở cửa từng loại trái cây một, trước mắt là xoài và thanh long.
Việt Nam nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu xoài từ năm 2009.
Ngày 1/8/2014, Bộ Nông nghiệp Úc đã chính thức thông báo việc thực hiện phân tích đánh giá rủi ro đối với xoài Việt Nam.
Tháng 2/2015, Việt Nam yêu cầu được cấp phép với hình thức xử lý nhiệt hơi hoặc chiếu xạ.
Ngày 28/7/2015, Bộ Nông nghiệp Úc đã thông báo công khai trên mạng cho các bên có liên quan bản dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro. Báo cáo đã xác định các loại côn trùng có hại đòi hỏi phải có các biện pháp kiểm dịch để quản lý rủi ro. Thời hạn nhận ý kiến đóng góp đến hết ngày 26/8/2015.
Sau khi nhận ý kiến của các bên có liên quan, Bộ Nông nghiệp Úc đã chỉnh sửa và soạn thảo báo cáo cuối cùng. Báo cáo cuối cùng được công khai trên trang web của Bộ Nông nghiệp Úc và thông báo cho các bên có liên quan và Ban thư ký WTO từ tháng 11/2015. Các điều kiện trong báo cáo cuối cùng sẽ là cơ sở để cấp giấy phép nhập khẩu. Hiện, Úc đang làm các thủ tục cuối cùng để cấp phép nhập khẩu cho xoài của Việt Nam.
Để góp phần vào việc đưa trái xoài nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Úc ngay sau khi được Chính phủ Úc cấp phép, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Úc triển khai đề án nghiên cứu “Thị trường trái xoài của Úc và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu trái xoài Việt Nam vào thị trường này” nhằm nghiên cứu tình hình sản xuất và tiêu thụ trái xoài của thị trường Úc; các qui định về kiểm dịch đối với trái vải; kênh phân phối và thị hiếu tiêu dùng để từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực góp phần đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài sang thị trường Úc, góp phần mở đường cho nông sản Việt Nam sang Úc, gia tăng thu nhập cho nông dân, và góp phần ổn định kinh tế đất nước. Thương vụ sẽ lần lượt giới thiệu các bài viết về thị trường xoài của Úc để doanh nghiệp tham khảo.
Australia, Brazil cảnh báo thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), mới đây cơ quan quản lý của Australia và Brazil đã cảnh báo một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào hai thị trường này vì lý do liên quan tới chất lượng và thông tin trên nhãn sản phẩm.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã thông báo lô hàng cá điêu hồng đông lạnh của Công ty CP Sài Gòn Food (DL 366) xuất khẩu vào Australia bị phát hiện nhiễm kháng sinh Enrofloxacine. Do đó, phía Úc sẽ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng thủy sản được sản xuất bởi DL 366 khi xuất khẩu vào Australia.
Trước tình trạng này, Nafiqad yêu cầu DL 366 nghiên cứu quy định của Australia về mức giới hạn các chỉ tiêu an toàn thực phẩm để thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý sản xuất để việc xác định nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản; lập báo cáo giải trình về Nafiqad trước ngày 20-6.
Ngoài ra theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad, mới đây, Nafiqad cũng nhận được Công hàm 39/16 của Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam, thông báo lô hàng cá tra phi lê đông lạnh sản xuất bởi Công ty CP Thủy sản Me Kong (DL 183) bị Cơ quan thẩm quyền Brazil cảnh báo thông tin về dinh dưỡng trên nhãn của sản phẩm vi phạm Quyết định RDC ANVISA SỐ 359/2003 của Brazil.
Theo quy định của Brazil, khẩu phần của cá tra phi lê đông lạnh phải được thể hiện bằng đơn vị gam, các nội dung trong bảng dinh dưỡng, ví dụ như muối, phải mô tả dưới dạng trọng lượng/gam để có thể thấy được biểu so sánh.
Các sai lỗi trên không được phát hiện trong nhãn số 0003/DL 183 đã được Cục Thanh tra các sản phẩm có nguồn gốc động vật (DIPOA) phê duyệt. Do vậy, phía Brazil yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại đăng ký nhãn theo các quy định của Brazil gửi cho DIPOA để cập nhật lại nhãn.
Thời gian qua, việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không tuân thủ theo hướng dẫn, quy định đã dẫn đến tồn dư trong sản phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tạm dừng nhập khẩu. Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập này, ngày 30-5, Bộ NNN&PTNT đã ban hành chỉ thị số 4361/CT – BNN- TY về việc tăng cường công tác thú y trong thủy sản.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, phế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản...
Cục Thú y cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu...
Đối với Nafiqad, Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản; tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh.
Hàn Quốc liên tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sau hơn 27 năm có mặt tại Việt Nam, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tính đến tháng 4/2016, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt hơn 48 tỷ USD với 5213 dự án.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Hàn Quốc tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt 23,4%/năm. Năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 34,3 tỷ USD tăng 29,2% so với năm 2014.
Tính đến tháng 4 năm 2016, tổng kim ngạc thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, các loại hàng rau, củ, quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.. Còn Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu các sản phẩm máy tính điện tử, linh kiện điện tử, vải và các sản phẩm từ vải…
Phát biểu trước Hiệp hội các nhà xuất khẩu Hàn Quốc (KOIMA), Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho biết mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam đã được thành tích ấn tượng, tăng trưởng GDP đạt 6,68%, ở mức cao của khu vực Đông Nam Á trong năm 2015.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 đạt 328 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục cam kết không ngừng cải thiện điều kiện kinh doanh, minh bạch hóa, thông thoáng về tài chính ngân hàng, cải thiện thể chế từng bước hội nhập sâu rộng với các FTA đã được kí kết
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc từ khi đi vào hiệp lực đã có những tác động tích cực đến kinh tế giao thương hai nước.
Về vấn đề này, ông Myong- Jin Shin, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Hàn Quốc KOIMA cho biết sau khi FTA Việt Nam- Hàn Quốc có hiệu lực kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Hàn Quốc tăng 37%, lớn hơn nhiều so với kỳ vọng, trong đó các mặt hàng hoa quả, rau, củ tăng 26%
Chủ tịch KOIMA cho biết các thành viên KOIMA hiện đang làm việc với 60.000 nhà cung cấp đến từ 100 quốc gia, ông hy vọng, FTA Hàn Quốc- Việt Nam sẽ tạo ra bước tiến mới vững chắc trong quan hệ giao thương hai nước, quy mô giao thương giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, đóng góp vào sự phát triển cân bằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Ông Myong- Jin Shin khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Hàn Quốc hiện này.
Hàn Quốc thị trường nhập khẩu lớn thứ hai tại Việt Nam và Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam.